Cùng sự phát triển của thời đại khoa học kỹ thuật ngày nay, nhiều phụ huynh phải nhức đầu bởi vấn nạn con mê game online hơn là thích gần gũi với cha mẹ, nhưng không biết thế nào giúp trẻ thoát khỏi tình trạng nghiện thế giới ảo. Phải làm gì?

Không cho phép con sử dụng điện thoại di động trước 14 tuổi, không xem tivi khi đang ăn, tỷ phú Bill Gates từng dạy con nghiêm khắc như vậy.
Mỗi người có cách dạy con tùy theo quan điểm riêng, phù hợp văn hóa mỗi nơi hay từng vùng. Riêng tôi thì tắt tivi, không xài phone khi đang trong bàn ăn, và cha mẹ phải làm gương trước, nhằm tạo môi trường giao cảm kết nối, chuyện trò tâm tình trong gia đình. Mỗi ngày chỉ nên 2 hay 3 giờ tổng cộng cho phép con giải trí sau khi hoàn tất bài tập ở nhà. Sẽ phạt tịch thu phone, không cho xem truyền hình trong vòng 3 ngày hoặc 1 tuần nếu không vâng lời. Cách này khá hiệu quả, vì con trẻ hầu hết sợ mất niềm vui nên không dám bất tuân. Một khi cho con dùng phone lâu, cha mẹ nên kiểm tra con sử dụng việc gì, nếu không liên quan đến bài tập hay liên lạc bạn bè thì hạn chế điện thoại trước khi đi ngủ. Nhiều người đã buộc con để phone vào một chỗ quy định giờ trước khi ngủ, như một toa thuốc chữa bệnh mê game của con.
Mặc dù Bill Gates là người thay đổi thế giới bằng chính công nghệ, nhưng con cái ông cũng phải giới hạn sử dụng smart phone, iPad… Qua đó chứng tỏ một điều: Rõ ràng câu trả lời về lợi – hại của game online hoàn toàn về phía hại nhiều hơn. Bên cạnh ưu điểm trẻ con được kích thích sự sáng tạo, tư duy, thì tác hại game rất ghê gớm khi làm thị lực bị giảm yếu đi, tâm lý bất ổn ảnh hưởng việc học và mối quan hệ gia đình, đây là điều không thể phủ nhận. Thực sự, mỗi đứa trẻ có tiềm năng phát triển khác nhau, cha mẹ nên dựa vào ưu điểm, khả năng của chúng để hướng dẫn con tham gia hoạt động xã hội; như làm thiện nguyện, sinh hoạt ngoại khóa như các môn thể thao, nghệ thuật, âm nhạc, hội họa… nhằm giảm thời gian mê game; đây cũng là phương pháp kết hợp giúp con rèn luyện tính tự tin trước đám đông.

