
Hoa Kỳ là một Hiệp Chủng Quốc với nhiều sắc tộc khác nhau trong đó có người Nhật. Đó cũng là nơi có nhiều di dân Nhật sống xếp hạng thứ nhì (khoảng 1,204,205.00) sau nước Brazil, hạng nhất. Ngoài Hawaii, thành phố Los Angeles có con số người Nhật ngụ cư rất đông đảo. Bạn có thể tìm ra Phố Nhật (Little Tokyo) rất dễ dàng ở ngay tại trung tâm thành phố Thiên Thần này. Năm nay, cũng như mọi năm vào trung tuần tháng Tám (8/19/17), Phố Nhật tưng bừng tổ chức lễ hội Natsu Matsuri để chào đón mọi người.
Như ý nghĩa của cái tên cho thấy, “Natsu Matsuri” là một lễ hội mùa hè được tổ chức hàng năm trên khắp Nhật Bản. Lễ hội này lần đầu tiên được tổ chức trong thời kỳ Obon để tôn vinh tổ tiên của một người. Sau đó, trong thời Edo, Natsu Matsuri đã trở thành một lễ hội phổ biến rất lý tưởng cho việc làm giảm bớt sự mệt mỏi của con người trong mùa hè. Ở Nhật, trung bình mỗi năm có một chủ đề được đặt ra, và khoảng 1 triệu 500 ngàn người tham dự.

Ở Mỹ ngày lễ Natsu Matsuri thường được diễn ra vào khoảng tháng Tám là lúc thời tiết vô cùng nóng bức mà người ta chỉ muốn ra ngoài trời tìm cơn gió lạ hay vui chơi để quên đi căng thẳng của cuộc sống. Trên giấy tờ quảng cáo lễ hội này được đặt tên là “Natsu Matsuri Family” dành cho gia đình, nghĩa là đủ mọi lứa tuổi đều có thể tham dự.
Ðể tận lòng và góp vui bạn có thể mặc một bộ Yukata đến dự. Yukata là một bộ kimono mùa hè thường được làm bằng vải cotton hoặc vải tổng hợp, và không dệt. Nam và nữ đều mặc được. Giống như các loại quần áo truyền thống của Nhật Bản, yukata được làm bằng đường may thẳng và tay áo rộng. Yukata của đàn ông được phân biệt bởi việc mở rộng ống tay ngắn hơn khoảng 10cm so với đường may ở nách, so với phần mở rộng ống tay dài hơn 20cm trong yukata của phụ nữ. Một bộ quần áo yukata tiêu chuẩn bao gồm một bộ đồ lót bằng bông (juban), yukata, obi, chân trần, dép (geta), quạt tay, và một túi xách (kinchaku). Kinchaku được cả nam lẫn nữ sử dụng để mang điện thoại di động, kính mát, ví và khăn giấy. Yukata nghĩa đen là quần áo tắm, mặc dù việc sử dụng chúng không chỉ giới hạn trong việc mặc áo tắm sau khi tắm. Yukata là loại y phục phổ biến ở Nhật Bản trong những tháng hè nóng bức.

Những tiết mục của buổi lễ được đưa ra trình diễn thật hấp dẫn, đa dạng, đẫm chất văn hoá và giàu dân tộc tính như:
– Bon Odori community Dance. Ðây là một điệu vũ cộng đồng có tính tôn giáo và nhiều người có thể nhảy. Ở Nhật mỗi năm có khoảng 10 ngàn người cùng nhảy. Xuất phát từ đạo Phật, vũ điệu này ngụ ý chào mừng hạnh phúc và niềm vui. Từa tựa ngày Vu Lan, người Nhật cúng dường Trai Tăng và các linh hồn không nơi nương tựa trong ngày này. Người xem sẽ được hướng dẫn và mời nhảy theo.
– Koshin Taiko Performance. Màn trình diễn đánh trống Nhật (loại trống bện chặt với dây thừng) độc đáo của nhóm Koshin Taiko.
– Yuujou Daiko Performance. Màn trình diễn trống của nhóm Yuujou Daiko. Sau đó khách được mời lên tập đánh trống với sự hướng dẫn của một thành viên trong nhóm.
Ngoài ra còn có các sinh hoạt khác rất độc đáo cho người lớn và trẻ em như chụp hình với áo Happi. Tự làm nón Natsu Matsuri cho mình. Học cách gấp con nhái bằng giấy. Cùng nhau gấp 1 triệu rưỡi con hạc giấy để tưởng niệm cho những trẻ em đã chết trong các cuộc hỏa hoạn. Nếm thử món ăn chơi saataa andaagii. Màn biểu diễn võ Nhật Aikido.

Trẻ em được vẽ mặt, thổi bong bóng, xem và đến gần các con nhái Kaeru, rắn, đồi mồi, thằn lằn v.v…
Ðiểm đặc biệt nhất là hôm đó một phần của viện bảo tàng Japanese American National Museum mở cửa cho khách vào xem free, không phải trả tiền.
Vừa vào cửa, hai bộ y trang người lớn và trẻ em võ sĩ Nhật Samurai và kiếm, được cho khách mượn mặc thử chụp hình, đã là trung tâm gây chú ý cho mọi người. Ai cũng muốn mặc thử, nhất là các em nhỏ..

Khách được xem lịch sử và hình ảnh cuộc di cư của người Nhật tới Hoa Kỳ qua trên 130 năm. Khởi đầu từ thế hệ Issei của những năm đầu tiên cho đến tài liệu và mô hình của trại tập trung người Nhật trên đất Mỹ sau ngày Nhật tấn công Trân Châu Cảng (Pearl Habor). Những đóng góp và công trạng cùng lòng trung thành của người Mỹ gốc Nhật được ghi nhận và tuyên dương đều được triển lãm. Y trang và hình ảnh của tài tử, đạo diễn kiêm nhà văn George Takei người Mỹ gốc Nhật trong vai Hikaru Sulu của loạt phim bộ Star Trek trên TV Mỹ vào những năm 1968-69, được trưng bày. Khi cuộc chiến Mỹ Nhật nổ bùng, năm 1942, gia đình Takei bị buộc phải sống trong những chuồng ngựa của Công viên Santa Anita được cải đổi thành nơi ở, trước khi được đưa đến trại tập trung The Rohwer War Relocation ở Arkansas và cuối cùng được tái định cư ở The Tule Lake War Relocation Center in California.

Sự thật, mặt trái, mặt phải, bối cảnh cay đắng và khó xử của người di dân bị kẹt giữa hai lằn đạn được ghi lại, kể ra, như những tài liệu lịch sử quý báu. Lòng yêu nước của người Nhật giữa cố quốc và quê hương mới được chọn định cư, bị giằng xé. Họ phải theo phe nào? Cũng không thể chọn lựa, tất cả đều bị đưa vào trại tập trung sống trong đau khổ, thiếu thốn và lo âu. Bây giờ cộng đồng người Nhật ở Mỹ lớn mạnh với những con phố, những cơ sở thương mại phát đạt và vững chãi. Con cháu họ, những người Mỹ gốc Á, học hành rất giỏi giang thành đạt, vẫn không quên quá khứ và truyền thống văn hoá muôn đời của cha ông, đã thành lập Viện bảo tàng Nhật Mỹ trên đất khách. Những gia đình đủ mọi sắc tộc vào thăm Viện bảo tàng, nếm thức ăn Nhật, thưởng thức ca, vũ, nhạc của họ và cảm thấy yêu mến Phố Nhật vì đây cũng là một phần của đất nước này, của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ.

Thanh Thư thực hiện