Lời giới thiệu: “70 năm Tình Ca trong tân nhạc Việt Nam” do Hoài Nam phụ trách và đã phát sóng trên đài phát thanh SBS ở Úc châu. Là một chương trình có sức hút mạnh mẽ đến thính giả và được lan truyền khắp nơi. Nhận thấy đây là một công trình biên soạn rất giá trị, nhạc sĩ Nam Lộc đã giúp chúng tôi liên lạc tác giả Hoài Nam và được phép tác giả đăng lại trên Trẻ. Xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả.
Theo lời Hoài Nam – người biên soạn – đây chỉ là một chương trình giới thiệu tân nhạc, với mục đích chính là phục vụ nhu cầu thưởng thức của thính giả, tác giả tự xét không có tham vọng và cũng không đủ tư cách để đánh giá các tác phẩm và các tác giả như một nhà phê bình, và trong chủ đề chỉ chuyên về tình ca này, tác giả tạm gác qua lập trường chính trị cũng như cuộc sống cá nhân của từng người. Mời quý bạn đọc theo dõi và xin được lắng nghe tất cả ý kiến từ quý bạn đọc…

Vào những năm cuối thập niên 1940, trong khi người ta biết rất ít về Lê Trạch Lựu, tác giả bản “Em Tôi”, và hầu như không biết gì về Doãn Cảnh và Văn Thủy, đồng tác giả bản “Dứt Ðường Tơ”, thì lại được biết khá nhiều về Phạm Duy Nhượng, tác giả bản “Tà Áo Văn Quân”. Ông là em trai thạc-sĩ Phạm Duy Khiêm và là anh trai nhạc sĩ Phạm Duy. Ông từng đi dạy học, rồi làm ký giả cho một hãng thông tấn ngoại quốc. Ngoài ra, ông còn có công dịch lời hát cho một số tác phẩm của Phạm Duy sang tiếng Pháp để người ngoại quốc hiểu được nhạc Việt Nam. Thế nhưng, chẳng mấy người biết được mặt ông bởi ông có một cuộc sống rất kín đáo.
Phạm Duy Nhượng có hai tác phẩm được xuất bản là “Tà Áo Văn Quân” – một tình khúc, và “Chiều Ðô Thị” – một ca khúc châm-biếm mô tả khung cảnh và hoạt cảnh những thành phố. Nhưng theo lời kể lại của người đương thời, Phạm Duy Nhượng đã sáng tác ít nhất ba ca khúc, trong đó ca khúc đầu tay là bản “Say Thuốc Lào” chỉ được truyền miệng. Ðây là một ca khúc vui, sáng tác vào thời đầu của kháng chiến, nói về những cái tức cười trước cảnh người thành phố dời về thôn quê, qua câu chuyện tình không thành giữa một người đẹp và một chàng say thuốc lào.
“Yêu em như một chiếc ngai vàng, yêu em như ngàn tiếng tơ đàn, yêu em như ngàn lời thơ duyên, yêu em như một viên thuốc lào. Người đẹp tôi yêu, lấy chồng để phụ tình tôi, vì tôi say thuốc lào…”
Nếu có thực bản “Say Thuốc Lào” là của Phạm Duy Nhượng, thì so với bản “Tà Áo Văn-Quân” phải nói là hai thái-cực. Ông là nhạc-sĩ đầu tiên mượn chuyện tình Tư-Mã Tương-Như/Trác Văn-Quân của Trung-Hoa để viết một tình-khúc hoàn toàn Việt-Nam.

Thời xưa, lúc còn hàn-vi, Tương-Như ôm đàn cảm-tác gảy khúc “Phụng Cầu Hoàng”, khiến nàng goá-phụ trẻ Văn-Quân mê-mẩn, bỏ lầu sang gác tía đang đêm leo tường đi theo. Sau này, Tương-Như có ý muốn lấy thiếp, Văn-Quân bèn làm khúc “Bạch Ðầu Ngâm”, Tương-Như nghe cảm-động bèn bỏ ý-định ấy đi. Ngày nay, qua bản “Tà Áo Văn-Quân” với nội-dung nửa thực nửa mộng, nửa tục nửa tiên, Phạm Duy-Nhượng đã gợi nhớ tới mối tình đam-mê và chung-thủy muôn thuở ấy, để rồi than-thở: “Ai trong chúng ta sẽ yêu nhau đến lúc bạc đầu?”