Người Mỹ thường khuyến khích con tự làm những gì có thể và thường dùng tiền làm phần thưởng nhỏ rồi khuyến khích con bỏ ống heo, đây cũng là cách khôn khéo dạy con về tính tự lập và ý thức quý đồng tiền. Trẻ sẽ vui khi mua những gì từ sự dành dụm của chính mình – hơn là phải xin cha mẹ. Họ kiếm cớ nhờ con làm linh tinh trong nhà tùy theo lứa tuổi, cũng là cách không chỉ ly gián với chơi game mà còn tập con siêng năng vận động, khỏe mạnh thể chất.
Cách dạy con thời hiện đại không phải là dùng roi vọt, la mắng mà là sự ngọt ngào gần gũi con như một người bạn, gắn kết nhau bằng những cuộc trò chuyện thân mật. Trẻ cần tình cảm cha mẹ hơn là tiền bạc vật chất.
Có những đứa con nghiện game đến độ đáng sợ hơn nghiện ma túy. Nguyên nhân một phần lỗi do cha mẹ đưa phone cho con chơi để khỏi phải chăm sóc con vì mệt mỏi sau một ngày làm việc; ai cũng nghĩ giản đơn vậy nhưng vô tình làm hư con lúc nào không hay. Chuyện gì sẽ xảy ra khi con trở nên vô phép ngang bướng với cha mẹ khi chúng không được quan tâm. Từ tổn thương mặc cảm bị bỏ rơi, chúng buồn sa vào chơi game – nghiện game – mà nghiện rồi thì đâm ra cáu kỉnh, giận dữ bởi vì mình đang chơi bị cắt ngang, bị gián đoạn nếu có ai làm phân tâm. Vẫn còn một số phụ huynh không chấp nhận mình là người gián tiếp đưa đẩy trẻ đến con đường khó thuốc chữa này.
Xin chia sẻ câu chuyện có thật từ chị bạn như một kinh nghiệm: Cũng vì thương yêu con, chị ấy làm thật nhiều giờ mong có tiền dành dụm cho chúng. Chiều chuộng, mua cho hai đứa nhỏ 2 laptop riêng biệt. Ði làm về, biết con trong phòng, chị mừng vì bớt mệt phải lo cho con. Không biết từ lúc nào mẹ con ít gặp nhau tuy cùng nhà, chúng trở thành khó dạy, lầm lì. Một buổi sáng chị gọi mãi không thấy trả lời, hoảng hốt tưởng chúng đi đâu. Hóa ra hai đứa trùm chăn kín mít chỉ còn hai con mắt đang mê muội trên màn hình, cả phòng ngủ bừa bộn thức ăn, giấy rác, quần áo dơ vất lung tung… chị không kiểm soát nổi cái tức giận.
– Choang … Chơi nè …
– Choang …. Cho mày biết chừa …
Cầm hai laptop, chị quăng vào tường nát bét tan tành. Hai tuần sau lại mua tiếp laptop khác cho con chơi vì thấy chúng năn nỉ. Chị tự nhận là người mẹ thất bại dạy con khi thấy chúng trở nên học sút, vô lễ, lười biếng việc nhà. Ích kỷ, ngang bướng và nổi loạn là biểu hiện tiêu cực bắt đầu từ việc nuông chiều, cho con tiếp xúc thiết bị điện tử quá mức độ quy định.
Một câu chuyện khác rất thật đáng suy ngẫm, người mẹ đưa phone cho bé và tha thiết:
– Con chơi đi!
– Không, con không muốn. Con muốn mẹ.
Người mẹ năn nỉ, đẩy cái phone về phía con mình:
– Chơi cho mẹ làm việc nhà.
Hoặc: Mẹ cần nghỉ mệt chút.
Và thế là đứa con đành chơi; sau một thời gian tiếp xúc màn hình, con trở nên yêu game hơn yêu mẹ. Một nỗi đau không hề nhẹ! Mẹ nhận ra thì đã muộn màng, thôi thì tự an ủi:
– Cả thế giới này con nít đứa nào mà chẳng chơi game như nhau, đâu chỉ có con mình. Chuyện nhỏ như con thỏ, có gì phải quan trọng hóa để vò đầu.

Các chuyên gia thuộc Hiệp hội Tâm thần Mỹ cho rằng nghiện game online cũng có những triệu chứng như chứng rối loạn thần kinh. Thí nghiệm quét MRI não người đã minh chứng: khi chơi điện tử, não bị kích thích như ma túy hay chất gây nghiện. Dưới góc độ sinh học, cảm giác mê game là do hormone dopamine trong não và testosterone, hai chất này làm tâm lý, cảm xúc của trẻ thay đổi theo chiều hướng xấu.
Mê trò chơi điện tử một số trẻ con trở thành bệnh tự kỷ, không muốn ra ngoài đời vì sợ làm mất thời gian chơi game, trẻ sẽ thích ru rú trong phòng ngủ riêng – hơn là phải hiểu người lớn và yêu người thế giới xung quanh.
Phản ứng sự buồn chán không ai bên cạnh, các em đi tìm niềm vui nơi internet, sẽ hứng thú và có thể trở thành con nghiện. Thậm chí nhiều trẻ trầm cảm có biểu hiện cảm xúc rối loạn, ít tiếp xúc, ít ngủ, xa rời hiện thực.
Chữa bệnh game online cần sự hỗ trợ của cha mẹ: nghiêm khắc và quan tâm. Cha mẹ của thời buổi hiện đại cũng cần luôn theo kịp thời đại điện tử để có kiến thức kiểm soát con cái và có những giới hạn đúng mức có lợi cho sự phát triển tâm sinh lý trẻ con.
TT