Menu Close

Kiểm soát súng ở Mỹ

Vụ thảm sát tại Las Vegas hôm tối Chủ Nhật 01/10 làm thiệt mạng 59 người, kể cả hung thủ, và gây thương tích cho khoảng trên 500 người, được ghi nhận là vụ thảm sát do xả súng vào đám đông với con số người thiệt mạng cao nhất trong lịch sử nước Mỹ, làm chấn động toàn thế giới và một lần nữa hâm nóng lại cuộc tranh luận dường như bất tận về quyền sử dụng súng của người dân Mỹ.

kiem-soat-sung-o-my3
nguồn People

Người gây ra vụ thảm sát trên có tên là Stephen Paddock, một cư dân sống tại thành phố Mesquite, cách Las Vegas khoảng 80 dặm về hướng đông nam trên xa lộ 15 sát với biên giới tiểu bang Arizona.

Hầu như những vụ thảm sát khi xảy ra thường luôn do một động lực nào đó ở đằng sau vụ việc. Như vụ thảm sát tại một hộp đêm Orlando vào năm 2016, tên giết người đã lên tiếng tuyên bố trung thành với tổ chức Nhà nước Hồi giáo trong một cú gọi cho đường dây khẩn cấp 911. Trong vụ bắn tỉa làm chết 5 cảnh sát tại Dallas cũng năm 2016, hung thủ đã cho cảnh sát biết mục tiêu của hắn là tấn công người da trắng. Vụ tấn công một nhà thờ của người da đen tại Charleston năm 2015, người gây ra vụ án Dylann Roof đã đăng lên mạng một bản tuyên ngôn với đầy lời lẽ kỳ thị. Tuy nhiên, sau hơn một tuần lễ điều tra tìm nguyên do, các nhà hữu trách vẫn chưa thể xác định được động lực của vụ thảm sát ở Las Vegas, vì hung thủ Paddock đã không để lại bất cứ một bằng chứng nào, cho dù chỉ vài dòng chữ tuyệt mệnh trên một mảnh giấy nào đó.

kiem-soat-sung-o-my2
Toàn cảnh khu vực xảy ra vụ thảm sát – nguồn Los Angeles Times

Hơn nữa, nhân vật gây ra vụ thảm sát ở Las Vegas lại không giống bất kỳ nhân vật nào đã từng gây ra những vụ thảm sát trước đó, thường là những người tương đối trẻ tuổi và trong đời sống đã gặp phải những khó khăn nào đó về vật chất hay tinh thần. Nhân vật Stephen Paddock là một người đàn ông da trắng, 64 tuổi, thành công trong ngành địa ốc và trở thành triệu phú, thích đánh bạc nhưng không nợ nần, đã nghỉ hưu và cư ngụ trong một khu hầu hết là những người hưu trí.

Tuy nhiên các giới chức hữu trách cuộc điều tra cho biết vụ thảm sát là có chủ mưu và đã được tính toán kỹ càng từ trước. Paddock từ trên tầng lầu 32 của khách sạn Mandalay Bay Resort and Casino đã bắn xả vào đám đông bên dưới đang tham dự một buổi trình diễn âm nhạc bên kia đường đối diện. Vụ xả súng kéo dài khoảng 9 đến 11 phút, với những bản tin đầu tiên ghi nhận tiếng súng nổ bắt đầu lúc 10:05 tối hôm Chủ Nhật và những tiếng súng cuối cùng được bắn ra lúc 10:15.

Các giới chức cũng cho biết Paddock đã lấy phòng khách sạn từ ngày 28 Tháng 9, mang theo 10 túi đồ trong đó chắc chắn có chứa nhiều vũ khí. Sau khi nhân viên an ninh tấn công vào căn phòng khách sạn của Paddock, người ta tìm thấy ít nhất 23 khẩu súng nằm la liệt khắp nơi, trong đó có một số súng dài loại công phá cao. Paddock còn cho gắn một số máy quay hình theo dõi ở bên trong và bên ngoài căn phòng để tiện xem xét tình hình xung quanh cũng như giúp hắn tẩu thoát khi có thể.

