Menu Close

Một buổi sáng chủ nhật ở chùa Pháp Vũ

Nhận được email của cô Cindy Phạm về Hội Chợ Y Tế tại chùa Pháp Vũ, tôi vác máy ảnh lên đường. Tin đến trễ nên chúng tôi không kịp phổ biến trên báo cho mọi người cùng biết, chỉ kịp nhắn vội qua điện thọai của một số người quen. Đến nơi, mới biết trong máy ảnh không có sim card. Vốn tuần rồi, phóng viên Quỳnh Như đi làm bài phóng sự ở Orange County Regional History Center về cuộc triển lãm hành trình của người Việt tỵ nạn tại­­­ Florida (HISTORY CENTER EXPLORES ROOTS OF ORLANDO’S VIETNAMESE COMMUNITY – New exhibition complements Ken Burns-Lynn Novick documentary on the Vietnam War), sau khi chép hình vào máy đã quên bỏ sim vào chỗ cũ. Đến nơi mới biết là mình đem theo một cục sắt vô dụng có hình thù của chiếc máy ảnh. May mà có cái iPhone “chữa cháy”, chứ không tôi bị đuổi việc là cái chắc.

Poster
Poster

Chùa Pháp Vũ, lâu rồi mới trở lại. Thấy khác xưa nhiều quá. Khang trang và rộng rãi, các lối đi đã được trải nhựa. Tôi đến sớm, nắng vừa lên nên cái nóng của Orlando chưa kịp tràn về. Những chùm bong bóng đủ màu dẫn tôi đến khu vực tổ chức Hội Chợ Y Tế mà không cần ai dẫn đường.

Trước khi vào nơi tổ chức, thấy một nơi khá tấp nập, tò mò theo vào mới biết ở đây là khu bán đồ chay cho mọi người đến mua đem về. Nếu không nằm trong khuôn viên chùa, nhìn vô gian hàng ở đây, người “khờ khạo” như tôi sẽ không biết hàng bày bán toàn đồ chay, mà theo một chị cho biết thì, các chị mở cửa hàng tuần vào thứ Bảy và Chủ Nhật, không chỉ phật tử hay những người theo đạo Phật, mà ai thích thì đều có thể mua, và ăn ngon thì quay trở lại. Và ở đây lắm người như thế.

Quầy bán thức ăn chay mang về
Quầy bán thức ăn chay mang về

Sau dãy băng rôn treo hàng chữ HỘI CHỢ Ý TẾ dẫn vào trong là nơi bán nước mía tươi, quầy bán bún riêu chay, hàng chè nhiều loại, mà theo các anh chị em làm công quả ở đây, thì tiền thu được đều xung vào công quỹ để xây dựng và trùng tu cũng như các chi phí sinh hoạt, các chương trình do chùa tổ chức.

Trong khu vòm rộng rãi có mái che kiên cố, những người tham gia chương trình đã có mặt và chuẩn bị tự hồi nào. Một dãy bàn xếp theo hình chữ L chạy dài từ khu vực ẩm thực cho đến cuối hội trường. Đón đồng hương bên ngoài là mấy em còn rất trẻ, lúc nào cũng vui vẻ và tận tình trả lời, hướng dẫn cho ai có điều gì thắc mắc.

Bác sĩ Michelle và các em tại bàn tiếp khách
Bác sĩ Michelle và các em tại bàn tiếp khách
Thời trang đen trắng! (bác sĩ Michelle chụp hình lưu niệm cùng Trang Đài)
Thời trang đen trắng! (bác sĩ Michelle chụp hình lưu niệm cùng Trang Đài)
Dãy bàn hình chữ L
Dãy bàn hình chữ L
Khu ẩm thực
Khu ẩm thực

Gặp cô Michelle, người đứng ra tổ chức chương trình này đang tất bật tới lui, tôi bắt chuyện làm quen:

– Chào bác sĩ Michelle!

– Eo ôi, có cần gọi em thế không?

– Thôi thì, chào người đẹp Michelle!

(cười tinh nghịch) Câu này nghe được, thân thiện và đáng yêu hơn, hihi!

– Nghe nói Michell là “chủ xị” hội chợ này?

– Em và chùa kết hợp tổ chức. Nói đúng ra, thầy Thích Nhật Trí đề nghị tụi em làm.

