Menu Close

Tờ giấy 100 đô

Tuấn cùng vợ và hai con qua Mỹ theo diện bảo lãnh. Tuấn chờ từ lúc còn độc thân cho đến khi lập gia đình, sinh con. Ðứa thứ nhất, rồi đứa thứ hai ra đời. Giấy tờ trục trặc vì phải cập nhật liên tục. Ở Việt Nam, hai vợ chồng làm ăn cầm chừng đợi ngày qua Mỹ nên cũng chẳng khấm khá gì. Lúc còn độc thân, Tuấn mong được qua Mỹ để có một tương lai tươi sáng hơn. Tuy nhiên khi đã có con, anh lại náo nức qua Mỹ để tương lai hai con không còn tối tăm như cuộc đời anh.

Dắt díu nhau qua Mỹ theo diện bảo lãnh anh em. Ðến Mỹ không lâu, người anh lại qua đời. Gia đình Tuấn không biết nhờ cậy vào ai. Anh đi làm những công việc nặng nhọc để gồng gánh gia đình. Xứ Mỹ cái gì cũng mắc mỏ khi anh vẫn còn thói quen, đi chợ nhẩm tính theo giá tiền Việt Nam mà lắc đầu. Tuấn tính toán, cân đo nặng nhẹ trong đầu anh thứ gì cần mua, thứ gì nên bỏ lại mỗi khi đi chợ.

Nhiều khi tội nghiệp hai con nhỏ, ngơ ngác với đám bạn không cùng ngôn ngữ trong trường. Anh vẫn thường an ủi vợ con như an ủi chính mình:

“Bước đầu ai cũng thế. Cố gắng lên, ngày mai sẽ khá hơn.”

Tằn tiện, ký cóp anh mua được chiếc xe Toyota Corolla già hơn số tuổi hai con anh cộng lại. Thế vẫn còn tốt chán. Vợ anh cũng xin được chân phụ bếp ở một nhà hàng Việt Nam. Góp phần chi tiêu cho gia đình.

Mùa hè Texas, nóng muốn nẻ óc. Máy lạnh chạy vù vù khiến anh tiếc tiền đến chóng mặt. Cuối tuần, vợ phải đi làm. Anh thường tắt máy lạnh dẫn hai con vào shopping mall, cho hai con chạy nhảy thoải mái, vừa mát mẻ, vừa tiết kiệm được tiền điện. Thường thì anh hay tìm một góc nào đó, vừa quan sát con, vừa đọc báo. Những tờ báo biếu được vợ anh mang về từ nhà hàng. Ðó là những cuối tuần hãng không kêu anh làm thêm over time. Nếu có, thì anh phải đành liều để hai con tự chơi với nhau trong căn apartment cũ. Và dặn dò con khóa cửa cẩn thận. Ðứa 9 tuổi lo cho đứa 6 tuổi. Những lúc đó, anh đi làm mà bụng nóng như lửa đốt. Không đi thì tiếc số tiền lương được trả phụ trội. Cũng may, nhà hàng vợ anh làm cũng gần khu chung cư rẻ tiền gia đình anh đang ở. Có chuyện gì, vợ anh chạy bộ về còn nhanh hơn anh lái xe từ hãng về nhà.

Cứ như thế, cuộc sống trôi qua, khó khăn chật vật vẫn còn, nhưng anh đã dần thích nghi với đời sống mới. Hai vợ chồng đi làm, tuy lương thấp nhưng không thể nào chết đói được. Ðiều đó khiến anh yên tâm. Và anh chỉ cầu mong gia đình anh sống bình an nơi đây để nuôi dạy hai con nên người hữu ích.

Với Tuấn, anh lúc nào cũng nghĩ nước Mỹ giàu có, nhưng không thể nào tin nổi những người không nhà vẫn còn lang thang trong phố. Anh nghèo, nhưng thấy họ càng nghèo hơn anh. Nhiều khi anh tự an ủi mình. Ðất nước của họ, mà họ sống còn thua mình. Họ sống không một mái nhà. Mình còn gia đình, còn chỗ để quay về mỗi đêm (dù đó chỉ là căn chung cư được thuê mướn hàng tháng. Nếu tới tháng anh không có tiền đóng, thì gia đình anh cũng phải bị mời ra đường như thường). Mỗi lần so sánh như thế, anh lại lạc quan yêu đời hơn.

