Menu Close

Roma hãy đến và trở lại (Kỳ 2)

Đến Roma là phải đi thăm Vatican (Vaticano). Vào mùa này có thể nhìn thấy ngày nào cũng hàng dãy người xếp hàng dài dằng dặc hết cả bốn mặt tường bao quanh khu Vatican dài mấy cây số để chờ vào bên trong. Để tránh phải xếp hàng, chúng tôi chọn cách mua tour du lịch thì được vào luôn theo từng nhóm.

Di tích

Ði thăm Vatican theo cách mua tour thì bị lệ thuộc vào giờ giấc-chỉ có 4 giờ đồng hồ để vừa xem bảo tàng Vatican, nhà nguyện Sistine (tiếng Ý là La Cappella Sistina), Vương cung Thánh đường St. Peter’s Basilica (Basilica Papale di San Pietro in Vaticano), và Vatican city-khu phụ cận bên ngoài Vatican.

Nếu xem kỹ bảo tàng Vatican chắc phải vài ngày. Nhưng chúng tôi chỉ có khoảng một tiếng! Tiếp đó là nhà nguyện Sistine nổi tiếng. Tôi “gặp lại” nhà điêu khắc, danh họa tài ba Michelangelo qua những công trình tuyệt tác của ông mà tôi đã được xem trong những cuốn sách về mỹ thuật từ hồi còn sinh viên, như tác phẩm The scenes from Genesis phủ khắp vòm trần nhà nguyện Sistine ông vẽ mất 4 năm, bức tranh lớn The Last Judgment trên tường với hơn 400 nhân vật ông vẽ mất 5 năm hay bức tượng Pietà (Ðức Mẹ ẵm chúa Giêsu bị nạn trong lòng) tại Vương cung Thánh đường San Pietro.

Vương cung Thánh đường San Pietro là một công trình kiến trúc và điêu khắc tuyệt đẹp. Khắp nơi từ vòm trần, các bức tường đều trang trí bằng những bức tranh hoặc tượng, phù điêu lộng lẫy và hầu hết đều có kích thước đồ sộ. Phía sau là quảng trường San Pietro và khu phụ cận bên ngoài bức tường Vatican. Tại đây có nhiều shop lưu niệm bán nhiều nhất là thánh giá, tranh ảnh, đồ trang sức có những biểu tượng, hình ảnh liên quan đến Thiên chúa giáo.

Ở Roma có khá nhiều nhà thờ lớn và đẹp, ngoài Vương cung Thánh đường San Pietro in Vaticano tôi chỉ kịp đi vài nơi như nhà thờ S. Giovanni in Laterano, nhà thờ P.S. Croce in Jerusalem.

Khắp Roma, chỗ nào cũng là những di tích còn sót lại từ hàng ngàn năm trước
Khắp Roma, chỗ nào cũng là những di tích còn sót lại từ hàng ngàn năm trước

Lá phổi xanh của Roma là công viên Borghese rộng mênh mông. Những con đường trong khu công viên rợp bóng cây. Nắng ấm áp và gió nhẹ. Không khí thơm mùi nắng, mùi lá, mùi cỏ khô. Yên tĩnh, chỉ có tiếng ve râm ran trên đầu, tiếng những viên đá cuội và lá khô lạo xạo dưới chân người bước qua. Cảm giác thật bình yên. Tưởng chừng có thể ngả mình xuống bất cứ chỗ nào và nằm ngủ một giấc thật thảnh thơi.

