Họ được gọi là “máy tính” trước khi các máy tính pc, các máy tính bảng ra đời. Đó là một nhóm các nhà toán học, kỹ sư và khoa học gia. Và họ lại là phụ nữ. Nhiệm vụ chính của họ là biến những con số tính toán thành những số liệu, dữ kiện vô cùng chính xác, tối ưu cho Phòng Thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) của NASA ở Pasadena, CA và Trung tâm nghiên cứu Langley ở Virginia. Các tính toán của họ đã vạch đường đi cho các chuyến du hành vào vũ trụ và mở ra một kỷ nguyên chinh phục không gian cho loài người.
Barbara “Barby” Canright là người phụ nữ đầu tiên được nhận vào làm ở JPL năm 1939. Nhiệm vụ của bà là tính toán bao nhiêu hỏa tiễn cần thiết để phóng một chiếc phi thuyền vào không gian, chất liệu tối ưu để phóng đi các hỏa tiễn… Những tính toán này thực hiện bằng tay với bút chì và trang giấy kẻ ô cho các đồ thị. Thường thường phải mất cả tuần lễ với 6 đến 8 cuốn sổ tay đầy kín những công thức và dữ liệu. Kể từ sau vụ Trân Châu Cảng, nhiệm vụ của bà cùng với các nam cộng sự nhắm đến một chương trình tối mật mới cho quốc phòng: làm sao phóng vào không gian một quả bom nặng 14 ngàn lbs. Công việc của bà quyết định tỉ số sức đẩy so với trọng lượng của phi thuyền và so sánh hoạt năng của các động cơ dưới nhiều điều kiện phức tạp. Do khối lượng công việc đồ sộ, 3 người phụ nữ siêu việt khác được thu nhận đó là Melba Nea, Virginia Prettyman và Macie Roberts.

Macie Roberts lớn hơn 20 tuổi so với các phụ nữ cùng nhóm. Dù gia nhập muộn nhưng bà có năng lực và làm việc tỉ mỉ. Trở thành trưởng nhóm, bà chỉ mướn phụ nữ, lý do theo bà là đàn ông khó chịu đựng sự lãnh đạo từ đàn bà và bà dễ dàng hơn trong việc theo sát các phụ nữ cùng làm. Hành động của bà tạo ra tiền lệ cho cho việc ưu tiên chọn các phụ nữ cho ngành khoa học và quốc phòng, nhất là mướn các nữ sinh viên vừa tốt nghiệp đại học. Trong số các phụ nữ thì Helen Ling là người đã tìm cách thu dụng các tài năng trẻ có tiềm lực, thu nhận các nữ sinh dù chưa có bằng kỹ sư, khuyến khích họ đi học lớp cuối tuần và ban đêm. Vào thời gian ấy khi chế độ nghỉ lúc mang bầu và sinh đẻ chưa có, thì Ling đã đề nghị chu cấp lương tiền và mướn trở lại sau khi sanh.
Barbara Paulson thì bắt đầu làm cho JPL năm 1948 lo việc tính toán mất cả ngày trời cho đường đi của phi thuyền. Ngày 31 tháng Giêng 1958, vệ tinh đầu tiên Explorer 1 phóng đi thành công trong lịch sử nước Mỹ. Biểu đồ bằng tay cùng vị trí vệ tinh và quỹ đạo bay còn đậm nét bút chì của bà. Paulson sanh con và được mướn trở lại năm 1961 sau đó.

