Chiếc bóng chim lồng hét cơn mộng dữ.
Cánh bị cắt ngắn, đôi chân bị cột.
Còn sót tiếng ca trong cổ họng buồn.
Tiếng ca chim lồng dội âm sợ hãi.
Tiếng của chim lồng khao khát tự do.
(I Know Why The Caged Bird Sings. Maya Angelou – Tôi hiểu tại sao chim hót trong lồng. Trần Mộng Tú dịch)
Ðó là những vần thơ làm nhói lòng nhân thế về thân phận của người nô lệ da đen trên đất nước tự do này. Những người da đen khốn khổ như những con chim bị nhốt trong lồng. Mà tiếng hót như giai điệu Blues thiết tha khát vọng tồn sinh bằng những giấc mơ qua miền ác mộng. Hãy cùng nhìn lại bức tranh u ám màu đen của lịch sử một thời dựng nước.
Sử liệu cho thấy nô lệ đã có từ chục ngàn năm trước. Người nô lệ hiện diện khắp mọi nền văn hóa, từ Ai Cập, Trung Hoa, Ấn Ðộ, Hy Lạp, Ðế quốc La Mã đến thời kỳ Tiền Văn minh Columbian ở Châu Mỹ. Họ là những kẻ mang nợ nần, bị trao đổi bằng thân xác mình, những kẻ phạm tội, những tù nhân chiến tranh, những đứa trẻ bị bỏ rơi và sinh ra từ cha mẹ là nô lệ… Ở Châu Âu, chế độ nô lệ giảm sút cho đến khi Ðế quốc La Mã sụp đổ, nhưng tồn tại cho đến thời Trung cổ. Ðến thế kỷ 11 và 12 thì nô lệ đã bắt đầu bị bãi bỏ ở Bắc Âu, nhưng ở phía Nam thì vẫn còn phát triển. Những nguồn nô lệ từ Châu Phi với giá rẻ mạt hơn các nô lệ ở Châu Âu, Họ được chở xuyên qua Ðại Tây Dương, Ðịa Trung Hải đến Ý, Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Ðào Nha. Từ Châu Âu, những người tiên phong đi khám phá và định cư ở châu Mỹ đã mang theo nô lệ đến vùng đất mới. Năm 1472 thì thương buôn Bồ Ðào Nha đã dùng nô lệ để đổi lấy vàng và ngà voi. Ðến năm 1503 thì Tây Ban Nha và Bồ Ðào Nha đã chở nô lệ đến vùng biển Caribbean và Trung Mỹ để thay thế người da đỏ trong việc đào vàng.

Trước khi Kha Luân Bố khám phá châu Mỹ, những người thám hiểm và thương buôn Bồ Ðào Nha đã đến bờ biển phía Tây Phi và mua lại những tù binh chiến tranh để làm nô lệ từ các bộ lạc. Khi những người Tây Ban Nha đến châu Mỹ thoạt đầu họ cố bắt người thổ dân da đỏ làm nô lệ nhưng bất thành. Và họ tìm thấy nguồn lao động thay thế từ Châu Phi. Người nô lệ da đen đầu tiên đến Châu Mỹ bắt đầu vào năm 1510, theo tàu của người Tây Ban Nha, 50 nô lệ Châu Phi đến Trung Mỹ Santo Domingo (Cộng Hòa Dominica). Ðến năm 1562 thì các thương buôn người Anh đã làm bá chủ trên biển Ðại Tây Dương, chở nô lệ từ Châu Phi đến Mỹ; chở đường, thuốc lá, vải về Châu Âu; mang rượu Rum, vải dệt và hàng hóa sang bán lại ở Châu Phi. Và cũng từ Cộng Hòa Dominica, người Tây Ban Nha đã đổ bộ lên St. Augustine, Florida.
Khi những người di dân đến định cư và lập nên thuộc địa đầu tiên ở Bắc Mỹ Jamestown, Virginia năm 1619, bệnh dịch, thiếu thốn lương thực và người da đỏ thường xuyên tấn công làm họ rất khốn đốn. Một chiếc tàu của thương buôn Hòa Lan ghé vào bờ, trên đó chở 20 người nô lệ da đen. Những cư dân thuộc địa đã trao đổi thực phẩm để có nguồn nhân công này. Cùng cư dân, những nô lệ đầu tiên này làm lụng trên mảnh đất mới và được hứa sẽ trả tự do, có thực phẩm và đất đai sau 7 năm. Các vụ mùa thuốc lá làm nên sự thịnh vượng của thuộc địa thuở sơ khai và xuất cảng sang Châu Âu làm cho miền đất mới mênh mông này càng cần nhiều lao công rẻ, và thế là hàng trăm chuyến tàu chở nô lệ Châu Phi đến Mỹ. Suốt từ 1619 đến năm 1807, nô lệ da đen đã giúp cho nền tảng kinh tế của đất nước non trẻ này rất nhiều. Dù không có số liệu chính xác nhưng ước chừng có từ 6 đến 7 triệu nô lệ da đen được chở đến nước Mỹ chỉ trong thế kỷ 18. Họ là những người đàn ông, đàn bà và trẻ em khỏe mạnh từ Châu Phi. Họ bị bán đấu giá, đàn ông có sức khỏe được mua giá cao để làm trên cánh đồng, đàn bà giá rẻ hơn được mua làm tạp dịch, nấu ăn và phục vụ tình dục cho chủ.