Một địa chỉ nổi tiếng nữa của Roma mà du khách không thể bỏ qua là đền Patheon, nơi chôn cất những vị vua và nghệ sĩ nổi tiếng nhất của Ý, được xây dựng từ năm 27 trước công nguyên. Ngôi đền nằm trong một con đường hơi nhỏ hẹp, không may gặp hôm đóng cửa, chúng tôi chỉ có thể chụp hình ở bên ngoài. Gần đền Patheon là khu Campo de’Fiori với các cửa tiệm giá cả tương đối bình dân, và một cái chợ trời bán đủ các thứ quần áo, khăn choàng, đồ trang sức tầm tầm. Phía sau là khu ghetto cũ một thời của Ý-một khu vực với những con đường lát đá chật hẹp, tăm tối vì bị hai dãy nhà cao hai bên chặn hết nắng, những ngôi nhà cũ kỹ, trông nặng nề, không có chút gì thân thiện. Vẫn còn đó một ngôi nhà đá đổ nát một phần với tấm biển đề phía trước: Jewish Info Point-Jewish Community of Rome.

Ðến Roma tôi cứ hy vọng sẽ được đi viếng bảo tàng tranh của Leonardo da Vinci nhưng không có, những bức tranh đáng giá nhất của ông lại nằm ở một số bảo tàng của các nước khác như các bức Mona Lisa, Bữa tiệc cuối cùng (The last supper)… nằm tại bảo tàng Louvre của Pháp chẳng hạn. Thay vào đó tôi lại được xem bảo tàng những công trình thử nghiệm về khoa học, máy móc… của Leonardo da Vinci. Khoa học là niềm đam mê lớn chẳng thua gì nghệ thuật hay hội họa của ông. Và thêm một niềm an ủi là ở đây còn lưu giữ khá nhiều những bức vẽ phác thảo các máy móc mà Leonardo da Vinci chế tạo, có cả bút tích chữ viết tay của ông, hay những bức vẽ về cơ thể người cho thấy một sự nghiên cứu tỉ mỉ về cơ thể con người từ bên ngoài vào trong của nhà danh họa và nhà khoa học tài ba một thời.

roma-den-tro-lai-04

Muốn nhìn bao quát thành phố có thể trèo lên đồi Capitol. Ðứng ở đây nhìn xuống thấy thành phố Roma ngổn ngang từng từng lớp lớp cao thấp khác nhau, có những khu phế tích với những cổng thành vĩ đại còn sót lại, dấu tích của một nền văn hóa văn minh rực rỡ một thời, bên cạnh những khúc cột, tảng đá đổ ngổn ngang… trong ánh chiều tà. Du khách đứng nhìn bâng khuâng hoài cổ.

Hầu hết những con đường của Roma đều lát đá có từ hàng ngàn năm trước và không rộng, chỉ vừa đủ hai làn xe, cảm giác lại càng chật chội hơn vì những ngôi nhà, những di tích lớn, đồ sộ hai bên đường. Thành phố có những con đường loanh quanh, trên cao dưới thấp, đi bộ thú vị nhưng đi một hồi thì dễ mỏi chân, có những khu như Spanish steps phải trèo lên hàng trăm bậc thang, một số di tích, thắng cảnh cũng thế.

Khi đi chán, có thể leo lên một chuyến xe bus bất kỳ để xe chạy một vòng hết lộ trình  của nó, với vài con đường khác nhau như vậy bạn sẽ lại nhìn thấy Roma ở những khu vực khác nhau, cả nội thành và ngoại thành. Phải nói thật, ra khỏi nội thành thì ngoại ô Roma chẳng đẹp tí nào, điều đó cho thấy đất nước với một quá khứ huy hoàng này hiện tại vẫn chưa phải là giàu có nên chưa đủ tiền xây dựng ngay cả vùng ngoại ô các thành phố lớn cho đẹp. Kể cả trong nội thành, Roma vẫn tạo cảm giác chật chội và khá là cũ kỹ. Nhưng với du khách thì có lẽ chẳng lấy đó làm điều vì thành phố có tuổi đời 28 thế kỷ này đã đem lại cho họ những sự giàu có, phong phú khác về văn hóa, tinh thần.

