Menu Close

Hoàng Giác & Nguyễn Văn Khánh

Chúng tôi đã giới-thiệu một số tình-khúc tiêu-biểu của một số nhạc-sĩ đi theo kháng-chiến. Tuần này chúng tôi bắt đầu đề-cập tới các nhạc-sĩ không theo kháng-chiến, nhưng tới năm 1954 khi đất nước bị phân-ly đã lựa chọn ở lại miền Bắc. Trong số những nhạc-sĩ không đi theo kháng-chiến nhưng sau này ở lại miền Bắc ấy, hai tên tuổi lớn nhất phải là Ðoàn Chuẩn, nổi tiếng với những bản nhạc tình uỷ-mị thiết-tha, và Hoàng Giác, nổi tiếng với những bản tình-ca chan-chứa tình người, tình quê-hương, đất nước.

Hoàng Giác thời trẻ
Hoàng Giác thời trẻ

Trong các bài trước, khi chúng tôi nhắc tới hai chữ “kháng-chiến” thì chỉ nhắc tới với ý nghĩa của thể chất, là phân-định chiến-tuyến của các nhạc-sĩ trong giai-đoạn binh lửa này. Còn “yêu nước” hay “không yêu nước”, “yêu nước một cách sáng suốt hay mê muội” là hoàn toàn tuỳ thuộc vào tâm-hồn và cách hành-xử trong cuộc sống của các nhạc-sĩ ấy, chứ không phải do vị-trí “bên này” hay “bên kia” chiến-tuyến.

Một trong những nhạc-sĩ sống ở Hà-Nội, lúc đó do Pháp chiếm đóng, nhưng lòng luôn hướng về quê-hương, dân-tộc, là Hoàng Giác. Sinh năm 1924, ông thuộc lớp nghệ-sĩ thứ hai của nền tân-nhạc Việt-Nam, cùng với những Ðoàn Chuẩn, Hoàng Trọng, Ngọc Bích, Nguyễn Văn Khánh, Phan Huỳnh Ðiểu, Văn Giảng, Châu Kỳ v.v. Ông sống tại Hà-Nội, thường lên đài phát-thanh để tự trình-bày một số ca-khúc của mình. Nhưng nếu nhìn vào toàn bộ sự-nghiệp âm-nhạc của ông và nhận xét kỹ nội-dung của từng ca-khúc, chúng ta sẽ thấy ông còn yêu nước hơn cả một số người đã rời bỏ thành-phố để đi theo lý-tưởng.

Các tác-phẩm của ông như “Quê-Hương”, “Hương Lúa Ðồng Quê”, “Khúc Hát Thương-Binh”, “Tiếng Hát Biên-Thuỳ”, “Anh Sẽ Về”, “Ngày Về”… đều là những ca-khúc đầy tình-tự quê-hương, chan-chứa tình người. Như lời hát trong bài “Quê-Hương”:

Ai qua miền binh khói, nhắn rằng nơi xa-xôi

Tôi vẫn mơ lùm tre xanh ngát

Về quê xưa để sống êm-đềm giấc mơ

Về quê xưa tìm bóng những ngày đã qua

Nhà thơ Nguyễn Ðình Toàn đã nhận xét: “Trong toàn thể nhạc của Hoàng Giác, lúc nào cũng thao-thức một niềm mong ước được trở về.” Trở về ở đây, theo suy nghĩ của chúng tôi, mang một ý nghĩa hết sức trừu-tượng và bao-quát. Ðó là sự tìm về quá-khứ êm-đềm, tiếc nuối những tháng ngày hoa mộng đã qua, hay nhớ lại những ước mơ bên dòng sông tuổi nhỏ. Cho nên bất cứ ai, dù đứng bên này hay bên kia chiến-tuyến, cũng mơ ước một sự trở về trong các ca-khúc của Hoàng Giác. Vì thế sau khi đất nước bị chia cắt, cuộc chiến-tranh giữa hai miền Nam-Bắc trở nên khốc-liệt, chính-quyền miền Nam đã sử-dụng bài “Ngày Về” của Hoàng Giác, một nhạc-sĩ đang sống ở miền Bắc, để làm nhạc-hiệu cho chương-trình Chiêu-Hồi, cũng chẳng có ai thắc-mắc, bởi vì bài hát ấy đã trở thành tiếng chim gọi đàn chung cho mọi loài chim, ở bất cứ nơi nào.

Nhạc-sĩ Hoàng Giác thập niên 2010
Nhạc-sĩ Hoàng Giác thập niên 2010

Tung cánh chim tìm về tổ ấm 

nơi sống bao ngày giờ đằm thắm 

nhớ phút chia ly, ngại ngùng bước chân đi 

luyến tiếc bao ngày xanh. 

