Menu Close

Bà quả phụ áo đen với hai người đàn ông

Người đàn ông thứ nhất

Chồng mất trong một cơn bệnh ngặt nghèo, bà trở thành  góa phụ khi mới ba mươi hai tuổi. Suốt mười năm đau khổ dằn vặt khôn nguôi trong lòng, trang phục bà chỉ bằng một màu đen tuyền. Bà không màng gì tới những cuộc vui, không tha thiết giao thiệp với bạn bè, bà sống như chui trong cái vỏ ốc, lặng lẽ âm thầm, nuối tiếc cho số phận hẩm hiu của đời mình.

Một hôm, tình cờ nhầm số phone, nghe được giọng nói thật quyến rũ của một chàng trai Sài Gòn lai Bắc ngọt ngào dễ thương. Bà cảm thấy chất giọng đó sao quen thuộc quá. Sâu thẳm trong tiềm thức bà cố moi trong trí nhớ và chợt nhớ ra rằng người chồng quá cố của bà cũng có cái giọng gần giống như thế.

Thuở đó khi còn là nữ sinh trung học, mỗi lần nghỉ hai giờ đầu nàng rất thích ra công viên lượm những chiếc lá dẹp dẹp màu nâu nhạt mang tên “bụt bụt”. Lá chỉ dài bằng một gang tay có hai lớp dính nhau, muốn nó phồng to thành cái bong bóng người ta phải vê vê nhè nhẹ lớp màng mỏng ấy xong đưa lên môi thổi. Nàng rất thích cảm giác khi thổi xong chiếc lá bụt rồi đập mạnh vào lòng bàn tay vang lên tiếng: bụp! bụp!

alt
Tranh: Thắm Nguyễn

Vào Thu bụt bụt rụng tơi tả, lá càng già màu càng thẫm nâu dễ thổi hơn những chiếc lá non nớt. Hôm ấy công viên vắng, bụt bụt không ai lượm, nàng ngồi phệt xuống đất tìm vài chiếc lá lìa đời đưa lên miệng thổi. Nàng đâu ngờ phía xa kia sau cái giá vẽ, một đôi mắt hướng về nàng. Anh họa sĩ trẻ đang chăm chú vẽ tà áo trắng trinh  nguyên trải dài trên vô vàn  bụt bụt, cành lá đang được đưa lên đôi môi hồng cong cớn chu ra. Mái tóc dài cuốn theo gió Thu lạnh lùng.

Suốt hai tiếng, nàng vô tình không hay biết với trò chơi của mình được họa sĩ vẽ nên một bức tranh lãng mạn, dễ thương.

Cho đến một ngày gần lễ Noel. Ngang qua

Phòng trưng bày tranh – Họa sĩ Bảo Nhơn

Nàng cùng nhóm bạn dừng chân lại rủ nhau  vào xem.

Thật ra nàng chẳng có khái niệm gì về hội họa. Nàng  thấy đủ loại tranh, đặc biệt là phong cảnh với nhiều đề tài: đồng quê với màu lúa vàng rộm, chú bé ngất ngưởng ngồi trên mình trâu thổi sáo, chiều trên đồi sim hoa  chúm chím cười nụ và những trái sim tròn vo tím cả chiều hoang, cánh diều lồng lộng trong gió dưới vòm trời xanh, và nhiều đề tài khác nữa.

Ô! kìa, có một bức “Thiếu Nữ”. Mấy nhỏ bạn  sửng sốt chiêm ngưỡng rồi quay sang nhìn nàng;

– Ê! tụi bây ơi! Sao người trong tranh này giống con  ni quá chừng.

Đứa khác gí tay vào trán nàng:

– Mi là cái chắc rồi phải không Sơ Huyền??? Mi lén  bọn tau ngồi làm mẫu cho tên họa sĩ này khi mô rứa?

Tái mặt, ngạc nhiên, nàng“á khẩu”    không nói nên lời.  Chính nàng cũng cảm thấy đó là khuôn mặt, vóc dáng  của mình khi ngồi ở công viên lượm lá “bụt bụt”.

Đang tranh cãi, bỗng phía sau lưng vang lên một giọng nói Bắc pha Nam:

– Chào quý cô! Xin hỏi quý cô thích bức tranh nào nhất.

