Nhân dịp cả tuần nay, thay vì hướng về Trung Quốc hoặc Mỹ như mọi khi, thì tất cả các báo, các nhà hiền triết, các học giả, các chính trị gia, các nhà viết cùng cư dân mạng và dư luận Việt Nam đang đồng loạt nhìn sang nước Đức. Đọc qua thấy cũng có đôi điều giông giống. Khe khẽ nhón chân trôi theo dòng sự kiện một chút, tôi xin phép nói về… xóm tôi!

Có thể không ai thấy có gì liên quan giữa một đất nước được cho lớn nhất nhì EU, giàu mạnh thuộc top thế giới và một cái xóm nhỏ đầy chó và ổ gà. Kiểu so sánh trên nó khập khiễng, khiên cưỡng y như mấy ông nhà nước so sánh thành phố Hồ Chí Minh với Singapore, Hà Nội với Paris rồi Tây Nguyên như “cô gái đẹp ngủ quên” (lời thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc) vậy! Nhưng không có gì là không thể, không có sự so sánh nào không… đúng cả. Vấn đề chỉ là thời gian! Bằng chứng là một nhiếp ảnh gia có tiếng ở Sài Gòn, sau một hồi đi du lịch Châu Âu đã chứng minh điều đó, đã đăng một dòng cảm xúc đầy “thấu cảm” lên trang cá nhân rằng:
“Lâu lâu cứ trêu các bác lãnh đạo phát biểu vụ Hà Nội sẽ trở thành Paris, chứ thực ra công bằng mà nói đi bộ loanh quanh Paris có nhiều góc trông giống HN thiệt, chỉ cần dân số giảm còn khoảng 1/3, xe máy chỉ còn có 1% số lượng hiện tại là bảo đảm sẽ y hệt thôi!”

Ngay lập tức, một người khác đã nhanh chóng lên tiếng, bên dưới:
“Thực tế chỉ cần đem dân Hà Nội qua Paris sống thì chẳng mấy chốc Paris sẽ giống Hà Nội thôi!
Ðiều đó cho thấy, mọi thứ đều có lý do của nó, chỉ vì Paris không-được đông xe gắn máy như Việt Nam, Singapore không-được có nhiều vị lãnh đạo tài tình như Việt Nam nên họ không-được-như Việt Nam chúng ta mà thôi. Tuy nhiên, ai cũng có quyền hy vọng sẽ có một ngày Hà Nội sẽ như Paris 2017 (tôi chỉ không chắc vào 10 hay 50, 100 năm nữa). Quan trọng là, dầu 10 năm, 20 năm, 1000 năm nữa thì Paris hay Singapore có “phấn đấu” đến đâu cũng không thể trở thành quê hương của… tôi!

Về quê hương của tôi. Nói hết Việt Nam tôi không đủ kiến thức, tôi chỉ có thể nói ở vòng vòng quanh nơi mình sanh ra lớn lên thôi. Ðơn cử là Sài Gòn hay còn bị gọi là thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều khi tôi có cảm giác, thành phố này giờ chắc đã gấp đôi con số hai mươi triệu người rồi nên đông người nhiều xe cũng đúng thôi. Vì ở Việt Nam bây chừ, không kể quê hay thành phố, cứ kha khá và có định hướng chút đỉnh đều đã lục đục sắp đặt những cuộc chia ly. Kẻ không đi được thì lo cho con đi “tỵ nạn giáo dục”, người gom đầy túi lại lấy cớ “đi nước ngoài khám bịnh”. Trong khi khắp nơi trên mảnh đất hình chữ S không có nơi nào không xảy ra sóng gió. Sài Gòn tự dưng lại biến thành một trại tị nạn cho những con người muốn trốn chạy thiên tai nhân tai, muốn mưu cầu hai chữ tương lai, đầu tư, lập nghiệp, lánh nạn, tìm kiếm “cơ hội” (bốn chữ rất hot hiện nay)… Hầu hết đều là những con người khốn khổ, ở một khía cạnh nào đó trong kiếp con người. Cho nên con số “gấp đôi của hai mươi triệu người” giả định trên kia (của một người không giỏi toán như tôi) vẫn chưa dừng lại đâu bởi mỗi ngày đều có những lượt người chạy về Sài Gòn. Từ những chuyến xe đò cọc cạch, những chuyến tàu lửa xuyên đêm hay những đôi cánh máy bay không (biết) mỏi, từng đoàn người tràn xuống lòng Sài Gòn khóc cười, chê bai, yêu thương, giận dữ rồi cũng phải cắm cúi sống. Càng nhiều người đến thì càng nhiều “nền văn hóa” lại đơm hoa kết trái ở Sài Gòn. Và những người Sài Gòn thật sự chắc cũng đang lăn tăn lo sợ, cảm thấy ngộp và lọt thỏm như tôi. Ừ thì người Sài Gòn bao dung, mến khách. Ai đến Sài Gòn sống lâu, chịu được, chơi được cũng sẽ thành người Sài Gòn. Nhưng đâu phải ai cũng vậy, thế là không biết bao nhiêu chuyện xảy ra từ đó. Sài Gòn rồi cũng có những lúc trở thành một cái hộp ác mộng bởi chính những người luôn yêu thương, gắn bó với nó. Thành ra một Sài Gòn càng hoa lệ trong mắt những con người chưa hoặc vừa đặt chân đến, thì càng chen chúc, đông kinh dị với những người tồn tại trong nó, ôm ấp yêu thương muốn bảo vệ nó mỗi ngày. Thị dân sẽ thấy: Ừ thì hoa lệ, nhưng đông lệ hơn hoa.
Quay lại chuyện xóm tôi. Nó nằm trong một con hẻm, nhưng là hẻm mặt tiền. Có nghĩa là con hẻm bắc ngang một con đường lớn. Con đường này phải nói là lớn nhất nhì Sài Gòn. Ðộ lớn của con đường ở đây không phải là độ bự hay độ dài của nó mà được tính theo độ đông của người đi trên con đường đó. Và độ đông được chứng minh bằng độ kẹt xe của con đường. Rất (hoặc không) may mắn, con đường dẫn vào hẻm tôi là một con đường không khi nào không kẹt xe. Thế là nó lớn. Có lần tôi ngồi giải thích vậy với một vị “cao niên” trong báo Trẻ, vị ấy bảo vậy là Sài Gòn bây chừ đường nào cũng… lớn chứ không riêng gì đường bị cái hẻm của tôi bắc ngang (!)

