
Mùa Thu của Georgia hơi lạnh và ẩm ướt vì những cơn mưa phùn bất chợt đến rồi ra đi thật lặng lẽ. Bầu trời ảm đạm, mây mù giăng giăng che hết ánh sáng của mặt trời. Những chiếc lá vàng lác đác rơi trên thảm cỏ xanh mượt mà của công viên thành phố. Chiều cuối tuần rảnh rỗi đem những người thân lại gần nhau hơn. Một già, một trẻ, hai cha con đi thăm một trong những nơi “nên đến” ở Atlanta mà tôi nghe nói từ lâu: Sweet Water, tưởng là nước ngọt, nếu dịch theo nghĩa đen, nhưng không phải vậy. Người Mỹ cũng chơi chữ như dân An Nam ta, họ hiểu nghĩa khác. Với dân nhậu thì bia càng uống càng thấy ngọt. Đây là hãng làm bia (beer) nổi tiếng ở Atlanta. Bia nội địa hay “local beer” cũng thế. Danh từ “bia” tôi viết ở đây không phải là “bia đá” để dựng trên mộ người đã chết, mà là “bia lạnh” để uống giải khát (tôi chưa thấy ai uống bia nóng bao giờ).
Nếu tình cờ đi ngang thì ít ai nghĩ đây là hãng sản xuất bia. Một dãy nhà lớn trông như chiếc hộp mà bên trong có một văn phòng làm giấy tờ, những căn khác là xưởng chế bia, chờ chuyên viên nếm, phê chuẩn xong thì chuyển sang nơi đóng chai, dán nhãn, vào thùng theo hệ thống giây chuyền. Đại khái sinh hoạt của hãng bia là như thế nhưng cách làm thương mãi và quảng cáo có phần hơi khác.

Theo hàng người đứng chờ vào thăm viếng, mỗi du khách trả 10 đô la để lấy 7 vé và một ly thủy tinh in chữ Sweet Water. Mang ly đến quầy, hai cha con bắt đầu từ trái sang phải để nếm từng loại. Ly đầu tiên là…thử vị đắng cuộc đời. Đồng nghĩa với bia đậm màu, còn gọi là bia đen (dịch từ chữ Dark Bear của tiếng Mỹ). Vừa đi lòng vòng xem hãng, ngắm người, vừa uống. Hết ly này, lại xếp hàng nếm loại thứ hai, nhạt (bớt đắng) hơn một tí. Sang đến loại bia chung chung, mọi người hay uống. Có những thứ bia dành cho từng mùa. Này là bia cho mùa Xuân, rồi qua bia mùa Hạ, mùa Thu tàn lại đến Đông (loại này uống vào không thấy “nóng” người). Chúng tôi cứ thế nếm đến hết vé, loại thứ 7 thì cũng vừa đủ thấy mặt trời bắt đầu “mọc” ở phương Tây, đất sắp quay và vừa đến giờ hãng bia đóng cửa. Bạn có thể uống tha hồ bên trong “vòng cấm địa”, khi ra khỏi cửa thì mặt xanh hay đỏ (tùy tửu lượng từng cao thủ) nhưng chiếc ly kỷ niệm mang theo về với mình phải cạn láng, không còn một giọt. Chưa hết, vài người giữ an ninh có thể “xem mặt mà bắt hình dong”, mời bạn vào ngủ ngay trong khách sạn bên kia đường hay đưa bạn lên chiếc taxi chở về thẳng nhà, còn xe hơi để khi tỉnh cơn say bạn sẽ trở lại lấy. Dĩ nhiên là túi tiền của bạn sẽ vơi thêm một chút nữa. Với sự tính toán của những đệ tử thần lưu linh thì giá cả cũng phải chăng. 10 đô với 7 ly bia hơi 12 OZ (hay bia draft, lấy từ trong Keg ra). Còn với du khách thứ thiệt thì hãng bia kiếm thêm khá tiền còm vì nhiều người chỉ hớp vài ngụm cho biết với đời. Mua thêm vài xách làm quà cho người ở nhà là ý kiến rất hay vì những chai Sweet Water thay đổi màu sắc và hình ảnh nhãn dán bên ngoài tùy theo mùa. Món quà (bia) này có lẽ sẽ phổ thông vì con số người uống rượu đã giảm đi nhiều.

