Chào anh/chị,
Mẹ em qua Mỹ hồi 2014 sau đó có bổ sung bảo lãnh cho em diện F2B. Anh/chị cho em hỏi là nếu em làm đám cưới mà không đăng ký kết hôn, thì có ảnh hưởng tới việc đi không? Vì theo em tìm hiểu mấy hôm nay dù đi Mỹ được nhưng sau này họ biết mình đã kết hôn trước thì sẽ bị trục xuất. Cám ơn anh chị. Nguyễn Trung Thành
Chào anh Thành,
Cảm ơn anh đã gửi câu hỏi. SG VISA xin trả lời thắc mắc của anh như sau:
Theo luật di trú Mỹ, nếu bạn có tên trong hồ sơ bảo lãnh diện F2B (Ba mẹ là Thường trú nhân bảo lãnh cho Con độc thân trên 21 tuổi) thì thời gian hồ sơ bảo lãnh sẽ kéo dài vào khoảng 6-7 năm. Trong trường hợp của anh, hồ sơ bảo lãnh của anh đã kéo dài khoảng 2 năm, vậy anh nên tiếp tục giữ tình trạng độc thân cho đến khi bạn có visa đến Mỹ. Việc bạn mong muốn tổ chức đám cưới nhưng không đăng ký kết hôn thì về mặt pháp lý hồ sơ bảo lãnh của anh sẽ không bị ảnh hưởng gì.
Trên thực tế, anh và bạn gái sống cùng nhau (có hay không tổ chức đám cưới) và sau này có con chung, mà anh và bạn gái hoàn toàn không đăng ký kết hôn thì về mặt pháp lý bạn vẫn còn đang độc thân. Do đó, khi đi phỏng vấn tại Lãnh sự quán, nếu anh tuyên thệ độc thân trước các viên chức Lãnh sự thì đây là sự thật và anh hoàn toàn không bị xem là khai man. Nhưng anh vẫn nên khai thật rõ cho các Viên Chức Lãnh Sự biết rằng anh đã sống chung với bạn gái và hai người đã có con chung (nếu có) để sau này khi anh đã đến Mỹ, anh có thể dễ dàng mở hồ sơ bảo lãnh cho bạn gái và con của anh.
Trong bối cảnh xã hội hiện nay thì việc 2 người chung sống với nhau mà không đăng ký kết hôn là chuyện không còn quá xa lạ và việc “sống thử” cũng được hiểu rằng cả hai người vẫn chưa quyết định đi đến hôn nhân và pháp lý vẫn chưa chính thức công nhận rằng họ là vợ chồng. Không giống như trong quá khứ ở thời điểm sau khi chiến tranh Nam Bắc chấm dứt, rằng có rất nhiều cặp vợ chồng đã sống chung với nhau nhưng không đăng ký kết hôn mà vẫn được pháp lý công nhận, vì trong giai đoạn sau chiến tranh đó chính quyền mới tại địa phương chưa có kinh nghiệm quản lý và hỗ trợ các cặp vợ chồng đăng ký kết hôn (ÐKKH), nên sau này khi những cặp vợ chồng này nộp hồ sơ xin nhập cảnh Hoa Kỳ theo các diện như ODP hoặc HO hoặc Con Lai thì họ vẫn được chính phủ Hoa Kỳ chấp thuận sau khi họ bổ sung giấy ÐKKH.
Về trường hợp của anh, ngay sau khi tới Mỹ và có thẻ xanh anh có thể mở hồ sơ bảo lãnh cho bạn gái theo diện vợ chồng sau khi anh và bạn gái đã hoàn tất thủ tục ÐKKH tại Việt Nam. Trước khi quay về Việt Nam để làm thủ tục đăng ký kết hôn cùng bạn gái, anh cần liên lạc với Ðại Sứ Quán (ÐSQ) hoặc Tổng Lãnh Sự Quán (LSQ) Việt Nam tại Hoa Kỳ để lấy Công Hàm Ðộc Thân (CHÐT) và một số giấy tờ cần chuẩn bị. Song song với việc lấy CHÐT, anh nên hoàn tất đơn Ủy quyền đã được công chứng và xác minh tại ÐSQ hoặc LSQ Việt Nam, để bạn gái có thể đem hồ sơ ÐKKH đến nộp tại Sở Tư Pháp tại thành phố hoặc tỉnh nơi đang có Hộ khẩu hoặc Ðăng ký thường trú trước – điều này có thể giúp tiết kiệm được thời gian làm hồ sơ bảo lãnh. Anh và quý độc giả nên lưu ý rằng chính quyền địa phương tại Việt Nam sẽ xét duyệt đơn xin ÐKKH của Việt Kiều sẽ có thời hạn khá lâu, có thể kéo dài đến 5 tuần làm việc tại các thành phố lớn và lâu hơn rất nhiều tại các tỉnh nhỏ. Vì vậy việc sắp xếp thời gian và công việc tại Mỹ để có đủ thời gian làm tất cả những thủ tục để được ÐKKH là điều cần được quan tâm kỹ.
Ðồng thời, hai vợ chồng cũng nên chuẩn bị thật kỹ các giấy tờ cần thiết cũng như tất cả khối bằng chứng chứng minh mối quan hệ của mình ngay từ bây giờ để hoàn thành đầy đủ Bộ hồ sơ bảo lãnh cũng như thuyết phục Lãnh Sự Quán cấp Visa cho người vợ. Anh Thành và quý độc giả nên nhớ rằng khối bằng chứng mối quan hệ vợ chồng có thể được thiết lập và lưu giữ từ rất lâu trước khi họ ÐKKH hoặc mở hồ sơ bảo lãnh. Thời gian bảo lãnh diện F2A (Thường trú nhân bảo lãnh vợ/chồng) có thể kéo dài trong khoảng 2 năm.
SG VISA hy vọng đã phần nào giải đáp thắc mắc của anh và gia đình. SG VISA chúng tôi thân chúc gia đình anh sớm đạt được giấc mơ đoàn tụ với người thân tại Mỹ. Nếu anh Thành và quý độc giả có thắc mắc gì khác, xin vui lòng liên lạc với SG VISA để được tư vấn và giải đáp cụ thể hơn.
Huy Tôn & SG VISA Team.