Chúng tôi ở Agra đã 2 ngày, viếng lăng mộ đá trắng Taj Mahal. Sáng nay dậy sớm. Mới 6 giờ chim đã hót líu lo. Nhìn qua cửa sổ, vầng Thái Dương rực rỡ nhuộm hồng cả một vùng rộng lớn nơi chân trời. Không khí ban mai thật trong lành, quyến rũ và ngọt ngào như nụ cười thiếu nữ. Mọi người thu dọn hành lý, cùng đến phòng ăn dùng điểm tâm sớm để đi Jaipur. Tuy mùa nóng nhưng trong khuôn viên khách sạn hoa cỏ xanh tươi. Chúng được cắt tiả gọn gàng. Hoa giấy nhiều nhất, đủ màu xanh, đỏ, tím, vàng. Cây dọc dài theo lối đi, ngọn cây giao nhau làm thành lối đi hình bán nguyệt, mát rượi. Ngoài đường sinh hoạt bắt đầu náo nhiệt, xe cộ ồn ào.

Ấn Độ có 3 nơi chính được gọi “khu tam giác” mà du khách ngoại quốc thường thăm viếng là New Delhi, Agra và Jaipur. Hai bác tài xế lái xe cho gia đình chúng tôi thường đi và đến địa điểm này nhiều lần trong một năm. Agra và Jaipur cách nhau 232 cây số, đi mất khoảng 5 đến 6 tiếng vì còn nghỉ ngơi dọc đường.
JAIPUR, thành phố màu hồng
Jaipur, còn được gọi Pink City, là thủ đô và là thành phố lớn, đông dân nhất của tiểu bang Rajasthan phía Bắc Ấn Độ. Vào thế kỷ thứ 16, Hoàng gia cư ngụ tại Amber Fort. Về sau dân chúng càng ngày càng đông, nhà vua dời kinh đô về Jaipur. Lúc bấy giờ hoàng đế Maharaja Sawai Jai Singh II trị vì nên thành phố lấy tên Jaipur, là trung tâm văn hóa, thương mãi của Ấn Độ. Sau nhiều lần chiến tranh với Marathas, vua cho xây pháo đài và tường thành chắc chắn bao quanh thành phố để bảo vệ an ninh cho dân chúng. Thành khởi công xây từ 1727, hoàn tất sau 4 năm. Bên trong thành có 9 khu vực gồm khu dân cư, các dãy phố buôn bán, trường học, chợ, hí viện… Cung điện hoàng gia chiếm 2 khu. Tường thành cao, có 7 cổng ra vào tráng lệ và kiên cố. Mỗi cổng có tên riêng như cổng Mặt Trời ở phía Đông, cổng Mặt Trăng ở phía Tây… Thuở xưa cổng thành mở khi mặt trời mọc, đóng lại lúc mặt trời lặn. Ngày nay dân số tăng thêm, hơn 3 triệu nên được nới rộng thêm ra bên ngoài thành. Một số nhà dân, phố buôn bán, trường học, bệnh viện xây cất bên ngoài vòng thành. Jaipur có 15 trường Dược, 3 trường Y, 6 trường Nha, 40 trường Kỹ sư, cùng rất nhiều trường đào tạo chuyên viên thương mại.

Hoàng đế Maharaja Sawai Jai Singh II
Từ Agra đến Jaipur xe theo đường tráng nhựa nhỏ có hai chiều xuôi ngược. Phần lớn là xe chở hàng hóa và xe đò đầy hành khách. Trời nắng nóng, bụi đường bốc đầy mỗi khi xe chạy qua. Hai bên đường đồng ruộng cỏ cháy vàng, đất khô nứt nẻ. Những con trâu dưới ruộng cũng gầy vì thiếu cỏ. Lạc đà ốm nhom. Dọc đường chúng tôi thấy có nhiều đền thờ tráng lệ, trang trí với các hình tượng người, thú, trên nóc đền, trên tường rất đẹp. Bác tài ngừng cho chúng tôi chụp ảnh. Ruộng thì nứt nẻ, khô cằn vì thiếu nước nhưng trong khuôn viên đền thờ cỏ cây xanh mướt, hoa kiểng rực rỡ màu sắc tươi đẹp. Càng gần Jaipur phố phường, nhà cửa khang trang, đông đúc hơn.
Từ Agra đến Jaipur cũng như các thành phố lớn khác ở Ấn độ, du khách có thể đi bằng máy bay, xe bus, xe đò hay xe lửa theo đường nhỏ hay xa lộ. Đi xa lộ nhanh nhưng chẳng thấy phong cảnh, đền chùa hai bên đường. Đi xe lửa, xe đò thì chật như nêm, có khi hành khách phải ngồi cả trên… mui xe.

