Menu Close

Hè về!

“Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn… Tiếng ve nức nở buồn hơn tiếng lòng… Màu hoa phượng thắm như máu con tim…”

(Thanh Sơn – Nỗi buồn hoa phượng)

he-ve

Mùa hè lại về! Nhưng mùa hè ở Dallas-Fort Worth có gì để nhớ? Ngoại trừ cái nóng nung nấu hừng hực như sa mạc, mặt đường như bốc khói và khi vào xe cầm lấy tay lái nóng muốn phỏng tay! Bởi thế khi hè về chúng ta lại chỉ nhớ tới những mùa hè xa xưa ở Việt Nam, nơi mà lúc đó đa số chúng ta còn sống gần gũi với thiên nhiên, với đồng ruộng…

Mỗi khi hè về âm thanh và hình ảnh quen thuộc nhất đối với chúng ta có lẽ là tiếng ve kêu và hoa phượng nở. Khoảng đầu thập niên 60, tôi có anh bạn sống ở Sài Gòn và làm việc ở Tổng nha Trung tiểu học và Bình dân giáo dục. Anh cho biết mỗi khi hè về là mệt với đám ve sầu! Không có ve ở đâu ồn ào như ve Sài Gòn. Mới 7, 8 giờ sáng khi nắng lên là chúng đã rủ nhau kêu ra rả… Mỗi khu vực có một nhóm riêng: -khu trường Gia Long – khu chùa Xá Lợi – khu trường Luật – khu vườn Tao Ðàn – khu trường Văn Khoa cũ (góc Nguyễn Trung Trực-Lê Thánh Tôn) – khu Sở thú Nguyễn Bỉnh Khiêm và trường Trưng Vương… Ve ở khu Gia Long thì giọng đều đều êm ả nhất, chỉ rủ rỉ rù rì suốt ngày thôi. Bọn ve ở trường Luật thì kêu thao thao bất tuyệt, giọng hùng hồn đôi khi trúc trắc giục giặc lúc cao lúc thấp như cãi lộn! Ðám ve ở Văn Khoa thì ê a ề à như ru ngủ. Anh quả quyết ai bị chứng mất ngủ cứ đến trường Văn Khoa ngồi nghe ve kêu một lúc sẽ ngủ được ngay. Còn ve ở trường Trưng Vương thì đúng là một lũ choai choai hồn nhiên và nhí nhảnh.Ve ở đây không biết than vãn không biết nỉ non, không biết nức nở… Chúng chỉ reo hò ca hát suốt ngày; lúc nào cũng khua chiêng gióng trống như mở cờ trong bụng! – chắc ý bạn tôi muốn nói là ồn ào vui vẻ như có hội hè đình đám. Tôi không ngạc nhiên vì nhận xét này của anh, vì lúc đó anh có một cô bạn gái đang học trường Trưng Vương. Anh chị hay hẹn hò ở khu chợ lề đường bán đồ ăn uống trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, trước Sở Thú, sát bên trường Trưng Vương. Ở đây có đủ bò viên, bò bía, khô bò, bánh cuốn…, rồi sâm bửu lượng, sữa đậu nành, nước mía, chè đậu xanh, đậu đen… đủ thứ. Ngồi ở đây mà tính chuyện tương lai với người yêu thì ve có kêu thế nào cũng vẫn là vui mà! Theo anh bạn thì khu bán đồ ăn đồ uống này phồn thịnh được không phải vì các du khách đi chơi Sở thú, mà nhờ ở những cái miệng nhỏ bé xinh xắn, nhai không biết mỏi của các nữ sinh Trưng Vương! Quả thật những nhận xét của anh có vẻ trào lộng và đầy tính chủ quan. Một người bạn ở Huế thì lại cho rằng ve ở đây không kêu, hắn chỉ than thôi để làm người ta buồn nẫu ruột! Cái giống ve ở Huế nó lạ lắm chỉ than thở cho những người có tâm sự buồn nghe thôi, những người vui ít khi nghe ve kêu.

Ở Sài Gòn ngoài ve ra còn có phượng, nhưng theo Ông Kỷ -người bạn già của tôi-thì phượng ở Sài Gòn không có gì để nhớ; chỉ có phượng ở Ba Vì (Sơn Tây) quê xưa của ông là rực rỡ và thắm tươi nhất mà thôi. Phượng ở đây nở muộn vào cữ nóng nhất là đầu tháng 6, phượng nở đều một loạt cho đến giữa tháng 7 là tàn hết. Nhưng ông bảo có lần ông về Hà Ðông theo một Sư cụ ghé chùa Hương, ngồi trên thuyền rời Bến Ðục trên dòng suối Yến, bờ bên trái có một cây phượng cổ thụ cao lớn khác thường, hoa nở phủ kín cây, đứng soi bóng xuống dòng suối làm đỏ rực cả một vùng trời nước. Tôi cũng nhớ tới một mùa hè năm 70 đi coi thi ở trường Sư Phạm Vĩnh Long. Trên đường từ Bắc Mỹ Thuận vào tỉnh lỵ, tôi và một người bạn ngồi trên xe nhìn về bên phải thấy hai hàng phượng rực rỡ trong sân một ngôi trường. Xe đã chạy qua mà chúng tôi còn cố ngoái cổ lại để nhìn. Sau vài ngày, trên đường về tôi và người bạn đã ghé thăm những cây phượng đó. Người coi trường nói mùa hè năm nay hoa phượng đỏ thắm hơn mọi năm. Năm nào hạn, độ ẩm thấp, đêm có chút sương, ngày nắng gắt và ít gió thì hoa phượng sẽ đỏ rực rỡ như vậy.