– Vậy em là người của chùa, ý anh, em là phật tử ở đây?

– Dạ đúng rồi, nhưng chương trình này tổ chức dành cho quý đồng hương chứ không phân biệt tôn giáo nào cả.

– Đây là lần thứ mấy Michelle tổ chức?

– Dạ, lần thứ hai. Năm ngoái cũng tổ chức chỗ này.

– Tại sao mình không tổ chức ở nơi nào gần trung tâm người Việt một chút cho tiện?

(Michelle đưa tay một vòng quanh hội trường) Anh thấy đó, ở đây rộng rãi, thoáng mát, chỗ đậu xe thoải mái… Và bây giờ ở đây người Việt mình cũng đông lắm đó anh.

– Làm sao để đồng hương mình biết hôm nay có chương trình này để đến?

– Nói thiệt với anh là tụi này tính đăng báo Trẻ đó chứ, nhưng lu bu nhiều chuyện quá, đến khi nhớ thì trễ rồi… Nên những người tổ chức làm poster quảng cáo trên facebook và nhắn gửi qua bạn bè, người thân…

– Anh thấy ở đây không chỉ khám bệnh miễn phí mà còn có các văn phòng luật sư, văn phòng bảo hiểm và tài chánh nữa.

– Dạ, đúng rồi anh. Những văn phòng này cũng có mặt ở đây để giúp đồng hương mình về các lãnh vực liên quan đến đời sống.

Chị Xuân Lê vừa tới góp chuyện:

– Michelle đó em, cổ very nice, chị biết Michelle từ lúc còn nhỏ xíu lận. Vậy mà bây giờ đã là bác sĩ rồi, còn tổ chức chương trình này nữa, ý nghĩa và hay lắm đó!

– Dạ, cám ơn chị. Bây giờ mấy em đã lớn rồi mà sao thấy chị vẫn trẻ hoài vậy nè.

– Hihi, em lúc nào cũng thế (chị quay đi nhưng không quên tặng chúng tôi một nụ cười)

– Michelle cho hỏi, em đã có kế hoạch cho lần tới chưa?

– Tụi em mỗi năm tổ chức hội chợ y tế một lần. Năm tới cũng tổ chức tại đây – nếu Thầy cho phép – nhưng em sẽ kết hợp chung với lớp trẻ như Youth Group chẳng hạn, để mọi người cùng đón ThanksGiving luôn.

– Cám ơn Michelle thật nhiều. Thôi trả em lại với công việc đó. Chúc ngày hội chợ hôm nay được thành công tốt đẹp hén!

– Dạ cám ơn anh!

Chia tay Michelle tôi theo dòng người dọc theo các dãy bàn để xem hội chợ y tế năm nay có gì.

Trước khi chị Xuân Lê tới thì dãy bàn đầu tiên là bàn của Aloma Pharmacy với hai cô còn khá trẻ trong chiếc áo thun màu xanh dương, thoạt nhìn cứ tưởng hai chị em, nhưng hỏi ra thì không phải. Hai cô vui vẻ trả lời những câu hỏi của người tham dự và mời tôi những lọ thuốc free trên bàn. Những hủ  Multivitamin dành cho người lớn trên 50 tuổi và cho trẻ em được xếp riêng thành 2 cụm, thuốc cho người lớn nắp đỏ, con nít nắp trắng, bà con nhớ đừng có uống lộn à nha!

Cô Xuân Lê đang giới thiệu về các dịch vụ của công ty mình
Cô Xuân Lê đang giới thiệu về các dịch vụ của công ty mình
Tại bàn phát thuốc vitamin miễn phí của Aloma Pharmacy
Tại bàn phát thuốc vitamin miễn phí của Aloma Pharmacy
Dược sĩ Kim và Liên Anh trước cửa tiệm
Dược sĩ Kim và Liên Anh trước cửa tiệm

Kế bên là bàn của 2 vợ chồng ông bà Angela và Ronnie của công ty Center for Change, Inc. đang hướng dẫn một đồng hương điền đơn và cách gửi mẫu để xét nghiệm ung thư tuyến tiền liệt (tested for prostate cancer). Hỏi về cảm nhận của mình, bà Angela nói bà rất vui khi được tham dự chương trình này cùng với chồng và có cơ hội gặp gỡ và giúp đỡ người Việt tại đây. Chương trình xét nghiệm này hoàn toàn free và kết quả sẽ được gửi về trên địa chỉ ghi trên bì thư của người điền đơn. Nhận thấy nhiều người đi ngang nhìn vào nhưng không ghé lại, hỏi bà tại sao, bà nói chắc nhiều người còn ngại ngùng hoặc có thể thấy chúng tôi không nói tiếng Việt nên họ có chút lo lắng thì phải, và cười giòn tan.

