Tổng thống Donald Trump đáp chuyến bay xuống phi trường Đà Nẵng hôm Thứ Sáu 10/11 để tham dự cuộc họp thượng đỉnh APEC. Đây là một trong hai trạm dừng chân của ông trong chuyến viếng thăm Việt Nam. Trạm dừng thứ nhì là Hà Nội vào ngày Thứ Bảy, tại đây ông có buổi gặp gỡ với Chủ tịch của Việt Nam là Trần Đại Quang.

Thành phố Ðà Nẵng năm nay được chọn để tổ chức thượng đỉnh APEC diễn ra hằng năm, và hơn nữa, trong mối quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, Ðà Nẵng đóng một vai trò đặc biệt trong cuộc chiến Việt Nam trước đây. Năm 1965, Lữ đoàn 9 Thủy quân lục chiến, đơn vị chiến đấu đầu tiên của Mỹ được đưa sang Việt Nam, đã đổ bộ lên bãi biển Ðà Nẵng, bắt đầu cho sự tham dự trực tiếp vào cuộc chiến của người Mỹ. Những năm sau đó đã có thêm hàng triệu lính Mỹ đến Việt Nam mà cao điểm của nó là năm 1968 với hơn nửa triệu quân đóng rải rác từ miền Trung kéo dài cho đến tận Cà Mau.
Ðà Nẵng nổi tiếng với bãi biển Mỹ Khê cát trắng tuyệt đẹp, nơi binh lính Mỹ có thể phơi nắng hay ngâm mình trong dòng nước mát trong những lúc dưỡng quân ở căn cứ, kể cả có lúc lực lượng của quân đội cộng sản mở ra những trận đánh gần đó thì nơi đây vẫn được quân đội Mỹ bảo vệ kỹ càng và là nơi được xem là an toàn nhất.
Mặc dù Việt Nam đến nay vẫn còn là một trong 5 quốc gia cộng sản trên thế giới, nhưng kể từ khi áp dụng chính sách mở cửa kinh tế từ cuối thập niên 1980 đến nay, Ðà Nẵng đã có nhiều công trình xây cất để làm mới thành phố và bãi biển Ðà Nẵng một lần nữa lôi cuốn du khách từ khắp nơi. Trong thời gian thượng đỉnh APEC năm nay, Ðà Nẵng còn tiếp đón các nguyên thủ của 21 nền kinh tế trên thế giới đến tham dự, ngoài Tổng thống Trump còn có Tổng thống Vladimir V. Putin của Nga và Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc.

Nhìn chung hiện nay cho thấy có những dấu hiệu cho thấy mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đang ấm trở lại. Trong năm tới hải quân Mỹ có thể trở lại quân cảng Cam Ranh, nơi trước đây đã từng được quân đội Mỹ sử dụng trong thời chiến, và sẽ dùng làm một trong những trạm nghỉ cho chiến hạm Hoa Kỳ trong khu vực Biển Ðông.
Trong bối cảnh tranh chấp khu vực ngày càng gia tăng hiện nay, nhiều quan sát viên quốc tế nghĩ rằng Việt Nam, cũng như nhiều quốc gia khác trong khu vực, đang rất cần đến sự hợp tác của Hoa Kỳ làm điểm đối trọng để cân bằng sức mạnh kinh tế cũng như quân sự của Trung Quốc ở trong vùng.
Tháng 5 vừa qua, Mỹ đã trao cho Việt Nam 1 tàu tuần duyên loại trọng tải nặng và 6 tàu tuần tra loại nhỏ trong nỗ lực nhằm bảo vệ an ninh khu vực Biển Ðông của Việt Nam. Ðây là một thỏa thuận đã được ký kết từ thời Barack Obama. Trong khi đó thì Bắc Kinh vẫn tiếp tục tỏ ra hung hăng và ngang nhiên tự nhận chủ quyền gần hết toàn bộ khu vực biển.
Cũng Tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là nhà lãnh đạo đầu tiên từ khu vực Ðông Nam Á đã có cuộc gặp gỡ ông Trump tại Washington, mặc dù buổi gặp gỡ này không mang lại kết quả cụ thể nhưng được xem như là bước đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam để tạo sự thân thiện với chính phủ Donald Trump trong những năm sắp tới. Ðổi lại, ông Trump tiếp tục với những cuộc viếng thăm chính thức không gián đoạn tới Việt Nam của các Tổng thống Mỹ kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao năm 1995.
Mặc dù có những khác biệt trong chính sách của Mỹ giữa thời Trump và thời Obama, Hoa Kỳ vẫn được xếp là quốc gia đứng đầu thế giới về mua hàng xuất cảng của Việt Nam, và Hà Nội đã tỏ ra khá thất vọng khi ông Trump tuyên bố rút lui khỏi Hiệp ước thương mại TPP, vì Việt Nam được cho là quốc gia hưởng lợi nhất trong hiệp ước này và có thêm cơ hội tiếp cận gần hơn nữa với thị trường tiêu thụ số 1 trên thế giới này.
Chuyến viếng thăm Việt Nam cũng được xem là trạm dừng chân thú vị nhất của Tổng thống Trump trong chuyến công du 5 nước Á châu lần này. Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, Việt Nam là một trong 7 quốc gia duy nhất trong cuộc khảo sát bao gồm 37 quốc gia là có tỉ lệ đa số người dân cho biết họ thích Trump: 58 phần trăm người dân Việt Nam trong cuộc khảo sát của Pew vào đầu năm nói rằng họ “tin tưởng Trump đi đúng đường trong việc giải quyết những vấn đề quốc tế”, so với tỉ lệ trung bình toàn cầu chỉ ở mức 22 phần trăm. Những quốc gia khác với tỉ lệ đa số người dân ủng hộ Trump là Israel, Kenya, Nigeria, Philippines, Nga và Tanzania.

