Menu Close

Màu phố cũ – Ký ức bằng màu

Từ trái: Dương Ngọc Sum, Nguyễn Xuân Trung, Nguyễn Văn Bảy, Ái Lan, Trương Đình Uyên, Phan Chánh Khánh, Lương Trường Thọ.
Từ trái: Dương Ngọc Sum, Nguyễn Xuân Trung, Nguyễn Văn Bảy, Ái Lan, Trương Đình Uyên, Phan Chánh Khánh, Lương Trường Thọ.

“Màu phố cũ” Không phải là nhan đề một bức tranh mà chính là chủ đề của một buổi triển lãm tranh chung của 8 cây cọ, 8 họa sĩ có cùng một nỗi nhớ, niềm thương những nơi chốn quen thuộc xưa cũ của miền ký ức. Họ đến cùng nhau, chia sẻ tâm tư, thì thầm kể chuyện bằng màu sắc, bằng những nét chấm phá lên bố, mà nỗi lòng, cảm xúc không thể nói bằng lời, chỉ bằng nét cọ.

Họ, những họa sĩ có tuổi đời, nghề nghiệp, môi trường sống khác nhau nhưng có cùng một niềm đam mê và hứa hẹn sẽ chung sống cùng hội họa trọn đời. Họ là Lương Trường Thọ, Trương Ðình Uyên, Ái Lan, Phan Chánh Khánh, Dương Ngọc Sum, Nguyễn Xuân Trung, Nguyễn Văn Bảy, và Võ Hy.

Buổi triển lãm diễn ra 4 ngày ở Việt Báo Gallery, 14841 Moran St., Westminster, CA 92683, từ ngày 15-18/9/2017.

Trầm Tích Thu - Trương Đình Uyên, Arcrylic on canvas, 48x64’’
Trầm Tích Thu – Trương Đình Uyên, Arcrylic on canvas, 48×64’’

Có khoảng 36 đến 40 bức họa được giới thiệu với khách thưởng ngoạn lần này. Họa sĩ Trương Ðình Uyên là người đứng ra điều hợp cùng sự góp sức của tất cả các họa sĩ có tranh triển lãm.

Trương Ðình Uyên sinh tại Huế, tốt nghiệp Mỹ Thuật tại Mỹ. Hiện vẫn tiếp tục nghiên cứu và sáng tác các hình thức nghệ thuật khác nhau như Ðiêu khắc, Hội họa, Mixed Media, Digital Art, Installation Art…

Tôi thường được xem loại tranh vẽ trực tiếp Alla Prima Chân Dung bằng chì than rất đẹp và nghệ thuật của ông. Hôm nay triển lãm, ông có nhiều bức sơn dầu, nên tôi hỏi về phong cách vẽ tranh của ông, ông nói, “Loại tranh Alla Prima mà Thủy hay thấy tôi vẽ, đối với người họa sĩ giống như một thể loại thực tập. Người nghệ sĩ dương hay vĩ cầm khi muốn cho ngón đàn thật giỏi, cần phải thực tập nhiều, họa sĩ cũng vậy. Kỹ thuật này giúp cho mắt và tay rất nhiều, nhất là về bố cục, và độ tối sáng. Khi đã nhuần nhuyễn, nó sẽ trở thành phản xạ tự nhiên và mình sẽ vứt đi phần kỹ thuật để đi vào con đường tự tạo cái riêng của mình, khi ấy mình mới đi vào lãnh vực sáng tạo được. Người ta thấy tôi vẽ Alla Prima nhiều tưởng tôi chuyên về Chân Dung chứ tôi thích và nghiêng về tranh sáng tác hơn, nhất là lối vẽ Trừu Tượng.

Trăng Nội Thành - Ái Lan, Oil on canvas - 36x48”
Trăng Nội Thành – Ái Lan, Oil on canvas – 36×48”