Cô Angel đang ngồi trên "vương quốc" của Renne's Dream Team (bàn kế bên trái là Vân)
Cô Angel đang ngồi trên “vương quốc” của Renne’s Dream Team (bàn kế bên trái là Vân)

Vân và đồng nghiệp ở bàn kế bên cho chúng tôi biết, nhà em ở Jacksonville còn em thì đi học ở dưới này tại trường UCF được 3 năm. Bằng vốn tiếng Việt không lưu loát lắm, em cố tiếp chuyện chúng tôi và khi nào tôi cũng thấy trên gương mặt hai cô hớn hở. Vân nói hôm nay là một ngày thật đẹp và em cảm thấy rất thoải mái được ngồi ở đây trong một không khí nhộn nhịp thế này. Hy sinh một ngày Chủ Nhật nghỉ ngơi hoặc đi chơi cùng bạn bè, nhưng được góp tay vào công việc hữu ích đối với hai cô bé này là một trải nghiệm tuyệt vời. Hy vọng nhiều người trẻ cũng có suy nghĩ và đóng góp cho cộng đồng như họ.

Bàn Eye Florida lúc nào người cũng đông nghẹt, nhất là mấy em nhỏ. Tôi muốn thử nhìn vào ống kính đo mắt một lần xem thử có gì trong đó mà chiếc ghế cho người cần khám chưa bao giờ trống, đành bỏ đi… trong tiếc nuối.

Chỗ khám mắt lúc nào cũng đầy người
Chỗ khám mắt lúc nào cũng đầy người

Gặp luật sư Hải Nguyễn tại bàn của văn phòng luật sư MasswinkelLaw. Dẫu gặp Hải trước đây một lần rồi nhưng tiếng Việt của Hải vẫn làm tôi ấm áp. Được hỏi sao văn phòng luật sư cũng có mặt ở đây, bộ kỳ này chuyển qua làm thầy thuốc rồi à. Hải cười toe: Dạ, đâu có anh. Công ty Hải có mặt ở đây để giúp đồng bào mình điền đơn xin tiền trợ cấp của FEMA bồi thường sau bão Irma. Khi hỏi bao giờ hết hạn, cô Cristina ngồi bên nhanh nhảu trả lời: Đến ngày 9 tháng 11 là ngày cuối, anh có muốn điền đơn không, em giúp cho. Tôi hỏi được bao nhiêu, cổ nói nhà bà ngoại của em cúp điện có một ngày thôi mà được $500 còn anh thì em không biết (chắc cổ nghĩ tôi bằng tuổi bà của cổ chắc, buồn ghê!) – Vậy ai cũng được nhận tiền hay những người có bảo hiểm thì họ sẽ không giúp nữa?  – Cái này FEMA giúp thêm cho người dân bên cạnh bảo hiểm, nên nếu khu vực của mình bị ảnh hưởng thì họ sẽ giúp, do đó khi điền đơn họ có hỏi zipcode của mình. Luật sư Hải nói thêm với tôi: Anh biết ai cần cứ giới thiệu đến văn phòng Hải để được giúp nha! – Vậy thì tốt quá, nếu biết sớm hơn chắc sẽ giúp được rất nhiều người Việt mình ở đây – Sắp tới văn phòng Hải còn giúp người Việt có thẻ xanh muốn điền đơn thi vô quốc tịch nữa đó anh. Văn phòng sẽ giúp mà không tính bất kỳ lệ phí nào – Ngày nào vậy Hải? – Vào thứ Ba và thứ Năm tuần thứ 2 trong tháng, từ 3pm đến 5pm (tháng 11 tới sẽ là ngày 7 và ngày 9 – PVT). Nếu đồng hương nào có nhu cầu xin gọi vào văn phòng (có nhân viên nói tiếng VIỆT) để lấy hẹn (407) 999.0045. Địa chỉ: 629 N. Fern Creek Ave., Orlando, FL 32803.