Nhỏ Cam Ly chỉ vào bức “Thiếu Nữ”, nó dõng dạc:

– Có phải anh là tác giả bức tranh này? Và anh là bồ con Sơ Huyền ni đúng không? Hãy khai báo thành thật.

Trời ơi! bà thất kinh, hồn viá lên tới trời xanh.

Mỉm cười, mái tóc hơi xoăn rũ trước trán, anh nhìn nàng:

– Nếu các cô thấy  tranh này giống cô Sơ Huyền, tôi sẽ tặng cho cô ấy.

Cả bọn há hốc miệng, tròn xoe mắt nhìn anh họa sĩ trẻ, rồi không ai bảo ai ôm cặp cùng chạy ra khỏi phòng tranh.

Anh đã để lại trong lòng bà nhiều xao xuyến.

Suốt thời gian triển lãm, nàng hay  sai thằng em  “đệ tử ruột” ghé phòng tranh xem thử có ai mua bức tranh đó chưa? Nó về cười toe toét báo cáo:

– Yên chí! chị vẫn còn ngạo nghễ ngồi trong phòng tranh. Dưới bức tranh có ghi chữ: “Không bán”. Em nghĩ anh ấy sẽ tặng chị, để lúc chị bị “tiêu” tranh đó được đặt trên bàn thờ.

Chao ơi! tức điên lên, nàng rượt nó chạy lòng vòng trong nhà.

Một hôm đi học về, lấm la, lấm lét nó nhìn bà:

– Cái chi rứa, sao mi nhìn ta như kẻ trộm?

– Chị hối lộ cho em vài đồng rồi em cho cái ni.

– Mấy! Nói mau!

– Tùy lòng hảo tâm.

Móc trong cặp ra có mấy đồng bạc kên đưa cho nó, nàng rất ngạc nhiên khi thấy đó là thư của chàng họa sĩ. Nàng tự hỏi: Sao anh ấy biết thằng Cường nhà mình mà nhờ nó làm chim xanh? Vào phòng đóng kín cửa lại, run run bà mở thư:

“Chào em Sơ Huyền!

Trước tiên cho Anh xin lỗi về bức tranh “Thiếu Nữ”. Hôm ấy ra công viên vẽ cảnh lá vàng rơi nhưng khi thấy hình bóng em đang chu môi thổi “bụt bụt”, ngây thơ  và dễ thương quá ! Không cầm lòng được anh vẽ bức tranh đó. Lẽ ra anh phải đến xin phép em trước khi nhúng cây cọ vào màu, nhưng anh biết nếu  ngỏ lời chắc chắn em sẽ lắc đầu.

Tha lỗi cho anh nhé! Bức tranh ấy dành tặng riêng em.

Bảo Nhơn.”

Thay vì giận hờn, một sự thích thú len vào tâm trí. Nàng để bức thư che trên mặt rồi hãnh diện mộng mơ

“Mình cũng đáng yêu, tay họa sĩ ấy mới vẽ chứ!”

– Huyền ơi! Ra ăn cơm kẻo Ba đợi.

Tiếng Me gọi làm tỉnh cơn mộng mị giữa ban ngày, thay áo ngắn nàng khe khẽ hát:

“Một chuyện tình yêu anh họa sĩ
Gởi trong tranh vẽ những vui buồn
Lòng anh thầm yêu nàng ca sĩ
Cô gái rất yêu bông hoa hồng”

– Chị Huyền đang mơ ông họa sĩ rất đẹp trai mẹ ạ.

Ba chen vào:

– Thật không con, giới nghệ sĩ nghèo rớt mồng tơi coi chừng ưng mấy thằng ấy không có cái áo mà bận.

 Mẹ chữa lại:

– Anh khi mô cũng “đổ hô” cho con gái mình. Đời nào nó ưng mấy đứa khố rách áo ôm đó, Sơ Huyền ngoan mà.

Im lặng không dám cãi suốt bữa ăn bà chỉ gắp độc nhất một món: Trái vả chấm mắm ruốc nhưng nàng thấy rất ngon miệng.