Nhưng mùa hè không phải chỉ có ve và phượng, mùa hè còn có diều nữa. Trẻ em thường chơi diều nhỏ có đuôi, người lớn chơi diều to, không đuôi và thường còn có sáo nữa. Trên lưng diều có đeo sáo: sáo 3, sáo 5 và nhiều nữa tùy theo diều lớn hay nhỏ.  Làng Kiến An- Hải Phòng là nơi có truyền thống chơi diều sáo nổi tiếng nhất. Một cánh diều có thể dài tới 7m và cao tới 4m lưng đeo bộ sáo 17 ống, khi diều bay cao tiếng sáo vi vu cũng thú vị lắm!

Ngoài ra, qua thi văn chúng ta cũng có được một số hình ảnh tiêu biểu của mùa hè, nhất là mùa hè nơi thôn dã.

Nguyễn Khuyến nhà thơ của đồng ruộng Việt Nam đã vẽ lại cảnh mùa hè một cách bình dị như sau:

“Ai xui con cuốc gọi vào hè,

Cái nóng nung người, nóng nóng ghê.

Ngõ trước, vườn sau um những cỏ,

Vàng phai thắm nhạt ngán cho huê”.

Anh Thơ, tác giả thi phẩm Bức Tranh Quê thì tả cảnh chiều hè trên cánh đồng lúa chín đầy hình ảnh, màu sắc và âm thanh:

“Mặt trời lặn, mây còn tươi ráng đỏ,

Cò từng đàn bay trắng phía đồng xa.

Tiếng diều sáo véo von cùng tiếng gió,

Hòa nhịp nhàng giọng ả hái dâu ca”.

Cảnh trưa hè của Nguyễn Bính thì lại khác, chỉ chấm phá một vài nét nhưng cũng rất linh động:

“Trưa hè một buổi nắng to,

Gió tây nổi cánh đồng ngô rào rào.

Con đường thấp con đê cao,

Bọn người đi chợ rẽ vào đồng ngô.

Tiếng cười chen tiếng nói to,

Dáng chừng trong bọn có cô chưa chồng”.

Trong khi Bàng Bá Lân tỉ mỉ hơn tả rõ những hình ảnh quen thuộc của thôn quê trong một buổi trưa hè nóng nực và êm ả:

‘Trời lơ cao vút không buông gió,

Ðồng cỏ cào phô cánh lượt hồng.

Êm đềm sóng lụa trôi trên lúa,

Nhạc ngựa đường xa rắc tiếng đồng”

Tôi đang mơ màng với những cảnh hè trong thi văn thì tự nhiên cảm thấy người nóng bức khó chịu, trên trán lấm tấm mồ hôi. Theo phản xạ, tôi đưa tay nâng cửa kính lên hy vọng có được một làn gió mát, nhưng cửa vừa hé lên thì một luồng khí nóng ùa vào.Tôi vội sập cửa xuống và chợt nhớ ra rằng trời đã vào hạ, ngoài trời nóng như thiêu như đốt! Xuân -Hạ-Thu-Ðông bốn mùa theo sự tuần hoàn của vũ trụ mà thay đổi.

Mỗi mùa một vẻ khác nhau nhưng đều là những tuyệt phẩm của thiên nhiên, đều là những đề tài hấp dẫn, những nguồn cảm hứng vô tận và muôn thuở cho chúng ta. Duy có điều là chúng ta có cảm nhận được hay không mà thôi!?

Tiểu Hạc tôi tuy tuổi đã già, nhưng cũng chưa già lắm vì thế mỗi năm hè về lòng lại cảm thấy xao xuyến vì một niềm tiếc nhớ khôn nguôi! Còn đâu những con bướm cũ, những cánh hoa xưa? Còn đâu những tiếng dế nỉ non, tiếng ve sầu nức nở, tiếng tu hú râm ran, tiếng cuốc kêu ra rả gọi hè!? Còn đâu nữa những hàng phượng vĩ đỏ thắm, những chùm vải chín vàng rực rỡ trong nắng hè?

Ôi chao! lại “Còn đâu nữa tiếng sáo lang thang theo chim về núi, gió ngát hoa cau trong đêm dần tối…”

(Phạm Thế Mỹ – Bóng mát)

Ôi nhớ ơi là nhớ! Hè về ở Arlington bầu trời cũng cao và trong xanh nhưng nắng nóng vô cùng! Ở nhà thì cửa đóng then cài, màn che trướng rủ (phủ) rồi mở máy điều hòa để tránh nóng. Ra đường thì lên xe đóng kín cửa mở máy lạnh… Còn có thấy gì đâu? Có nghe gì đâu! Thôi đành vào TT Tuổi Vàng để chơi vài ván Bida, vài sec bóng bàn hoặc đánh vài ván cờ rồi gặp các bạn già nói chuyện đời xưa cho đỡ buồn vậy.

TH TT Tuổi Vàng