Như đã kể trong vài câu chuyện trước, xóm tôi cái gì cũng có. Nó như một Sài Gòn thu nhỏ trong một Sài Gòn to. Có rất nhiều dịch vụ trong một con hẻm mặt tiền chứa nhiều con hẻm không-mặt-tiền khác. Và cái đặc biệt của xóm tôi là nhiều chó. Hầu như mỗi gia đình đều có nuôi ít nhất hai, ba con chó (dĩ nhiên có những nhà không nuôi, nhưng đã nuôi thì phải ít nhất hai, ba con trở lên). Theo “truyền thống” thì người ta nuôi chó để giữ nhà nhưng ở xóm tôi, người ta xây nhà lên để… giữ chó. Có gia đình xây nhà dành riêng cho chó, sau khi mua/xin chó về thì phải xây thêm cổng để canh/nhốt chó. Ở cái xóm này, một con người mất tích không ai quan tâm chứ một con chó mất tích cả xóm nháo nhào. (Nếu chưa, xin mời quý vị đọc Chuyện Hai Con Chó để thấy tính nghiêm trọng của sự việc). Vì thế, kẻ mà cả xóm căm ghét nhất không ai khác ngoài bọn trộm chó. Ðối với từng người trong xóm, bọn trộm chó không khác gì kẻ thù của dân tộc, kẻ hủy diệt địa cầu cả! Mỗi lần coi tin tức mà có tin về trộm chó bị đánh hay ở đâu có chó bị đánh thuốc là mạnh ai nấy nguyền rủa (bọn trộm chó), ủng hộ (những người đánh bọn trộm chó). Tuy điều đó đi ngược lại với tinh thần thương người thường ngày của dân trong xóm nhưng không ai nói ai, mỗi người vẫn không thể tha thứ bọn trộm chó. Nhiều khi ở không, tôi ngồi nghĩ cũng không biết khi bắt được bọn trộm chó thì người ta nên làm gì với chúng. Ðúng là đánh người là không đúng, nhưng tôi đang sống trong một xã hội bất lực, vô pháp vô thiên, mạng người mạng chó dễ chết như nhau (đôi khi mạng người dễ hơn một chút), con người không còn ai tin vào luật pháp. Càng bất lực với hai chữ thay đổi, thì dân còn cách nào khác ngoài tự xử đâu? Chuyện đi ăn trộm chó hay đánh người trộm chó nhìn chung cũng là kết quả chứ không phải nguyên nhân của ba chữ “vô pháp luật”. Mỗi lần nhà ai mất con chó hơn ngàn Mỹ kim, hay ai bị trộm viếng nhà cứ ai xúi đi lên phường trình báo là nhận được câu trả lời của khổ chủ:
– Lên đó mất công chứ được gì đâu!
Người ta nhìn vào chê trách dân Việt ngày càng man rợ, nhưng “ở trong chăn” mới hiểu. Sự man rợ đó được nuôi nấng trưởng thành bằng chính nền chánh trị trong xã hội này. Không bắt tận tay day tận mặt được không ai xử, còn bắt được mang lên “đồn” giao nộp không khác gì thả nó về. Thị dân hiền lành dễ dụ cũng không ít lần bất lực dầu tức giận. Bởi thế sau mỗi lần bọn trộm chó xuất hiện thì nhân dân trong xóm càng cảnh giác hơn. Mỗi người đều như “chim non sợ cành cong” mà dè chừng với tất cả các khuôn mặt lạ đi vào hoặc đi ngang xóm. Các chú chó hình như cũng được dạy như vậy, cứ thấy người lạ là chúm chụm sủa. Có hôm tôi đi cắt tóc về cũng bị sủa giật mình, tắt luôn cảm hứng chụp hình khoe tóc mới lên facebook. Thế là chính tôi cũng kỳ thị bọn trộm chó lẫn… bọn chó. Tuy nhiên nếu có lỡ thấy bọn chó tôi còn dám chọc ghẹo chứ thấy bọn trộm chó chắc tôi sẽ co giò bỏ chạy chứ không đánh nổi. Chúng đa phần rất hung hãn, tay lăm le cây chích điện, bao bố, thuốc chuột. Sẵn sàng tấn công bất kỳ ai. Dẫu người lẫn chó!

