
“Trăm năm tích đức tu hành / Chưa về Yên Tử chưa thành quả tu”
Chúng tôi khởi hành từ Hà Nội đi núi Yên Tử vào sáng mù sương. Trời Hà Nội lành lạnh, hoa sữa mà tôi thường nghe nói chưa ra hoa. Tài xế cho xe chạy quanh hồ Gươm, mặt hồ phẳng lặng, lễnh mễnh những làn khói sương chưa tan. Những cây phượng vỹ lá vừa đâm chồi xanh nõn chìa xuống mặt hồ. Tháp rùa đứng ngậm sương mai. Bên kia là Bưu Ðiện Hà Nội. Cuộc hành trình dài 125km mới tới được chân núi Yên Tử. Càng gần đến chân núi, không khí càng lạnh. Tháng ba. Mùa xuân vừa nhú những chồi non. Cái rét đủ để khoác lên mình chiếc áo ấm.
Dưới chân núi Yên Tử là những hàng quán, những sạp bán quà lưu niệm. Có những người ngồi trên lề đường với những thúng măng rừng vừa mới cắt, hoặc những rổ rau quả, đơn sơ, mộc mạc… Chúng tôi leo lên con dốc dài để đến thăm ngôi chùa đầu tiên. Ở đây, chúng tôi mới mua vé đi dây cáp để lên núi Yên Tử.

Yên Tử là thủ đô Phật Giáo Việt Nam, nổi tiếng về phong cảnh, lịch sử, và những ngôi chùa. Nó chiếm vị trí quan trọng trong trái tim của những người Phật Giáo Việt Nam.
Núi Yên Tử nằm Ðông Bắc Việt Nam, cao 1,068m so với mặt nước biển. Những bậc thang cấp dẫn lên núi như chúng ta đang bước dần vào cổng trời, với sương mù, mây trắng bao phủ. Mỗi bước lên thang cấp là mỗi bước xa rời những lo âu phiền muộn của thế gian, với tâm trí không bị phiền nhiễu và trái tim đập những nhịp bình an.
Theo truyền thuyết, nhà vua thứ 3 của triều đại nhà Trần là vua Trần Nhân Tông (1258-1308) đã đến núi Yên Tử để tu hành tại đây. Ngài hiến dâng cuộc đời còn lại của mình cho Phật Pháp. Sau đó, Ngài thành lập Trúc Lâm Thiền Viện. Ðây là trung tâm thiền viện đầu tiên của Việt Nam.
Năm 1293, Ngài nhường ngôi lại cho con trai là Trần Thuyên (vua Trần Anh Tông) và đi tu.
Có một đường dây cáp để lên đỉnh núi Yên Tử, thay vì phải leo 6,000m trên những bậc thang cấp bằng đá để đên được đỉnh núi. Dây cáp dừng lại ở chùa Hoa Yên, ở đây, chúng ta có thể bắt đầu đi bộ leo lên tới đỉnh. Trên dây cáp, nhìn xuống một vùng đồi núi mênh mông, sương mây, khói trời hòa quyện tạo thành nét đẹp huyền bí, kỳ ảo. Nhiều người chọn lựa đi bộ thay vì đi dây cáp, như thế đối với họ, mới chứng tỏ được lòng thành của họ trong chuyến hành hương.

Trạm đầu tiên là Suối Tắm, nơi nhà vua Trần Nhân Tông tắm gội hồng trần trước khi hiến dâng thân mình vào cửa Phật, gần đó có chùa mang tên Cầm Thực, nơi nhà vua có bữa cơm rau đạm bạc đầu tiên (cơm trắng được nấu bằng nước của dòng suối chảy ở bên cạnh).
Sau đó chúng ta sẽ đến suối Giải Oan. Theo truyền thuyết, ở đây có khoảng 100 cung tần mỹ nữ theo lệnh vua Trần Anh Tông cố gắng đến để cầu xin vua cha trở về lại kinh đô, nhưng không thành, nên họ đã cùng nhau trầm mình xuống suối. Vua Trần Nhân Tông bèn cho xây ngôi chùa mang tên chùa Giải Oan, nằm ẩn mình bên chân núi. Chùa nằm sau con suối để giải oan cho những linh hồn này, và để ngàn sau dân chúng còn tưởng nhớ.

