Nhạc sĩ Ngọc Chánh đến với thế giới đèn màu của Sài Gòn trong các phòng trà và vũ trường với tư cách một nhạc trưởng của ban nhạc, rồi từ từ ông trở thành chủ nhân cùng kinh doanh thế giới âm nhạc về đêm với ca sĩ Thanh Thúy.

kỳ 3
Nhắc tới thế giới đèn màu của Sài Gòn vào những thập niên 60, 70 người ta liên tưởng tới những chốn ăn chơi hưởng thụ, nhộn nhịp hoa đèn của cư dân Hòn Ngọc Viễn Ðông như phòng trà và vũ trường về đêm. Chính phủ VNCH thời Tổng thống Ngô Ðình Diệm cấm khiêu vũ, các vũ trường bắt đầu đổi sang phòng trà ca nhạc, âm nhạc đột nhiên khởi sắc và được ưa chuộng. Các phòng trà thay nhau mọc lên rất nhiều như, Ðêm Màu Hồng có ban hợp ca Thăng Long, Maxim’s với Hoàng Thi Thơ và vũ sư Lưu Hồng, Queen Bee, Tự Do v.v… Sự kiện Tết Mậu Thân cũng vậy, thế giới về đêm bị ảnh hưởng, vũ trường lại bị đóng cửa một thời gian. Sau này khi lệnh cấm khiêu vũ được bãi bỏ, có phòng trà cũng là vũ trường luôn. Ngoài lãnh vực chơi nhạc, sáng tác, thu băng của nhạc sĩ Ngọc Chánh như trong các bài trước chúng tôi đã phỏng vấn ông, Ngọc Chánh còn là một người hoạt động nổi tiếng trong lãnh vực phòng trà, vũ trường trước năm 75.

Trịnh Thanh Thủy: Kỳ này bước qua lĩnh vực kinh doanh phòng trà và vũ trường, xin chú cho biết thêm hoạt động của chú trong lĩnh vực này, truớc và sau 75. Tên và địa điểm của những nơi chú kinh doanh, cùng ai cộng tác?
ngọc chánh: Ðầu tiên, trước năm 1975, tôi làm nhạc trưởng ban Shotguns và có cộng tác với các phòng trà như Maxim’s của Hoàng Thi Thơ và Queen Bee của Khánh Ly. Sau một năm, Khánh Ly rời Queen Bee, tôi và Thanh Thúy tiếp quản và làm chủ phòng trà này. Thời gian sau nữa tìm được chỗ khác, Tôi và Thanh Thúy mua lại và mở vũ trường International Quốc Tế nằm ở mũi tàu Lê Lợi, Nguyễn Trung Trực, Công Lý (nay là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa). Hai cái quan trọng để đi đến thành công trong việc kinh doanh phòng trà và vũ trường là ca sĩ hay và ban nhạc tốt. Tôi không dám nói nhiều, ngày đó ban nhạc Shotguns toàn những người hay của Sài Gòn. Một ban nhạc quy tụ toàn người hay thì dĩ nhiên nó phải hay. Anh Lê Văn Thiện đánh piano và hoà âm, Hoàng Liêm đàn guitar, Saxo thì Trần Vĩnh, Trumpet có Cao Phi Long, Violon là Ðan Thọ, bass Duy Khiêm, trống trước có Lưu Bình, sau có Hải. Một ban nhạc toàn người hay hợp lại, thường không ở được với nhau lâu dài. Có lẽ vì ai cũng nghĩ mình là số 1, nên khó lòng lắm. Tuy nhiên vì tôi cũng là 1 nhạc sĩ cùng anh em, tôi còn là chủ, thành ra mới giữ ban nhạc được lâu. Ngoài ra, tôi có cái nguyên tắc là, với anh em mình chịu thiệt thòi chút cũng không sao, do đó cái gì cũng xong. Trong khi hầu hết các phòng trà, vũ trường khác không giữ được các ban nhạc làm chung với nhau lâu, một thời gian ngắn anh em lại bất hoà, lủng củng rồi tan rã. Nếu không có biến cố năm 75 xảy ra, có lẽ anh em trong ban nhạc tôi còn ở mãi với nhau. Có thể vì do tôi điều hành nên giữ được hoà khí giữa các anh em. Còn về mức lương, tôi trả các anh em cao nhất so với các nơi khác. Ngoài ra, làm việc với tôi còn được vững vàng hơn. Năm 69, người mở phòng trà Queen Bee là cô Khánh Ly, phòng trà đã thành công nhất nhờ tiếng tăm sẵn có của cô Khánh Ly và nhờ ban nhạc của cô toàn người hay. Tuy nhiên, cô cũng không giữ được ban nhạc lâu, rồi bất hoà và tan rã.