Luật sư Hải Nguyễn và Cristina cùng cô con gái
Luật sư Hải Nguyễn và Cristina cùng cô con gái

Gặp Tuấn Ngô tôi cũng có thắc mắc tương tự thì được cho biết: Tụi em có mặt ở đây để giới thiệu hoạt động của công ty và hướng dẫn mọi người về cách sử dụng tiền bạc một cách hợp lý và hữu ích nhất với phương châm: Xây dựng nền tảng tài chính để xây đắp tương lai. Được hỏi cụ thể công ty của Tuấn làm gì và văn phòng ở đâu, Tuấn nói: Hằng ngày ai cũng xài tiền nhưng ít người am hiểu làm sao để tiền tiết kiệm được miễn thuế, làm lợi đồng tiền để dành, có kế hoạch sử dụng tài sản, cách dành tiền cho con em mình đi học hoặc tiền hưu trí khi về già phải bắt đầu như thế nào…. Công ty National Financial Literacy hiện nay có các chi nhánh ở Mailtland, Sunrise và West Palm Beach. Văn phòng ở Maitland gần đây đã khai trương được 4 năm, luôn có các lớp hướng dẫn cho những ai muốn tìm hiểu thêm thông tin về tài chánh đến tham dự vào thứ Hai và thứ Năm hàng tuần từ 7pm đến 9pm. Tôi chúc Tuấn và các anh em thành công trên còn đường các em đã chọn.

Tuấn Ngô, đồng nghiệp và khách hàng
Tuấn Ngô, đồng nghiệp và khách hàng

Mùa cúm đang đến, theo lời tuyên bố hùng hồn của cô Hiền ở bàn chích ngừa do WalGreen ở góc đường Lake Underhills và Alafaya bảo trợ. Nghe giọng nói biết là đồng hương, dù cô nói theo chồng vô Nam lâu rồi. Tôi “giả vờ” hỏi:

– Nè chị, cái này chích có trả tiền không vậy?

– Ai có bảo hiểm thì dùng bảo hiểm của mình, ai không có tụi này có coupon, khỏi trả.

– Chà sướng hén. Mỗi người được chích mấy mũi?

(Biết tôi chọc nhưng cô vẫn trả lời) Mũi thôi. Chích free mà sao hỏi nhiều quá vậy không biết?

– Đó giờ tôi hổng chích, bây giờ chích chi cho sinh chuyện. Sang năm phải chích nữa.

– Ông đừng có lôi thôi, cứ ngồi xuống đây tui chích cho, hổng chết đâu.

– Mấy tuổi thì chích ngừa được vậy chị?

– Sáu tháng tuổi là chích được rồi.

– (Tôi chuyển hướng) Năm ngoái cô có tham gia chương trình ở đây không?

– Có chứ. Năm ngoái đông lắm và cũng do cô Michelle kêu gọi đó.

Tôi nhìn người bên cạnh đang được chị Hiền chích thuốc, hỏi thăm:

– Có đau không vậy bác?

– Không cháu, bác hổng nghe đau gì hết.

– Dạ, sao mà đau được, nãy giờ chị này đã chích cho bác đâu, hihi!

Cô Hiền cười hè hè dù bị tôi chọc lần nữa.

Bên cạnh cô Hiền còn có cô Cẩm Lệ cũng vừa giải thích vừa hướng dẫn các cô lớn tuổi điền đơn cùng với một cô bé mặt mày láu lỉnh luôn tay sắp xếp giấy tờ. Nhìn cô bé còn bé tí mà khi tôi hỏi con học lớp mấy cả bàn đều cười rân. Hóa ra cô bé này đã là sinh viên năm thứ 3 đại học rồi. (Kiểu này tôi về phải đi khám mắt và mua kiếng sớm).

Nhờ nhiều chuyện, tôi biết cô Hiền và cô Cẩm Lệ ở cùng quê (có nghĩa là hai cô đều là đồng hương của tôi). Vậy mà, lâu nay hai cô làm chung mà chẳng biết. Tôi đòi một phần quà về sự phát hiện “quý hóa” này, nhưng có lẽ phải đợi lâu lắm.

