Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa diễn ra trong suốt một tuần vừa qua, bắt đầu từ hôm Thứ Tư 18 Tháng 10 với hơn 2,000 đại biểu từ khắp nơi quy tụ về thủ đô Bắc Kinh để chính thức bầu chọn lãnh đạo cho nhiệm kỳ sắp tới. Đây là sự kiện được cho là quan trọng nhất trong hệ thống chính trị của Trung Quốc, được tổ chức mỗi 5 năm một lần và nay là đại hội đảng lần thứ 19.

Mặc dù nói là để bầu chọn cho có vẻ như mang hình thức dân chủ, kết quả của việc sắp xếp nhân sự bao gồm tất cả các vị trí quyền lực chóp bu trong đảng như Bộ Chính trị (gồm 25 người) trong đó có 7 người trong Ban Thường vụ (là những tiếng nói có ảnh hưởng nhất trong tất cả mọi chính sách lãnh đạo) và 376 nhân vật trong Uỷ ban Trung ương Ðảng. Thế nên, Ðại hội Ðảng Cộng sản Trung Quốc hay bất kỳ đại hội đảng cộng sản nào trên thế giới từ lâu vẫn được báo chí phương Tây xem như một vở kịch mà tất cả mọi tình tiết đã được viết sẵn từ bên trong hậu trường.
Kể từ khi Ðặng Tiểu Bình khởi xướng chính sách cải tổ kinh tế từ hơn ba thập niên trước với phương châm “không nhất thiết phải là mèo trắng hay mèo đen, miễn là bắt được chuột”, nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa đang ngày càng trở thành một thứ “siêu cường” thế giới trong các lãnh vực kinh tế và kỹ thuật cũng như gây nhiều ảnh hưởng đối với thế giới trong lãnh vực quân sự và ngoại giao, đến nỗi đã có một số chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc đã không ngần ngại lên tiếng ca ngợi những thành quả mà Trung Quốc đạt được, thậm chí còn cho rằng kinh tế của Trung Quốc, nhìn ở góc độ nào đó, đã qua mặt Hoa Kỳ và nay mai cũng sẽ vượt qua Hoa Kỳ trong lãnh vực quân sự. Tuy nhiên, một số bình luận gia cho rằng cách hay nhất hiện nay là không nên quá hấp tấp trong việc đánh giá quá cao về tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trên bình diện quốc tế mà hãy chờ thêm một hai thập niên nữa.

Nhưng cho dù là gì đi nữa thì sự kiện đại hội đảng là cơ hội để các chính trị gia củng cố vị thế của họ trong hệ thống quyền lực của đảng cộng sản Trung Quốc. Ai lên ai xuống trong quá trình vận hành của hệ thống quyền lực này qua kết quả được công bố trong kỳ đại hội đảng lần này cũng sẽ hé mở cho thế giới thấy được phần nào sách lược và hướng đi của Trung Quốc trong tương lai sắp tới.
Ðỉnh cao nhất trong hệ thống quyền lực của đảng cộng sản Trung Quốc là chức vụ tổng bí thư (kiêm luôn chức chủ tịch nước). Kể từ khi trở thành tổng bí thư vào năm 2012, Tập Cận Bình đã củng cố được vị thế của mình qua các chiến dịch chống tham nhũng (còn được hiểu là thanh trừng nội bộ đối với những nhân vật để lộ ý tưởng chống lại Tập), nắm giữ chức chủ tịch Quân uỷ Trung ương, và đưa ra một số phương châm xác định chính sách và lập trường trong việc lãnh đạo của Tập.
Nằm trong số những phương châm đó, nổi bật nhất có những cụm từ nhiều người đã từng nghe qua như “Trung Quốc mộng” và “Tứ toàn diện” và đã được hệ thống truyền thông nhà nước ra sức tuyên truyền từ mấy năm nay. Bốn phương châm trong “Tứ toàn diện” là xây dựng một xã hội thịnh vượng toàn diện, cải tổ sâu sắc toàn diện, thực hiện nhà nước pháp quyền toàn diện và thực hiện kỷ cương Ðảng toàn diện – trong đó ba điều sau có thể hiểu là phải được thực hiện theo cách của Tập, nghĩa là đảng vẫn độc quyền lãnh đạo.
Những phương châm đó đã được bộ máy tuyên truyền nhà nước nâng lên thành tư tưởng của Tập Cận Bình và được đưa vào cương lĩnh đảng cùng với tên của Tập được đặt bên cạnh đó. Vinh dự này trước đây chỉ được dành cho Mao Trạch Ðông và Ðặng Tiểu Bình, là thế hệ sáng lập nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa.