Có những chiều hoa, nồng nhạt say liên hoan
Bên những người hoa, ngạt ngào hương tóc phấn
Một chàng phiêu lãng, ôm đàn tới giữa đời
Ðàn hôn làn tóc, người đẹp tươi nét môi
Mộng vương tà áo
Nhạc giao tình chơi vơi!
Ta gửi về người ôi! mấy cung đàn Tư Mã xưa
Yêu đôi mắt huyền
Xinh như dáng thuyền
Ai nhẹ lay màn the thấp thoáng?
Nàng nhẹ đôi gót hài
Dừng bên mái ngoài
Văng vẳng tiếng ai cười
Như mộng đời xa xôi
Tư Mã chàng ơi, dừng đàn bên Văn Quân
Nâng phím hào hoa, kề làn môi giai nhân
Dựng nhà bên suối, cung đàn ấp má đào
Mộng chưa tàn khúc, Phượng Cầu lưu luyến nhau
Phượng ôi! đàn vắng
Tìm chim Hoàng nơi nào?
https://youtu.be/tstr8ZfILuU
Lê Hoàng-Long
Trong số những nhạc-sĩ chỉ một lần ôm đàn không thể không nhắc tới Lê Hoàng-Long. Người ta biết khá rõ về tiểu-sử của Lê Hoàng-Long, nhưng chẳng mấy ai hiểu được con người của ông cũng như thái-độ của ông ở đời và với đời. Ông sinh ra ở tỉnh Sơn-Tây, lưu-lạc tới Huế, và sau này vào Sài-Gòn sinh sống bằng nghề dạy vĩ-cầm. Ông chỉ sáng-tác một ca-khúc duy nhất, nhưng là ca-khúc để đời: “Gợi Giấc Mơ Xưa”.

Xưa nay đã không ít nhạc-sĩ thở-than cho duyên-kiếp lỡ-làng, nhưng hình như chưa thấy một sự lỡ-làng nào buồn như trong bản nhạc của Lê Hoàng-Long. Không hiểu vì hình bóng nàng đã quá xa mờ, vì sóng sầu ngập lòng theo năm tháng khiến dòng sông Hương cũng phải buồn theo. Hay tại mưa gió tiêu-điều trên dòng sông đã khiến ông thêm sầu thảm. Hoặc vì ông biết mình chỉ có thể yêu một lần: “Xa em đời anh tắt nụ cười” cho nên ông đã dồn hết tinh-hoa vào tác-phẩm duy-nhất ấy để cống-hiến cho đời. Và cũng để đời chia sẻ với ông nỗi sầu trong khúc tơ vương.
Ngày mai lênh đênh trên sông Hương,
Theo gió mơ hồ hồn về đâu?
Sóng sầu dâng theo bao năm tháng,
ngóng về đường lối cũ tìm em!
Thương em thì thương rất nhiều mà duyên kiếp lỡ làng rồi
Xa em! lòng anh muốn nói bao lời gió buông lả lơi
Hình bóng đã quá xa mờ dần theo thời gian.
Kiếp sau xin chắp lời thề cùng sống bước lang thang.
Em ơi! tình duyên lỡ làng rồi còn đâu nữa mà chờ,
Anh đi lòng vương vấn lời thề nhớ kiếp sau chờ nhau
Tha hương lòng thương nhớ ngày nào cùng tắm nắng vườn đào.
Gió xuân sang anh buồn vì vắng bóng người yêu.
Rồi mai khi anh xa kinh đô
Em khóc cho tàn một mùa thơ
Nhớ người em nương theo cơn gió.
Ru hồn về dĩ vãng mộng mơ.
Thương em thì thương rất nhiều mà ván đã đóng thuyền rồi.
Ða đoan trời xanh cắt cánh lìa cành khiến chim lìa đôi
Chiều xuống mưa gió tiêu điều reo trên dòng Hương.
Tháng năm chưa xóa niềm sầu vì đứt khúc tơ vương.
Em ơi, đời đã lỡ hẹn thề thì đâu có ngày về.