Tháng ngày trôi, thư chồng chất, cậu em trai là chú chim xanh. Bà yêu chất nghệ sĩ, thích mái tóc rũ trước vầng trán bướng và giọng nói Nam pha Bắc vì cha mẹ chàng là người hai miền ấy.

Những buổi hẹn hò nơi đồi Thiên An vắng lặng, chùa Linh Mụ trang nghiêm, cầu Tràng Tiền soi bóng… nàng luôn xõa mái tóc dài tung theo gió, dựa vào gốc thông già, hay ngã người xoải đôi chân trên nền cỏ dại giữa chiều vàng, bà là nhân vật trong những bức tranh tuyệt tác của chàng.

Khi tình yêu chín muồi, nàng ghé đến nơi chàng sống. Đó là một khu nhà cho thuê chật hẹp. Chàng đi vắng, trước cửa  sổ treo một bảng ghi câu “TUYỆT GIAO VỚI PHỤ NỮ”. Eo ơi! Sao chàng ghi câu đó nhỉ, mình cũng là phụ nữ cơ mà?

Đang dùng dằng nửa ở nửa về, bỗng có bàn tay ai bịt mắt nàng, hóa ra là chàng.

– Sao anh ghi câu này nghĩa là chi?

– Nghĩa là… là anh… không muốn giao thiệp với phụ nữ nào ngoài em ra cả, có những nàng ngưỡng mộ tranh thường hay ghé tới đây khi đọc câu đó họ sẽ thăng mất cho khỏe. Dù được chàng giải thích nàng cũng nghi ngờ và buồn không ít. Chàng mời nàng vào nhà. Bữa cơm với rau luộc, nồi thịt kho với trứng, món khoái khẩu rất miền Nam tự tay chàng nấu để dành ăn trong ba ngày được bày ra…

Loay hoay tìm thêm một đôi đũa, nhưng duy nhất chỉ có một đôi, chàng dành đôi đũa độc nhất ấy cho nàng và trở ngược hai cây cọ gắp thức ăn một cách tự nhiên. Đúng là nhà nghệ sĩ, vừa bê bối vừa kiết xác nghèo. Nàng tự hỏi trong đầu: “Thế những bức tranh chàng bán, tiền để đâu mà không mua nổi một bó đũa tre?” Không trả lời được nhưng  bà vẫn thương chàng.

Thời gian thấm thoắt trôi, căn phòng có bàn tay nàng chăm bón đỡ lộn xộn, bớt tung tóe nào là bút vẽ, nào là những hộp màu. Áo quần chàng được treo trên móc một cách gọn gàng hơn. Nhưng có một cái trong  khuôn mặt chàng, nàng can thiệp hoài mà không được đó là: hàm râu trên và dưới cằm ít khi cạo, bởi chàng thích như thế.

Ba mẹ biết chuyện tình yêu của nàng, ban đầu cấm cản triệt để. Sau bốn năm học ra trường ngành ngân hàng bà không chịu chấp nhận lời cầu hôn của bất cứ ai. Gia đình đành chấp nhận cho bà vu quy với người yêu. Đám cưới đơn giản, cô dâu xúng xính trong váy trắng nở nụ cười rạng rỡ trước hai họ.

Ngụp lặn trong hạnh phúc tám năm thì chàng qua đời. Nỗi đau, sự  mất mát quá lớn làm nàng trầm cảm. Gia tài chàng để lại chỉ là những bức họa. Nàng mong muốn có một đứa con kháu khỉnh nhưng cả hai đều thất vọng khi mơ ước chưa thành chàng đã lìa xa.

o O o

Giọng nói của chàng thanh niên  gợi nhớ lại những  kỷ niệm xưa với người chồng yêu quý. Rưng rưng bà chờ đợi âm thanh trầm ấm đó… Từng đêm, từng đêm, bà ngỡ như chồng cũ hóa thân vào chàng trai kia.

Tâm sự cùng nhau trong thời gian dài, bà như rơi tõm vào sự ngộ nhận rằng đó là giọng nói của Bảo Nhơn. Bà đang mộng du vào miền nhớ.

Không biết đó là thứ tình gì? Không có tên.

