Gặp ông từ những năm trước, tôi nghe ông rưng rức nói về những trắc trở của tuổi già. Đó là đôi lần tôi ghé thăm ông, căn nhà bé xíu, cũ rích giữa con hẻm chật chội, nóng bức và đầy bụi bặm của Sài Gòn thời đổi mới. Mùa Hè năm đó, có con nắng oi ả cả đất trời mà sao tôi vẫn nghe thấy cái mùi âm ẩm, rêu phong của tuổi già, ông. Gặp ông, rồi tôi đi! Khi đi tôi mang theo nỗi niềm của ông, mà chẳng hiểu vì sao trong cái màu khói hương lẩn quẩn đâu đó trong căn nhà nhỏ ngày tôi đến năm xưa, mà mãi tận mấy năm sau này mỗi khi nhớ về ông mà mắt tôi vẫn còn, cay!

Khắc khoải tình đầu
Lần theo những bước chân chậm rãi, ôn tồn ngồi xuống chiếc bàn cỏn con, rồi ông đưa mắt nhìn về phía bàn thờ. Nơi mà hai bức di ảnh của hai người vợ quá cố đã lần lượt bỏ ông mà đi!
Khoảng cách từ chỗ ông ngồi đến chiếc bàn thờ nào có là bao, vậy mà ánh nhìn của ông thật là xa xăm. Cái ánh nhìn có khả năng đâm thủng, xuyên suốt lòng đất hướng về hình hài của hai nhân vật nữ đã thật sự đi qua trong đời ông.
Một là di ảnh của người đàn bà thứ nhất, có chung với ông một người con, nhưng chỉ sau một năm chung sống bà lại ra đi vĩnh viễn!
Và, một nữa là di ảnh của người đàn bà thứ hai, có tên là Bạch Lê, là em gái của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương có với ông một người con, và cũng ra đi năm 2004.
Hai di ảnh, hai lư hương nằm kệ cận nhau êm đềm và lặng lẽ như thế mỗi giờ, mỗi ngày, cùng ông năm này qua năm khác …
Ông nói: “Nhớ để biết mình yêu” tôi hiểu đó là quy luật yêu của ông. Nó theo đời ông từ những ngày mà tim ông mới biết mở cửa lần đầu. “Yêu ai, thì yêu đến vong thân trọn kiếp!”…
Giọng ông đầm ấm, reo vui như tiếng trẻ thơ kể chuyện, thỉnh thoảng ông đảo mắt như muốn canh chừng giấc ngủ cho hai người thân yêu trên cùng một chiếc bàn kê giữa phòng, họ luôn mỉm cười tươi như thêm sức sống cho ông bao nhiêu năm qua.
Tôi, dại người đi vì những câu chuyện tình yêu của ông ngày đó… mà mãi đến tận bây giờ tôi cũng không biết gọi tên cho tình yêu này (!?)
Nỗi đau dân tộc
Rồi tôi cũng nghe ông nói: “ …” ,“…” , “…”…
Chợt nhiên, tôi nhớ đọc đâu đó một nhân vật chức sắc của chế độ Cộng sản Nam Tư đã từng thú nhận: “20 tuổi không theo Cộng Sản là không có trái tim. 40 tuổi mà không biết từ bỏ Cộng sản là không có cái đầu”.
Lạ thay, ánh mắt ông không còn hiền từ như đã nói về nỗi niềm khắc khoải đầu tiên. Lần này tuổi già và hận thù càng làm cho ánh mắt ông trở nên giận dữ hơn nữa, nhiều hằn học và có chút gì đó căm hờn. Thứ hờn căm theo ông suốt những ngày bịnh tật, thiếu thốn và cô quạnh!
Giọng của ông thay đổi theo từng câu chuyện kể, không còn là những âm thanh của reo vui nữa. Đương không mà nó nhẹ, cái thứ nhẹ của trầm buồn, của hụt hẫng ông nói: “nhạc thì viết, người hát, kẻ nghe… nhưng một đồng cũng không thấy về tay.”
Tôi không dám nhìn thẳng vào những đường chỉ đỏ nổi cuồn cuộn trong đôi mắt ông, hai mí môi ông ôm chặt lấy nhau, giờ đây đã thế chỗ cho nụ cười hồn nhiên ông có, mọi lần.