Túp Lều Chú Tom ra đời 1852, cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất trong thế kỷ 19, chỉ sau Kinh Thánh. Trong năm đầu tiên sau khi xuất bản, 300,000 bản được bán hết chỉ tính riêng ở Hoa Kỳ. Mặc dù cuốn tiểu thuyết bị cấm tại các tiểu bang miền Nam. Nhưng đã làm thay đổi cái nhìn của dân Mỹ ở các tiểu bang phía Bắc. Cuốn sách quan trọng đến mức Tổng thống Lincoln đã mời bà Stowe đến Tòa Bạch Ốc năm 1862 và chào bà bằng câu nói nổi tiếng: “Hóa ra bà chính là người phụ nữ nhỏ bé đã viết cuốn sách làm bùng lên cuộc chiến tranh vĩ đại.”
Các chuyến tàu chở nô lệ cho thấy một hình ảnh tàn nhẫn và khắc nghiệt như tàu chở hàng hóa và súc vật. Tàu dài 30m, rộng 8m được xây làm 4 tầng chở từ 450 đến 600 nô lệ. Họ được nhét vào khoang tàu tối tăm, trần truồng, ngồi, nằm cạnh nhau như sắp cá mòi. Trần tàu thấp ngang vai, phải bò hoặc nằm, chân bị xiềng. Chỉ có phụ nữ hoặc trẻ em được phép lên boong tàu làm việc nấu ăn hay dọn dẹp, ở đó họ bị hãm hiếp và đánh đập thường xuyên. Hải trình dài cả tháng trời, trong điều kiện vệ sinh và thức ăn tồi tệ, bệnh tật lây lan, hai phần ba số nô lệ bỏ xác trên biển, tuy vậy con số đến được vùng đất mới cũng còn quá lời cho chủ thuyền buôn.
Phần lớn các nô lệ bị săn bắt ở Châu Phi, nhưng cũng có một số đến từ vùng Tây Ấn. Nhiều nô lệ sinh ra ở Châu Mỹ và tiếp tục kiếp nô lệ. Họ bị làm nô lệ suốt đời, bị mua đi bán lại nhiều lần.
Tuy vậy không phải tất cả người da đen đến Mỹ đều là nô lệ. Một số chỉ là nô lệ có hợp đồng và được trả tự do sau kỳ hạn. Họ được phép cư ngụ và mua đất đai ở vùng đất mới. Ðầu những năm 1619 thì ở 13 thuộc địa đầu tiên của Mỹ đã có một tầng lớp người da đen tự do. Bao gồm những đứa trẻ sinh ra từ người mẹ da màu tự do, những đứa trẻ từ cha mẹ là Mỹ trắng hay da đỏ, những người da đen thủy thủ đến từ Châu Âu và những người nô lệ đã chạy thoát… Ngay cả một số người da đen giàu có theo chân người Tây Ban Nha cũng làm chủ trại và có nô lệ.
Khi cuộc Cách mạng dành độc lập từ Anh, một cậu thanh niên nô lệ tên là Crispus Attucks đã bị quân Anh giết đầu tiên trong vụ thảm sát Boston năm 1770. Một số nhà sử học xem Attucks là 1 trong 5 người tử vong đầu tiên cho nền Cách mạng Mỹ. Dẫn đến các cuộc nổi dậy của 13 thuộc địa. Chừng 5 ngàn nô lệ da đen đã được gia nhập quân đội Mỹ trong cuộc cách mạng này. Trong khi hơn 25 ngàn nô lệ đã chạy theo quân Anh. Khi nước Mỹ dành được độc lập thì người Anh đã “trả thù”, giúp 4 ngàn nô lệ da đen rời nước Mỹ, về Anh, Jamaica và Nova Scotia.

