Trong bốn giải quần vợt lớn hàng năm, tiếng Anh gọi là Major hay Grand Slam, thì giải Wimbledon được xem là sáng giá nhất vì nó lâu đời nhất và được chơi tại quê hương của môn thể thao quý tộc này. Gọi là quý tộc vì môn “Lawn Tennis” này được chơi trên sân cỏ, mà sân cỏ thì ngày xưa không phải ai cũng có. Chỉ có giới thượng lưu nhiều tiền của và thì giờ mới “huỡn” đủ để chơi.

Môn tennis có một lịch sử rất lâu đời, xuất phát từ bên Pháp vào khoảng thế kỷ 12. Lúc đầu nó là trò đánh banh bằng tay, chơi trên sân đất. Chữ “racket” mà ngày nay ta gọi là cây vợt thật ra đến từ chữ “rakhat” tiếng Ả Rập, có nghĩa là “lòng bàn tay”! Theo thời gian trò chơi này thay đổi dần dần. Ðến khoảng thế kỷ 16 thì người ta bắt đầu dùng vợt thay vì dùng tay để đánh banh. Các vua chúa bên Pháp và Anh rất mê môn chơi này, và cho xây rất nhiều sân. Một số sân tennis kiểu xưa này vẫn còn sót lại tại những vùng như Oxford, Cambridge bên Anh. Trong vở kịch “Henry V” (1599) William Shakespeare đã dùng chữ “tennis balls” để chế giễu vua Henry như một đứa bé còn ham đánh banh.
Ðến thế kỷ 17-18 thì môn chơi này bớt thịnh hành vì phong trào “dân chủ” bắt đầu nhen nhúm. Giai cấp quý tộc và giới giáo sĩ bên Pháp từ từ bị lép vế, nhất là sau khi nước Mỹ tuyên bố độc lập và tách khỏi mẫu quốc Anh. Năm 1789, đại diện dân chúng ở Pháp nhóm họp tại một sân tennis để đưa ra một số yêu sách, đòi hỏi nhà vua và tầng lớp thống trị phải chia sẻ quyền lực. Buổi mít-tinh này ngày nay được gọi là “The Tennis Court Oath”, tiếng Pháp là “Serment du Jeu du Paume” (Jeu: trò chơi; Paume: lòng bàn tay) và được xem là ngòi nổ cho cuộc cách mạng Pháp sau đó.
Sau một thời gian bị rẻ rúng, coi như trò chơi của giới thượng lưu, mãi đến thập niên 1870 tennis mới tái xuất hiện. Lần này bên Anh, và được biến thể để chơi trên sân cỏ thay vì trên đất nện. Lý do là vì môn croquet – rất thịnh hành vào thời đó, được chơi trên cỏ, thành thử môn chơi cũ nhưng mới này được đổi tên thành “Lawn Tennis”. Các hội croquet ở Anh bắt đầu cho thêm lawn tennis vào trong sinh hoạt của hội viên. Năm 1877 hội “All England Lawn Tennis and Croquet Club” ở Wimbledon cho tổ chức giải tranh tài đầu tiên, đánh dấu khởi điểm của môn Tennis hiện đại. Truyền thống đó vẫn được tiếp tục mỗi năm cho đến ngày hôm nay.
Tại Wimbledon năm 1877 chỉ có một giải thưởng duy nhất, đó là giải Ðơn Nam. Gần mười năm sau mới có thêm giải cho phụ nữ. Ngày nay Wimbledon có cả thảy năm giải chính: Ðơn Nam, Ðơn Nữ, Ðôi Nam, Ðôi Nữ, và Ðôi Nam-Nữ. Ngoài ra còn có các giải phụ cho Thiếu Niên, Lão Tướng, và Xe Lăn.
Cũng cần nói thêm là thuở ban đầu các giải Tennis lớn đều chỉ dành cho dân tài tử (amateur), được hiểu ngầm là giai cấp thượng lưu, quý tộc. Phải đợi đến năm 1968, do áp lực từ giới chuyên nghiệp, các giải Major mới cho phép dân chuyên nghiệp tranh tài, khai mào cho thời kỳ “Mở Rộng” (Open Era). Từ đó, giới bình dân bắt đầu chơi tennis nhiều hơn, nhất là khi sân xi-măng được dùng để thay thế cho sân cỏ. Ngày nay tennis đã trở thành một môn thể thao phổ biến khắp thế giới, và Wimbledon được xem như giải thưởng cao quý nhất.