Nói về tranh sáng tác nó đòi hỏi thiên tư, chiều sâu, và thể hiện được những suy tư, vui buồn, trăn trở của tôi. Như bức “Biển chết”, và “Cá chết nổi lên, tôi chìm xuống”, Tôi sáng tác khi xảy ra vụ Formosa, Trung Quốc thải chất độc trên quê hương mình giống một bãi rác. Tôi buồn và cảm thấy quá bất lực, chỉ còn cách thể hiện lên tranh. Nói thêm về phong cách Trừu Tượng của tôi. Trừu Tượng ở đây không có nghĩa là vô hình vô thể. Hình thể vẫn có nhưng được chắt lọc đến mức tối giản, cho đến khi chỉ còn tinh túy mà thôi. Ðiển hình như bức “Huế, miền ký ức” chẳng hạn, trong đó có cầu Tràng Tiền, sông Hương, gốc sứ già, sen, cánh đồng và người thiếu nữ nằm mơ về những cảnh cũ trong ký ức. Tất cả được phối hình qua những biểu tượng ấy. Thủy bảo tranh tôi có nét thơ? Vâng tôi chán thế giới hình thể quá rồi, vì thời đại điện toán ngày nay, thông tin và hình ảnh tràn ngập khắp nơi, tôi muốn đi ngược lại và làm cái gì máy móc không làm được nên tôi dùng ý tưởng để tạo sự thơ mộng vào tranh.”

Ái Lan là một họa sĩ nữ duy nhất có mặt cùng 7 họa sĩ nam. Tranh cô phần lớn vẽ thiếu nữ với đường nét mềm mại, dịu dàng, thể hiện được hầu hết cái đẹp nữ tính của người phụ nữ. Cô trả lời như sau khi tôi hỏi cô tại sao cô chỉ vẽ Tranh Thiếu Nữ. “Không chỉ tôi vẽ Tranh Thiếu Nữ mà phái nam vẽ cũng nhiều, tôi chọn nó, vì tôi muốn nói lên cảm xúc và tâm trạng của chính mình nói riêng và của người phụ nữ nói chung. Phụ nữ không những thể hiện được cái đẹp mà họ còn là quà tặng của thượng đế ban cho con người. Họ đảm đang, hiền hậu và tuyệt vời trong thiên chức làm mẹ. Màu sắc trong tranh tôi ư? Tôi dùng màu sắc theo từng thời kỳ, từng tâm trạng. Màu ưa thích dùng nhiều của tôi có lẽ là vàng, và màu đất. Như bức “Vô Thường”, tôi dùng màu đỏ nhiều để biểu hiện cho sự bất thường của cuộc sống. Trong đó đoá hoa sen nổi lên tượng trưng cho sự bình an cũng như hội họa đã đem lại an nhiên và giảm “stress” cho tôi. Hội họa cũng là cứu cánh của tôi.

Tà Áo Xanh - Lương Trường Thọ, Oil on canvas -36x36” 
Tà Áo Xanh – Lương Trường Thọ, Oil on canvas -36×36”

Họa sĩ Ái Lan sinh tại Huế. Học Mỹ Thuật Huế và là hội viên của vài hội họa sĩ trong và ngoài nước.

Nói đến Tranh Thiếu Nữ, có lẽ cái đẹp của người phụ nữ là nguồn cảm hứng vô tận cho thế giới hội họa. Mỗi họa sĩ có một phong cách riêng trong lối trình bày người phụ nữ của mình. Tôi đứng trước bức tranh “Tà áo xanh” của họa sĩ Lương Trường Thọ mà thấy bâng khuâng một nỗi cảm hoài. Chỉ cần một tà áo xanh màu ái ân, lộng gió trong buổi hoàng hôn vàng úa bên vầng trăng mọc sớm cũng đủ cho ta hình dung ra hình ảnh của buổi chiều thu cũ.

HS Lương Trường Thọ trả lời tôi, khi tôi hỏi về phong cách vẽ và dụng màu của ông sau khi tôi ngắm bức tranh “Tà áo xanh” của ông.

“Hầu hết các bức tranh của tôi thuộc thể loại trừu tượng, bán trừu tượng pha lẫn một chút ấn tượng. Mỗi đề tài thể hiện một phong cách riêng. Những xúc cảm về màu sắc đòi hỏi mình phải dùng màu thế nào để cho bức tranh của mình trở nên sinh động. Bên hội họa có 2 màu nóng và lạnh. Ðã là màu nóng thì tôi cho nóng tối đa, còn lạnh cũng vậy. Ðôi khi trong cùng một bức tranh, tôi cho nó đối chọi nhau, rất tương phản. Có thể nói, tôi có một cái gì đó rất phóng túng trong màu sắc và rất tự do, hay làm theo ý mình, gần như là bùng nổ.