Tha thiết mong tìm về bạn cũ 

nhưng cánh chim mịt mùng bạt gió 

vắng tiếng chim xanh ngày vui hót tung mây 

mờ khuất xa xôi nghìn phương 

Trên đường tha hương, vui gió sương 

riêng lòng ta mang mối nhớ thương 

âm thầm thương tiếc cho ngày về 

tìm lại đường tơ nay đã dứt 

Nghe tiếng chim chiều về gọi gió 

như tiếng tơ lòng người bạc phước 

nhắp chén men say còn vương bóng quê hương 

dừng bước tha hương lòng đau. 

Người ta kể lại rằng ngày ấy, bài hát này phổ-biến tới mức những chàng lính viễn-chinh Pháp đóng tại Hà-Nội cũng thích hát. Có lẽ họ không hiểu được lời hát, nhưng âm-điệu đã khiến họ rung động và chạnh lòng nhớ cố-hương chăng. Chẳng khác nào bản “Come Back to Sorrento” tức bản “Trở Về Mái Nhà Xưa” nổi tiếng của phương Tây cũng từng khiến chúng ta có cùng tâm-trạng.

Hình bìa bản “Mơ Hoa” của Hoàng Giác
Hình bìa bản “Mơ Hoa” của Hoàng Giác

Nói về nhạc tình của Hoàng Giác, xét từng lời ca lẫn nét nhạc những bản như “Mơ Hoa”, “Lỡ Cung Ðàn”, “Bóng Ngày Qua” của ông, không vượt lên trên tác-phẩm của những tác-giả nổi tiếng khác. Thế nhưng ai cũng thích hát, ai cũng thích nghe. Có lẽ vì nhạc tình của ông có một sự gần-gũi với đối-tượng thưởng-thức, nồng-nàn xúc-động nhưng không thảm-sầu bi-luỵ. Hình như nghe bản nhạc tình nào của Hoàng Giác người ta cũng có thể thấy chính mình ở trong đó, với những kỷ-niệm, những mơ-ước, những nỗi-niềm riêng. Nhưng vượt lên trên tình-tự quê-hương, tình người và tình yêu đôi lứa, các ca-khúc của Hoàng Giác còn cho thấy ông là một người có tâm-hồn mơ-mộng. Và đó cũng là nguyên-nhân khiến sau năm 1954 thực-tế phũ-phàng đã khiến ông không còn nguồn cảm-hứng để sáng-tác nữa. Tuy nhiên, cũng giống như trong trường-hợp của Tô Vũ, chúng ta cũng không nên đòi hỏi thêm ở nơi Hoàng Giác. Bởi người nghệ-sĩ nói chung, và nhạc-sĩ nói riêng, vào thời ấy họ sáng-tác vì lòng yêu nghệ-thuật, vì rung động thực sự trong tâm-hồn, chứ không phải vì lợi-nhuận, bổng-lộc hoặc danh-vọng hay địa-vị. Cho nên một khi không có cảm-hứng, nguồn nhạc cũng cạn theo.

Cô hái hoa tươi, hãy dừng bước chân 

Trên đường thầm xa, tôi nhắn cô em đôi lời 

Lòng không lưu luyến, sao đành cô lãng quên, 

Quên người gặp gỡ trong một chiều mơ. 

Chuông chiều ngân tiếng vấn vương lòng trông theo cô hái hoa, 

Bước đi bâng khuâng muôn ngàn sầu nhớ 

bóng mờ mờ xa. 

Tan giấc mơ hoa! 

Bóng người khuất xa, đôi đường từ đây 

Ai bước đi không hẹn ngày, 

Người tuy xa cách nhưng lòng ta khắc ghi, 

Bên đèn một bóng tháng ngày chờ mong 

Lưu luyến chi nhau, thêm sầu đớn đau 

Muôn trùng từ đây, trong gió sương thân giang hồ. 

Đường xa xa tắp ngại ngùng chân bước quên, 

Bên lòng thầm nhớ bóng hình người mơ. 

Trên đường xa vắng bóng ai mờ khuất 

lòng thêm vấn vương, 

Gió thông xa đưa reo buồn sầu nhớ 

tới người chiều xưa 

Cô hái hoa ơi! 