Có thể nói Tập Cận Bình không những đã củng cố vững chắc vị thế của mình mà hơn nữa qua mặt những vị tiền nhiệm như Hồ Cẩm Ðào và Giang Trạch Dân, và quyền lực này được so sánh ngang tầm với Mao Trạch Ðông thời trước đến nỗi tại Trung Quốc hiện nay nhiều người đã gọi Tập bằng danh xưng Tập Ðại Ðại, y như kiểu tôn sùng lãnh tụ thời Mao vậy.
Một sự kiện bên lề đại hội là trong một buổi hội thảo, Lưu Sĩ Dư (Liu Shiyu), chủ tịch Uỷ ban Ðiều tiết Chứng khoán Trung Quốc, đã lên tiếng cho biết có một nhóm cựu lãnh đạo, là những nhân vật đã bị khai trừ khỏi đảng và nay đang bị cầm tù, đã có âm mưu lật đổ chính quyền.
Nguyên văn lời tuyên bố của Lưu: “Chủ tịch Tập Cận Bình đã nêu ra các vụ việc của Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu, Lệnh Kế Hoạch và Tôn Chính Tài. Họ nắm những chức vụ cao và có quyền lực trong đảng, nhưng là những người cực kỳ tham nhũng và âm mưu tiếm quyền và chiếm đoạt sự lãnh đạo của đảng.”
Lưu Sĩ Dư là giới chức cao cấp đầu tiên đã công khai cáo buộc nhóm cựu lãnh đạo trên trong một âm mưu đảo chánh cung đình. Trong những nhân vật được nêu tên có Tôn Chính Tài (Sun Zhencai) chỉ mới bị cách chức có ba tuần trước đại hội đảng và đã từng được xem là ngôi sao đang lên trong hệ thống quyền lực và được nhiều người tin rằng sẽ được đưa vào bộ chính trị trong kỳ đại hội này để chuẩn bị nối ngôi Tập sau nhiệm kỳ thứ nhì.
Nhiều quan sát viên quốc tế tuy có hơi bị bất ngờ với lời tuyên bố của Lưu nhưng cho rằng sự kiện này có lẽ cũng nằm trong vở kịch đại hội đảng và là một lời cảnh cáo mà họ Tập muốn nhắn gửi đến những đối thủ chính trị của ông ta rằng hãy coi chừng và nếu tỏ ra không trung thành thì số phận của họ có thể cũng nằm chung với số phận của Tôn Chính Tài.

Trong ngày đầu của đại hội, Tập Cận Bình đã đọc một bài diễn văn khai mạc dài gần 3 tiếng rưỡi đồng hồ, hay nói chính xác hơn là 203 phút, được cho là một trong những bài diễn văn khai mạc dài nhất trong lịch sử của đại hội đảng Trung Quốc. Trong bài diễn văn này, Tập nhắc lại những tiến bộ đạt được trong nhiệm kỳ đầu của mình, trong đó có chiến dịch chống tham nhũng, khai trừ một số nhân vật lãnh đạo cao cấp bị cho là hủ bại, cũng như phác họa những chính sách về ngoại giao, kinh tế và xã hội trong năm năm tới. Trong đó, Tập đưa ra mục tiêu cho đến năm 2035 Trung Quốc sẽ có một nền kinh tế đầy sáng tạo với một quân đội hiện đại hoá, một giai cấp trung lưu rộng lớn, và giảm thiểu đáng kể sự khác biệt về lợi tức và kế hoạch phát triển giữa thành thị-nông thôn. Tập cũng hứa hẹn đến giữa thế kỷ này sẽ đưa Trung Quốc tiến tới vị trí lãnh đạo thế giới ở cả hai khía cạnh sức mạnh quốc gia và ảnh hưởng quốc tế.
Bài diễn văn phác họa hình ảnh của một lãnh tụ hoàn toàn kiểm soát được quyền lãnh đạo đảng nhưng qua đó cũng cho thấy nỗi lo ngại là đảng có thể đang mất dần việc kiểm soát xã hội. Càng ngày càng có nhiều tiếng nói bất đồng chính kiến với đảng nổi lên từ trong dân chúng và một số tổ chức dân sự công khai hoạt động mặc dù biết trước những việc làm này có thể đưa tới tù đày. Có lẽ vì vậy mà Tập đã phải nhắc đi nhắc lại rằng đảng hiện diện ở khắp mọi nơi và là con đường duy nhất để hướng tới tương lai của Trung Quốc. Nguyên văn trong bài diễn văn: “Chính phủ, quân đội, nhân dân và trường học – đông, tây, nam, bắc, và trung tâm – đảng lãnh đạo tất cả mọi thứ.”
Cũng trong bài diễn văn khai mạc trên, Tập có hứa là sẽ không dùng sức mạnh của một nước lớn để chèn ép những quốc gia khác, tuy nhiên Tập vẫn nhắc đến những tiến triển trong việc xây dựng các đảo nhân tạo trong khu vực Biển Ðông và coi đó như một trong những thành quả của Tập trong 5 năm qua. Ðiều này cho thấy việc tranh chấp và tình hình căng thẳng trong khu vực Biển Ðông sẽ còn kéo dài trong những năm tới.
Tập Cận Bình càng nắm thêm quyền lực thì xã hội và người dân Trung Quốc càng bị kiểm soát chặt chẽ hơn, và tình hình an ninh tại Biển Ðông sẽ càng bất ổn hơn.
VH