Nói về Rượu, tôi nhớ lần thăm viếng hãng làm rượu nho ở Bồ Đào Nha (Portugal) cách đây khá lâu. Ai cũng biết rượu nho (wine) ở xứ Bồ nổi tiếng từ ngàn xưa. Có dịp đến xứ này phải ghé vào cho biết. Chiếc xe của hãng du lịch thả chúng tôi trước cửa một căn nhà rộng mênh mông. Chả biết vườn nho của họ đâu. Ở đây, không thấy nho, chỉ có những quầy để các loại rượu nho cho du khách nếm thử. Có đến hơn 20 loại để sẵn trong những ly giấy thật nhỏ (loại 2 oz) chiêu đãi khách uống thoải mái, không phải trả tiền (free). Sang những loại cao cấp hơn thì bạn phải trả 5 Euro để tha hồ nếm thử. Khi bạn mua 1 chai nào đó thì số tiền này được trừ ra. Tiếng đồn rằng rượu nho càng để lâu càng ngon và trị giá càng cao. Trả 130 Euro tương đương 180 đô la (năm 2003) cho 1 chai. Tò mò, chúng tôi mua 1 chai rượu nho đề năm 1980 vì khi thử chồng khen ngọt êm, không gắt, dịu và thơm. Nhìn cái hộp gỗ bên ngoài thật đẹp, bắt mắt khách hàng, thấy là muốn mua ngay. Chúng tôi rước nó về, rượu thì chồng dành mời những người bạn quý, còn hộp thì vợ cất lại để làm “kỹ nghệ” một chuyến đi. Bây giờ rượu nho làm bên California, tại Hoa Kỳ, hiện đang có tiếng là ngon nhất thế giới (dành mất chức vô địch của Bồ Đào Nha ngày xa xưa, của Pháp một thời vang bóng) vì cách trồng nho cũng như cách chế biến của Hoa Kỳ đạt tới trình độ thượng thừa. Hiện tại, rượu nho California không những ngon mà lại rẻ (có lẽ vì làm trong nước, không phải đóng thuế nhập cảng) nên có rất nhiều người ưa chuộng. Trái lại, nhiều vườn nho, hãng rượu nho của Tây đã sang tay chủ nhân mới là Tàu Cộng nên chưa chắc phẩm chất còn được như xưa (vì người Trung Hoa vốn nổi tiếng làm dổm trong mọi lãnh vực để kiếm lợi). Trung Quốc nhào vào thị trường rượu nho rồi thì thế nào cũng có “hàng nhái”, nghĩa là từ cách chế tạo gốc Tây sẽ có vô số rượu nho made in China trong một tương lai gần để thay thế những loại rượu Tàu. Người Tàu chưa biết làm rượu ngon. Trong một chuyến công tác Bắc Kinh, con trai tôi mang về tặng bố 2 chai Mao Toại. Đây là loại rượu người Tàu hãnh diện, cho là ngon nổi tiếng của họ. Hình thức đã xấu xí, trông cứ như chai đựng nước tương hay nước mắm, thô kệch, chẳng bắt mắt tí nào. Khui ra cho bạn bè nếm thử cho biết thì người lịch sự bảo rằng không ngon. Người thẳng tính nói ngay là nó dở ẹc. Chua như “nước đái mèo” (chắc là mùi chua chứ ai dám nếm nước đái mèo xem nó ra sao) thua rượu đế Việt Nam (trước 1975) xa lắc xa lơ. Tôi nói rõ là trước 1975 vì nghe nói rượu Việt Nam bây giờ đã không còn uống được vì bị pha toàn những chất hóa học, uống vào không chết ngay mà nó từ từ tàn phá cơ thể. Khủng khiếp thật! Rượu độc hại thế nên người ta chuyển sang uống bia (chắc để chết chậm hơn ?)

Trở lại chuyện bia bên Mỹ. Theo định nghĩa (của chính tôi) thì bia là một thứ nước uống vị đắng, có bọt. Cứ rót vào ly là bọt nổi lên. Không thể gọi là nước giải khát được. Càng uống lại càng khát để tiếp tục uống lu bù chứ có giải cơn khát như phe mày râu nói đâu? Thêm vào đó uống bia làm bụng phình to ra trông rất kém thẩm mỹ. Điều này tôi nói có chứng cớ đàng hoàng. Ông Michell, từ Đại học Texas Southwestern Medical Centre đã làm một nghiên cứu thế này: “Ông bảo đảm để lượng Cồn hấp thu tương ứng với trọng lượng của mỗi người, tiêu thụ với một cường độ ngang nhau trong khoảng 20 phút. Kết quả là lời tuyên bố ngon lành: uống rượu mau say hơn bia nhưng bia làm tăng trọng lượng người uống (bụng phệ) nhiều hơn nếu cứ uống bia dài dài, ngày này sang ngày khác.
Tóm lại, nếu so sánh giữa Rượu Nho và Bia thì uống thứ nào cũng có cái lợi, cái hại. Với “nghiên cứu” của tôi, cả hai thứ thức uống này đều không chua, chát thì đắng miệng và mất tiền mua. Chỉ có uống nước lọc là hết khát, ngọt miệng và “ngọt” cả túi tiền. Sweet water của tôi là vậy, không phải “Sweet Water” của Atlanta.

Gió Đồng Nội