Nỗi khát khao cháy bỏng họ hẹn gặp nhau vào ngày cuối Đông nơi thành phố có chàng sinh sống.

Taxi dừng tại điểm hẹn. Café “Thềm Xưa”. Bóng chàng  chờ sẵn. Bà không ngờ giọng nói êm ái hằng đêm vẫn vọng bên tai bà có vóc dáng như cầu thủ bóng rổ, bóng chuyền hoặc một kiến càng. Cửa xe xịch mở trước đôi mắt ngạc nhiên của chàng vì bà quá bé nhỏ trong bộ áo dài đen. Một cảm giác hụt hẫng, chàng đứng sững chưa dám vào quán. Đột nhiên lòng thương hại và cốt cách lịch lãm của  đàn ông trỗi dậy, mỉm cười chàng mời bà bước tới cái bàn nơi góc khuất. Nhìn kỹ đối phương, bà mừng thầm vì chàng già hơn độ tuổi, có như thế mới đỡ hổ thẹn với thiên hạ vì sự chông chênh giữa hai người. Lỡ lao theo cảm giác tò mò bà không thể bỏ cuộc. Đêm Sàigòn rưng rưng không một vì sao. Khuôn mặt chàng đượm buồn bà hiểu tâm trạng chàng đang tỏ ra lịch sự của người có văn hóa. Dù sao chàng đã mời bà từ Huế vào chốn này chẳng lẽ làm bà thất vọng ư? Cử chỉ gượng ép từ chàng không thể đánh lừa được đôi mắt của bà. Hai người chuyện trò về cuộc sống, về những bất hạnh mà họ đã gặp phải.

May mà quán cà phê này mở suốt đêm, dung dưỡng cho hai tâm hồn tạm đồng điệu nhưng  khác biệt về tuổi tác. Rồi cũng chia tay thôi. Về khách sạn, giấc mơ của bà như bức tranh Picasso đảo ngược hình hài.

Bình minh thức giấc. Ngày mới bắt đầu. Tiếng xe chạy dưới lòng đường hòa lẫn cùng tiếng keng keng của người bán hàng rong tạo nên một âm thanh vui tai. Chàng  gọi phone xin lỗi vì phải tới công sở nên không thể mời bà ăn điểm tâm. Sau một đêm thả mình giữa cái dại dột, phóng khoáng, lãng mạn trong quán cà phê mà bóng tối đồng lõa bà cảm thấy chua xót quá. Bà đòi lên tàu trở lại nhà. Nước mắt chảy ngược vào lòng. Bà nghĩ rằng: Chẳng thà sống trong hư ảo của miền xa, chẳng thà đừng gặp gỡ, chẳng thà ru hồn vào một giấc mơ không có thực để khỏi nhận lấy  phũ phàng. Chàng không thể đưa bà ra sân ga. Đêm mất ngủ làm bà muốn bịnh. Nghe tin ấy chàng đòi nghỉ việc đưa bà đi bác sĩ nhưng bị chối từ. Bởi bà hiểu đó là một cử chỉ lịch sự, không tình thương.  Làm sao thương được người góa phụ hơn chàng những một con giáp chứ? Đón taxi lên sân ga, con tàu già nua băng qua nhiều thành phố, bỗng bà hận và ghét chàng trai, thâm tâm nghĩ không bao giờ trở lại gặp hoặc tiếp xúc với chàng nữa. Nhưng hằng đêm giọng nói ru ngủ đó vẫn rót vào tai bà lời ca muôn thuở: an ủi, vỗ về. Bà lại  bị rớt vào hố sâu bâng khuâng, nhung nhớ.

Một hôm có việc vào Sàigòn, bất ngờ thấy chàng trai đang khoác tay một cô gái trẻ trên đường phố, kềm chế bà lảng tránh trong đau khổ. Tự trọng, tự ái buộc bà phải thoát ra khỏi cái u mê đang chế ngự trong trái tim nóng bỏng ngu xuẩn của chính mình. Chắc chắn chàng trai chưa hề, chưa bao giờ rung cảm trước nhan sắc mà thời gian đã làm bà tàn úa. Quyết định cắt đứt sự dính líu với chàng trai, bà thay số điện thoại để chôn vùi vào quá khứ mối tình điên rồ đó để sống với hiện thực. Bà cảm thấy thoải mái như đang thoát khỏi một sợi dây xích vô hình xoắn lấy đời bà.