Xa em đời anh tắt nụ cười héo hắt đôi làn môi
Ðêm đêm đèn le lói một mình ngồi ôm giấc mộng tình.
Kiếp sau đôi tim hòa chào đón ánh bình minh.
https://youtu.be/U67OboJ1858
Tu My
Trong cuộc đời có những điều chúng ta muốn mãi mãi khắc ghi, có những điều chúng ta muốn quên đi vĩnh-viễn. Thế nhưng bên cạnh đó cũng có những quên lãng, những nhớ nhung ngoài ước muốn. Thường thấy nhất là những vấn-vương vô-tình, những nỗi nhớ bất chợt về một bóng hình nào đó đã khiến ta xao-xuyến, rung-động một thời. Có lẽ đó cũng chính là hoàn-cảnh và tâm-trạng của Tu My, tác-giả bản “Tan Tác”.
Tu My là ai? Cho tới giờ này tất cả những điều mọi người kể về ông vẫn chỉ là huyền-thoại. Một trong những huyền-thoại ấy nói rằng ông là một nhà giáo viết tác-phẩm duy nhất của mình trong một lúc hoài-cảm bi-luỵ, nhớ về một hình bóng giai-nhân đã ngoài tầm tay, kiếp sau họa gặp kiếp này đành thôi.
Mây bao la trời đen u tối
Ðêm đông trường lữ khách bâng khuâng
Ngóng về phương xa chờ tin nhạn…
nhưng nhạn nào có biết nơi nao mà chờ,
Nhạn còn véo von bay cao bay xa tít…
chẳng có hẹn ngày về tìm ai nơi nao
Nhạn còn say mê những bông hồng tươi thắm
nô đùa cùng ngàn cành liễu lả lơi như gợi tình Xuân.
Nhạn còn mải bắt bướm vàng xinh xinh bay lướt nhẹ nhịp nhàng bên ngàn suối trong . . .
Bây giờ chim đã bạt ngàn khôn tìm . .
Cách sông cách núi muôn trùng
gió ơi, gió đưa chim về cùng ta kẻo ta mong . . .
gió im gió chẳng trả lời . . .
Chim hỡi hận lòng quyết gởi mây bay kiếp sau hẹn gặp,
kiếp này đành thôi . . .
https://youtu.be/AltPQClaREI
Võ Đức-Phấn
Quay vào trong Nam, việc sáng-tác tình-ca trong thời-gian này không đáng kể. Không phải vì miền Nam không có nhân-tài, mà vì hai nguyên-nhân khách-quan sau đây. Thứ nhất, các nhạc-sĩ trong Nam không tụ-họp thành từng nhóm như ở Hà-Nội, Nam-Ðịnh, Hải-Phòng ngoài miền Bắc, hoặc ở Huế, Hội-An ở miền Trung, nên đã không có dịp sinh-hoạt, trao đổi kinh-nghiệm và tạo ra một không-khí sôi-nổi cho công việc sáng-tác. Nguyên-nhân thứ hai, theo chúng tôi quan-trọng hơn, là vì cuộc kháng-chiến chống Pháp ở miền Nam nổ ra sớm hơn ở miền Bắc hơn một năm trời đã thu hút biết bao nhân-tài trong nền tân-nhạc. Những nhân-tài ấy, ngoài Nguyễn Mỹ Ca mà chúng tôi đã nhắc tới cùng với bản “Dạ-Khúc” bất-hủ còn có Lê Trực, tác-giả bản “Tiếng Còi Trong Sương Ðêm”; Hiếu-Nghĩa, tác-giả hai ca-khúc “Chàng Ði Theo Nước” và “Ông Lái Ðò”; Võ Hoà-Thanh, tác-giả bản “Tình Nước” v.v.