Là khách du lịch từ xa đến, chúng tôi mê tít Roma vì lịch sử, kiến trúc, văn hóa…nhưng khi tôi nói với một, hai người Ý rằng tôi thích Roma thì họ lại nhún vai hỏi lại: Cô/chị thích Roma à? Chúng tôi thì không. Khi tôi hỏi tại sao, một người nói: Roma chật hẹp, và bẩn. Người khác thì than phiền về đời sống, thuế thì đóng cao nhưng các thứ an sinh xã hội chưa thật tốt v.v… Bao giờ mà chả vậy. Người sống ở đây thì thích được sống ở nơi khác và nghĩ là nơi khác tốt hơn. Cũng là chuyện bình thường.

Nghệ sĩ đường phố
Nghệ sĩ đường phố

Cũng đừng bỏ qua những hầm mộ (catacombe) ở Roma. Quanh con đường Appia Antica có những hầm mộ như hầm mộ Domitilla, hầm mộ S. Calisto, S. Sebastiano… Nằm sâu dưới lòng đất, những hầm mộ được xây bằng gạch, đá cách đây hàng chục thế kỷ. Những lối đi hẹp quanh co như lạc vào mê cung, hai bên vách đá lồi lõm, nhìn lên cao có những khoảng sáng từ những ô cửa kính tít trên cao. Du khách vừa ngắm nhìn những họa tiết và những dòng chữ khắc trên những bức tường đá vừa lắng nghe người hướng dẫn viên nói tiếng Anh với giọng Ý nhanh du dương đang kể về lịch sử của hầm mộ và lai lịch những người chết.

Người Ý quý trọng lịch sử, quý trọng quá khứ. Có những lúc đứng nhìn những di tích đổ nát nằm giữa những khoảng đất rộng mênh mông giữa lòng thành phố chật hẹp đất quý như vàng này, tôi lại chạnh nghĩ nếu là ở Việt Nam chắc chắn sẽ bị dẹp sạch, phân lô, xây cao ốc cho người nước ngoài thuê ngay. Hay những tòa nhà to đồ sộ, đẹp đẽ được dùng làm viện bảo tàng nghệ thuật với mỗi căn phòng chỉ để trưng bày vài bức tranh. Ở Việt Nam nếu có được những tòa nhà như thế này chắc lại dùng vào việc khác sinh lợi trước mắt.

Lần đầu đến Roma tôi không kịp thời gian đi xem nhiều bảo tàng vì chỉ riêng các di tích lịch sử đã quá nhiều, đi không hết. Tôi chỉ kịp ghé qua vài nơi như bảo tàng Vatican, bảo tàng lâu đài S. Sant Angelo, bảo tàng nghệ thuật cổ (Ancient Art National Gallery) ở khu Barberini, với hàng trăm bức tranh hầu hết là sơn dầu thế kỷ XV, XVI…lấy cảm hứng từ chủ đề tôn giáo và thần thoại Hy Lạp. Bảo tàng nghệ thuật hiện đại Modern Art National Gallery, trưng bày tranh, tượng thế kỷ XIX, XX. Có thể gặp ở đây từ tranh của Cezanne, Gauguin, Van Gogh, Claude Monet cho tới Mondrian, Gustav Klimt, các tác phẩm nghệ thuật của Marcel Duchamp… Chỉ riêng bảo tàng và gallery, ở Roma có đến hàng mấy chục cái đáng để xem. Khi tôi nói mình sẽ đi Roma một tuần, bạn bè người quen của tôi đã từng đến Roma ai cũng bảo một tuần thì không thể đủ được, muốn khám phá kỹ thành phố này thì còn phải trở lại nhiều lần nữa, quả đúng là như vậy.

Paris hay Roma đều là những thành phố đẹp, giàu có về lịch sử, văn hóa nghệ thuật, là những thành phố mà trong đời người ta cần phải đến ít nhất là một lần.

Tạm biệt Roma, dù không ném đồng xu nào xuống lòng hồ tại thác nước Trevi, tôi biết rằng chắc chắn mình sẽ trở lại thành phố này nhiều lần nữa.

SC