Năm 2017, Roger Federer, người Thuỵ Sĩ, đã làm nên lịch sử khi anh đoạt giải Wimbledon lần thứ 8, một con số kỷ lục. Không những vậy, từ đầu giải cho tới trận chung kết Federer đã không thua set nào. Tiếng Việt gọi là: bách chiến bách thắng!

Trong lịch sử tennis chỉ có mỗi một mình cây vợt nữ Martina Navratilova là đoạt được cúp Wimbledon nhiều lần hơn (9). Nhưng lần này cũng là giải Major thứ 19 của Federer, qua mặt cả Navratilova (18).
Sau đây là bảng liệt kê các giải lớn mà Roger Federer, được mệnh danh là GOAT (Greatest Of All Time), đã thắng:
– Wimbledon: 2003-2007, 2009, 2012, 2017
– U.S. Open: 2004-2008
– French Open: 2009
– Australian Open: 2004, 2006-2007, 2010, 2017
Thêm vào đó, Federer còn có một huy chương vàng Ðôi Nam trong kỳ Thế Vận Hội 2008 tại Bắc Kinh (đánh chung với Stan Wawrinka) và một huy chương bạc Ðơn Nam trong Thế Vận Hội 2012 tại London (thua Andy Murray trong trận chung kết).
Về phía Nữ thì Wimbledon năm nay khá gay cấn vì cây vợt Serena Williams (GOAT của phe Nữ) phải chầu rìa vì có bầu sắp sanh. Nhưng chị của Serena là Venus Williams mặc dù đã 36 tuổi nhưng cũng vào được đến vòng chung kết. Rất tiếc Venus đã bị Garbine Muguruza, người Tây Ban Nha gốc Venezuela, khuất phục trong trận cuối cùng.
Muguruza tuy không phải là một tên tuổi lớn như hai chị em Williams nhưng cũng không phải thứ vừa. Năm 2015 cô đã lọt vào đến chung kết giải Wimbledon nhưng bị Serena hạ đo ván 2-0. Năm sau, tại giải French Open cô lại đụng độ Serena trong trận chung kết và đã báo thù 2-0, đoạt giải Major đầu tiên trong đời và nhờ đó lên đến hạng nhì toàn cầu. Giờ đây, sau khi đoạt được chiếc cúp Major thứ nhì tại Wimbledon, Muguruza trở thành tay vợt nữ đầu tiên (và có thể là duy nhất) đã hạ thủ được cả hai chị em Williams trong trận chung kết của một giải lớn!
Ngoài tài đánh banh ra, Muguruza còn là người mẫu trên sân cho các bộ đồ tennis do Stella McCartney thiết kế. Stella McCartney chính là con gái của Paul McCartney, thành viên ban nhạc lừng danh “The Beatles”. Cô Stella là một nhà thiết kế thời trang khá nổi tiếng. Hiện cô đang hợp tác với hãng Adidas để thiết kế trang phục thể thao dành riêng cho phụ nữ – từ giày vớ cho tới áo quần đủ loại đủ kiểu. Ðặc biệt, vì hai cha con McCartney đều ăn chay trường nên tất cả các sản phẩm của Stella đều không dùng da thú. Stella còn là một nhà hoạt động đấu tranh bảo vệ thú vật và môi trường.

Gần nơi Paul McCartney chào đời – thành phố cảng Liverpool bên Anh quốc, năm nay có tổ chức một giải Major nữa mang tên The Open Championship, còn được gọi là The British Open. Ðây là giải golf xưa nhất thế giới, và là một trong bốn giải lớn dành cho nam giới. Ba giải kia là U.S. Open, The Masters, và PGA Championship.
Giống như tennis, golf cũng có một lịch sử khá ly kỳ. Không ai biết chắc nó có từ đời nào, nhưng mọi người đều đồng ý rằng Tô Cách Lan (Scotland) là chiếc nôi của bộ môn này. Vào thế kỷ 16 nó thịnh hành đến đỗi nhà vua của Scotland phải ra lệnh cấm bởi vì dân chúng mê chơi golf quá nên biếng nhác việc luyện tập kiếm cung, lúc ấy nước Tô Cách Lan đang có chiến tranh với Anh Quốc.
Sau khi England và Scotland ký hiệp ước hoà bình tại Glasgow, golf bắt đầu lan sang các nước láng giềng như Anh và Ái Nhĩ Lan (Ireland). Mary Queen of Scots, đã mang môn chơi này sang lục địa Âu Châu và đồng thời cũng học đánh tennis ở bên Pháp.
