NGUỒN TIN: VOA

Truyền thông báo chí trong nước đưa tin: Bảng xếp hạng các trường đại học Việt Nam vừa mới được công bố, không được sự hoan nghênh của một số trường đại học, nhất là các trường được đánh giá không tương xứng với danh tiếng lâu nay của họ. Bảng xếp hạng được công bố ngày hôm qua, có 49 đại học trong tổng số hơn 300 trường đại học ở Việt Nam được đánh giá. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một bảng xếp hạng như vậy. Công việc đánh giá này do một nhóm khảo sát độc lập, do Tiến Sĩ Lưu Quang Hưng, nhà nghiên cứu hiện đang làm việc tại Úc, chủ trương.

Năm trường đại học xếp đầu bảng là Đại Học Quốc Gia Hà Nội, Đại Học Tôn Đức Thắng, Học Viện Nông Nghiệp, Đại Học Đà Nẵng và Đại Học Quốc Gia Thành Phố Sài Gòn. Năm trường cuối bảng là Học Viện Ngoại Giao, Đại Học Luật Hà Nội, Học Viện Ngân Hàng, Đại Học Văn Hóa và Đại Học Y-Dược Hải Phòng. Việc một trường tương đối mới như trường Tôn Đức Thắng, đánh bại các trường lâu đời, như Đại Học Quốc Gia Thành Phố Sài Gòn, Đại Học Bách Khoa Hà Nội, Học Viện Ngoại Giao, Đại Học Y Dược Sài Dòn, Đại Học Y Dược Hà Nội, là một điều bất ngờ.

Trong khi đó, các trường đại học được xem là “danh giá,” có số sinh viên thi tuyển cao như Đại Học Ngoại Thương, Học Viện Ngoại Giao, Đại Học Kinh Tế Quốc Dân, hay Đại Học Kiến Trúc, lại được xếp thứ hạng từ trung bình cho đến chót bảng. Việc xếp hạng dựa trên ba tiêu chuẩn lớn, đó là giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học và cơ sở vật chất quản trị. Hai tiêu chuẩn đầu, mỗi tiêu chuẩn chiếm tỷ trọng 40%, tiêu chuẩn còn lại chiếm 20% tỷ trọng. Số liệu nghiên cứu được nhóm khảo sát lấy từ trang chủ của các trường đại học.

Trong số các ý kiến phản biện, có ý kiến cho rằng việc đánh đồng một viện đại học lớn có nhiều trường thành viên như các Đại Học Quốc Gia, với một trường chuyên ngành như Đại Học Xây Dựng, hay Đại Học Kiến Trúc là “không phù hợp,” Việc so sánh tiêu chuẩn nghiên cứu khoa học, giữa các trường chuyên về khoa học tổng hợp, với các trường đào tạo kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên, cũng bị phản đối. Ngoài ra, việc bảng xếp hạng này không tính đến yếu tố số lượng sinh viên ra trường, có việc làm và mức thu nhập của họ, cũng được xem là thiếu sót.