Chị Loan, vợ anh Tuấn làm phụ bếp trong nhà hàng, đôi khi đông khách họ còn bảo chị ra chạy bàn. Những lời nặng, tiếng nhẹ. Nhưng chị cứ vui vẻ làm. Buồn cũng thế, vui cũng thế, cũng qua một ngày mà thôi. Tất cả cũng vì thương con, thương chồng, thương mái gia đình mà chị có thể sống chết vì nó. Ở Việt Nam, sống cơ cực, chị còn chịu đựng được, huống gì ở Mỹ, cuộc sống mà ai cũng mơ ước, cũng nghĩ là thiên đường. Như ngày gia đình chị ra phi trường qua Mỹ. Cả xóm kéo nhau tới chúc mừng. Ôi! Cái xóm nghèo nhưng đậm đà tình cảm. Giờ đây, hàng xóm của chị là người Mỹ da màu, mở nhạc xập xình tới khuya lắc. Nói chị cũng không dám, mà chào chị lại không dám nốt. Mạnh ai nấy sống. Nhiều khi thiếu chút muối chút đường, không biết xoay sở ra sao. Lại lội bộ ra cửa hàng tiện lợi đầu đường. Chị cũng biết chồng mình cực khổ chừng nào với công việc nơi hãng xưởng. Nhưng anh không nói. “Hai vợ chồng đồng lòng, tát biển đông cũng cạn”. Người xưa đã nói như thế. Ðúng chứ không sai. Chị vui vì hai con đã mạnh dạn đến trường, không rụt rè như những ngày đầu nữa. Cô giáo ở đây không đánh học trò như những cô giáo Việt Nam mà chị từng nghe nói. Các con chị không hiểu, cô giáo vẫn kiên nhẫn giải thích. Ôi! Cái nền giáo dục đầy nhân bản này sẽ làm con trẻ của chị hấp thụ và lớn lên trong sự trong sáng, lành mạnh của nó. Ðó là điều chị hằng mong ước. Dù có cực khổ đến đâu chị cũng mãn nguyện vì đây là mục đích của cả hai vợ chồng chị.

Một hôm, nhân ngày lễ lớn của Hoa Kỳ. Anh được nghỉ, chị kỳ kèo xin xỏ mãi mới được chủ đồng ý cho chị nghỉ. Vì ngày lễ, thường thì các nhà hàng rất đông khách. Anh chị rất vui vì cuối cùng cũng có một ngày cho gia đình quây quần, đầm ấm bên nhau. Thằng Dũng con Hằng hôm nay vui vẻ và hứng thú ra mặt. Chương trình của anh chị là đưa hai cháu đi picnic ở vườn hồng. Chụp hình cho hai cháu để gửi về ông bà nội ngoại bên Việt Nam. Trước tiên, anh chị ghé siêu thị mua ít thức ăn, nước uống để gia đình có một bữa tiệc nho nhỏ ngoài trời.

Anh vui vì thấy các cháu chọn cái này, bỏ cái kia vào xe đẩy. Chị mỉm cười, lâu lâu mới có một ngày. Thôi để các cháu làm theo ý chúng thích. Anh nhìn thấy hai con, lòng không khỏi rộn lên những mối yêu thương vô bờ. Bao nhiêu cực nhọc, tủi hờn như trôi đi hết. Những công việc ở sở, anh để lại trong sở. Mang chi phiền toái về nhà. Hãng xưởng, công sở nào cũng có những mặt trái không làm hài lòng một ai. Từ nhân sự cho đến công việc. Anh một người với vốn liếng tiếng Anh sơ sài, giỏi nhẫn nhục. Thôi thì ai sai đâu làm đó. Cứ cúi đầu làm việc thì có nhục mặt ai bao giờ. Bớt nói một câu thì bớt sai. Biết lắng nghe cũng là chân ý của đời sống anh. Người ta vừa làm vừa chơi. Anh cắm cúi làm việc thì thời gian sẽ trôi qua nhanh hơn. Mau về với vợ con hơn.

Anh thương chị, vì chị cũng tằn tiện và biết lo cho gia đình như anh. Ðôi khi anh thấy chị sống vì các con mà thương chị dạt dào. Dù anh không nói ra, nhưng trong tâm anh lúc nào cũng biết ơn vợ anh, đã hiểu và thông cảm cho anh.

Như hôm nay, anh biết chị nghỉ một ngày làm là nghỉ một ngày lương. Nhưng chị không tiếc. Vì gia đình, dù tiền bạc của anh chị vẫn còn trong mức đủ trang trải chi phí hàng tháng, không có khoản dư dật, để dành.