Tôi hoảng hốt, chỉ vì lo sợ giọt nước đọng nơi khoé mắt ông rồi cũng tuôn trào.
… (!?)
Rồi tôi cũng được nghe kỷ niệm và cảm xúc của ông về hai lần được làm cha, làm cha của hai đứa con. Đó là những hồi ức về những người mẹ sanh con trong nhọc nhằn và trong chiến tranh bom đạn, thế mà tình yêu dành cho con của các bậc sinh thành vẫn thật là trọn vẹn và thiêng liêng với nguyện cầu “Tương lai con đẹp lắm. Mẹ hát muôn lần – A á ru hời ơ hời ru”
Lần thứ nhất họ làm cha, làm mẹ được chỉ một năm sau đó thì cô vợ trẻ đi về bên kia thế giới, vào cõi vĩnh hằng!
Lần thứ hai họ làm cha, làm mẹ. Người mẹ sinh con trên một bè chuối giữa sông và nước bên khói lửa của chiến tranh. Vậy mà may sao được sống sót, mẹ tròn con vuông… đó là nguồn cảm hứng để ông viết ca khúc Mẹ Yêu Con.
Ca khúc dành tặng người vợ hiền, ngoan, có tên là Bạch Lê Đẹp như trăng, thanh trong nỗi nhớ của ông…
Vậy mà giờ đây vợ ông nào nghe được nữa đâu!?
Ca khúc ông viết dành tặng cho thiên thần bé nhỏ của họ, cô con gái cưng của hai người… tôi lại tò mò muốn hiểu: “chắc giờ này cô ta cũng đã từng làm mẹ, và chắc lòng cũng sẽ rất thổn thức, muốn chạy bay về mà ôm chặt lấy cha trong lòng!?”
Ca khúc cũng dành tặng tất cả những ai làm mẹ, những ai làm con.
Và, tôi vẫn còn nhớ lúc đó tôi dáo dác nhìn quanh để tìm kiếm dấu tích yêu thương từ những đứa con chung của hai người dành cho ông. Nhưng được nghe ông trả lời: “chúng nó bận lắm, thường thì ngày Tết bác mới gặp nhau…”
Về Dư Âm
Không một ai không yêu ca khúc Dư Âm, một ca khúc đẹp từ ca từ cho đến ý tưởng. Người trẻ say sưa hát, thì người già nâng niu, ôm ấp, vỗ về… bằng điệu ru của nỗi nhớ!
Dư Âm là một chuyện tình có thật của người viết, ngày đó ông chỉ mới là một chàng trai tuổi 24. Bén tình với cô chị 22 tuổi, trong một dịp ghé thăm nhà người yêu tình cờ lại gặp cô em gái của nàng, tuổi chỉ vừa độ trăng tròn 16. Ngay từ phút đầu tình cờ bắt gặp được ánh nhìn với đôi mắt xoe tròn của cô em này thì ông đã quỵ ngã!
Ngay đêm hôm đó, chàng đứng ngóng trông nơi bờ rào bên này, bên kia rào là chiếc bóng đổ dài của một mái tóc mà được ông mô tả như là dòng suối dưới ánh trăng của nàng trong chiếc đàn và tiếng hát tợ như lam…
Trằn trọc suốt đêm hôm đó, chong đèn ông viết Dư Âm là tiếng kêu giữa muôn trùng cho tình yêu bất thành của chính mình.
“Đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dìu muôn tiếng tơ
Không gian trầm lắng như âu yếm ru ai trong giấc mơ
Mái tóc nhẹ rung, trăng vờn làn gió
Yêu ai anh nắn cung đàn đầy vơi đôi mắt xa vời
…
Hẹn em từ muôn kiếp trước
Nhớ em mấy thuở bạc đầu
Anh đã âu sầu vì đường tơ vương vấn
Em để cung đàn đưa anh về đâu ?
Dư Âm – Nguyễn Văn Tý
Phụ nữ lại càng tha thiết với Dư Âm hơn ai hết, cũng chỉ tại vì trong tình yêu điều gì họ cũng làm hơn đàn ông…! Họ là những người yêu nhiều, thuỷ chung và sống bằng nỗi nhớ!