Tạm gạt bỏ yếu-tố chính-trị, tức là việc lý-tưởng cao đẹp lúc ban đầu của các nhạc-sĩ nói trên về sau đã trở thành niềm cay-đắng cho cả một thế-hệ, chúng ta phải nhìn nhận “Tiếng Còi Trong Sương Ðêm” và “Ông Lái Ðò” là hai trong những ca-khúc bất-hủ của nền tân-nhạc trong Nam. Nếu không có cuộc chiến, hoặc các nhạc-sĩ nói trên không sớm bỏ mình trong những ngày đầu khói lửa, chắc hẳn nền tân-nhạc miền Nam trong giai-đoạn ấy đã có thêm nhiều tình-khúc bất-hủ chứ không phải chỉ có một “Dạ-Khúc” của Nguyễn Mỹ Ca mà thôi. Lê Trực viết trong “Tiếng Còi Trong Sương Ðêm”: “Thương cho chồng mấy dặm sơn-khê, khi ra đi có hứa Thu nay về”. Hiếu-Nghĩa viết trong bản “Ông Lái Ðò”: “Họ đi rồi ông thấy buồn ảo-não, vì họ qua bên ấy một lần thôi.” Ðể rồi chính hai nhạc-sĩ, cùng với Nguyễn Mỹ Ca, Võ Hoà-Thanh cũng ra đi không bao giờ trở lại…
Trở lại với Sài-Gòn hoa-lệ, hòn ngọc Viễn-Ðông, trong số những sáng-tác hiếm-hoi vào thời ấy, nổi bật một bản nhạc tình thật dễ thương. Ðó là bản “Cùng Một Kiếp Hoa”, sáng-tác duy nhất của Võ Ðức-Phấn. Nội-dung bài hát nói về một tuyệt-thế giai-nhân và sánh nàng với bông hoa mới nở cùng đàn bướm nhởn-nhơ. Như nhiều người Sài-Gòn năm xưa còn nhớ, nhạc-sĩ Võ Ðức-Thu chính là cây cổ-thụ của nền tân-nhạc trong Nam. Còn Võ Ðức-Tuyết, bào-đệ của ông, một nhạc-sĩ dương-cầm nổi tiếng và một nhạc-trưởng uy-tín của đài phát-thanh Pháp-Á. Vì thế, khi bản “Cùng Một Kiếp Hoa” của Võ Ðức-Phấn được phổ-biến tại Sài-Gòn mà không ai được biết con người thật của tác-giả, đã có nhiều người nói rằng ông là em ruột của Võ Ðức-Thu, anh ruột của Võ Ðức-Tuyết. Thậm chí một số người còn viện-dẫn thể-điệu cha-cha và âm-hưởng Tây-phương trong bản “Cùng Một Kiếp Hoa” để quả-quyết đó là ba anh em một nhà. Nhưng có điều khó hiểu là trong suốt mấy chục năm bản nhạc này được phổ-biến và ưa chuộng tại miền Nam, đã không ai chịu hỏi thẳng hai nhạc-sĩ Võ Ðức-Thu và Võ Ðức-Tuyết về việc này. Ðể rồi tới nay, khi cả ba ông đã hoá người thiên-cổ, mọi người cứ tiếp tục thắc-mắc. Người ta không có dịp hỏi, hay đã hỏi nhưng vẫn muốn giữ bí-mật về tác-giả của ca-khúc độc-đáo này:
Trông em xinh xinh mắt tình tình
Ðôi môi tươi tươi má hồng hồng
Mái tóc phất phới bay như gió đưa làn sóng
Ðôi mi cong cong sắc huyền huyền
Tay em bon bon thoáng nhìn đời
Mắt thấy ướt luôn như đắm lệ từ lâu
Trông em đi tha thướt dường nào
Ðôi khi em mỉm cười vườn hoa kia chớm nở
Lả lướt phất phơi tà áo dáng đi thêm dịu dàng tựa cành hoa trước gió
Nhìn hoa mới nở màu hoa thắm tươi
nhởn nhơ nhởn nhơ đàn bướm
Nhị hoa trắng trong đàn bướm mê say đến gần bên hoa
Cành hoa đã mở nhìn hoa đắm say đổi trao biết bao lời hứa
Lòng hoa chan chứa hương xuân thơ ngây trao tình đưa duyên
Lời hoa tha thiết trao lời cùng bướm cận kề nhụy hoa
Tình hoa đang nở hương sắc đương duyên đời hoa ngây thơ
Nhụy hoa đã rữa màu hoa úa say tìm thấy đâu con bướm vàng
Còn duyên đưa đón khi hoa đương xuân đến chiều rơi hoa?
https://youtu.be/lnkxhPZyWGc
TPT