Menu Close

Tuổi thơ trâu lá mít

Tò he với đủ màu sắc các nhân vật hoạt hình chỉ còn ở các dịp lễ hội
Tò he với đủ màu sắc các nhân vật hoạt hình chỉ còn ở các dịp lễ hội

Nếu như tuổi thơ của thời chúng tôi gắn với cái chong chóng gió bằng tre, hay tuổi thơ với con trâu làm bằng lá mít, tuổi thơ với con diều giấy vi vút gió và mê hoặc bảy màu cá lia thia… Thì tuổi thơ ngày nay, thời đại mọi thứ đều vội, đồ chơi tuổi thơ cũng gắn những thứ cảm xúc vội, con người trở nên trơ trọi.

Những con trâu lá mít, cá lia thia bảy màu

Tôi còn nhớ, ngày xưa ở quê, gần như nhà nào thuộc dạng kha khá một chút  thì nhà có thêm tường rào bao bọc khuôn viên, bên trong hàng rào thường có một rãnh nước nhỏ chảy róc rách để làm mát khu vườn. Và dưới rãnh nước thường có những con cá lia thia bảy màu, cá mặt nước, cá cấn… Những loài cá đó bây giờ hầu như không thấy nữa, họa hoằn lắm tôi mới gặp vài con cá lia thia bảy màu nằm thoi thóp trong các rổ cá của người tát đìa mang ra chợ bán. Nhưng cá lia thia bảy màu bây giờ không còn lấp lánh, màu sắc nhạt nhòa, buồn tủi hơn ngày xưa rất nhiều.

Con trâu lá mít
Con trâu lá mít

Những ngày xưa yêu dấu của tôi không phảng phất trên nét trẻ thơ bây giờ, đương nhiên thời bây giờ, trẻ thơ được tiếp cận với văn minh, với kỹ nghệ thông tin với “thế giới ảo” sớm hơn chúng tôi rất nhiều. Nhưng những con trâu làm bằng lá mít, những cái chong chóng giấy, diều giấy hay những con tò he đất nung, tò he bằng bột nếp, bột gạo, những chiếc thuyền giấy, thuyền gỗ có gắn động cơ bằng dây thun đàn hồi… Tôi không tin đó là thế giới lạc hậu và không giúp gì trong tiến trình hình thành tâm hồn một con người.

Tôi còn nhớ như in hình ảnh con bé Tư em tôi nó đã khóc như thế nào khi mùa hè đến, đất trong vườn khô nứt, nước dưới rãnh mương chảy quanh vườn cũng trơ khô, những con cá lia thia bảy màu mà chị em tôi mang về biến đi đâu mất, con bé Tư ngồi khóc thút thít bên rãnh khô cằn. Và bà an ủi nó:

– Thôi, con đừng khóc nữa, mùa mưa nó lại ngoi lên với con!

– Làm sao mà nó có thể ngoi lên được, nó chết rồi mà bà!

– Ờ… không đâu con ơi, nó chui xuống lòng đất để tránh nắng, nó ở dưới đó suốt ba tháng nắng, khi mưa đến, nó lại ngoi lên khỏi mặt đất để bơi lội, chơi đùa.

Đá cỏ cồ cồ (cỏ gà)
Đá cỏ cồ cồ (cỏ gà)

– Bà nói thật không bà, làm sao cá có thể chui xuống đất được?

– Ðược con ạ, cá ngoài ao cũng vậy, mấy cái ao suốt ba tháng trời nước cạn, đất nứt nẻ, nhưng mưa xuống thì cá đầy ao. Không hề có con mương nào đưa nước vào ao để cá nó theo vào. Hỏi con nó không ở sẵn dưới lòng đất thì nó ở đâu ra?

