Menu Close

Mẹ đã không còn

Tháng Tám, thời tiết ở Dallas thật nóng; tuy nhiên, năm nay có nhiều cơn mưa giảm nhiệt, kéo về từ  những đám mây lãng đãng qua các vùng giông bão, tụ lại đây rồi đổ nước. Mùa Vu Lan ở Mỹ không bắt đầu bằng mưa Ngâu sụt sùi như ở quê mình, nhưng Vu Lan bắt đầu từ trong trái tim của những người con khi nhớ về ơn nghĩa bậc sinh thành của mình.

Vu Lan là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo, rơi vào ngày Rằm tháng Bảy âm lịch. Ðối với người Việt theo phong tục dân gian, tin là Tháng Bảy không may mắn và có những điều kiêng kỵ, cũng như khuyến khích ăn chay và làm việc từ thiện. Không biết tự bao giờ, truyền thuyết Ðức Mục Kiền Liên xuống địa ngục tìm Mẹ của nhà Phật đã “hoá thân” trở thành một mỹ tục trong đời sống văn hoá của người Việt Nam để trở thành ngày báo hiếu cha mẹ. Vì có liên quan mật thiết về nội dung, Lễ Vu Lan và Lễ xá tội vong nhân được người Việt nhận thức và thực hành làm một, có tính nhân văn sâu sắc của dân tộc Việt Nam.

Bất giác, tôi liên tưởng đến những tâm niệm của người Công giáo: cho khách đỗ nhà, cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, chôn xác kẻ chết, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc … (*)

Ngày Lễ Ðức Mẹ hồn xác lên trời (15-8), lúc còn trong khu parking lot của nhà thờ, tôi nghe hai bạn trẻ nói chuyện với nhau:

– Cuối tuần này, mình đi lễ Vu Lan ở chùa nào hở anh?

Người con trai trả lời gì, tôi nghe không rõ nhưng câu chuyện của họ nhắc tôi một điều: Lễ Vu Lan đi vào văn hoá của người Việt, chứ không riêng của một tôn giáo nào. Hơn nữa, trong mười điều răn Ðức Chúa Trời, có ghi rõ:

– Thứ Tư: Thảo kính cha mẹ.

Ngay chính bản thân tôi, bên nội, theo đạo Chúa hơn bốn trăm năm, nhưng bên ngoại, tổ tiên là tín đồ Phật giáo, hoặc thờ cúng ông bà lâu đời.

Riêng với tôi, ngày lễ này đã theo tôi cho đến tự bây giờ với những kỷ niệm thật khó quên.

Năm ấy, tôi về quê hương thăm Mẹ. Mẹ nhắn gửi có một việc quan trọng muốn bàn cùng con trai. Khi ra khỏi phi trường, trời đã về khuya, thấy các em các cháu đến đón, nhưng không có Mẹ. Cô em kế cho biết:

– Mẹ muốn ở nhà nấu nướng, đãi anh Cả những món ngon miệng mà anh thích.

– Làm gì mà phải vất vả như thế. Tôi nhăn nhó.

– Mẹ vẫn vậy anh à! Luôn chân, luôn tay, không chịu nghỉ ngơi. Cô út trả lời.

Ðứa cháu gọi bà, đưa điện thoại cho tôi:

– Bác Cả này, nghe bà nói.

– Về rồi hả con! Bằng an mạnh khoẻ là tốt. Mẹ đang giở tay nhé! Tiếng của Mẹ như vang vọng tự ngàn xa, giọng nói Mẹ vẫn ngọt ngào, dịu dàng, yêu mến.

Suốt ba mươi cây số đường dài, tôi ngồi im lặng, nghe hai đứa em gái liến thoắng đủ thứ chuyện, nhưng tâm hồn phiêu du cùng Mẹ. Những đứa cháu ngủ gà ngủ gật. Xe lướt nhanh trên xa lộ, qua cầu; bên dưới là dòng sông Ðồng Nai uốn khúc miệt mài, nhẫn nhục. Thoắt cái đã hơn hai mươi năm.

Về đến nhà, Mẹ cuống quýt chạy ra cửa, tôi ôm chầm lấy Mẹ, rồi nhấc bổng bà lên. Các em, các cháu cười vang.

Mẹ ngượng nghịu:

– Gớm, anh Cả cứ như còn bé lắm ấỵ

Tôi cười vui:

– Con bao giờ cũng là đứa trẻ của Mẹ mà!

