Menu Close

Chợ quê cuối tuần

Chợ nông sản (Farmer’s Market) chắc hẳn nhiều người biết. Nhưng ít ai biết ở hạt Tarrant, Texas lại có một chợ quê, ngoại trừ một số người Việt sống gần khu vực phía Tây Nam thành phố Fort Worth trên đường Mansfield. Cái tên đường gợi nhớ vùng đất trồng bông vải của miền trung nước Anh xem ra thích hợp và có ý nghĩa với cách sinh hoạt của người dân nơi đây. Những mái nhà nho nhỏ, cơ sở bán buôn cũng nhỏ, và không xa chợ lắm, chừng hơn chục cây số là những mảnh đất đồng cỏ quanh năm nuôi dăm ba con bò vài ba con ngựa. Một khung cảnh nhà quê khác lạ bỗng thấp thoáng hiện ra trong ký ức chợ làng.

alt

Rau, củ, trái cây lúc nào giá cũng rẻ hơn ở siêu thị

Không ai biết chợ hình thành từ lúc nào. Người Việt sống lâu năm tại đây biết chợ từ năm 75 và người Mỹ lớn tuổi bảo rằng, “chợ có từ hồi tụi tui còn nhỏ”. Chính xác hồi xưa người nhà quê tụ họp nơi đây bán bò, heo, gà, vịt và hàng nông sản theo mùa. Ngày nay thì bán đủ thứ hầm bà lằng vào hai ngày cuối tuần như một chợ trời đúng nghĩa. Đến nơi đây, bạn có thể kiếm được cái búa tạ rinh lên không nổi, cái chảo gang chiên thịt bò beef steak thô kệch khiến các bà nội trợ không muốn dùng. Có thể bạn sẽ bắt gặp cái xô bằng gỗ sồi lên nước bóng loáng hay một cái vại bằng sành dầy cộp, nặng đến trĩu tay. Những thứ đồ người nông dân thường dùng trong gia đình vào cái thời xa lắc xa lơ hơn nửa thế kỷ trước. Nhiều người đến chợ tìm những đồ kỷ niệm xưa cũ đó để trang trí nhà cửa cho hợp cái gu nhà vườn, cũng có người thích mua rau, củ, trái cây tươi mùa nào thức nấy hoặc chẳng mua gì cả. Đến chợ ngao du, cốt thưởng thức mấy món ăn dân dã đa phần có nguồn gốc của người Mễ. Những thứ này có bán ở tiệm, tuy thế ăn ở chợ ngoài trời vẫn có cái thú riêng.

alt


Hàng đồ cũ, nơi đây dễ kiếm được những đồ thú vị

Nhìn người đi chợ sà vào hàng quà vừa bóc chiếc bánh trắng đục nóng hổi gói trong lá bắp vừa nói chuyện râm ran với chủ. Không hiểu họ nói gì nhưng qua ánh mắt, cử chỉ, tôi thấy họ hình như thân tình lắm. Hình ảnh này ở chợ quê, nơi nào cũng có. Những lời hỏi thăm làm ăn buôn bán, những đối đáp bâng quơ về thời tiết mùa này hay câu trêu ghẹo cô chủ quán mà không làm phật lòng ai khiến những tiếng cười phá lên ha hả thoát ra một cách tự nhiên bên nồi bánh nóng. Tôi thích tính cách thoải mái này. Nó không suồng sã mà rất phóng khoáng và bình dị vốn có trong cách sống của người ở những vùng nông thôn, dù tây hay ta mỗi người mỗi vẻ và đều có một điểm chung là tâm hồn sảng khoái. Nhiều khi chỉ cần nhìn mọi người mua bán mình cũng biết thêm được nhiều điều. Có nên trả giá một món hàng hay cho thêm công khó của người làm ra nhất là những loại hàng nông sản tự trồng tự bán. Một lần người bạn về quê tôi chơi kể rằng, ghé chợ làng mua chục thơm, gởi họ luôn tiền lẻ mà họ thối lại, ai ngờ họ tặng lại cho mình thêm hai trái thơm.

alt


Quà bánh dân dã rất ngon

Đây không phải là sự mua bán sòng phẳng. Mà là sự thông cảm hiểu biết lẫn nhau của người mua kẻ bán.

Tất nhiên, tùy theo trường hợp khác nhau, việc mua bán ở các chợ trời cũng khác nhau. Sự thông cảm tôi kể ở trên là sự thông hiểu về tình người trong dòng đời mưu sinh khác hẳn chuyện thông hiểu về lý lẽ kiếm lời trong một cuộc mua bán. Lần khác, tôi cùng người bạn đi chợ trời mua một dây điện câu bình. Giá trả thẳng thừng, chủ hàng kỳ kèo, cuối cùng chịu bán. Bạn nói: “Mua ở Auto Zone đắt hơn một chút nhưng đi chợ trời được trả giá thích hơn, giống Khu Dân Sinh Sài Gòn ngày trước. Đừng nghĩ mấy người buôn bán ở đây chân thật, họ ma lắm, nói trên trời dưới đất, ngại mặc cả hay trả giá nương nương thế nào cũng dính”.