Đường phố ngoại ô Jaipur
Xe dừng lại ăn trưa ở một nhà hàng sạch sẽ dọc đường. Địa điểm này do bác tài chọn trước khi khởi hành. Phần lớn thực khách trong nhà hàng là du khách.Thực đơn cừu, gà nhiều hơn các món khác. Nhà hàng có các thức ăn chay hấp dẫn. Các món ăn tráng miệng rất ngon và lạ. Nước xoài, nước dứa ngon tuyệt, có lẽ một phần vì chúng tôi khát và trời nóng nực.
Chúng tôi lấy phòng khách sạn cất hành lý xong trời đã xế chiều, ánh nắng dịu bớt. Có thể quý độc giả ngạc nhiên không hiểu tại sao chúng tôi chọn tháng nóng nhất (có ngày nóng 110 độ F, ban đêm 70 độ F) và máy bay mắc để đi Ấn Độ. Xin thưa vào tháng 7 các cháu được nghỉ hè. Vả lại trời tuy nóng nhưng khô, có gió, xe có máy lạnh nên không đến nỗi nào.
Chúng tôi đi một vòng thành phố Jaipur nhiều cây to xanh tốt, khí hậu tương đối dễ chịu hơn các địa phương trên đường đi. Phố buôn bán san sát nhau và tất cả đều sơn màu hồng. Trong các tiệm bày tơ lụa, quần áo may sẵn, các dụng cụ bằng da, đồ sành, đồ sứ, các dụng cụ bằng bạc, ngà voi chạm khắc tinh vi. Có tiệm bán tranh ảnh, nữ trang vàng bạc, đá quý vân vân… Bác tài bảo hàng hóa trong các tiệm này rẻ hơn trong khách sạn. Cũng có nhiều tiệm giống như tiệm tạp hóa người Trung Hoa ở Nữu Ước, bán bánh kẹo, giầy dép, quần, áo, khăn, nón, dù,v…v… Hàng hóa treo lủng lẳng hay bày cả ra vỉa hè.

Người bán rau quả tại Jaipur
Jaipur có 3 đền thờ Hồi giáo và 18 đền thờ các tôn giáo khác. Có đền thờ dành cho các thiếu nữ cầu nguyện để được chồng tốt, ai có gia đình thì cầu xin sống với nhau trọn đời. Nếu chồng bê tha thì cầu xin cho đổi tính nết, biết yêu thương vợ, lo cho gia đình. Không thấy nói đền thờ cho mấy ông khấn nguyện được vợ hiền…
Phụ nữ Jaipur mặc y phục màu sắc rực rỡ vui mắt: xanh, đỏ, tím,vàng cam… mang nhiều nữ trang bằng vàng bạc, vòng tay, vòng cổ, và trên mũi. Mỗi khi cử động các vòng tay va chạm nhau kêu leng keng vui tai. Vài thiếu nữ mặc jeans và sơ mi. Nam giới quấn sà-rông và mặc áo chùng trắng dài quá đầu gối, rộng thùng thình. Có người đầu vấn khăn trắng hay màu vàng, màu tím, có người đầu trần.
Khách sạn giới thiệu chúng tôi một hướng dẫn viên chuyên nghiệp để sáng hôm sau thăm cổ thành và vài di tích lịch sử. Viếng thắng cảnh hay đền đài, không được nghe thuyết minh chỉ nhìn ngắm kiến trúc, chụp vài tấm ảnh sẽ tiếc công đi xa…

Lạc đà, một phương tiện di chuyển độc đáo và tiện dụng
AMBER FORT
Amber Fort ở trên núi cao, cách thị xã 11 cây số. Anh Rao, hướng dẫn viên nói là đồi (hill) nhưng tôi thấy giống như núi vì ở trên cao. Muốn viếng thăm người ta dùng xe jeep hay cỡi voi. Khoảng gần 8 giờ chúng tôi có mặt ở khu vực Amber Fort. Nhiều du khách đã sắp hàng trước, phần lớn là người da trắng. Khu vực này có cây xanh, sân rộng rãi lót đá. Họ bày bán các quà lưu niệm, khăn, nón, túi xách, vòng tay, vòng cổ bằng bạc, bằng ngà, vân… vân…

Đường lên Amber Fort
Một số đã sắp hàng, một số còn đứng chụp ảnh hay mua quà lưu niệm. Gần nơi bán vé, bên dưới tường thành mấy chục chú nài ngồi trên lưng những con voi mập mạp, đứng thành hàng dài. Lưng voi phủ khăn rộng màu mè xanh đỏ.
Trên mặt tường thành mấy chú khỉ to nhỏ lăng xăng chạy nhảy tới lui. Theo lời anh Rao, người Jaipur coi trọng khỉ nên chúng được tự do chạy nhảy không ai phiền, còn được cho ăn. Chúng thích ăn chuối. Thấy mấy chú khỉ tôi liên tưởng đến lần thăm viếng các hang động ở thánh địa Batu, Kuala Lumpur. Đường lên núi khỉ nhiều và dạn dĩ. Du khách không để ý là chúng giật chai nước uống hay túi cầm tay và chạy chỗ khác, thật nhanh nhưng nếu mình cho chúng chuối hay bánh thì chúng ngồi yên cho mình sờ đầu chụp ảnh. Trước khi đi thăm viếng những nơi này hướng dẫn viên có ân cần nhắc nhở du khách nên cẩn thận, dân địa phương xem chúng là linh vật, không dám xua đuổi nên chúng sinh sản mỗi năm nhiều thêm. Trong lúc chờ đợi một ông lão Ấn gầy gò đầu quấn khăn trắng, cầm ống sáo và xách cái giỏ nho nhỏ đến. Quý vị thử đoán xem cái gì trong giỏ? Một con rắn ú nu khoanh tròn bên trong. Ông lão mở nắp giỏ, lấy sáo ra thổi. Rắn từ từ vươn cao, cái đầu nghiêng qua lại theo tiếng sáo. Hết bản nhạc rắn thu mình lại trong giỏ như trước. Một số người bỏ tiền vào nắp giỏ.

