Menu Close

Trinidad & Tobago – Xứ sở rừng mưa – Kỳ 7

Chiều muộn và mưa sắp về – Đêm, mưa rừng vực tôi dậy. Và ban mai đánh thức tôi bằng muôn sắc điệu thiên nhiên của rừng rú. Âm thanh miên dã của sớm rừng như vô hình tồn tại trong thế giới của tâm thức tôi.
Buổi sớm đầu tiên trên xứ sở rừng mưa, tôi mang cảm giác thơi thả. Trong chòi lá, tôi nhìn ra cánh rừng trước mặt; chậm rãi thưởng thức hương vị cuộc sống bên tách café bản xứ. Tôi thấy mình đang đi giữa chông chênh của mỗi ngày vội vã, gấp gáp trong guồng quay của đời sống. Và bụi bặm với những suy cảm bên lề đời…

alt

 Mẹ con Trini bên căn nhà vách gỗ

Một ngày khởi động chạy điền kinh với thời gian. 30 phút với hơn nửa tách café đậm đặc, vẫn chưa vực dậy trạng thái dật dờ. Khuya, vừa xỏ dép khỏi giường, tôi đã hét tướng vì cú kẹp siết của một con cua rừng đột kích ngay dưới chân giường. Sớm, vừa mở cửa, giật mình nhìn thấy một con chuột không đuôi bự tổ chảng, chun mũi chào buổi sáng bên lề cửa. Thú rừng hoang dã xứ Nam Mỹ, con nào cũng thuộc loài “King size”. King Toad Cóc Chúa thì cỡ lớn như cái tô ăn phở, chuột rừng không đuôi Agouti to xấp xỉ con lợn con. Kỳ đà Da Cọp Golden Tiger Lizard dài bằng “sai” con cá sấu 3 feet.

alt

Chuột không đuôi Agouti xứ Nam Mỹ

Tôi vẫn còn nightmare cái lưỡi thè lè, và bộ dạng khổng lồ của con Kỳ đà Da Cọp trên vách phòng tắm. Kỳ đà hả, chuyện nhỏ. Mark gấu kể lại là ở căn hộ láng giềng của nhà sinh vật học đãng trí, còn có cả ổ rắn độc đẻ trứng trên mái lá. Tôi nghe hoảng.

Ôi Trinidad. Còn một chút gì để nhớ, để thương và để… khủng hoảng!

Bà Urhura good morning tôi bằng nụ cười tươi như cánh hoa rừng ban mai. Bà khoe tôi cái giỏ xách bằng tổ chim Oropendola. Một người bạn đã tìm thấy cái tổ chim dưới gốc cổ thụ bên bìa rừng, và “chế” thành cái giỏ xách tay tặng bà. Tôi chăm chú quan sát chi li cái “giỏ tổ chim” bằng chất liệu thiên nhiên, bền chặt như bàn tay khéo léo của con người. Và thích thú đến kinh ngạc sự tinh xảo của những “nghệ điểu” hoang dã.

alt

Bà Urhura với cái giỏ bằng tổ chim Oropendola

Điểm tâm, cái bàn tròn quy tề đủ mặt quan thần trong đoàn. Tôi nhìn cái đĩa breakfast ê hề của Mark gấu, cảm giác bội thực. Mấy tay photographer rổn rảng bàn tán về loạt hình Rùa Lưng Da; bảo quá thử thách trong  khi chụp với điều kiện cực kỳ hạn chế ánh sáng. Tôi bần thần, hình ảnh nàng “sản phụ” rùa khổng lồ trên biển đêm vẫn ám ảnh tâm thức.

Xe ở lưng chừng đèo. Nhãn thức tôi ghi nhận hình ảnh quen thuộc của những căn lều lá tả tơi, treo máng những bộ quần áo bạc phếch màu thời gian, và rừng trái susu heo hắt bên sườn đồi. Tôi thò đầu ra khỏi xe, snap shot hình ảnh hai mẹ con Trini bên căn nhà vách gỗ; và khoảnh khắc của một bé trai cầm cái sào tre dài ngoằng. D-naturalist bảo những đứa trẻ ấy bươn chải bằng nghề hái trái điều để bán. Bên dòng lạch đục ngầu, những trẻ em lang thang câu cá, không phải là thú vui trẻ con, mà để kiếm sống. Những mảnh đời thường, dẫu chẳng lạ lẫm trên xứ người, vẫn ray rứt niềm thương cảm.

Tiếng bánh xe nghiến trên mặt đường đất. Tay birder Scott lại thò đầu ra ô cửa xe với cái ống nhòm, ra dấu tài xế Dave dừng xe. Scott vừa nhận dạng con chim đặc hữu của xứ đảo Trinidad  trong lùm cây um tùm. Kẻ tín đồ cầm điểu này, chợt làm tôi liên tưởng đến sự đồng điệu với vài nhân vật trong phim “The Big Year”. Mấy birder trong phim cuồng nhiệt với thú quan sát chim thú đến độ, các bà vợ đều cuốn gói goodbye cái tổ ấm. Mark gấu thì thào, tám chuyện, bảo Scott là tay “cao thủ” chuyên ngành birder của Hội nghiên cứu điểu cầm học. Và đang ở hoàn cảnh côi cút vợ, (cũng vì thế đấy!). Đam mê đã giúp Scott trở thành một “cao thủ” trong ngành quan sát chim thú. Hay… “hung thủ” của một bi kịch hôn nhân (?). Hmmm… Tôi chợt ngẫm, buồn.