Mặc cả mua bán ở chợ trời là chuyện bình thường, thuận mua vừa bán, tiền trao cháo múc.

Trở lại chuyện chợ quê trên đường Mansfield mới có nhiều điều thú vị. Cái thú vị nhất đối với tôi vẫn là góc chợ đằng kia người ta bày bán hàng gia cầm, gia súc còn sống. Duy nhất ở Fort Worth mới có cái chợ thế này. Đám gà oang oác trong chuồng, vịt kêu cạp cạp, tiếng bồ câu gù vang trong nắng đầu ngày phiên chợ nghe vui trong lòng người xa xứ. Hình ảnh chợ quê họp ở đầu làng lần lượt hiện ra trong ký ức mơ màng cùng tiếng dê kêu be he hòa trong âm vang eng éc chói tai của bày heo con muốn phá tung chuồng lưới. Lại có tiếng hò hơ trầm lắng nhẹ nhàng của chú bê tơ phá bĩnh. Lạ nhỉ! Cái chợ trời gà vịt, lại bán gia súc, ai mua? Hỏi thăm hàng họ của một nhà nông chánh hiệu. “Bán không ai mua đem về nuôi tiếp, rồi bán cho lò mổ gần nhà”. Chỉ có lò mổ mới được phép xẻ thịt gia súc, gia cầm, bán lẻ thịt tươi cho các tiệm ăn hay người tiêu dùng quanh vùng. Ngược lại, người chợ quê được bán gia súc, gia cầm sống nhưng cấm bán thịt tươi. Do vậy, nông dân quanh vùng thường đem ra chợ bán được giá hơn bởi nhu cầu nhiều người tuy sống thị thành vẫn thích mua một con dê hay con heo mọi nuôi thả rong sau vườn. Bạn bè tôi sang Mỹ thăm chơi, ngồi sân vườn sau uống trà nghe tiếng bò kêu, ngựa hí, hỏi sao ở Mỹ mà lại giông giống quê mình quá vậy. Ừ hử… chẳng thế mà dân Dallas bảo rằng Fort Worth là xứ quê mùa.

alt

Gà, vịt, ngỗng sống có bán ở chợ trời Mansfield, Fort Worth

Hôm nào may mắn đi chợ gặp công, trĩ, gà sao mới thích. Gặp dịp này mua ngay kẻo hết. Giá cả không đắt bao nhiêu, mua nuôi cho đẹp vườn nhà hay đem về chén thịt  thiết đãi bạn bè cũng ngon hơn gà đi bộ. Đám gia cầm cao sang này thường được nuôi làm cảnh trong các nông trại không chuyên, dư dả đem bán, góp phần làm khung cảnh chợ quê càng thêm phong phú. Ở đây, bạn sẽ lại được nghe những tiếng kỳ kèo giá cả mặc dù tôi biết chắc giá gà vịt ngan ngỗng không khác gì đến mua tại lò mổ. Nhưng bạn cứ vô tư đi, không người chủ nào cảm thấy khó chịu nhăn mặt nhíu mày. Trao đổi mua bán như thế mới vui, mới gây nên không khí nhộn nhịp của một phiên chợ quê ở phố.

alt

Thỏ nhà nuôi chuồng được bày bán ở khu gia cầm, gia súc

“Sống ở trang trại thật buồn tẻ, nên cuối tuần ra đây ngồi gặp người qua lại hay bạn hàng trò chuyện cho vui. Chứ nghề chính của tôi làm thợ hàn”, chủ hàng gà vịt chỗ tôi hay ghé mua cho biết. Ông có nước da ngăm hơi ửng đỏ và đôi bàn tay hộ pháp. Giọng nói khó nghe nhưng ông khẳng định mình không phải người thổ dân hay gốc Mexico như nhiều người lầm tưởng. Vài ba chủ hàng quanh đây là láng giềng của ông. Người thích nuôi gia cầm, người thích nuôi gia súc. “Ai cũng có nghề riêng, chứ dựa vào mấy đồng lời bán buôn làm sao đủ sống”, ông nói tiếp.

Đúng là vậy. Đi một vòng quanh chợ dễ thấy cuộc sống tất bật mưu sinh của người bán buôn. Phần nhiều họ bỏ công làm lời hơn là trúng mánh cho món hàng mua một bán mười. Đặc biệt là những người bán buôn gia cầm, gia súc, lời lốm chẳng bao nhiêu. Nhưng nhờ họ, khu chợ cuối tuần mới có dáng dấp của một chợ quê náo nhiệt và rất khác biệt so với những chợ trời nông sản khác trong thành phố Fort Worth.

NL