Con cho cô hỏi cần giấy tờ gì?
Con cho cô hỏi cần giấy tờ gì?
Cô Hiền đang hướng dẫn đồng hương điền đơn trước khi chích ngừa
Cô Hiền đang hướng dẫn đồng hương điền đơn trước khi chích ngừa
Cô Cẩm Lệ và "cô bé" năm thứ 3 đại học :-)
Cô Cẩm Lệ và “cô bé” năm thứ 3 đại học 🙂

Bàn bác sĩ Kỳ Chung lúc nào cũng có hai trợ tá đắc lực Jimmy và Thảo túc trực để giới thiệu mọi người chữa bệnh bằng phương pháp chỉnh hình, nắn lại khớp xương. Tại đây có sẵn cái ghế massage và một cô nhân viên chắc được train kỹ lắm nên vừa phục vụ khách vừa cười toe; mà khách đâu phải ít, hết người này đến người khác thay phiên.

Tại bàn của bác sĩ Kỳ Chung (4 nụ cười... tương đương 40 thang thuốc bổ)
Tại bàn của bác sĩ Kỳ Chung (4 nụ cười… tương đương 40 thang thuốc bổ)

Hôm nay, đông nhất có lẽ là ở dãy bàn của các em sinh viên trường y của UCF (Universal of Central Florida). Ở đây mọi người đến thử máu và lấy kết quả chỉ trong vòng vài phút. Tôi không biết máy móc bây giờ tối tân đến vậy. Tưởng chỉ mình nhà quê không biết, nhưng hỏi ra thì ai cũng nói mới thấy kết quả nhanh như vậy lần đầu. Thử huyết áp: 2 phút. Thử mỡ trong máu: cũng chừng đó phút. Tổng cộng khoảng 5 phút, chưa kể thời gian ngồi chờ.

Góc nhộn nhịp nhất của hội trường
Góc nhộn nhịp nhất của hội trường
Các em sinh viên đang thực tập cách đo huyết áp
Các em sinh viên đang thực tập cách đo huyết áp
Tại bàn xét nghiệm cholesterol (mỡ trong máu)
Tại bàn xét nghiệm cholesterol (mỡ trong máu)
Các em sinh viên trường y trong giờ ăn
Các em sinh viên trường y trong giờ ăn
Các thực tập viên chuẩn bị thử máu cho đồng hương (từ trái sang: Christine Scaglione, Jenny Huynh và Chavi Rehan)
Các thực tập viên chuẩn bị thử máu cho đồng hương (từ trái sang: Christine Scaglione, Jenny Huynh và Chavi Rehan)
Hai sinh viên đang coi kết quả xét nghiệm
Hai sinh viên đang coi kết quả xét nghiệm
Cô chờ em chút nha!
Cô chờ em chút nha!
Katherine Dong và Ali Martin tại bàn "làm việc"
Katherine Dong và Ali Martin tại bàn “làm việc”
Vui vì được phục vụ cộng đồng
Vui vì được phục vụ cộng đồng

Sau khi có kết quả thử máu, ai muốn được hướng dẫn cách điều trị thì đã có bàn của bác sĩ Angle Thuy Ho từ phòng mạch Orlando Health Clinic bên cạnh. Nhìn mặt tôi tiu nghỉu, cô Angel phán:

– Anh phải lo uống thuốc đi, tặng anh một hộp nè!

Bác sĩ Angel đưa cho tôi một lọ rất quen thuộc với… mấy người lớn tuổi, lười tập thể dục: Aspirin 81mg.

Bác sĩ Angel Ho cười "thân thiện" trước ống kính
Bác sĩ Angel Ho cười “thân thiện” trước ống kính

Tưởng tôi xa lạ với loại thuốc này, cổ giải thích:

– Anh uống thì máu mới loãng được, tránh nghẽn cho mấy người mỡ trong máu… như anh.

– Cám ơn cô. Cái này chắc quý lắm (tôi nịnh)

– Ở tiệm thuốc bán đầy, hổng cần toa đâu. Nếu anh cần cho tôi anh hủ nữa để dành.

(Tôi tỏ ra tử tế) Thôi cô để dành tặng cho người khác, chắc nhiều người còn cần hơn tôi.

– Cô cũng là phật tử chùa này?

