Năm 2014, sau nửa thế kỷ quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Cuba hoàn toàn bị cắt đứt, Tổng thống Barack Obama đã quyết định thay đổi chính sách và đạt được một thoả thuận với Chủ tịch Rául Castrol của Cuba để mở lại Toà đại sứ tại thủ đô nước này và khởi đầu cho mối quan hệ mới trong việc kinh doanh và du lịch giữa hai nước.

Tuy nhiên, chính sách nối lại quan hệ này lại không được sự hưởng ứng từ cộng đồng tị nạn Cuba ở Florida, và đặc biệt với ứng cử viên Donald Trump trong lúc vận động tranh cử đã từng nhiều lần tuyên bố là sẽ đảo ngược chính sách ngoại giao này của Obama, gọi đó là một “thoả thuận đầy lỗi lầm và tệ hại.” Sau khi đắc cử tổng thống, ông Trump đã huỷ bỏ một số phần quan trọng trong chính sách của Obama nhưng vẫn giữ nguyên những chính sách khác được đa số người dân Mỹ ủng hộ, như việc cho phép những chuyến bay và những chuyến du thuyền trực tiếp giữa hai nước, và những điều lệ tạo cơ hội dễ dàng cho các công ty Mỹ làm ăn ở Cuba.
Hôm Thứ Sáu 29/9 vừa qua, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố rút hơn một nửa số nhân viên hiện đang làm việc tại Toà đại sứ về nước. Việc rút nhân viên ngoại giao về nước là chuyện rất bình thường mỗi khi có những quan ngại về an ninh ở những nơi có đặt Toà đại sứ hay lãnh sự của Mỹ từng xảy ra trước đây như vụ rút nhân viên ra khỏi Pakistan năm 2002 sau khi một nhân viên Toà đại sứ bị ném lựu đạn, hay như vụ rút nhân viên ngoại giao ra khỏi Ai Cập năm 2013 vì lo ngại bạo động sau khi quân đội nước này làm đảo chánh và bắt giữ Tổng thống Mohammed Morsi, hoặc như vụ yêu cầu tất cả công dân Hoa Kỳ cũng như nhân viên ngoại giao phải lập tức rời khỏi Yemen cũng năm 2013 sau khi tin tình báo cho biết có thể có nguy cơ bị quân khủng bố Al Qaeda tấn công tại thủ đô Sanaa. Tuy nhiên, trong trường hợp của Cuba cho thấy không có liên quan gì đến chính sách ngoại giao của chính phủ Donald Trump đối với đảo quốc này mà lại liên quan đến một chuyện hết sức lạ lùng và kỳ quái mà cho đến nay vẫn còn là một điều hoàn toàn bí ẩn.

Lý do rút nhân viên mà Bộ Ngoại giao đưa ra là vì rất có thể đã có một cuộc “tấn công” nhắm vào nhân viên ngoại giao Hoa Kỳ tại Cuba và gây nguy hại đến sức khoẻ của họ. Sự việc này bắt đầu xảy ra vào Tháng 12 năm 2016 sau khi một nhân viên ngoại giao than phiền đã bị triệu chứng lãng tai mà không thể giải thích nguyên do vì sao, và cho tới Tháng 8 vừa qua thì Ngoại trưởng Rex Tillerson cho biết có thêm một số giới chức Mỹ đã bị “tấn công sức khoẻ,” và ông nói thêm rằng phía Hoa Kỳ đã đòi hỏi giới thẩm quyền Cuba phải chịu trách nhiệm tìm ra ai là thủ phạm đằng sau vụ việc này. Trước đó Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chỉ gọi vụ việc xảy ra là một “ngẫu nhiên đáng tiếc,” nhưng đến hôm Thứ Sáu vừa qua thì các giới chức chính phủ đã sử dụng ngôn ngữ ngoại giao nghiêm trọng hơn cho rằng nhân viên Toà đại sứ đã là “mục tiêu của những vụ tấn công trên.”
Một giới chức giấu tên của Bộ Ngoại giao cho biết có ít nhất 21 nhân viên chính phủ Hoa Kỳ làm việc tại thủ đô Havana nói rằng họ có những triệu chứng bất thường về sức khoẻ như đau tai, lãng tai, chóng mặt, ù tai, bước đi không vững, mắt mờ, nhức đầu, mệt mỏi, suy giảm khả năng nhận thức, và khó ngủ. Giới chức trên còn nói rằng các nhân viên điều tra cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng xác định ai là thủ phạm gây ra những vụ tấn công này và một số bản tin cho biết Hoa Kỳ không nghĩ rằng chính quyền Cuba là thủ phạm.
Ðồng thời Bộ Ngoại giao hiện tạm thời ngưng cấp sổ thông hành du lịch đến Cuba cho công dân Hoa Kỳ, giới hạn việc đi lại giữa Hoa Kỳ-Cuba đối với các nhân viên chính phủ và khuyến cáo người dân Mỹ không nên du lịch Cuba vào thời điểm này. Lý do là vì trong số những người bị ảnh hưởng bởi những triệu chứng kể trên có một số nói rằng họ nghe được những âm thanh lạ tai ở một số phòng trong căn nhà họ ở, thậm chí kể cả ở một số phòng khách sạn nơi họ tạm trú trong thời gian đầu, đưa tới việc một số chuyên gia tình báo nghi ngờ rằng rất có thể đã có một loại vũ khí siêu âm hay thiết bị do thám nào đó được sử dụng trong vụ này.