Khi cơm nước xong xuôi, các em các cháu đã ra về, Mẹ đưa cho tôi ly nước vối:

– Con về được lâu không?

Tôi nói chỉ hai tuần. Mẹ chép miệng, ngần ấy năm xa cách mà không ở lại vài ba tháng hay sao?

– Nhưng … này, con, Mẹ ngẫm kỹ rồi, muốn bàn với con một việc.

Tôi ngả lưng dài trên mép chiếu:

– À, chắc chuyện cái nhà phải không? Mẹ cứ ở đây, mai sau để cho các em, con chẳng thắc mắc gì đâu. Con xây nhà là để cho Mẹ và gia đình cơ mà.

Mẹ cười:

– Ðã đành vậy, nhưng không phải chuyện ấy.

Mẹ hạ thấp giọng thì thầm:

– Anh Cả  à…, có người nhắn tin… đã tìm ra em Vĩnh.

Tôi ngồi bật dậy:

– Hả, ai… ở đâu… bao lâu ?

Mẹ nâng vạt áo lau nước mắt, còn tôi lặng câm theo giòng hồi tưởng.

Trong cái vô thường của cuộc đời ô trọc này, vẫn còn có những số phận hẩm hiu bị bỏ quên, vẫn còn có bao người phải sống trong nghịch cảnh…

Trên nắp hầm chống pháo kích, bên ngoài ánh hỏa châu soi rõ qua khe cửa, tôi ngồi học bài bên chiếc đèn dầu. Mẹ khuấy ly bột sắn mang cho tôi: uống đi cho mát ruột, con.

– Cám ơn Mẹ, mẹ chưa ngủ à! Mai còn đi làm sớm.

Mẹ ngồi sụp dưới chân tôi, nhìn lên, khẩn khoản:

– Anh Cả ơi! Mẹ có việc muốn nói…

Tôi tuột xuống, sát vào lòng Mẹ

– À, chắc Mẹ muốn bàn về ngày giỗ Bố chứ gì, còn hơn hai tháng nữa cơ!

Mẹ cúi gằm mặt:

– Không phải thế, không phải  thế… Mẹ có lỗi, Mẹ xin con tha thứ, Mẹ xấu xa, Mẹ… không xứng đáng làm Mẹ các con…

Mẹ nghẹn ngào nhìn tôi:

– Con ơi! …

– Sao vậy, Mẹ?

Mẹ oà khóc, nức nở:

– Mẹ… Mẹ… có thai rồi…

Tôi vùng ra, đứng dậy… và cũng bật khóc:

– Lạy Chúa con lòng lành vô cùng, xin Chúa tha tội cho con.

Tôi giận Mẹ và giận trời cao, vì sao lại cho tôi phải vác thánh giá nặng dường  ấy.

Tôi phóng ra ngoài, chạy như trốn lánh giữa màn đêm dày đặc. Thỉnh thoảng, tiếng nổ của từng trái hỏa châu bừng sáng rồi lại tắt lịm.

Mẹ gọi với theo:

– Lực ơi!

Tôi không về nhà, suốt một tuần lễ, ở nhờ bạn, tôi bỏ học, đi lang thang khắp chốn.

Giữa một xã hội còn mang nhiều dấu ấn phong kiến, trọng nam khinh nữ, thì việc một người đàn bà có thai khi chồng đã chết, là một điều không thể chấp nhận được. Thiên hạ có quyền bêu rếu, dè bỉu, khinh chê. Tôi cảm thấy xấu hổ vô cùng, lại còn bao áp lực từ bạn bè, họ hàng, khu xóm… Trong cơn khủng hoảng tinh thần, cõi lòng tan nát, tôi lầm lũi đến một nơi mà mình không chủ định.

Ngôi nhà thờ ở đường Kỳ Ðồng, bên ngoài có tượng Ðức Mẹ đứng giữa hang đá trên cao nhìn xuống, mỉm cười:

– Ðã sao nào! Lực. Ngày xưa, ta cũng bị hàm oan, đến nỗi Thánh Giuse đã định bỏ ra đi cách kín đáo. Con ích kỷ lắm, Lực. Con chỉ biết sống cho mình mà không thương mẹ con. Giữa giòng đời nghiệt ngã, thân goá phụ đơn côi, yếu đuối, phải làm lụng vất vả nuôi dạy ba đứa con thơ dại, lại chịu sự bỏ rơi, ghét bỏ từ bên nhà nội; Mẹ  của con chẳng đáng được ngợi khen, kính trọng hay sao? Mẹ con đã miệt mài với nỗi đắng cay, chỉ biết hy sinh, chịu đựng, và có lúc khốn cùng trong tuyệt vọng.