Năm 1950, NASA đã bắt đầu sử dụng computer. Những chiếc computer to bằng căn phòng. Nhưng thời ấy phần lớn các nam kỹ sư và khoa học gia không tin cậy cho lắm vào các máy móc này, bởi chúng phức tạp và hay bị lỗi. Họ đưa chiếc máy tính IBM mới giao cho nhóm phụ nữ của JPL, nhờ cơ hội này mà các phụ nữ đã thực hành và thảo ra các phương trình và nhóm thảo trình viên đầu tiên ra đời trong phòng nghiên cứu chính là những phụ nữ. Máy tính IBM 1620 sau đó ra đời có tên gọi là CORA gắn liền tên tuổi của những phụ nữ thảo trình. Janez Lawson tốt nghiệp kỹ sư hóa ở UC, Los Angeles năm 1953. Với bằng cấp, tuổi trẻ và trí thông minh, cô vẫn không kiếm được việc làm. Lý do là màu da và giới tính. Khi đọc được mẩu tìm việc của JPL về “Computers wanted” ghi rõ “không bằng cấp cần thiết” thì Janez ngầm hiểu rằng “phụ nữ có thể được mướn”. Và thế là Janez người phụ nữ da đen đầu tiên vào làm cho JPL. Sau đó Janez là 1 trong 2 người phụ nữ được gởi đi học khóa đặc biệt của IBM đào tạo vận hành và thảo chương máy tính.
Một nhóm phụ nữ da đen xuất sắc thời gian ấy ở Trung tâm nghiên cứu Langley cũng đã vượt qua những rào cản về màu da và giới tính. Phải kể đến Dorothy Vaughan, bà đi làm trên những chuyến xe bus kỳ thị chủng tộc, bị ngồi băng ghế sau cùng, ở chỗ làm bà cũng bị xếp vào khu “Computer phía Tây” của người da màu. Nơi các nhà vệ sinh cũng bị phân chia dành cho người da trắng. Ngay cả hội họp quan trọng cũng bị lờ đi. Khi Nhật tấn công Trân Châu Cảng và nước Mỹ tham gia Thế chiến, nhu cầu kỹ nghệ quốc phòng càng cần các nhân tài thì các rào cản về màu da và giới tính mới giảm dần. Năm 1951 Vaughan trở thành quản đốc, trưởng nhóm bộ phận tuyển dụng phụ nữ. Năm đó Mary Jackson gia nhập nhóm nghiên cứu dự án tốc độ siêu thanh, áp lực sức gió trong đường hầm cho các chuyến bay thử nghiệm.

Katherine Johnson, người phụ nữ được trao Huân chương Tự do Tổng thống năm 2015, gia nhập nhóm ở Langley 1953 như là một nhà toán-lý học và không gian. Bà đã tính toán cho chuyến bay lịch sử đầu tiên của Alan Shepherd, sau đó là John Glenn, vạch ra đường bay căn bản vào quỹ đạo trái đất và đáp xuống mặt trăng sau này. Từ nhỏ bà đã là 1 đứa bé thần đồng ưa thích các con số. Mười tuổi đã lên trung học, nơi quê nhà Whire Sulphur Springs, West Virginia, các học sinh da màu chỉ dừng lại ở lớp 8 vì không có khả năng trả học phí cao hơn và nạn kỳ thị chủng tộc. Cha bà phải chở bà đi xa 120 dặm đến Institute, nơi các học sinh da màu có thể học lên cao hơn và vào đại học. Trong 8 năm lo cho bà và các con ăn học. Katherine đã vượt cấp nhiều lớp, tốt nghiệp trung học lúc 14 tuổi và West Virginia College ở tuổi 18.
Một trong những người phụ nữ kỳ cựu 81 tuổi vẫn còn làm việc cho NASA, đó là bà Sue Finley. Làm cho NASA từ 1958, giúp tính toán cho đường bay của phi thuyền và các xe vận hành trên bề mặt các hành tinh. Hiện bà đang làm việc cho cuộc thám hiểm Jupiter kế tiếp của NASA.

Bằng sự thông minh, tính nhẫn nại và ngôn ngữ lập trình C, những đường vẽ đồ thị và tính toán bằng tay của các người phụ nữ bình thường mà siêu việt này đã đưa những phi thuyền, chiếc Mars Rover và giúp nước Mỹ đem con người lên mặt trăng. Mặc dù không bao giờ họ xuất hiện trên các hình ảnh nổi tiếng của NASA như các phi hành gia, với các thành tích ghi dấu những lần phóng thành công. Những phụ nữ này được xem là những “máy tính mặc váy” đáng yêu trước khi máy điện toán ra đời. Họ đóng góp cho sự thành công kỳ diệu của cuộc chinh phục không gian. Tên tuổi của họ đã được viết trên những vì sao xa xăm và cõi không gian vô cùng, thật lâu trước khi Hollywood đưa họ lên ngôi với cuốn phim Hidden Figures năm 2016.
SB