Năm 1860, giải golf đầu tiên được tổ chức tại sân Prestwick ở Anh quốc, mở màn một kỷ nguyên mới cho môn golf hiện đại mà ta biết đến ngày nay. Ðó chính là giải Open Championship. Quán quân được giữ chiếc cúp mang tên Claret Jug trong vòng một năm. Người thắng được gọi là “Champion Golfer Of The Year”, và tên của họ được khắc lên chiếc cúp này.
Năm nay là năm thứ 146 của giải Open Championship. Quán quân là một chàng thanh niên mới 23 tuổi đến từ Dallas tên Jordan Spieth. Spieth là golfer người Mỹ trẻ nhất thắng giải này, và là người thứ nhì trong lịch sử đoạt được 3 giải Major khi chưa đầy 24 tuổi (2015 Masters, 2015 US Open). Người đầu tiên làm được chuyện này là Jack Nicklaus, biệt danh Con Gấu Vàng và được xem như GOAT của golf (Nicklaus hiện đang giữ kỷ lục 18 giải Major, trong khi đó Tiger Woods chỉ có 14). Nếu Spieth tiếp tục đà này, rất có thể một ngày đẹp trời nào đó anh sẽ bắt kịp Nicklaus. Tiger thì có lẽ sẽ không làm được chuyện đó nữa vì anh ta đã hết thời từ lâu.
Trận Open Championship năm nay kết thúc vô cùng hồi hộp và hấp dẫn. Sau khi dẫn đầu bảng ba ngày liên tiếp, sang ngày cuối cùng Spieth bắt đầu đánh lạng quạng. Ðến lỗ 13 anh đánh trật banh ra khỏi sân cả trăm thước, bị tốn một gậy (bogey) và tuột xuống hạng nhì sau Matt Kuchar. Nhưng thay vì xuống tinh thần, điều này đã khiến Spieth như nổi xung lên. Anh chơi năm lỗ cuối cùng với số điểm -5 (trừ 5), thắng dễ dàng với tổng số điểm -12, gác Kuchar 3 điểm (-9). Ngay sau khi Spieth đoạt giải, Jack Nicklaus đã đăng trên Twitter “Quá dữ! Jordan Spieth này không phải thứ thường”.
Người về hạng ba năm nay tên là Lý Hạo Thông (Li Haotong, ) mới 21 tuổi, đến từ Trung Quốc. Tuy đây là lần đầu chơi trong một giải lớn, nhưng chàng đã gây ngạc nhiên cho rất nhiều người với số điểm 63 trong trận chung kết, với sáu trái birdie (-1) liên tiếp trong sáu lỗ cuối cùng để leo từ hạng 12 lên hạng 3, ẵm cái check $684,000 ngon ơ. Matt Kuchar thì về nhì nên được $1,067,000. Còn số tiền thưởng cho Spieth là $1,845,000.
Tháng 8 sắp tới sẽ có giải PGA Championship, tức giải Major cuối cùng trong năm. Nếu Jordan Spieth thắng được giải đó nữa thì anh sẽ sở hữu cái gọi là “Career Grand Slam”, nghĩa là người thắng cả bốn giải Major khác nhau. Trước giờ chỉ có năm người làm được chuyện này: Gene Sarazen, Ben Hogan, Gary Player, Jack Nicklaus (3 lần), và Tiger Woods (3 lần).
Lần cuối cùng giải PGA Championship được tổ chức tại Dallas là vào năm 1927, trên sân Cedar Crest Country Club ở Nam Dallas. Bắt đầu từ năm 1929, hằng năm nơi đây còn là địa điểm tổ chức giải thiếu niên Dallas Junior Golf Championship, tới nay đã được 93 kỳ. Năm nay trong số thí sinh dự thi có mấy em Việt Nam. Một em trai trong lứa tuổi 11-12 đã đứng hạng ba. Có lẽ đây là lần đầu tiên trang thể thao địa phương của báo Dallas Morning News có đăng tên của một golfer người Mỹ gốc Việt. Hy vọng mai đây sẽ thấy nhiều hơn nữa những họ tên Nguyễn Lê Lý Trần trên báo hay trên Golf Channel. Nhưng muốn được vậy thì các bậc phụ huynh Việt phải đầu tư cho con cái chơi môn này ngay từ bây giờ. Nếu không trong tương lai ta chỉ sẽ thấy các tên Tàu, Ấn Ðộ hay Ðại Hàn mà thôi.

BB