Con hãy trở về nhà, sống sao cho xứng đáng là nam nhi, nâng đỡ và yêu thương mẹ của mình, cùng hai đứa em gái.

Mẹ vác bụng mang dạ chửa đi tìm tôi, và gặp tôi ngủ vùi trên ghế đá công viên.

Giông bão rồi cũng qua, tôi trở về nhà. Mấy tháng sau, Mẹ sinh em bé, nó là con trai. Nhưng… do hoàn cảnh ngặt nghèo, thiếu thốn, đói kém… Mẹ gạt nước mắt trao cho người khác nuôi em.

o O o

– Con tính sao, Lực?

Câu hỏi của Mẹ, đưa tôi ra khỏi vùng ký ức, trở về thực tại.

– Còn tính gì nữa, ngày mai đi đón em về.

Sáng hôm sau, hai mẹ con tôi bay ra Huế. Theo địa chỉ, chúng tôi đến đường Nguyễn Huệ. Nhưng oái oăm thay, người mẹ nuôi của Vĩnh đã mất, và Vĩnh cùng vợ con xuôi Nam làm ăn cùng gia đình nhạc gia.

Thật là: “Bóng chim tăm cá”.

Trước lúc quay lại phi trường Phú Bài,  tôi nói tài xế tìm chỗ đậu xe chờ; tôi đi bộ lên cầu, đứng dựa vào thành, lặng nhìn giòng nước An Cựu bên đục, bên trong mà xót xa cho thân phận làm người, héo tàn, uá vàng như lá đổ muà thu.

Bởi vậy, mùa Vu Lan đối với riêng tôi, mang một kỷ niệm se buồn nhưng dấu yêu hằng  ghi nhớ. Ðúng ngày Lễ Vu Lan, hai mẹ con đến Chùa Thiên Mụ. Trong tiếng chuông mõ công phu, tôi được một chị gắn cho bông hồng đỏ lên trên ngực áo. Ðó là giây phút hạnh phúc nhất trong đời, mà tôi không thể nào quên.

Vì lúc ấy, tôi còn có Mẹ.

Ðêm, xuôi thuyền theo giòng Hương giang, nghe hát dân ca, tôi mua một bó hoa hồng tặng Mẹ. Nhìn những hoa đèn lấp lánh trôi trên sông nước, Mẹ sung sướng nhưng ngượng ngùng.

Cả một đời goá bụa vất vả nuôi con trong chiến tranh, Mẹ chưa được ai tặng đoá hoa nào.

Còn tôi, đứa con bất hiếu, đã làm hàng trăm bài thơ ca ngợi, tôn thờ vẻ đẹp kiêu sa của những nàng thiếu nữ, nhưng chưa hề viết nổi một câu thơ xưng tụng người Mẹ của mình.

Nước mắt tôi nhạt nhoà theo những  giọt mưa Ngâu. Tâm hồn tôi lắng đọng qua từng lời căn dặn.

Hai năm sau, Mẹ tôi qua đời.

Từ đó, vô cùng thấm thía, xót xa, tôi hiểu rằng chẳng bao giờ có thể gặp lại Mẹ hiền yêu dấu. Nhưng may mắn thay, một ngày kia, rất tình cờ, tôi đã tìm được em Vĩnh ngay ở Sàigon. Tôi tin rằng vong linh Mẹ sống khôn thác thiêng đã run rủi cho tôi gặp lại em Vĩnh, cũng trong những ngày thu. Tôi đưa em về chịu tang bên mộ Mẹ, và hứa với lòng sẽ luôn thương yêu, giúp đỡ em để Mẹ được ngậm cười nơi chín suối.

Sau này, tôi còn có dịp trở lại vãn cảnh chùa nhiều lần, và ở nhiều nơi trên đất Mỹ. Nhưng từ đấy, tôi chỉ còn nhận được bông hồng trắng dành cho mình mỗi dịp lễ Vu Lan.

Năm nay, Mùa Vu Lan lại đến. Nhìn hình ảnh cài bông hồng trên áo cho khách thập phương, lòng tôi xúc động lạ thường.

Và, tôi nhớ đến Mẹ hơn bao giờ hết.

ĐP

 – Huế tháng 8/2008 – DFW tháng 8/2017

(*) Thương người có 14 mối.