Nếu quả thật có một vụ “tấn công siêu âm” thật sự xảy ra như người ta nghi ngờ thì người tấn công có thể đã sử dụng những loại sóng âm thanh có khả năng gây ra những triệu chứng nguy hại đến sức khoẻ, và thường là ở những tần sóng mà tai của một người bình thường không thể phát hiện được. Năm 2001, Viện nghiên cứu Sức khoẻ Quốc gia đã thực hiện một nghiên cứu và đưa ra phúc trình về loại tấn công như trên. Các nhà nghiên cứu gọi đây là loại “âm thanh ngoại tuyến” (infrared sound) và cho biết đó là loại “âm thanh không thể nghe được với tần số thấp hơn 20 Hertz.”
Loại vũ khí siêu âm này được biết đôi khi được sử dụng để kiểm soát bạo loạn ở một số quốc gia hoặc ở những nơi có chiến tranh, một số loại vũ khí nguy hiểm hơn có thể phát ra những âm thanh chói tai có khả năng làm suy yếu tinh thần và sức khoẻ của nạn nhân. Loại vũ khí siêu âm nào có thể đã được sử dụng nhắm vào các nhân viên ngoại giao Hoa Kỳ thì cho đến nay vẫn là điều bí ẩn.
Ký giả Fred Kaplan của tờ báo mạng Slate đưa ra một giả thuyết khác cho rằng rất có thể một loại vũ khí trong trận chiến gián điệp thời chiến tranh lạnh còn sót lại đã gây ra những triệu chứng nguy hại sức khoẻ cho những nhân viên ngoại giao Hoa Kỳ tại Cuba.
Kaplan kể câu chuyện vào khoảng thập niên 1970, chính quyền Sô Viết lúc ấy đã từng liên tục cho bắn những tia vi sóng (microwave beams) nhắm vào Toà đại sứ Hoa Kỳ ở Moscow, gây ra một số vấn đề sức khoẻ cho những nhân viên Toà đại sứ tại đây.

Trước đây, chúng ta vẫn thường nghe kể về những Toà đại sứ ở các quốc gia trên thế giới chính là những ổ gián điệp thu thập tin tức tình báo, và Hoa Kỳ cũng không ngoại lệ. Thời đó, Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) của Hoa Kỳ đã từng cho gắn một hệ thống điện tử theo dõi tình báo trên tầng lầu thứ 10 của Toà đại sứ ở Moscow. Trong một thành phố không có nhiều những toà nhà cao ốc thì lầu thứ 10 sẽ là một vị trí lý tưởng để thu âm và nghe lén những cuộc điện đàm của các giới chức cao cấp của Sô Viết, kể cả Tổng bí thư Leonid Brezhnev, khi ông này dùng xe limousine di chuyển trong thành phố.
Cơ quan an ninh tình báo KGB của Sô Viết cũng nghi ngờ về những hoạt động bất thường trên tầng lầu 10 kia của Toà đại sứ. Vào Tháng Giêng 1978, một vụ hoả hoạn bất ngờ xảy ra ở Toà đại sứ và phía Hoa Kỳ muốn để cho toà nhà bị thiêu rụi luôn để phi tang, nhưng cuối cùng nhân viên cứu hoả đã đến dập tắt được ngọn lửa và cơ quan tình báo Sô Viết đã biết được sự thật về điều họ nghi ngờ trước đó.
Ðể trả đũa, nhân viên KGB đã cho bắn những tia vi sóng nhắm vào các cửa sổ của tầng lầu thứ 10. Cho đến nay người ta vẫn chưa biết lý do đích xác nhưng có thể là phía Sô Viết muốn cho Hoa Kỳ biết là họ biết rõ về hoạt động gián điệp này; hay có thể là để tìm cách vô hiệu hoá những thiết bị thu sóng của Hoa Kỳ; hoặc cũng có thể là để nghe lén những cuộc đối thoại diễn ra bên trong những cửa sổ của tầng lầu thứ 10 ấy.
Nhưng dù là vì lý do gì thì vụ bắn những tia vi sóng đó đã gây trở ngại sức khoẻ cho một số nhân viên ngoại giao Hoa Kỳ tại Toà đại sứ ở Moscow. Ký giả Fred Kaplan cho rằng vụ “tấn công sức khoẻ” tại Havana có thể là một sự lặp lại của vụ bắn tia vi sóng ở Moscow cách đây 40 năm.
Sự kiện rút nhân viên về nước sẽ ảnh hưởng thế nào trong tương lai đối với chính sách ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Cuba thì vẫn chưa rõ. Phía Bộ Ngoại giao Cuba cho rằng Hoa Kỳ đã quá vội vã trong vụ việc này. Theo tuyên bố của Ngoại trưởng Tillerson, đường dây liên lạc ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Cuba hiện nay vẫn tạm thời được tiếp tục duy trì và Hoa Kỳ đang xét lại việc có nên đóng cửa Toà đại sứ.
VH