Sống trong thời buổi “thế giới là ngôi làng” (global village), việc người dân đi nước này hay ở nước kia là chuyện bình thường. Đồng tiền có chân biết tìm nơi sinh lợi để chạy tới, việc năm rồi dân Việt Nam, một nước nghèo có thu nhập bình quân xếp hạng 124/181 quốc gia (theo world bank) móc hầu bao trên 3 tỉ USD mua nhà ở Mỹ… phải chăng cũng là chuyện bình thường!?
Một sáng vào tiệm ăn chay góc chân cầu Công Lý kêu tô hủ tiếu thì nghe chị chủ quán và một vị khách bàn tán nhau tình hình học hành ăn ở của con họ bên Mỹ, về quê dự đám tang bà cô gặp người anh họ “khoe” đứa con gái lớn đã hòa nhập thích nghi môi trường sống và học tập ở Mỹ và sắp sửa đưa thằng út sang, ghé quán cà phê Starbucks trong tòa nhà Kumho Q. 1 thì gặp một nhóm các chị U40 ngồi gần bàn xôm tụ chuyện “thẻ xanh” diện “EB5” đi Mỹ, một người bạn lâu ngày không gặp ghé nhà chơi kể chuyện người bạn học cũ chơi chung nhóm hồi trước vừa xuất cảnh sang Úc theo diện “lao động có tay nghề” (skilled worker) đưa cả gia đình theo…
Tóm lại 360 độ ở góc độ nào cũng có thể nghe chuyện người dân bàn tính chuyện đi nước ngoài. Các công ty tư vấn du học mọc lên như nấm và nhiều công ty trong ăn nên làm ra, trước cổng tòa LSQ Mỹ tại TP. HCM mới sáng sớm đã thấy những hàng rồng rắn người dân đứng xếp hàng…
Bấy nhiêu cũng không đủ dữ kiện để nói: đồng thời với dòng tiền lớn đổ vào Mỹ đang hình thành một xu hướng người Việt có tiền tìm đường xuất ngoại. Nhưng dù có thừa nhận hay không câu chuyện cứ tồn tại như một dòng nước ngầm đang chảy rỉ rách trong lòng xã hội.
Một thời gian dài báo chí và dư luận bàn nhiều về vấn nạn “chảy máu chất xám”: đi du học xong rồi tìm cách bám trụ ở lại, thậm chí cư trú bất hợp pháp ở nước đến du học (đa phần là các nước phát triển như Mỹ, Úc, Anh, Nhật… ), trong số đó không phải không có trường hợp đi du học bằng ngân sách của nhà nước. Loại trừ những trường hợp “tham phú phụ bần”, đứng núi này trông núi nọ… thì điều gì khiến một bộ phận người dân khi có cơ hội ra nước ngoài họ chấp nhận làm người tha hương, thậm chí sống chui sống lủi mà không về nước?
Nhiều phân tích đã chỉ ra những nguyên nhân chính đáng như là: nếu về nước thì sở học của họ không có đất dụng võ, các công ty trong nước trả lương thấp không đủ nuôi sống gia đình, môi trường thăng tiến nghề nghiệp thiếu minh bạch hay năng lực của họ không được ghi nhận ở mức tương xứng… Không công khai ủng hộ nhưng dư luận chỉ trích những người chọn “một đi không trở lại” nay cũng đã giảm hẳn.
Vấn đề chi tiền khủng ra mua nhà đất ở Mỹ phải chăng cũng có những nguồn cơn tương tự: môi trường sống trong nước thiếu an toàn với vấn nạn thực phẩm bẩn môi trường ô nhiễm, văn hóa ứng xử kém bạo lực lan rộng, chất lượng nền giáo dục sau nhiều đợt cải cách vẫn chưa tìm thấy lối ra, thủ tục hành chánh rườm rà nạn vòi vĩnh cửa quyền vẫn còn tồn tại ở một số cơ quan công chức nhà nước v.v… khiến người dân sau hàng chục năm nuôi hy vọng chờ đợi hành động của nhà nước bắt đầu mất lòng kiên nhẫn, họ đành thúc thủ trong “vỏ sò” cá nhân tích góp tiền của và khi điều kiện thuận lợi thì ra đi.
Chiều “ra” là như thế còn chiều “vào” thì như sao? Không thể phủ nhận các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội làm ăn, không thể phủ nhận một bộ phận nghệ sĩ Mỹ gốc Việt về nước tham gia biểu diễn hoạt động nghệ thuật hay những cá nhân Việt kiều về nước sinh sống… nhưng con số còn nhỏ những người làm ăn theo thời vụ hoặc là những người lớn tuổi có nhu cầu “lá rụng về cội”, bằng chứng là đa số họ đều đứng chân trong chân ngoài và đều thủ sẵn cơ ngơi ở “bển”.
Khi luật Nhà đất cho phép người nước ngoài được quyền đứng tên bất động sản ở Việt Nam được thông qua đến nay thì người nước ngoài giao dịch mua nhà đất ở Việt Nam khiêm tốn: “Theo số liệu thống kê mới nhất thì đến nay mới có khoảng 500 người nước ngoài mua được nhà ở Việt Nam. Và chủ yếu nhờ kết hôn với người Việt Nam, còn đối tượng khác như chuyên gia cao cấp hay định cư dài hạn thì vô cùng hiếm”… (*)
“Hệ quả của việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài tính lũy kế trong gần 30 năm (từ 1988 đến nay), vốn đăng ký đã đạt gần 300 tỷ USD, nhưng vốn thực hiện chỉ đạt khoảng 165 tỷ USD” (**)… tính ra bình quân một năm chưa đến 6 tỉ USD, cho nên việc chi 3 tỉ Mỹ Kim năm qua để mua nhà đất ở Mỹ chưa tính mục đích khác như chi cho con cái đi du học, khám chữa bệnh và mua sắm, và cộng dồn con số ở các quốc gia khác cho thấy lợi thế cán cân dòng tiền đang lệch về phía nào.
Tại sao đa phần người Việt có tiền đều cho con đi du học? Tại sao đi du học xong không chịu quay về? Tại sao bất chấp rủi ro người Việt vẫn chuyển số tiền lớn qua Mỹ mua nhà đất?… Câu trả lời cụ thể ra thì dài nhưng tựu trung nằm ở hai chữ “niềm tin”: đồng tiền ra đi có thể tính được, “chảy máu chất xám” có thể thống kê là bao nhiêu người… còn mất niềm tin thì không biết lấy gì đong đầy! Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần có một sự tự vấn như thể tự vấn trách nhiệm làm cha mẹ trong một gia đình có con cái mang tiền ra đi vậy.
Từ Dân Luận, tác giả Trúc Nguyễn
(*) http://thitruong.nld.com.vn/dia-oc/vi-sao-nguoi-nuoc-ngoai-ngai-mua-nha-tai-viet-nam-20161019112551682.htm
(**) http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2016-12-22/hieu-qua-thu-hut-fdi-von-giai-ngan-moi-phan-anh-thuc-chat-39155.aspx