Menu Close

Xung đột và khủng hoảng ở Miến Điện

Khủng hoảng di dân thường luôn xảy ra trên thế giới do nhiều nguyên nhân gây ra, nhưng chính yếu vẫn là chiến tranh, bạo động và bất ổn xã hội. Như thế giới đã từng chứng kiến cuộc khủng hoảng người tị nạn năm 2015 với hàng triệu người Hồi giáo Trung Đông, chủ yếu là người Syria, đã tràn vào Âu châu qua eo biển giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp rồi sau đó đi bộ cả ngàn dặm để có thể tới được những trại tiếp nhận người tị nạn ở Đức hoặc một số quốc gia Âu châu khác. Và nay thế giới đang phải chứng kiến một cuộc khủng hoảng người tị nạn khác, lần này là nhóm người sắc tộc Rohingya ở xứ Miến Điện, từng được Liên Hiệp Quốc gọi là nhóm thiểu số bị ngược đãi nhất thế giới.

xung-dot-va-khung-hoang-mien-dien3
Khủng hoảng người tị nạn Rohingya 2017 – nguồn dw

Hôm Thứ Bảy 16/9, theo báo cáo của văn phòng Cao uỷ Tị nạn Liên Hiệp Quốc, kể từ cuối Tháng Tám khi cuộc khủng hoảng bắt đầu, con số người tị nạn Rohingya vượt biên giới Miến Ðiện tràn vào Bangladesh đã vượt quá con số 400,000, trong đó có ít nhất 240,000 trẻ em với 36,000 đứa còn dưới một tuổi, làm cho tình hình tại trại tị nạn nằm ở thị trấn biên giới Cox’s Bazar trở nên tồi tệ hơn vì đã bị quá tải từ một tuần lễ nay. Trung bình mỗi ngày trại tị nạn này tiếp nhận khoảng 18,000 người Rohingya.

Cuộc khủng hoảng này bắt nguồn từ một số vụ xung đột lẻ tẻ vào cuối năm ngoái sau khi một nhóm dân quân có vũ trang, mà mới đây tự xưng là nhóm Ðạo quân Cứu thế Arakan Rohingya (ARSA), đã tấn công ba đồn biên phòng trong vùng biên giới giữa Miến Ðiện và Bangladesh vào ngày 9 Tháng Mười 2016. Theo giới chức chính phủ, nhóm người tấn công này được trang bị dao, mã tấu và ná bắn đạn sắt. Một số súng đạn bị nhóm người tấn công này cướp lấy mang đi. Vụ tấn công đã làm cho 9 lính biên phòng thiệt mạng. Ngày 11 Tháng Mười 2016, thêm 4 lính biên phòng nữa bị giết trong ngày thứ ba của cuộc xung đột. Theo sau những vụ tấn công trên, một số báo cáo cho biết đã có những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng đối với nhóm dân Rohingya gây ra bởi những lực lượng an ninh Miến Ðiện trong những cuộc tảo thanh nhằm tiêu diệt nhóm nổi dậy.

xung-dot-va-khung-hoang-mien-dien2
Người sắc tộc Rohingya bỏ làng vượt biên giới Bangladesh – nguồn The New York Times

Ít lâu sau đó, lực lượng an ninh Miến Ðiện và một số nhóm người Miến Ðiện Phật giáo cực đoan bắt đầu một cuộc đàn áp quy mô nhắm vào nhóm sắc tộc Hồi giáo Rohingya trong khu vực bang Rakhine nằm về phía tây của Miến Ðiện để trả thù cho những cuộc tấn công đồn lính biên phòng gây ra bởi nhóm dân quân nổi dậy gốc Rohingya nói trên. Vụ đàn áp đưa tới kết quả là những vụ vi phạm nhân quyền ở một mức độ rộng lớn dưới bàn tay của lực lượng an ninh, trong đó có những vụ giết thường dân vô tội, hãm hiếp phụ nữ, đốt nhà và nhiều hành động man rợ khác. Vụ đàn áp của quân đội Miến Ðiện lên nhóm dân thiểu số Rohingya đã gặp sự chỉ trích từ nhiều tổ chức và quốc gia trên thế giới, trong đó có Liên Hiệp Quốc, tổ chức Ân xá Quốc tế, Bộ ngoại giao Hoa Kỳ và chính phủ Mã Lai Á.

Những vụ xung đột và khủng hoảng người tị nạn Rohingya cũng đã từng xảy ra nhiều lần trước đây, mà gần đây nhất như năm 2012, một loạt xung đột xảy ra giữa người Hồi giáo Rohingya, đa số sống trong khu vực phía bắc bang Rakhine và nhóm sắc tộc Rakhine, đa số sống ở phía nam. Trước những vụ bạo loạn, có nhiều dấu hiệu cho thấy có những lo ngại lan tràn trong nhóm sắc tộc Rakhine theo Phật giáo rằng không bao lâu nữa họ sẽ trở thành nhóm dân thiểu số ngay trên vùng đất tổ tiên của họ. Cuộc bạo động cuối cùng đã xảy ra sau nhiều tuần lễ tranh chấp giữa hai nhóm, trong đó có một vụ hãm hiếp và giết chết một phụ nữ Rakhine bởi một nhóm người Rohingya và vụ giết chết mười người Hồi giáo Miến Ðiện bởi nhóm người Rakhine. Có nhiều bằng chứng cuộc tàn sát người Rohingya năm 2012 là có tổ chức mà theo lời kể lại của một số người sắc tộc Rakhine tham gia vào cuộc bạo động nói rằng họ đã được một số giới chức quân đội khuyến khích họ là phải tự bảo vệ lấy “nòi giống và tôn giáo” của mình, và đã được cung cấp dao, thực phẩm và được những chuyến xe buýt chở từ thành phố Sittwe, thủ phủ của bang Rakhine, đến để tấn công người Rohingya. Chính quyền Miến Ðiện đã bác bỏ lời tố cáo trên.