Lúc đó chị em tôi tin bà lắm, nhưng lên lớp 8, lớp 9, học môn sinh vật trong nhà trường, cô giáo khẳng định con cá chỉ có khả năng sống trong môi trường nước và chuyện cá chui vào lòng đất chỉ là chuyện hoang đường. Lúc đó, chúng tôi cứ nghĩ bà lạc hậu, rồi vẽ thêm trò phân tích khoa học cho bà biết, bà chỉ nói thêm “nước bơm thuốc khắp ruộng đồng như mấy tháng nay trở đi, chắc chắn cá sẽ không sống nổi!”. Mãi cho đến sau này, khi xem những thước phim trong chương trình Discovery, tôi mới hiểu ra là bà đúng.

Nhưng bà đã đi xa, những con cá lia thia bảy màu, cá mặt nước cũng đã vắng bóng. Con bé Tư tốt nghiệp ngành y, đi làm bệnh viện được mấy tháng lại bỏ nghề ở nhà cùng chồng làm bánh bao bỏ mối… Mọi chuyện xa thật xa, mãi cho đến khi nhìn những thứ đồ chơi mà mấy đứa nhỏ hàng xóm con chị bán bánh mì tranh nhau, tôi mới giật mình.

Tuổi thơ nhuộm màu Trung Quốc

– Con đang chơi trò gì đó? – Tôi hỏi bé Ðơn, thằng bé năm nay khoảng 11, 12.

– Ðây là cái phờ lay cơm (flycam) đó cô, chỉ cần bấm nút, nó bay lên và ghi hình cho mình, nó xịn lắm, mua tới gần một triệu đó!

Trò đan châu chấu, hoa từ lá dừa tại lễ hội Trái Cây Lái Thiêu, Bình Dương
Trò đan châu chấu, hoa từ lá dừa tại lễ hội Trái Cây Lái Thiêu, Bình Dương

– Ðố con một triệu đồng mua được bao nhiêu cái bánh mì?

– Cái đó cô hỏi mẹ con ấy, con chả biết đâu!

– Thế con có biết cái đồ chơi này của nước nào sản xuất không?

– Dạ, nó là của Trung Quốc, mà nước nào cũng được cô ơi, miễn là nó văn minh, tiến bộ thì mình chơi.

– Chà, thằng bé này đáo để quá, còn nhỏ vậy mà biết suy nghĩ thế rồi hả con? (Tôi vờ khích thằng bé xem nó phản ứng thế nào.)

– Cái này ba mẹ dạy con đó, là con người thì phải hiện đại và lên đời mới tốt.

Tôi không muốn hỏi thêm gì nữa bởi nếu quy ra số bánh mì phải bán được để sinh chừng đó lãi, chắc cũng phải bán cả vài trăm cái thì chị hàng xóm mới mua cho con được cái đồ chơi ấy. Nhưng nhớ lại đã có nhiều cái flycam bị nổ, tôi cũng đành nói chuyện với chị ấy đôi lời về sự nguy hại của đồ chơi, và khuyên thằng bé đôi lời về cái hiện đại mà nó đang theo đuổi.

Nhưng mà cũng lạ, hàng không chính ngạch, hàng lậu đồ chơi trẻ em từ Trung Quốc tuồn sang Việt Nam nhiều vô kể, thường thì nhìn màu sắc lòe loẹt và lại kích thích tính bạo lực của trẻ con. Có vẻ như flycam và các loại búp bê, xe hơi bằng nhựa là hiền nhất, ngoài ra toàn kiếm, súng, lựu đạn, robot chiến đấu… Nói chung là chẳng có thứ nào mà không kích thích bạo lực.

Đồ chơi Trung Quốc được bày bán khắp mọi nơi
Đồ chơi Trung Quốc được bày bán khắp mọi nơi

Ngoài chuyện này ra, vấn đề nhựa tái chế cũng là chuyện nhức đầu, bởi Trung Quốc là cái lò tái chết từ rác thế giới. Từ đó họ sản xuất ra những sản phẩm thường dùng với giá rẻ bèo, dễ bán và dễ đầu độc người sử dụng.