Sau đó, giới hữu trách còn khám xét chiếc xe và căn nhà của Paddock và họ còn tìm thấy thêm một số súng đạn và những chất nổ khác nữa. Riêng với tổng số súng Paddock sở hữu đã lên tới 47 khẩu ngắn dài, đủ để trang bị cho một nửa đại đội lính, và tất cả đều có giấy tờ hợp pháp. Hơn nữa, trong số súng đó, có tới 33 khẩu được Paddock mua trong khoảng thời gian một năm qua. Câu hỏi được nhiều người đặt ra là tại sao trong một thời gian rất ngắn với một người mua một số súng ống nhiều ngần ấy mà không có một tín hiệu nào báo động cho các giới chức an ninh? Câu trả lời có lẽ một phần là do việc kiểm soát súng ở Mỹ còn tương đối dễ dàng, đặc biệt là những loại súng dài thì việc kiểm soát còn lỏng lẻo hơn cả so với khi mua súng ngắn là vì súng dài thường hay được bán cho các tay thợ săn, là những người đã từng qua các trường lớp huấn luyện và có kỷ luật.

kiem-soat-sung-o-my1
Súng ống la liệt trong phòng khách sạn của Paddock – nguồn ABC News

Có một số bản tin tường trình còn nói rằng luật lệ của nước Mỹ cho phép người dân sở hữu súng tự động. Thực ra điều này không chính xác.

Năm 1934, một đạo luật về việc kiểm soát các loại súng tự động có tên gọi là Ðạo luật Súng Quốc gia (National Firearms Act – NFA) được cho áp dụng trên toàn quốc. Ðạo luật NFA này sau đó được thay đổi một số điều khoản vào năm 1968 bởi một đạo luật khác có tên là Ðạo luật Kiểm soát Súng (Gun Control Act) và vào năm 1986 lại được thay đổi triệt để hơn bằng Ðạo luật Bảo vệ Người sở hữu Súng (Firearm Owners Protection Act). Với luật mới này, tất cả các công dân Mỹ hoàn toàn bị cấm sở hữu những loại súng tự động được chế tạo từ sau ngày 19 Tháng 5 năm 1986.  Chỉ một số công ty có giấy phép mới được quyền chế tạo loại súng này, và chỉ một số cơ quan chính phủ liên bang và tiểu bang hội đủ tiêu chuẩn mới được phép mua. Thậm chí việc sản xuất những bộ phận thay thế cho loại súng máy tự động được chế tạo trước 1986 cũng bị cấm hoàn toàn. Như vậy có nghĩa là loại súng máy tự động sở hữu bởi người dân và còn sử dụng được ở Mỹ hiện nay có lẽ cũng không còn nhiều, và thêm một điều cần biết nữa là những loại súng tự động này chỉ được bán ở một số công ty và cửa hàng bán súng có giấy phép của chính phủ liên bang.

Tất cả 23 khẩu súng được tìm thấy trong căn phòng khách sạn của hung thủ Stephen Paddock đều là súng bán tự động, tức mỗi lần bóp cò chỉ bắn ra một viên. Tuy nhiên trong số đó có một số súng dài được gắn thêm một loại báng súng phụ có tên tiếng Anh là “bump stock” đã được chính quyền liên bang cho phép mua và sử dụng từ năm 2010. Loại báng súng phụ này có thể thay thế chiếc báng súng nguyên thuỷ và một phần của báng được nối với khu vực cò súng, và như được quảng cáo là giúp một số người khiếm tật có thể bắn được súng dài dễ dàng. Khi bắn, người sử dụng chỉ cần bóp cò một lần rồi giữ nguyên vị trí và khi viên đạn đầu tiên được bắn ra thì súng sẽ giật, sự giật này đẩy chiếc súng ngược trở lại và cùng lúc là cò súng đụng vào ngón tay của người sử dụng nhờ vậy súng tiếp tục nổ cho đến hết băng đạn. Nói cách khác, khẩu súng có gắn báng “bump stock” sẽ hoạt động gần giống loại súng máy tự động. Tuy nhiên đạn bắn ra sẽ không còn độ chính xác nữa, đó là chưa kể nòng súng có thể bị quá nóng và gây ra kẹt đạn.