Năm 2015, bạo động, đàn áp và ngược đãi lại xảy ra. Lần này nhiều ngàn người Rohingya sống trong khu vực biên giới Miến Ðiện và Bangladesh đã bỏ chạy ra biển tìm tới những quốc gia trong khu vực Ðông Nam Á như Mã Lai Á, Nam Dương và Thái Lan trên những chiếc thuyền mỏng manh nguy hiểm. Họ được giới truyền thông quốc tế gọi là lớp “thuyền nhân” mới, giống như những người tị nạn vượt biển Việt Nam đã từng được gọi tên đó hai ba thập niên trước. Cao uỷ Tị nạn Liên Hiệp Quốc phỏng đoán có khoảng 25,000 người sắc tộc Rohingya đã vượt biển trong khoảng thời gian từ Tháng Giêng cho tới Tháng Ba năm 2015, hầu hết trong số này bị kẹt lênh đênh trên biển hằng tháng trời – bệnh tật, không thuốc men, không thực phẩm – vì không được nhận vào đất liền.

xung-dot-va-khung-hoang-mien-dien1
Người tị nạn Rohingya tại trại Cox’s Bazar – nguồn GettyImages

Mặc dù gia phả sắc tộc của người Rohingya còn khá mơ hồ, theo nhiều sử gia nhận định, họ chính là hậu duệ của những thương lái Ả Rập và đã sống trong khu vực này trong nhiều thế kỷ. Do địa thế có được bờ biển dài chạy dọc theo vịnh Bengal, khu vực Arakan trước đây (nay là bang Rakhine – thuộc phía tây Miến Ðiện và bắc giáp Bangladesh) là trung tâm trao đổi thương mại và văn hoá đường biển giữa Miến Ðiện và thế giới bên ngoài từ nhiều thế kỷ trước công nguyên. Ðến thế kỷ thứ 8, nhiều nhà truyền giáo đạo Hồi từ khu vực Trung Ðông đã bắt đầu sử dụng đường biển trong vịnh Bengal. Một số nhà nghiên cứu đoán rằng người Hồi giáo Ả Rập đã sử dụng những tuyến đường thương mại trong vùng để đi đến Ấn Ðộ và Trung Hoa. Một trong những tuyến đó là nhánh phía nam của con đường tơ lụa nối liền Ấn Ðộ, Miến Ðiện và Trung Hoa thuộc khu vực duyên hải phía đông nam Bengal tiếp giáp với vùng Arakan và đã được những thương lái Ả Rập ghi chép lại trong những tài liệu từ thế kỷ thứ 9. Dấu vết lịch sử của người sắc tộc Rohingya có thể bắt đầu từ thời kỳ này.

Sau khi giành được độc lập từ người Anh năm 1948, Ðạo luật Công dân Liên bang được ban hành, xác định mọi sắc tộc đều được công nhận là công dân của Miến Ðiện. Theo một báo cáo năm 2015 bởi nhóm nghiên cứu về nhân quyền quốc tế thuộc Ðại học Yale, nhóm sắc tộc Rohingya không có tên trong đạo luật này. Tuy nhiên, đạo luật cho phép những gia đình nào từng sống ở Miến Ðiện ít nhất hai thế hệ đều được nộp đơn xin thẻ căn cước.

Sau cuộc đảo chánh của quân đội Miến Ðiện năm 1962, tình hình thay đổi đáng kể đối với người Rohingya. Tất cả mọi công dân Miến Ðiện phải làm lại thẻ căn cước. Tuy nhiên, người Rohingya chỉ được phát cho tấm thẻ công nhận là người ngoại quốc sống tại Miến Ðiện.

Năm 1982, một luật công dân mới được ban hành, chính thức biến nhóm sắc tộc Rohingya thành những con người vô tổ quốc. Theo luật này, người Rohingya một lần nữa không được công nhận là một trong 135 nhóm sắc tộc của quốc gia Miến Ðiện. Ðể được công nhận là công dân, người dân phải chứng minh được là gia đình của họ đã sống ở Miến Ðiện từ trước năm 1948, cũng như phải nói trôi chảy một trong những ngôn ngữ chính của quốc gia. Nhiều người Rohingya thiếu những loại giấy tờ này bởi vì họ chưa từng được phát cho những giấy tờ đó.

xung-dot-va-khung-hoang-mien-dien
Bang Rakhine trên bản đồ Miến Điện – nguồn VOA News

Hậu quả của luật này là người Rohingya bị giới hạn rất nhiều những quyền lợi – từ quyền được đi học, làm việc, di chuyển, đến lập gia đình, thực hành đạo, hưởng dịch vụ y tế và đi bầu. Và đó cũng là nguyên do đưa tới xung đột sau này.

Cuộc khủng hoảng hiện nay vẫn chưa đến hồi kết thúc nhưng cho tới nay, người có tiếng nói uy tín và ảnh hưởng nhất ở Miến Ðiện là bà Aung San Suu Kyi vẫn gần như giữ thái độ im lặng. Ðến mức nhiều vị lãnh đạo tôn giáo uy tín trên thế giới đã phải lên tiếng, trong đó có Giám mục Desmond Tutu của Nam Phi, trong lá thư ngỏ đăng trên Facebook, đã viết: “Hỡi người chị em thân mến của tôi. Nếu cái giá chính trị để được thăng tiến lên ngôi vị cao nhất của Miến Ðiện là sự im lặng của bà thì cái giá đó quả thật là cao quá.”

Lời trách cứ tuy nhẹ nhàng nhưng xem ra mang nhiều nỗi cay đắng.

VH