Theo nhận định của trang mạng Politico.com, lý do Trump được sự ủng hộ mạnh ở Việt Nam một phần là nhờ chính sách cũng như tính cách cá nhân của ông: Trong thời gian tranh cử, Trump hay dùng những lời lẽ mạnh khi nhắc đến Trung Quốc và điều này đáp ứng đúng với những nghi ngại của công chúng Việt Nam về sự trỗi dậy của nước láng giềng phương bắc, và kinh nghiệm kinh doanh của Trump gây được sự hấp dẫn đối với nhiều người dân đang nuôi giấc mơ giàu sang trong một đất nước được cho là đang trong thời kỳ quá độ của sự phát triển kinh tế. Chuyến viếng thăm Việt Nam của TT. Trump được nhiều người háo hức chờ đón, bao gồm những người dân nóng lòng muốn nhìn thấy tận mắt một lãnh tụ mà họ ngưỡng mộ, đồng thời cũng có nhiều người dân hy vọng rằng mối quan tâm của họ về chính sách của TT. Trump đối với Việt Nam sẽ có lời giải đáp rõ ràng hơn sau chuyến viếng thăm này.
Nhiều sách của Ông Trump, trong đó có “The Art of the Deal” (Nghệ thuật đàm phán), “Never Give Up” (Không bao giờ bỏ cuộc) và “Crippled America: How to Make America Great Again” (Nước Mỹ tật nguyền: Làm sao để chấn hưng nước Mỹ) đã được dịch sang tiếng Việt và được nhà xuất bản Trẻ trong nước xếp là loại sách về kinh doanh. Chương trình hoa hậu Miss Universe, trong thời gian Ông Trump làm chủ, đã từng được tổ chức tại thành phố Nha Trang năm 2008. Và doanh gia Phạm Nhật Vượng, chủ tịch hội đồng quản trị của tập đoàn đầu tư địa ốc Vingroup và là tỉ phú Việt Nam đầu tiên, được người dân trong nước ví như một “Donald Trump của Việt Nam”. Những kinh nghiệm kinh doanh đó của Ông Trump không chỉ được người dân Việt Nam ngưỡng mộ mà còn được ngưỡng mộ tương tự ở Nhật Bản, Nam Hàn và Trung Quốc, những nơi Ông Trump cũng được tiếp đón nồng hậu trước khi đến Việt Nam.
Trong bối cảnh an ninh của Việt Nam hiện nay, Hoa Kỳ ngày càng được xem như một đối tác chiến lược quan trọng trong khi Trung Quốc vẫn đang tiếp tục xây đảo nhân tạo cũng như thiết lập những cơ sở quân sự trong vùng Biển Ðông. Chuyến viếng thăm năm 2016 của Tổng thống Obama xác nhận phạm vi quan hệ giữa hai nước ngày một mở rộng hơn trong khi Hoa Kỳ gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Chiến lược “xoay trục về Á châu” của chính quyền Obama vẫn đang được chính quyền TT. Trump âm thầm tiếp tục theo đuổi, điển hình là sự hợp tác quân sự giữa hai nước vẫn được duy trì ở một mức độ nào đó.

Có điều đáng tiếc là trong bài diễn văn đọc tại cuộc họp thượng đỉnh APEC, TT. Trump không hề đả động gì tới vấn đề nhân quyền ở Việt Nam hiện nay, việc này đã đưa đến một số lời chỉ trích từ Washington, trong đó tiếng nói mạnh nhất là của Thượng nghị sĩ John McCain, và có lẽ cũng gây ít nhiều thất vọng đối với những nhóm tranh đấu cho dân chủ ở trong nước.
Trong một lá thư ngỏ đề ngày 7 Tháng 11, 20 thành viên của hạ viện quốc hội Mỹ, từ cả hai đảng, đã kêu gọi ông Trump hãy lên tiếng về “thành tích nhân quyền tệ hại của Việt Nam” khi gặp Trần Ðại Quang trong ngày Thứ Bảy.
Kể từ hơn một năm nay, nhà cầm quyền Việt Nam đã thẳng tay đàn áp và bắt bớ rất nhiều nhân vật bất đồng chính kiến ở trong nước, trong đó nổi bật nhất có blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Cô bị bắt từ Tháng 10 năm ngoái và bị tuyên án 10 năm tù vào cuối Tháng 6 vừa qua. Hiện đang có nhiều tổ chức nhân quyền kêu gọi và làm áp lực buộc nhà cầm quyền Việt Nam phải thả ngay người phụ nữ can đảm này.
VH