– Anh nói vậy cũng được, nhưng nói thật mỗi năm tôi tới chùa có một hai lần à. Công việc ở văn phòng bận quá.

– Tôi cứ tưởng bác sĩ thì chỉ khám bệnh còn các cô phụ tá làm các việc còn lại chứ.

– Anh không biết thôi, có những kết quả (medical report) chỉ có bác sĩ mới đọc được thôi. Tôi mà ngưng một tuần thì hồ sơ chất thành… núi ngay.

– Vậy văn phòng cô chắc đông khách lắm. Và chủ yếu là các ông?

– Hình như anh có ý gì?

– Thì một bác sĩ xinh đẹp, ăn nói lưu loát và có má lúm đồng tiền như cô thì các ông sắp hàng… khám bệnh có gì lạ đâu.

– Haha, vậy thì anh sai rồi. Khách của tôi phần đông là phụ nữ.

– Chắc là các bà tới khám phụ khoa?

– Cũng không hẳn. Văn phòng tôi cái gì cũng khám, kể cả thử máu, chỉ không có mổ thôi hà…

– Và hầu hết là người Việt?

– Người Việt, người Mỹ đủ cả anh. Và các sắc tộc khác nữa…

– Vậy làm sao để có thể làm vừa lòng mọi người được đây?

– Cái này giống như làm dâu trăm họ vậy. Ai thông cảm cho văn phòng thì ngồi đợi lâu chút họ cũng hiểu, còn nhiều người sốt ruột hoặc khó tính thì họ cằn nhằn mình cũng chịu thôi. Làm gì thì làm chứ bác sĩ thì ai cũng có lương tâm và muốn chữa cho bệnh nhân của mình mau khỏi. Đó là trách nhiệm và niềm vui của nghề này mà.

– Theo cô còn điều gì nữa không?

– Nói thật với anh, tôi chỉ lo khám bệnh là chính. Mấy em tiếp khách thấy cũng chu đáo lắm, chỉ có tiếng Việt mấy em không giỏi, nhưng tôi nghĩ chắc cũng nói chuyện với cô chú lớn tuổi được mà.

– Nghe nói cô hai năm liền được bằng khen của American Health Council (Hội Đồng Y Tế của Hoa Kỳ) về những nỗ lực đóng góp cho ngành y.

– Chà, anh cũng tìm hiểu về tôi kỹ ghê hén. Nói thì anh không tin đâu, để tôi cho anh coi cái pladge của tôi có trong điện thoại nha.

Tấm pladge của American Health Council
Tấm pladge của American Health Council

Tôi được cô Angel cho chụp tấm hình để minh họa cho bài viết. Và hỏi thêm:

– Cô có biết sao họ chọn cô không?

– Tôi cũng chẳng biết nữa. Lúc họ gọi điện cho tôi, tôi hổng có bắt máy, đến khi check email thì mới biết họ chọn trao cái phần thưởng tinh thần này cho mình. Hai năm, năm nào cũng thế.

– Cô có cảm giác thế nào?

– Thì cũng vui chứ anh. Thứ nhất là họ ghi nhận những nỗ lực của mình, kế đến là chắc bệnh nhân của mình chấm điểm của mình cao nên họ căn cứ vào đó, chắc thế!

– Vậy chúc mừng cô! Cô có biết hiệp hội Y Tế này ở đâu không?

– Nếu tôi nhớ không lầm thì hình như ở Boston.

– Thôi thì ở đâu cũng được. Mong cô nhiều sức khỏe để chữa bệnh cho nhiều người hơn và đừng tự chữa bệnh… cho mình!

– Hihi, cảm ơn anh!

Các huy hiệu của nhóm hướng đạo
Các huy hiệu của nhóm hướng đạo

Chia tay bác sĩ Angel Thuy Ho, tôi đến để nói chuyện và tìm hiểu về sinh hoạt của các anh, các cháu của nhóm hướng đạo gần đó. Được nghe mấy anh hướng dẫn nói nhiều điều thú vị về tổ chức mà tôi rất thích này. Hẹn quý độc giả một ngày đẹp trời chúng tôi sẽ quay lại đề tài hấp dẫn này!

Tiếp tay cho chương trình gây quỹ vào tháng 11
Tiếp tay cho chương trình gây quỹ vào tháng 11