Menu Close

Xin thưa Thủ tướng, rừng còn đâu mà giữ?

Mưa lũ đang hoành hành miền trung, người chết, gia súc chết, nhà cửa đổ nát, thiệt hại biết bao nhiêu mà kể. Tiếng” than”, tiếng “khóc” của người dân thấu tận trời cao. Vì đâu mà tai ương như vậy ? Việc phá rừng là nguyên nhân chính gây ra cảnh tang thương này, nhưng ai phá ? ai chịu trách nhiệm ?

Ngày 14/10 vừa qua, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và các giải pháp thực hiện trong thời gian tới”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu rằng:

“Yêu cầu phải chỉ ra trách nhiệm cụ thể trong công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng… Cần xác định lại kỷ cương, kỷ luật, không có vùng cấm trong xử lý vi phạm… Rừng thành sức mạnh kinh tế nếu biết tổ chức quản lý tốt… Rừng là lá phổi, thế giới bảo vệ rừng ghê lắm, phố trong rừng, rừng trong phố, còn chúng ta phá nham nhở…Một số địa phương chuyển mục đích sử dụng rừng với diện tích lớn nhưng không theo quy hoạch ảnh hưởng đến hệ sinh thái… Phải thanh tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm như vậy. Cần bảo vệ phát triển vốn rừng, đa dạng sinh học…” (Theo báo Giao Thông)

Thưa Thủ tướng, nghe ngài phát biểu có vẻ rất quyết liệt, nhưng thực tế là còn rừng đâu nữa mà giữ, mà bảo vệ?

Chẳng phải, ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng – An ninh đã nói rất rỏ ràng là: “Tôi đi cả nước thấy rằng về cơ bản rừng đã phá hết do phá rừng, nhìn bên ngoài xanh tốt nhưng bên trong viêm đại tràng nặng, vì cây quý ở trong bị rút hết”. Ông Nguyễn Duy Hữu, đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk khẳng định: “Rừng ở Tây Nguyên có thể nói đã đến đoạn cuối cùng của đoạn cạn kiệt rồi… Còn một mảnh rừng cuối cùng là Vườn quốc gia Yoóc Đôn thì người ta cũng lăm le làm nốt thủy điện”. Còn bà Ksor Phước Hà, đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai chua chát nói: “Đất rừng mà còn bị mang đi bán thì trồng rừng bằng niềm tin hay sao?”

Khi còn đương chức Thủ tướng, ông Nguyễn Tấn Dũng nói, rứt khoát đóng cửa rừng. Bây giờ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nói đóng cửa rừng. Nhưng có đóng được đâu, với lại còn rừng đâu mà đóng. Cứ tưởng tượng, mỗi năm cả nước xảy ra 7.000 vụ phá rừng, 20.000 vụ vận chuyển chế biến lâm sản trái phép thì rừng nào còn?

Ai phá rừng? Dân, lâm tặc, gian thương làm sao phá được nếu không có sự tắc trách, tiếp tay của lực lượng kiểm lâm, sự bao che của lãnh đạo các cấp. Ai đề ra các chủ trương chuyển đổi đất rừng tự nhiên sang trồng cao su? Ai cho phép phá rừng làm thuỷ điện?

Những ngôi nhà gỗ hoành tráng, đồ sộ như phủ đệ đâu phải của thường dân hay lâm tặc, mà toàn là của quan chức hoặc đại gia như: Nhà của ông Nguyễn Văn Tiêu, Bí thư huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. Nhà của ông Trần Ngọc Quang, nguyên Chủ tịch huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Nhà của ông Nguyễn Công Ngọ, nguyên Bí thư tỉnh Bắc Ninh. Nhà của ông Khổng Trung, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị. Biệt phủ của đại gia vàng Ngô Văn Quang ở Đà Nẵng, Nhà gỗ trăm tỷ của đại gia ở Điện Biên, Nghệ An. Nhà sàn gỗ trong khu biệt phủ của Phạm Sỹ Quý, Giám đốc sở tài nguyên môi trường Yên Bái…Gỗ của họ làm nhà cả trăm khối, lấy đâu nếu không phải là gỗ trên rừng?

Còn nói về xử lý trách nhiệm, càng thất vọng. Để mất 61ha rừng, hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện An Lão (Bình Định) chỉ bị kiểm điểm trách nhiệm. Vụ 5,2 ha rừng phòng hộ đèo Măng Đen, H.Kon Rẫy (Kom tum) bị phá, 15 cán bộ quả xử lý kỷ luật “kiển trách”. Rừng pơ mu ở Yên Bái bị ‘xẻ thịt’, 13 cán bộ liên quan bị “kiểm điểm”. Hay như, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Nông được giao hơn 175 để làm địa bàn “diễn tập phòng thủ” kết quả, rừng đã biến thành đồi trọc. Nhưng những người có trách nhiệm chỉ bị kiểm điểm, rút kinh nghiệm và khiển trách. Xử lý rất nghiêm là như thế đấy sao?

Cái thời đói khổ (những năm 1980) phá rừng vì đói, vì không hiểu biết nhưng bây giờ người ta phá rừng để làm giàu. Biết bao nhiêu tiền ngân sách chi cho việc bảo vệ rừng, nhưng rừng vẫn cứ bị “xẻ thịt”. Ngay đến rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, rừng Quốc gia cũng bị phá thì rừng nào còn. Không phải đến bây giờ mà hàng chục năm trước hậu quả của việc phá rừng đã được cảnh báo. Nhưng bao thế hệ lãnh đạo vẫn không có một giải pháp nào để giữ rừng. Nay hết rừng, mới ngộ ra “Rừng là vàng, chặt một cây cũng phải thắp nhang lạy” thì đã quá muộn.

Mưa lũ triền miên, thiên tai khắp nơi, năm ngoái là các tỉnh Phú Yên, Bình Định, năm nay đến Thanh Hoá, Hoà Bình, Yên Bái rồi những năm tiếp theo, tiếp theo nữa sẽ là tỉnh nào?

Từ Dân Luận, Tác Giả Đ.A