Tự dưng tôi sang đàng sang chuyện rác tái chế của Trung Quốc, nhưng thú thực các chuyến đi của tôi qua các tỉnh Tây Bắc, đến các cửa khẩu từ Lạng Sơn đến Lào Cai, từ cửa khẩu nhỏ đến cửa khẩu lớn, nơi nào cũng bắt gặp những cái ổ đồ chơi trẻ em Trung Quốc không có nhãn mác và nếu muốn mua số lượng lớn vào Nam bán lại thì sẽ có ngay đường dây chuyển hàng, giá thành thì rẻ như cho, dễ mua, dễ bán. Cũng vậy mà không ít bậc cha mẹ cho con chơi đồ chơi Trung Quốc, và trong số họ cũng không ít người trăn trở về nguồn gốc của đồ chơi, vậy nhưng đa phần họ không còn lựa chọn nào khác bởi giá thành và sự sẵn có của đồ chơi Trung Quốc và bởi lẽ không dễ gì tìm thấy đồ chơi Mỹ, Nhật, hay chí ít là Việt Nam, được cho là không nguy hại. Ngay cả việc dẫn con đến khu vui chơi ở các trung tâm vui chơi hay công viên, việc tiếp xúc và chơi với đồ chơi Trung Quốc cũng gần như là đa phần.

Ngược lại, những trò chơi thời của chúng tôi như ô ăn quan hay tò he đất bột, ném bóng đất… đã quá xa lạ và trở nên cũ kỹ, lạc hậu với không ít trẻ em. Tự dưng, tôi thấy thương con mình, chúng bị anh em, bạn bè đồng lứa xem là lạc hậu, không tiến bộ, nhà quê… bởi nhiều khi đến lớp lại mang theo con trâu lá mít, về nhà lại rủ bạn chơi trò kéo mo cau. Và thói quen chơi trâu lá mít, gà cỏ, diều giấy, ngựa gỗ, tránh đồ chơi bằng nhựa và tuyệt đối không chơi đồ chơi Trung Quốc của hai đứa nhỏ cũng có đôi lần khiến tôi chạnh lòng tự hỏi liệu mình có khắt khe với con mình quá hay không?

Kem bông
Kem bông

Nhưng tôi tin là vợ chồng tôi đúng, vì con tôi học rất thông minh, chơi trò nào cũng có yếu tố sáng tạo, ứng biến nhanh và hồn nhiên chẳng kém tụi tôi thuở nhỏ. Nhưng cũng có lúc nó già hết cỡ. Như tối qua, nó đố ba nó:

– Con đố ba, trong cuộc đời ba có ba cái gì luôn đi bên cạnh ba.

– Nếu là hai đứa con và mẹ con thì không thể dùng chữ “cái gì” để đố ba được.

– Ba chịu đi, con nói cho nghe!

– Ừ, ba chịu rồi!

– Thì mặt trăng, mặt trời và gia đình sẽ theo ba suốt đời đó. Sợ chưa, ba thấy con thông minh không?

Ông xã tôi mỉm cười ngạc nhiên và không quên khen nó thông minh:

– Chù chòa, con trai ba thông minh quá, nhưng nói nghe, con học được câu trả lời đó từ đâu nào?

– Hì, thì ‘bác thông thái’ nói cho con nghe đó. Ba quên là con trâu lá mít ba cho con là ‘bác thông thái’ à!

Nghe đến ‘bác thông thái’ của nó là chúng tôi biết sắp được nghe thêm vô số chuyện về việc bác ấy dạy nó cách chế tàu vũ trụ, rồi hồi xưa con đi coi múa rối nước đó, rồi thì không biết sợi dây điện nó làm bằng cái gì… Và thế nào cũng kết chuyện bằng việc mai ba nhớ làm cho con cái tàu thủy bằng bẹ chuối, ống đu đủ mà ba hứa nhé…

Âu đó cũng là cách mà tuổi thơ trôi qua!

UC