alt

Trẻ hái điều, kiếm sống

Đoạn đường đến vùng thung lũng Maracaste  vồng xóc vô số những ổ gà. D-naturalist cho biết vùng thung lũng phì nhiêu này có hơn 17 loài chim Ong Hummingbird, Copper-rumped Hummingbird, Tufted Coquette, White-necked Jacobin, Ruby Topaz… v.v. Đảo quốc Trinidad và Tobago được nổi danh là “Đất Của Loài Chim Ong”, cái tên được gọi bởi những thổ dân nguyên thủy người da đỏ Amerindians. Chim Ong là biểu tượng quốc gia, trên huy hiệu quân đội của các binh chủng, Bộ Binh, Tuần Dương, Không Quân, và Cảnh Sát. Tôi lưu ý đến cái logo Hummingbird trên cánh đuôi chiếc máy bay hãng hàng không quốc gia Caribbean Airlines.

Với người dân đảo quốc Trini, loài chim Ong tí hon này lại là một biểu tượng hùng mạnh của quốc gia; đối lập với hình ảnh con đại bàng dũng mãnh to lớn, biểu tượng sức mạnh của Hoa Kỳ.

alt

Ruby Topaz Hummingbird

Tôi vui khi collect được tờ bạc giấy 20 dollars của Trini với họa tiết Hummingbird tuyệt đẹp. Tôi chú ý hơn đặc điểm của những đồng tiền T&T, mặt trước luôn là biểu tượng hình ảnh của nhiều loài chim đặc hữu của xứ đảo. Mark gấu bảo mỗi dân tộc đều có mâu thuẫn trong đức tin. Dân Trini thì tin rằng nhặt được tiền là đồng nghĩa với việc đưa rước linh hồn quỷ dữ về nhà. Trái ngược với Argentina, nhặt được tiền rơi trên phố là điềm lành, cực kỳ may mắn. Tôi vẫn giữ cái thú sưu tập tiền tệ và luôn thú vị với những tìm tòi về lịch sử đồng tiền của nhiều quốc gia. Một đồng bạc có kích thước lớn nhất thế giới; lớn hơn cả tờ giấy khổ A4 và có mệnh giá là 100,000 Peso do chính phủ Philippines phát hành năm 1998. Được thiết họa nhằm kỷ niệm một thế kỷ ngày Philippines giành độc lập từ tay thực dân Tây Ban Nha. Đồng bạc có phiên bản giới hạn này chỉ bán cho các nhà sưu tập với giá 180,000 Peso, tương đương với 3,700 USD/tờ. Và thế, nghề chơi nào cũng lắm… kung fu!

Đoàn người hăm hở khiêng vác dụng cụ lần theo con đường mòn xuống thung lũng. Trước mắt tôi mở ra một thiên đường của loài Hummingbird tí hon tuyệt đẹp. Không gian sớm, sống động những âm thanh vù vù trong gió. Những “trang sức có cánh” miên mẫn trước cụm hoa rừng, sắc lông óng ánh trong màu nắng. Hummingbird rất thử thách ở góc cạnh “action” nên hiếm khi bị nhàm chán; và đòi hỏi kỹ thuật cao để “chớp” kịp những chuyển động cực nhanh để đạt được độ rõ nét của hình ảnh. Tôi nhìn quanh, mấy tay photographer đầy vẻ căng thẳng, dường như đang bị mấy con hummingbird thôi miên. Andy dù say đỏ dưới cái nóng, tia nhìn vẫn láo liên ruổi theo mấy con chim Ong.

alt

Tác giả bên cửa sổ xe

Mắt điều tiết quá độ giữa cái nắng gay gắt. Tôi vác máy ngồi nghỉ dưới gốc xoài xum xuê trái, giải lao với lemon juice và mấy trái xoài chua hái từ trên cây. Tôi nghe dạ dày xốn xang nồng độ acid. Giống xoài ở xứ đảo có hơi bị lai… chanh.

Tay Scott lại phát hiện một loài Ó “độc quyền” của Trini. Con Savannah Hawk đang bất động trên nhánh cổ thụ thoáng xa. Arthur Morris è cổ vác tripod chạy, cái chân máy vừa đặt xuống nền cỏ, con chim Ó vụt mình bay biến. Nhiếp ảnh gia danh tiếng đáp trả sự “kỳ thị” của con Ó bằng cái ngón tay giữa đầy hằn học!

Với riêng tôi, kỹ thuật tripod không áp dụng hữu hiệu với thể loại chụp chim thú vì rất hạn chế góc cạnh. Và để handheld những dụng cụ nhiếp ảnh cồng kềnh và trọng lượng, tôi đã phải thường xuyên “nhấc tạ” mỗi ngày để tăng cường cơ sức dẻo dai.

Chiều muộn, mây dần sa xuống thung lũng hoang. Mưa sắp về. Những ngày triền miên “hành xác” cùng rừng rú, hang hốc, tôi chợt  cảm giác rệu rã mỗi nhịp bước. Trên xe, đề tài của đám mày râu không đi xa quá giới hạn mấy con Hummingbird.

Xe lắc lư nhồi xóc, tôi thừ người trong dòng suy tưởng.

Mark gấu nhắc, chào tạm biệt Trinidad đi, mai bay sang xứ đảo Tobago rồi đó.

ĐMH
Website: www.hanhphoto.com
Facebook: www.facebook.com