Sau khi giành được độc lập 1783, các tiểu bang phía Bắc tập trung vào công nghiệp nên ít cần nô lệ. Vào những năm 1750 thì số nô lệ sinh tại Mỹ gia tăng và các tiểu bang phía Bắc đã ngừng và cấm buôn bán nô lệ, trong khi các tiểu bang phía Nam dựa vào nông nghiệp ngày càng nhập nhiều nô lệ, South Carolina, Georgia và vài tiểu bang có số nô lệ nhiều hơn cả người da trắng. Các tiểu bang phía Bắc nhận thấy người nô lệ không quan trọng mấy cho nền kinh tế và lên tiếng đòi bãi bỏ chế độ nô lệ. Nhưng khi 13 thuộc địa đầu tiên này mở rộng về phía Nam và phía Tây thì nông nghiệp lại góp phần chính yếu vào nền kinh tế nước Mỹ, các nông trại bạt ngàn miền Nam luôn cần người nô lệ da đen ngày đêm thu hoạch và trồng trọt. Cho đến khi máy tỉa, lấy hột bông gòn ra đời năm 1793 đã đẩy mạnh sản xuất vải sợi và kinh tế miền Nam, cùng với cuộc cách mạng công nghiệp ở Châu Âu thì nô lệ là nguồn lao động chính được xem là “vàng đen”. Mặc dù Quốc hội ngăn cấm buôn bán nô lệ năm 1808, các cuộc trao đổi nô lệ trong nước Mỹ vẫn diễn ra hàng ngày ở các tiểu bang miền Nam, con số nô lệ gia tăng gấp 3 lần trong 50 năm kế tiếp. Vào năm 1860 thì đã có đến 4 triệu người da đen nô lệ, hơn nửa số đó sống trong các trang trại bông gòn ở phía Nam.
Một số nô lệ phản kháng nổi dậy đã bị đàn áp. Một số đã tìm cách tự do hay trốn thoát nhờ hệ thống Underground Railroad. Ðó là một mạng lưới hoạt động bí mật trong nhiều năm trời khắp nước Mỹ, từ các người Mỹ trắng, các nhà thờ Tin Lành, Thanh Giáo, phản đối chính sách nô lệ và các người da đen tự do, họ đã lập nhiều tuyến đường băng rừng lội suối, ngay cả cải trang để đi bằng tàu lửa, các căn nhà ẩn trú bí mật dự trữ thức ăn cho các nô lệ bỏ trốn, và tìm cách đưa họ về các tiểu bang phía Bắc, ngay cả đến Canada và Nam Mỹ để thoát khỏi gông cùm nô lệ. Từ năm 1850 đến 1860 hơn 100 ngàn nô lệ đã được tự do nhờ hoạt động bí mật này.
Cuộc nổi dậy của người dân nô lệ ở Haiti chống lại người Pháp trong suốt 13 năm và thành công năm 1803 đã ảnh hưởng đến các phong trào chống đối của nô lệ ở Mỹ. Từ 1830 đến trước nội chiến, các cuộc đấu tranh đòi bình quyền và tự do như Free Blacks của Frederick Douglass và một vài chính khách da trắng như William Lloyd Garrison, sáng lập tờ báo The Liberator, cùng các nhà thờ ở miền Bắc đòi bãi bỏ chế độ nô lệ. Họ xem rằng giam giữ nô lệ là tội lỗi, kìm hãm sự phát triển xã hội và kinh tế đất nước. Khi nước Mỹ mở mang bờ cõi về miền Tây, thì các phong trào tự do nô lệ càng lên cao. Và chính mâu thuẫn về quyền lợi kinh tế từ nô lệ đã làm đất nước non trẻ nhưng rộng mênh mông này chia rẽ, phân cắt để đi vào một cuộc nội chiến kinh hoàng. Một cuộc nội chiến để chấm dứt chế độ nô lệ và nỗi đau khổ triền miên của người da đen. Hàng chục ngàn nô lệ đã bỏ trốn miền Nam và gia nhập Liên quân phía Bắc. Họ chiến đấu dũng mãnh cho tự do chính bản thân mình. Với hơn 180 ngàn lính da đen đã góp phần cho miền Bắc chiến thắng cuộc nội chiến.
Từ bản Tuyên ngôn độc lập ngày 7 tháng 4, 1776: “All men are created equal”. “Chúng tôi khẳng định một chân lý hiển nhiên, rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền được tự do, và quyền mưu cầu hạnh phúc.” Phải đến 87 năm sau, ngày 1 tháng Giêng năm 1863, khi đất nước đi vào năm thứ 3 của cuộc nội chiến tang tóc, Abraham Lincoln ban hành Tuyên ngôn Giải phóng Nô lệ. Và sau đó Tu chính án thứ 13 của hiến pháp đã đem lại tự do cho 4 triệu người nô lệ da đen. Họ được quyền bầu cử như một công dân bình đẳng.
Hành trình gian khổ của những người da đen nô lệ đã làm nên một lịch sử đầy sắc màu bi tráng cho một đất nước hùng mạnh nhất thế giới.
SB