Nhìn các con lăng xăng trong chợ. Thỉnh thoảng, chị lại góp ý kiến với các con:

“Dũng à. Mẹ nghĩ con nên bỏ món chips khoai tây chiên lại. Em con đã lấy món chips khoai tây nướng rồi. Hai thứ giống nhau. Nhưng mẹ nghĩ món nướng ăn ít dầu mỡ hơn.”

Hoặc:

“Hằng à. Anh con đã lấy nước Coke rồi. Con bỏ lại nước Pepsi đi nghe.”

Thế là hai cháu vui vẻ mang bỏ lại trên giá.

Anh xen vào:

“Mình mua luôn gà chiên nhé. Gà chiên trong chợ rẻ hơn mua ở ngoài.”

Chị cười:

“Ừ thì cũng là gà chiên thôi mà.”

Dũng nói theo:

“Như vậy thì cần thêm french fries nữa.”

Hằng phụ họa:

“Cả mashed potatoes nữa.”

Loan xoa đầu Hằng:

“Ừ! Ở đây họ có bán đủ cả.”

Mua xong những thứ cần thiết. Anh chị cùng hai con ra đứng xếp hàng chờ trả tiền. Siêu thị ngày lễ đông hơn thường nhật, nên phải xếp hàng hơi dài. Các con anh, đứa muốn mua thêm chocolate, đứa thì muốn cookies, nhưng Tuấn nhẩm tính số tiền trong túi anh, nên lắc đầu từ chối.

Còn thêm một người nữa là đến phiên gia đình anh chị. Người đàn ông trước mặt là một người da đen, ăn mặc rất xoàng. Ông lấy từ xe đẩy bỏ lên quầy đủ thứ, từ tã, sữa cho trẻ em, đến những miếng thịt bò làm bít-tết, mà anh chị và gia đình ít có dịp ăn. Lúc tính tiền, ông loay hoay mãi. Vẫn thiếu $4.99. Ông không biết bỏ lại món nào. Thấy người đàn ông suy tính, lính quýnh tội nghiệp. Tuấn vội bước lên. Anh đưa $5.00 cho cô thu ngân và nói:

“Cô cứ nhận khoản này.”

Người đàn ông xoay qua anh nói cảm ơn. Anh khoát tay:

“Chuyện nhỏ, xin ông đừng để ý.”

Khi người đàn ông đẩy chiếc xe đi, anh mới bỏ mọi thứ của gia đình anh lên quầy, chờ tính tiền. Lần này, đến phiên anh thiếu $3.99. Cô tính tiền nhìn anh hơi ngạc nhiên. Anh quay sang nói với các con như chữa thẹn:

“Mình đã có mashed potatoes rồi, chắc không cần french fries và chips đâu các con nhỉ?”

Dũng phụng phịu:

“Mình không đủ tiền sao ba lại cho người khác?”

Tuấn xoa đầu con:

“Người ta cần hơn mình con ạ. Mình chỉ ăn chơi mà thôi. Bớt một vài món không sao.”

Loan cười:

“Ðúng đó con, nhà người ta cần sữa cho con nít. Nhường người ta ăn, thì mình no lâu hơn con à.”

Khi cả gia đình đẩy xe thức ăn ra bãi đậu xe, Dũng tình cờ nhặt được chiếc ví. Dũng đưa cho ba xem. Anh mở ví ra. Tờ giấy một trăm đô trong đó. Còn vài thẻ credit cards nữa. Anh lục tìm bằng lái xe. Thì ra, chiếc ví bị đánh rơi đó là của ông khách người da đen, mà anh vừa cho 5 đô trong lúc tính tiền. Anh nhìn tờ 100 đô trong ví. Nghĩ, có lẽ ông ta không muốn tờ 100 đô bị xé lẻ… Vợ anh chợt thấy ông ấy vừa lên chiếc xe Lexus. Chị đập vai anh, chỉ về hướng đó. Tuấn ba chân bốn cẳng chạy lại. Người đàn ông ngơ ngác kéo cửa xe xuống. Tuấn đưa anh ta chiếc ví, nói:

“Hình như ông đã đánh rơi chiếc ví này.”

Không kịp nhận lời cảm ơn. Tuấn quay lưng bước về chiếc xe Corolla cũ mèm mà vợ con anh đang đứng đợi ở đó.

Bùi Suối Hoa
Bùi Suối Hoa

VP 7/2017