Những người viết báo hẳn hiểu rằng cái tựa quan trọng đến thế nào. Nó riêng biệt, định hình một phong cách và cái nghề của người viết. Độc giả đôi khi quyết định có đọc bài báo và mẩu tin hay không là từ cái tựa đề. Hoặc có khi họ chỉ nhớ đến một cái tựa đề và nó còn nằm lại với họ lâu dài hơn cả nội dung bài viết. Bởi thế những sinh viên báo chí thường được dạy rằng, mỗi bài viết có khi cần phải đặt ra cả hàng chục cái tựa theo chuẩn mực báo chí, trước khi chọn lại cái tựa cuối cùng cho bài báo của mình. Như mọi nghề nghiệp, báo chí đôi khi đòi hỏi sự công phu và thời gian của những người trong nghề là như vậy.
Tôi cũng không là ngoại lệ. Cái tựa luôn được cẩn trọng chọn lựa, thường là sau khi đã viết xong một bài báo. Nhưng lần đầu tiên, tôi chẳng biết phải đặt cái tựa cho bài viết của mình là gì. Nên đặt nó là “bài báo không đặt tựa”, cả trước khi viết như trên. Trí tưởng lang thang, mơ hồ và lẫn lộn cảm xúc suốt một tuần qua, tôi chẳng biết mình sẽ bắt đầu từ đâu và như thế nào. Nên chọn thể loại tạp ghi này để chia sẻ một đôi tâm tình cùng bạn vậy.

Vài năm qua, kể từ sau sự lần lượt ra đi của vài người bạn thân thiết như nhà văn Phạm Chi Lan, Nguyên Nhi, luật sư Nguyễn Xuân Phước, tôi vẫn thường mẫn cảm và suy nghĩ trước những tin ly biệt của những người quen biết. Luôn xúc động trước những mất mát, ly tan trước thiên tai bão lụt hay khủng bố, sát hại dân lành. Dăm cơn bão dữ Harvey, Irma, Maria quét qua nước Mỹ này vẫn còn ngổn ngang những thiệt hại thì tin tức bão lũ đánh vào miền Trung nơi quê nhà làm hàng trăm người thiệt mạng, cũng làm lòng mình chùng xuống. Vụ xả súng tại Las Vegas chưa có câu trả lời thì đến khủng bố New York tông xe vào người bộ hành, nay đến vụ sát hại những tín hữu Tin Lành tại một nhà thờ. Những thiên tai, những vụ thảm sát trong các cuộc khủng bố hay sát hại thường dân vô tội liên tục xảy ra trong thời gian qua. Và ngày càng dồn dập hơn. Hẳn làm mỗi người suy nghĩ, chứ chẳng riêng ai. Vậy mà đọc tin tức, nghe bảo cuộc thi hoa hậu Việt Nam vẫn rềnh rang tổ chức đương giữa khi người dân miền Trung đối diện với mưa lũ, gió bão, thấy sự bàng quan, thờ ơ của những kẻ có trách nhiệm trong nước khó còn lời diễn tả.

Với riêng tôi, một tuần lẫn lộn cảm xúc như nói trên khi nhận điện thoại từ họa sĩ Bảo Huân, một người trình bày và minh họa tài hoa và đầy trách nhiệm của Trẻ từ nhiều năm qua. Giọng nghẹn ngào, anh chỉ kịp báo tin phu nhân của anh vừa mất rồi tắt máy. Tôi ngồi thẫn thờ rất lâu, như bao lần từng nghe tin dữ về bạn bè, người quen biết. Chỉ mới đôi tuần trước, anh đưa lên trang facebook cá nhân của mình tấm ảnh tươi tắn của anh chị nhân 43 năm ngày cưới của mình. Anh kể chị rất mực chiều chồng và yêu thương con cái. Chồng thích xem bóng đá, mê Cảng Sài Gòn, chị cũng theo anh, vợ chồng lóc cóc đèo nhau trên xe đạp đi xem. Sang đến Mỹ, anh chuyển sang xem football, baseball, chị cũng học thể thức, cách chơi để cùng ngồi xem với anh. Anh mê nhiếp ảnh, chị cũng sắm cái máy đi săn ảnh cùng chồng. Anh chụp chim muông, cảnh vật, chị chụp chồng. Anh bảo vợ chồng đã thăng trầm, cam chịu khổ bùi, dăm lúc cũng chẳng tránh khỏi chuyện cắn đắng thường tình của những vặt vãnh đời sống, đến lúc dành cho nhau những yêu thương trọn vẹn khi con cái đã nên người. Thế mà chị ra đi. Bất ngờ. Ðương lúc khoẻ mạnh, vui tươi. Nghe chuyện mà cảm động, tôi biết anh hụt hẫng nhiều trong sự ly biệt này. Tôi biết an ủi cũng bằng thừa, chỉ biết siết tay anh thật chặt khi nghe chuyện.

Tháng 11, tháng các Ðẳng linh hồn của người Công Giáo, để nhớ và cầu nguyện cho những bậc tổ tiên, những người thân yêu và cho tha nhân đã khuất bóng. Như tháng Bảy Âm Lịch của người Phật Giáo, tháng xá tội vong nhân, chúng ta cùng xin cầu nguyện cho những người đã mất. Triết gia Seneca bảo rằng, “con người sinh ra bất bình đẳng nhưng sẽ bình đẳng khi chết”. Có lẽ lời của ông mang ý nghĩa vật thể nhiều hơn. Về hư danh, tiền bạc, của cải vật chất… một khi lìa đời, hơn là ý nghĩa tâm linh. Bởi đức tin tôn giáo cho chúng ta hiểu rằng, những sản nghiệp, công đức trong đời sống dương thế này sẽ dẫn dắt chúng ta về đâu khi lìa đời. Nên khi cầu nguyện cho các linh hồn, có lẽ chúng ta cũng đang cầu nguyện cho chính mình biết vượt qua những cám dỗ, những thách đố của đời sống để sống công chính, tử tế và độ lượng với tha nhân hơn. Là vậy.

DYT