Theo tờ New York Times, sau khi so sánh những đoạn thâu âm thu được từ một số vụ thảm sát, cho biết loại súng bán tự động trong vụ thảm sát một hộp đêm ở Orlando bắn được 24 viên trong 9 giây; loại súng bán tự động có gắn thêm “bump stock” trong vụ Las Vegas bắn được 90 viên trong 10 giây; và riêng loại súng máy hoàn toàn tự động thì có thể bắn được 98 viên trong 7 giây.

Trong trường hợp vụ thảm sát Las Vegas khi hung thủ Paddock xả súng vào đám đông 22,000 người đứng chen chúc nhau ở bên dưới thì độ chính xác không cần thiết mà vẫn gây thiệt hại cao.

Thế nên đang có nhiều nhà làm luật lên tiếng đòi kiểm soát hoặc cấm hẳn việc bán loại báng súng “bump stock” này. Thậm chí Hiệp hội Súng Quốc gia (NRA), tổ chức vẫn luôn bảo vệ quyền tự do sở hữu súng, lần này cũng chịu chùn bước và ra thông cáo ủng hộ việc kiểm soát trên.

kiem-soat-sung-o-my
Hung thủ Stephen Paddock – nguồn Blue Lives Matter

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tiếng nói, đặc biệt là những tổ chức kêu gọi việc kiểm soát súng, cho rằng như vậy vẫn chưa đủ và cần phải kiểm soát súng chặt chẽ hơn nữa vì nếu không, trong tương lai những vụ thảm sát sẽ còn tồi tệ hơn vụ Las Vegas nữa.

Người ta vẫn hay biện hộ là súng không gây ra tội ác và bạo động mà chính là do con người. Ðiều này đúng. Nhưng súng làm cho tội ác và bạo động đó trở nên tồi tệ hơn.

Ở nhiều quốc gia phương Tây, chính quyền không cấm dân sở hữu súng. Tỉ lệ người dân sở hữu súng ở Thuỵ Sĩ và Phần Lan bằng hơn một nửa tỉ lệ ở Mỹ; ở Canada, Pháp, Na Uy và Thuỵ Ðiển là khoảng hơn một phần ba so với tỉ lệ ở Mỹ.

Tuy nhiên chính quyền ở những quốc gia này lại rất chặt chẽ kiểm soát sự di chuyển của súng từ nơi này qua nơi khác. Là vì họ coi việc sở hữu súng là một đặc quyền chứ không phải là thứ quyền công dân như ở Mỹ, họ điều tra lý lịch rất kỹ, không chỉ những hồ sơ phạm pháp mà luôn cả hồ sơ về nghiện ngập, bệnh tâm thần và bạo động trong gia đình. Họ còn thử xem những người xin phép mua súng có thật sự có trách nhiệm khi sở hữu súng hay không chứ không chỉ là tự đánh giá mình như khi điền đơn.

Theo thống kê cho biết số người Mỹ chết vì súng đạn cao hơn gấp nhiều lần so với những quốc gia văn minh khác, là vì số súng người Mỹ sở hữu cũng nhiều hơn. Có thêm súng là có thêm những tai nạn chết người, thêm những vụ tự tử bằng súng, thêm những vụ cãi vã bình thường bỗng nhiên biến thành những vụ chĩa súng bắn vào nhau. Vì vậy đã đến lúc nước Mỹ ngoài việc kiểm tra lý lịch gắt gao hơn còn cần phải giới hạn số súng đạn mà mỗi công dân được quyền sở hữu.

VH