Menu Close

War For Planet Of The Apes

Hình quảng cáo phim War
Hình quảng cáo phim War

Tập ba trong bộ phim “Planet Of The Apes”, War là một cuốn phim chiến tranh không theo nghĩa thông thường, tuy cũng có đầy đủ những màn súng nổ đạn bay. Những ai từng xem qua phim “Apocalypse Now” (1979) với bối cảnh chiến tranh Việt Nam sẽ nhận ra một số điểm tương đồng. Nhân vật Đại Tá (The Colonel) trong phim War do tài  tử Woody Harrelson thủ diễn là một phiên bản mới của Colonel Kurtz (Marlon Brando) trong Apocalypse. Thậm chí, đạo diễn Matt Reeves không ngần ngại cho người xem biết chủ ý của mình qua những cảnh vị Đại Tá có những hành động và lời đối thoại rất giống Col. Kurtz, đến cả màn cạo đầu nhẵn bóng.

Nói như Picasso: “Nghệ sĩ tài năng thì vay mượn, nhưng nghệ sĩ thượng thặng ăn cắp.” Trong phim Apocalypse Now, đạo diễn Francis Ford Coppola đã mượn cốt truyện từ quyển tiểu thuyết “Heart of Darkness” của Joseph Conrad về cuộc chiến Congo vào thế kỷ 19 và biến nó thành một trong những cuốn phim về chiến tranh Việt Nam hay nhất từ xưa đến nay. Matt Reeves đã chứng tỏ mình cũng không vừa, cuỗm luôn Kurtz của Coppola về làm của riêng, và nhờ tài diễn xuất của Woody Harrelson đã thể hiện nhân vật Ðại Tá rất thành công.

Pierre Boulle, tác giả “Planet of the Apes” và “Bridge on the River Kwai”
Pierre Boulle, tác giả “Planet of the Apes” và “Bridge on the River Kwai”

Nhưng khác với Apocalypse, nhân vật chính trong War không phải là viên Ðại Tá mà là con khỉ tên Caesar [Xê Za], lãnh đạo một bộ lạc khỉ có trí thông minh không kém gì con người, nếu không dám nói là có nhiều phần khôn hơn. Tuy là khỉ nhưng Caesar (Andy Serkis thủ diễn) lại có nhiều nhân tính hơn những con người trong phim. Caesar là một thủ lĩnh chuộng hoà bình, không muốn có chiến tranh giữa người và khỉ, và luôn luôn tìm cách thoả hiệp. Ngay trong cảnh mở màn, Caesar cho ta thấy lòng nhân đạo của mình khi tha chết cho những người lính đã tấn công vào bộ lạc.

Giống như câu châm ngôn, “Cứu vật vật trả ơn, cứu nhơn nhơn trả oán”, việc làm “nhân” bản của Caesar đã dẫn đến một hậu quả không lường. Từ đó, tính “người” trong Caesar nổi lên, ý muốn phục hận làm cho Caesar quên đi tánh khỉ. Sự giằng co tâm lý giữa bản chất người và khỉ trong nội tâm của Caesar là một trong những chủ đề chính của War. Qua sự dẫn dắt tài tình của đạo diễn Matt Reeves, người xem chợt thấy mình có cảm tình với loài khỉ hơn loài người.

Marlon Brando trong phim trường “Apocalypse Now”, 1979
Marlon Brando trong phim trường “Apocalypse Now”, 1979
Đại Tá (Woody Harrelson), trong phim War, 2017
Đại Tá (Woody Harrelson), trong phim War, 2017

Nhưng công lớn nhất phải dành cho Andy Serkis, người diễn viên từng đóng vai Gollum vô cùng xuất sắc trong bộ phim “Lord of the Rings”. Trong War, Serkis đã lột tả được nhân vật Caesar qua từng nét mặt, ánh mắt, cử chỉ tuy người xem chỉ có thể nhìn thấy cặp mắt của Caesar mà thôi. Reeves đã tận dụng khả năng diễn xuất của Serkis bằng vô số những cảnh quay thật gần, áp sát mặt để ta thấy rõ từng cái liếc hay nhíu mày của Caesar và đọc được những gì đang xảy ra trong đầu.

Giống như Gollum, Caesar cũng được thể hiện dùng kỹ thuật motion-capture. Những con khỉ trong phim đều do người thật đóng. Diễn viên phải mang trên người các thiết bị điện tử dùng để ghi lại (capture) mọi động tác (motion) của nhân vật vào computer. Sau đó các chuyên viên CGI (Computer-Generated Image) mới dùng những nhu liệu vẽ (graphics software) để biến những hình ảnh kia thành những chú khỉ lông lá trông như thật.

“Planet of the Apes” mới đầu là một truyện khoa học giả tưởng của nhà văn Pháp Pierre Boulle, mang tựa “La Planète des Singes”, xuất bản năm 1963. Truyện này được dựng thành phim năm 1968, với tài tử Charlton Heston thủ vai chính, và đã thành công vượt bực. Thấy ngon ăn, 20th Century Fox đã cho ra thêm 4 phim Apes nữa từ 1970 đến 1973. Thuở ấy mấy rạp xi nê ở miền Nam Việt Nam cũng có chiếu loạt phim này.