Sau 75, tôi ở lại trong nước và sang định cư ở Hoa kỳ tháng 4 năm 79. Cùng năm, tôi mở vũ trường ở San Jose vào tháng 12, lấy tên là Maxim’s. Người chủ nhà hàng là Luật Sư Ðinh Thành Châu, ông cho tôi thuê lại một tuần hai đêm Thứ Bảy và Chủ Nhật làm vũ trường. Năm 1983, 84 tôi về Little Saigon, Nam Cali và mở vũ trường Ritz. Chỗ này lúc trước là phòng trà có cùng tên của nhạc sĩ Vô Thường, anh không thành công và tôi sang lại. Tôi giữ tên cũ và tiếp tục hoạt động cho tới năm 98, là 16 năm, tôi quyết định nghỉ hưu.

TTT: Xin chú cho biết thêm về thành phần đối tượng của phòng trà và vũ trường thời trước và sau 1975. Chú có phải đối mặt và chi tiền cho xã hội đen trong việc bảo hộ hay duy trì an ninh của việc kinh doanh này không?
NC: Trước 75, khách đến phần lớn là những thương gia và những người có tiền, họ làm việc mệt nhọc cần có nơi giải trí. Sau 75, bên Mỹ thì dễ dàng hơn, vì ai cũng có tiền. Họ đến vũ trường cuối tuần cũng chẳng tốn kém bao nhiêu nên họ đi để giải khuây.
Vấn đề an ninh, trước 75 ở VN, theo tôi, lúc ấy không có xã hội đen. Từ sau khi chính quyền giải quyết nạn du đãng lộng hành, Sài Gòn rất an ninh. Vũ trường của tôi không cần an ninh gác cửa, tôi không phải đối mặt với du đãng. Chẳng có gì xảy ra đối với vũ trường của tôi, chỉ có đôi ba lần xảy ra những vụ đánh ghen, mà đánh ghen thì có gì đâu, can xong thì thôi. Ở Mỹ, khoảng thời gian 1980-90 xã hội Mỹ cũng có nhiễu nhương, nhưng từ ngày mở vũ trường, tôi chưa từng bắt tay với ai, hoặc làm mích lòng người nào hết. Tôi chưa hề cho ai, bất cứ đồng bạc nào. Vì sao, vì ở Mỹ có luật pháp, tôi nhờ luật pháp tức người giữ an ninh (Security) bảo vệ, rất an ninh.

Ttt: Nói đến vấn đề tài chánh, thì vũ trường hay phòng trà mang nhiều lợi nhuận hơn?
nc: Nói về lợi tức thì vũ trường có lời nhiều hơn, còn phòng trà chỉ có tiếng, nhưng thu nhập kém. Ðược cái nhờ hoạt động lâu, khách hàng biết tiếng thương mến, nên vũ trường ở VN tôi mở, đêm nào cũng hết chỗ, ở Mỹ cũng thế, mọi đêm bán hết, không còn vé.

Ttt: Xin chú chia sẻ một vài trải nghiệm, vui buồn nghề nghiệp trong thế giới của phòng trà và vũ trường.
NC: Thật tình vui là tôi làm được những chương trình theo ý mình như các chương trình tìm kiếm tài năng mới. Mình có phương tiện của vũ trường để tổ chức các cuộc thi để tìm người mới. Nhờ đó ra được một số tiếng hát như Quang Tuấn, Anh Dũng, Hoàng Nam v.v…
Ttt: Trước 75, T nghe nói chú từng đào tạo một số ca sĩ, xin cho biết chú nâng đỡ và đào tạo họ thế nào?
NC: Ở VN cũng như Hoa Kỳ, có những cái mà người đầu đàn phải có hy sinh, dẫu chịu thiệt thòi cũng không sao. Ví dụ, tôi bỏ rất nhiều thời giờ để suy nghĩ làm sao cho một tiếng hát nổi tiếng. Không phải tự nhiên một người hát hay mà nổi tiếng đâu, ngày đó còn cần phải có ban nhạc. Ngoài ra bên báo chí giúp bài vở quảng cáo thêm. Anh em bên đó quý tôi, cũng phụ giúp tôi đưa một tiếng hát thành danh, nếu họ thấy người đó có tài. Hầu hết những người thành công nghĩ tôi hát hay sẽ tự nhiên thành công. Không đủ đâu, phải có sự nâng đỡ thêm vào. Ðưa một người thành danh phải mất nhiều mặt và thời gian chứ không phải dễ. Bây giờ dễ hơn nhờ có TV, video và các phương tiện quảng cáo khác, ngày xưa không có sự phổ biến nhiều chỉ trông vào báo chí giúp thôi.

Trịnh Thanh Thủy thực hiện