Cũng giống như chuyện nên xử trộm chó ra sao khi không ai xử. Vừa rồi, trong lúc dư luận Việt đổ dồn về Hà Nội chỉ trích những người đánh oan hai người phụ nữ bán tăm vì nghi họ bắt cóc trẻ em. Mọi người nháo nhào trách mắng người ta cả tin đánh lầm người vô tội, họ hỏi pháp luật ở đâu? Thật sự đến bây giờ tôi cũng không biết luật pháp VN ở đâu, có ai biết tại sao người dân hoang mang như vậy không? Ðâu ai rảnh để đi đánh oan người rồi tự đến nhà xin lỗi! Bởi vì cả xã hội đã quá sợ hãi vì những tin tức “tìm thấy xác” của những đứa bé bị mất tích! Người ta quá sợ hãi khi có hơn 800 tờ báo ở Việt Nam vậy mà luôn đưa tin sau các trang mạng xã hội. Ai cũng loạn thông tin không biết bấu víu vào đâu, thế là họ tự tin vào đôi mắt và nắm đấm của mình. Dùng nó để bảo vệ những gì thân thuộc với mình. Ngay cả các cơ quan công quyền còn thực thi “giết lầm còn hơn bỏ sót” thì trách cứ gì dân đen chúng tôi? Trong những trận đàn áp của các “cơ quan chức năng” ở các cuộc biểu tình diễn ra tại SG và các nơi khác, tôi không thể đếm được, người bị “đánh lộn” có bao nhiêu người! Sự trả lời của các cơ quan chức năng đối với những vụ “bắt cóc”, “đánh lộn” ở Việt Nam khi đó là gì? Là “cá mập cắn cáp”, là “đường truyền internet đang bảo trì”, là chặn IP…

Cuối cùng, tôi xin mời quý vị đọc một câu chuyện… không liên quan. Bắt đầu là đoạn mở đầu một bài báo dài trên nhật báo Le Monde phát hành từ chiều 02/08:
“Berlin, một buổi sáng mùa hè… Một người đi tản bộ trong công viên Tiergarden, gần phủ thủ tướng, thì bất lình lình, một nhóm người võ trang xuất hiện, chích điện ông ta, lôi vào một chiếc xe hơi có số xe đăng ký ở Tiệp, phóng chạy. Một màn trong tiểu thuyết Phillip Ker? Không, đó là chuyện thực xảy ra cho Trịnh Xuân Thanh, cựu dân biểu VN, bị bắt cóc hôm Chủ Nhật 23/07 tại trung tâm thủ đô Ðức. Một hành động đang gây “một khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng (une grave crise diplomatique) giữa Ðức và VN.”
Tôi không rành về ông Trịnh Xuân Thanh lẫn những kẻ bắt ông ta là ai nhưng khi đọc bài báo trên tôi thấy những hình ảnh, cách thức bắt người kia không khác gì cách bọn trộm chó hành nghề ở Việt Nam.
Và một status trên mạng xã hội:
“Trong một hành động trả lời Bộ Ngoại Giao Ðức và cộng đồng quốc tế, cũng như dư luận trong nước. Vào sáng sớm hôm nay, giờ Việt Nam (2/8/2017). Hà Nội đã quyết định ngưng hợp tác với Mark Zuckerberg, mặc dù anh này là người Mỹ!”

DU