Thời đó chưa có computer graphics cho nên các con khỉ chỉ là người thật được hoá trang. Vậy mà Apes vẫn được coi như một trong những bộ phim khoa học giả tưởng quan trọng nhất của thế kỷ 20. Phần vì kỹ thuật hoá trang mới lạ. Phần vì cốt truyện của Apes có chiều sâu, ẩn chứa nhiều tư tưởng cũng như cái nhìn táo bạo về bản chất và bản năng của con người.

Vào đầu thế kỷ 21, đạo diễn Tim Burton  cũng có làm lại một phim “Planet of the Apes” nhưng không hay lắm. Năm 2011, bộ mới ba tập ra đời với phim “Rise of the Planet of the Apes” của đạo diễn Rupert Wyatt và gặt hái nhiều thành công. Rise dựa theo cốt truyện của phim Apes thứ tư năm 1972. Andy Serkis cũng có đóng trong phim này và thắng nhiều giải thưởng trong bộ môn “Hiệu Ứng Ðặc Biệt” (Special Effects) thay vì cho tài diễn xuất.

Năm 2014 hãng 20th Century Fox tung ra phim Apes thứ nhì tên “Dawn of the Planet of the Apes”, lần này do Matt Reeves làm đạo diễn. Dawn đã thành công còn hơn Rise, do đó mới có phim thứ ba là War.

Amiah Miller trong vai Nova
Amiah Miller trong vai Nova

Khi làm War, đạo diễn Matt Reeves đã cố ý lồng vào câu chuyện những chi tiết có ít nhiều liên hệ với những phim Apes trước đó. Chẳng hạn như cô bé câm trong War được các con khỉ đặt tên là Nova, trùng tên với một nhân vật nữ trong truyện “Planète des Singes”.

So với hai phim trước, War được cho là phim hay nhất trong bộ ba “Planet of the Apes”, có cơ hội thắng nhiều giải Oscar kỳ này. Cốt truyện mang nhiều ý nghĩa nhân sinh và được dàn dựng hợp lý, mức độ khả tín cao. Các lời đối thoại tuy không nhiều vì các con khỉ không biết nói, nhưng đạo diễn đã biến điều đó thành một lợi thế, sử dụng sự im lặng và các cử chỉ của loài khỉ để biểu đạt tình cảm một cách hết sức tự nhiên. Phần âm nhạc của Michael Giacchino cũng được lồng vào phim thật khéo léo, tương phản nhịp nhàng với những đoạn thinh lặng cần thiết.

Matt Reeves và Mark Bomback, đồng tác giả của truyện phim War, đã bỏ ra nhiều tuần lễ trước khi bắt tay vào việc để xem thật nhiều phim xưa trên màn ảnh lớn. Họ đã coi toàn bộ 5 phim “Planet of the Apes” thời 70, phim cao bồi viễn Tây, phim chiến tranh, bộ Star Wars v.v… Cho nên không lấy gì làm lạ khi thấy War có nhiều tình tiết giông giống phim cao bồi “Outlaw Josey Wales”, hoặc “Apocalypse Now”, hoặc “Bridge On The River Kwai” (của cùng tác giả Pierre Boulle).

Nhưng như đã nói ở trên, đẳng cấp nghệ thuật nằm ở chỗ vay mượn mà không bắt chước. Hiếm khi thấy những bộ phim thuộc loại “bom tấn” (blockbuster) mà được phần đông các nhà phê bình phim chấm điểm cao về mặt nghệ thuật. Matt Reeves đã chứng tỏ mình là một nghệ sĩ thượng thặng của bộ môn nghệ thuật thứ bảy.

Caesar do Andy Serkis thủ diễn bằng motion-capture
Caesar do Andy Serkis thủ diễn bằng motion-capture

Về mặt thương mại, bộ phim “Planet of the Apes” là một thành công lớn cho hãng 20th Century Fox. Doanh thu chỉ từ hai phim “Rise” và “Dawn” thôi đã là 1.2 tỉ đô la. Cộng thêm “War” nữa chắc sẽ lên đến 2 tỉ dễ dàng nếu cộng thêm những thứ râu ria như DVD, phim cho mướn, đồ chơi v.v… Trong thể loại phim bom tấn, Apes sắp sửa qua mặt các bộ phim nhiều tập như “Batman Dark Night”, “Ironman”, “Alien”, “Superman”, “Star Trek”… Nếu tính luôn bộ phim thời 70, chương trình TV cũng như sách hình đủ loại, tổng số doanh thu từ Apes có lẽ sẽ hơn 3 tỉ đô la!

Vậy mà vào những năm 1964-65 chẳng hãng phim nào đã chịu mua bản quyền để làm cuốn phim Apes đầu tiên. Cuối cùng chỉ có 20th Century Fox là dám bỏ tiền ra, mặc dù lúc đó tình trạng tài chánh của Fox đang rất bấp bênh. Nhờ Apes mà Fox đã không bị sập tiệm. Không những vậy, Hollywood phát hiện ra một cách làm ăn mới: cho ra một loạt phim dựa theo một chủ đề, gọi là “franchise”. Ngày nay ta đã quá quen thuộc với những franchise lớn như “Star Wars”, “Spiderman”, “Lord of the Rings” v.v. Nhưng có lẽ ít ai biết tập phim “Planet of the Apes” chính là franchise đầu tiên trong ngành điện ảnh. Và “War for the Planet of the Apes” có thể là phim cuối cùng (và hay nhất) của franchise này. Rất đáng xem.

ĐN