Tầm nhìn từ Amber Fort
Rồi cũng đến lượt chúng tôi cỡi voi. Dễ dàng thôi vì lưng voi cao ngang mặt đường, nơi đứng xếp hàng. Chỉ cần mở thanh sắt nhỏ cho khách ngồi vào ghế xong đóng lại, an toàn thoải mái. Ghế có chỗ tựa lưng giống như hình ảnh chúng ta thấy trong sách báo. Voi này rước khách đi, con khác kế tiếp giống như chúng ta đi taxi ở khách sạn hay phi trường. Suốt quãng đường từ chân núi lên Amber Fort toàn là voi đi hàng một. Ngồi trên lưng voi gió mát, thấy các nhà, phố, cây cối bên dưới bé nhỏ. Nhìn lên trên, cung điện thành lũy sừng sững, bề thế, to rộng như chuyện thần thoại cổ tích. Chung quanh là núi non hùng vĩ, bát ngát bao la.Voi đi nhẩn nha, bước từ từ trên đường lót đá giữa hai bên tường thành cung điện nằm trong thành trên núi cao. Thành có nhiều tháp canh kiên cố. Đường đi vòng vèo qua mấy lần cổng gạch cao, chạm khắc xinh xắn đến các tầng kiến trúc với sự tích khác nhau. Tầng nào cũng có cung điện tráng lệ, và nhiều du khách đến. Anh Rao cho biết vào mùa cao điểm một ngày có đến 4, 5 ngàn du khách viếng thăm Amber Fort.
Được biết cung điện tầng một dùng cho việc giết súc vật tế lễ thần linh có vườn hoa và sân rộng rãi, có thể cỡi voi đi vòng quanh trong sân. Cung điện tầng 2 dùng diễn binh,ban huấn từ, lễ hội mừng chiến thắng. Tầng 3 nơi vua quan làm việc. Cung điện tầng 4 dùng cho gia đình hoàng tộc, hoàng hậu, cung phi cư ngụ. Mỗi cung điện có đền thờ, công viên, sân rộng rãi.

Chúng tôi xuống cung điện tầng 3. Voi trở về chân núi đón khách mới. Sẽ có voi khác đưa chúng tôi trở lại bãi đậu. Có lẽ tầng 3 đông du khách nhất. Cung điện này thật huy hoàng, đồ sộ, còn có tên gọi “Mirror Palace”. Tường, cột, cửa lớn, cửa nhỏ đều sơn màu hổ phách amber. Trần cao, phủ kín hoa văn. Một số phòng trong cung điện, các tường, trần gắn những miếng kính màu nhỏ (mosaic) thành hình nọ kia rất lạ và đẹp. Theo Rao nếu đốt nến, ánh sáng phản chiếu lên tường kính tỏa ra thành muôn màu như hội hoa đăng. Cửa lớn, tường, cột đều chạm khắc cầu kỳ. Đi hết phòng nọ đến phòng kia, liên miên đi hoài không dứt. Những hàng cột to ngang và dọc, thẳng tắp. Sân cung điện tầng 3 rộng có thể chứa một lúc 70 con voi trong buổi lễ voi diễn hành hàng năm. Bên ngoài nhìn những cung điện như ở các tầng riêng biệt nhưng vào trong đi loanh quanh khi lên khi xuống, quẹo trái rẻ phải một lúc cũng đến cung điện khác, không cần phải ra ngoài.
Anh Rao đưa chúng tôi xem các gian phòng. Anh đưa xuống con đường hầm sạch sẽ, ánh sáng vừa phải. Đường hầm quanh co dẫn đến cung điện khác, có lối thoát ra ngoài. Chỉ người thân tín vua biết con đường này.
Hoàng tử và hoàng hậu đều không biết, nhất là các hoàng tử. Trong lịch sử xứ này có hoàng tử bất lương đã không ngần ngại dùng thủ đoạn xấu xa đoạt ngôi vua cha. Chúng tôi đi một đoạn ngắn xong quay trở lại. Đi vào một đường khác, lúc ra con đường. Chắc chắn bạn sẽ đi lạc nếu không có người hướng dẫn vì sẽ không thấy con đường hầm.
Cách đây hơn 4 thế kỷ, khi chưa có máy móc tối tân, người Ấn đã xây được chuỗi cung điện rộng, đẹp như vậy. Tường thành chắc chắn, có tháp canh, có nơi diễn binh, nơi dự trữ nước…
Tôi thực sự ngưỡng mộ người xưa.