Hội họa đối với tôi là hơi thở, là cái gì đó rất tự nhiên. Càng lớn tuổi, tôi càng không thể thiếu nó, nó mang lại niềm vui trong màu sắc cho tôi. Mấy tháng gần đây, tôi có làm một buổi triển lãm kỷ niệm 50 năm cầm cọ. Tuy nhiên thời gian 50 năm không phải là điểm dừng. Ðó chỉ là một chặng đường và tôi vẫn tiếp tục vẽ, còn hơi thở là còn vẽ.”

Ông sinh ra ở Khánh Hoà, học trường Mỹ Thuật Gia Ðịnh, là hội viên của nhiều hội nghệ thuật trong nước và hải ngoại. Ðã có tranh triển lãm ở VN và nhiều nơi trên thế giới.

Phủ Xưa Tôn Nữ -  Phan Chánh Khánh,  Mix Media Acrylic and oil painting- 22 X 28”
Phủ Xưa Tôn Nữ – Phan Chánh Khánh, Mix Media Acrylic and oil painting- 22 X 28”

HS Phan Chánh Khánh nói về tranh Huế của anh như sau, “Trong thi ca, nhiếp ảnh hay hội họa, mỗi môn nói về Huế một khác. Trong nghệ thuật thị giác, nói đến thành phố Huế, về hình ảnh, người ta nghĩ ngay đến lăng tẩm thời Nguyễn để lại với những nét cổ kính rêu phong. Còn nói tới màu sắc mộng mơ, người ta nhớ tới màu áo tím của các nữ sinh Ðồng Khánh của thế hệ xa xưa. Mỗi họa sĩ pha màu một khác, bức “Phủ xưa Tôn Nữ” của tôi là môt điển hình của màu tím thiếu nữ. Vì mới vẽ trở lại sau 26 năm, nên tôi còn đang trong giai đoạn tìm kiếm chưa tạo được màu sắc riêng nào cho mình. Bây giờ tôi xem hội họa như một đạo giáo, tôi tin vào nó và nó là một phương thuốc chữa lành tâm thần, tôi vẽ liên tục 7 ngày một tuần.

Phan Chánh Khánh sinh ở Huế. Ông tốt nghiệp Mỹ Thuật Huế và đi dạy hội họa trước 1975. Ông có tranh triển lãm ở VN và mới cầm cọ trở lại gần đây.

HS Nguyễn Xuân Trung sinh ở Hải Phòng, cũng là người quay trở lại với hội họa sau 40 năm. Ông tâm sự “Bức Chinh Phụ Ngâm” tôi vẽ cách đây 20 năm. Phần lớn tôi vẽ tranh chân dung. Tôi hay mượn những câu chuyện trong âm nhạc hay lịch sử, văn hoá, để lồng vào tranh của mình. Bức này tôi vẽ tranh bìa một bài nhạc thính phòng Âu Châu cho anh Cung Tiến, tôi còn bản nháp nên đã vẽ lại. Bức “Lãng Du” lấy cảm hứng từ bài hát “Biết đâu nguồn cội” của TCS.

Thu về, cây lá chuyển mình thay da, đổi áo. Trời đất thổi làn gió mát vào không gian, tâm tư người họa sĩ bỗng lắng xuống để ý tưởng mình buông vào hồn thu, và khí chất của nàng thu. Tranh thu thành hình. Bức tranh sơn dầu “Thị trấn mùa thu” của HS Dương Ngọc Sum đã đưa người xem về với khung cảnh mùa thu dịu dàng đầy màu sắc. Tranh HS Nguyễn Văn Bảy gây nhiều ấn tượng với những bức “Ánh sáng và niềm tin”, “Nắm đất quê hương mẹ đã mất” trong các game màu sậm buồn. HS Võ Hy bí ẩn hơn với những bức tranh trừu tượng “Chơi vơi, Ký ức” trong những màu nóng tương phản đan xen nhau như thách thức khách thưởng ngoạn muốn bước vào thế giới phức tạp và xáo trộn tâm tư của một con người.

Vì thời gian không cho phép, nên chúng tôi không tiếp xúc hết 8 họa sĩ. Và khuôn khổ trang báo giới hạn nên cũng không giới thiệu hết tất cả tranh, mong sẽ được thực hiện trong những lần triển lãm tới.

Chinh Phụ Ngâm - Nguyễn Xuân Trung, Oil on canvas,  32x 48”
Chinh Phụ Ngâm – Nguyễn Xuân Trung, Oil on canvas, 32x 48”

TTT – thực hiện