Trên đường tới đỉnh núi Yên Tử, chúng ta sẽ gặp những ngôi chùa nhỏ tên là Ngọa Vân, chùa Một Mái, Chùa Bảo Sái và chùa Vân Tiêu nằm cao 700m so với mặt nước biển.
Cứ như thế chúng ta như từng bước một bước lên cổng trời với sương mù giăng mắc khắp nơi. Nếu có sức, chúng ta sẽ lên được Chùa Ðồng, tọa lạc trên đỉnh núi Yên Tử. Ở đây, chúng ta có thể thấy toàn cảnh là biển phía Ðông Bắc và vịnh Hạ Long.
Yên Tử đã được biết đến từ nghìn xưa và phát triển nhất từ đời nhà Trần (1226-1400). Giai đoạn này, Yên Tử đã được xây dựng và phát triển mạnh.

Khởi đầu là Trần Cảnh (vua Trần Thái Tông) đến Yên Tử tháng 4 năm Bính Thân (1236). Sau đó Trần Khâm (vua Trần Nhân Tông) vị vua của hai cuộc đại chiến đánh quân Nguyên – Mông vào năm 1285 và 1288. Trong lúc nhà Trần đang hưng thịnh, nhà vua nhường ngôi cho con để nghiên cứu đạo Phật, tìm đến Yên Tử tu hành.
Năm 1299, vua Trần Nhân Tông đã chính thức thành lập Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử. Ngài được coi là vị sư tổ thứ nhất của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, mang Phật danh Ðiều Ngự Giác Hoàng. Từ đó Yên Tử trở thành kinh đô truyền bá tư tưởng của Phật, Phái Trúc Lâm, đánh dấu sự phát triển tư tưởng triết học Phật Giáo Việt Nam trong các thế kỷ 13, 14.
Dọc triền núi Yên Tử là những rừng hoa mai nở bốn mùa, vàng lấp lánh giữa muôn trùng cây lá. Khung cảnh đẹp như trong tranh. Càng lên cao, sương càng dày đặc, sương lẫn mồ hôi thấm đẫm áo. Những gốc cây sứ trên 700 trăm tuổi sần sùi, và những cành cây như những cánh tay vươn cao lên như muốn níu bầu trời xuống thấp. Xa xa, những cây tùng cây bách kiêu hãnh đứng, đẹp như những gốc bonsai có bàn tay chăm chút của con người.

Ðến với Yên Tử, nhìn chùa Một Mái đơn sơ nằm cheo leo dựa lưng vào vách núi, chúng ta không thể không liên tưởng đến hình ảnh nhà vua Trần Nhân Tông ngày xưa thường ngồi đây đọc sách. Cung vàng gác tía trong lúc hưng thịnh của nước nhà, vua không chọn, vua chọn một nơi chốn xa bụi trần. Ðiều này làm chúng ta suy nghĩ đến sự huyền diệu của Phật Pháp đã khiến nhà vua quẳng gánh sơn hà, thế tục.
Ở Yên Tử, chúng ta không thấy những ngôi chùa nguy nga tráng lệ, chỉ là những ngôi chùa thô sơ nhỏ bé khiêm nhường, nhưng chứa đựng cả một triết lý tinh túy sâu thẳm. Ở đó, chúng ta thấy nhà vua Việt Nam ngày xưa rất khiêm tốn, tiết kiệm. Không dùng ngân sách quốc gia, không sử dụng nhiều trai tráng, nhân công xây dựng những đền đài, chùa chiền kỳ vĩ để lưu danh hậu thế cho mình. Chỉ là cái tâm của nhà vua thôi, cũng để lại trong lòng hậu thế nỗi thương tiếc, nhớ nhung, ngưỡng phục đến muôn đời.
Trên mỗi bước hành hương ở núi Yên Tử, chúng tôi mơ hồ thấy thấp thoáng bước chân của nhà vua khoan thai trong sương khói, dẫn dắt đến cõi mênh mông vô cùng.
VP