Người đàn ông thứ hai

Trước kia ông ấy cũng từng là một chàng trai hào hoa phong nhã, đã theo tán tỉnh bà. Nhờ con nhà giàu, ông được gia đình cho du học tại Pháp để lấy bằng tiến sĩ. Vì chiến cuộc họ mất liên lạc. Cũng vào dịp tình cờ ông ấy biết được địa chỉ bà rồi gởi những bức thư tâm sự  kể về cuộc sống hạnh phúc lẫn bất hạnh của đời mình. Lại một lần nữa con tim cô đơn dại khờ trỗi lên niềm thương xót cho người đàn ông sống trong rừng tiền nhưng thiếu hạnh phúc. Luôn quan tâm đến bà, ưu ái nhờ người thân trong nước gởi tặng bà những lẵng hoa vào dịp cuối tuần hay ngày sinh nhật. Ông lắng nghe tâm sự của bà. Mặc dù chưa thể trở lại quê hương nhưng nỗi nhớ về hàng cây, ngọn cỏ, con đường có phượng đỏ ối nở rợp trời vẫn cháy bỏng trong hồn ông. Ông săn sóc sức khoẻ, gởi nhiều loại thuốc bổ để bà uống. Ông là người thiên về tình cảm. À mà cũng đúng thôi, khi công danh sự nghiệp người ta có, họ chỉ muốn sống bằng tinh thần bởi họ không bị vật chất khống chế nữa. Họ thiếu sự ngọt ngào của giọng nói êm. Họ cần một nụ hôn dù chỉ trên trán. Họ thèm một vòng tay thương yêu, trìu mến. Ông là người từng trải và có kinh nghiệm chinh phục phụ nữ bởi ông rất “đàn ông”. Bà cảm nhận như được dạo chơi cùng ông trong những chiều vàng khi bầu trời có những đám mây bồng bềnh ngũ sắc, nhưng đó chỉ là cảm giác “ảo” vì ngày xưa chưa một lần cầm tay nhau. Giờ đây bà tưởng tượng được an ủi vỗ về, được nựng nịu nhõng nhẽo như hồi còn bé. Bà trẻ lại trong cảm giác nhẹ nhàng khi từ nửa vòng trái đất, ông trao bà những lời dịu ngọt. Thực sự  giữa hai người vẫn còn khoảng cách.

Rồi bà bỗng sợ hãi thực tế phũ phàng, biết đâu khi gặp lại nhau sau những năm tháng dài ông ấy có mang tâm trạng như chàng trai kia không? Phụ nữ yêu bằng tai, đàn ông yêu bằng mắt. Bà căm ghét thời gian làm da bà đổi màu, làm mắt không còn long lanh, tóc không còn mượt để chiều chiều thả gió thôi bay. Bà hy vọng đôi mắt không tầm thường, đôi tai ông vẫn còn cảm xúc trước giọng nói tuy chùng xuống nhưng vẫn vang vọng “diễm xưa”… Bà thanh thản vì hai người đồng trang lứa. Ít ra ông cũng mang lại cho bà một tình cảm thật. Chứ không là tình cảm trao đổi vì vụ lợi.

Nhưng không hiểu sao bà vẫn nhớ chàng trai kia nhiều hơn bà tưởng. “Trái tim có tiếng nói riêng của nó”, con  tim bà bị tật nguyền rồi. Không một danh y nào chữa khỏi con bệnh ấy, bà cứ để mặc cho thời gian trôi cuốn phăng mọi cảm xúc. Bà thở dài với định mệnh khắt khe cho bà gặp hai người đàn ông trong cùng một thời điểm mà cô đơn nhận chìm bà xuống vũng lầy đau khổ. Cuối cùng bà nói với chính mình rằng tình yêu chỉ có một, cái na ná tình yêu thì có nhiều. Ngửa mặt lên trời bà thốt lên: Tình ơi, cô đơn ơi, sao mi không buông tha ta?

VyVy
Colorado