Mắt mờ đoái trông, sao đành thờ ơ 

Trong giấc mơ ta mong chờ, 

Dù hoa quen bướm âm thầm riêng có ta 

Hoa còn tàn úa tơ lòng còn vương

https://youtu.be/Kme7zGWO2XE

 

Nguyễn Văn Khánh

Hiện nay trong chúng ta không ai còn nhớ năm sinh của tác-giả bài “Nỗi Lòng”, mà cũng chẳng biết ông mất năm nào, trong trường-hợp nào. Nhưng trước năm 1954, ở Hà-Nội hầu như giới yêu nhạc ai cũng biết tới tên tuổi của Nguyễn Văn Khánh. Vì ông không chỉ là một nhạc-sĩ sáng-tác mà còn là một trong hai nhạc-sĩ nổi tiếng mở lớp dạy đàn Hạ-Uy-Cầm. Người kia là ông William Chan. Thời ấy sinh-viên học-sinh miền Bắc hầu như ai cũng biết đàn hai loại đàn căn-bản là Mandolin và Banjo. Nhưng nếu muốn lãng-mạn thì phải học thêm Hạ-Uy-Cầm. Và thường chỉ học vừa đủ để trổ tài cho các cô bạn học, các cô hàng xóm thưởng-thức. Chỉ có những người ôm mộng sáng-tác mới dám mon-men tới lớp nhạc của Hùng Lân, một bậc thầy về nhạc-lý và người đã có công thành-lập ca-đoàn Lê Bảo Tịnh của Công-Giáo năm 1945 tại Nam-Ðịnh.

Nhạc-sĩ Nguyễn Văn Khánh
Nhạc-sĩ Nguyễn Văn Khánh

Ðặc-biệt, Nguyễn Văn Khánh chơi đàn bằng tay trái. Xưa nay người ta thường nói rằng những người chơi đàn bằng tay trái nếu không phải thiên-tài thì cũng có năng-khiếu đặc-biệt—như Jimi Hendrix của Mỹ, Paul McCartney của Anh, hoặc Hồ Ðăng Tín của miền Nam sau này. Vì xuất-thân là một nhạc-sĩ chơi Hạ-Uy-Cầm nên phần lớn các sáng-tác của Nguyễn Văn Khánh cũng đều mang âm-hưởng ngọt-ngào, êm-ái của loại nhạc-cụ ấy. Về lời hát, dáng vẻ mộc-mạc, tự-nhiên trong các tình-khúc của ông có lẽ còn gần-gũi với người nghe hơn cả các ca-khúc của Hoàng Giác. Tính cho tới khi im tiếng vào năm 1954, Nguyễn Văn Khánh đã cống-hiến cho đời 5 bản tình-ca. Trong đó 3 bản “Nỗi Lòng”, “Nhạc-Sĩ Với Cây Ðàn” và “Chiều Vàng” đã được xem là những tác-phẩm để đời.

Yêu ai, yêu cả một đời 

Tình những quá khắt khe khiến cho đời ta 

Đau tủi cả lòng vì yêu ai mà lòng hằng nhớ 

Năm tháng trôi lạnh lùng hoài 

Tình đó nhắc nhở luôn đến ta tình ai 

Nhớ cả một trời 

Tình yêu kia mà lòng nào quên. 

Điệp khúc:

Lòng vẫn biết nếu yêu rồi một ngày 

Là đến với đớn đau 

Nhưng sao trong ta cứ vẫn yêu vẫn nhớ 

Dầu sao, dầu sao nếu có một ngày 

Một ngày ai reo tim ta 

Là tình yêu kia ly tan 

Và lòng vẫn thương vẫn nhớ 

Tình đó khiến xui lòng ta đau 

Rồi với bao ngày lặng lẽ sống 

Nỗi đau trong lòng người yêu vẫn yêu hoài. 

Yêu ai, ai hiểu được lòng 

Thầm kín những đớn đau với riêng lòng ta 

Ấp ủ lạnh lùng tình yêu kia mà người nào hay.

https://youtu.be/7k7NzH_1Plg

Trong giai-đoạn thành-lập và phát-triển của nền tân-nhạc Việt-Nam, tức là từ năm 1938-1954, hình như trong mỗi khoảng thời-gian ngắn lại có một tình-khúc nổi bật được ưa chuộng hơn hẳn những bản khác. Khởi đầu là “Biệt-Ly” của Doãn Mẫn, “Giọt Mưa Thu” của Ðặng Thế Phong, rồi tới “Cô Láng Giềng” của Hoàng Quý, “Bến Xuân” của Văn Cao. Sau “Cây Ðàn Bỏ Quên” của Phạm Duy tới “Em Ðến Thăm Anh Một Chiều Mưa” của Tô Vũ, và sau “Nỗi Lòng” của Nguyễn Văn Khánh là “Dư-Âm” của Nguyễn văn Tý.

Nguyễn Văn Tý, tác giả “Dáng Đứng Bến Tre”, tại Sài Gòn (2016)
Nguyễn Văn Tý, tác giả “Dáng Đứng Bến Tre”, tại Sài Gòn (2016)

Chúng ta không được biết nhiều về Nguyễn Văn Tý và các tác-phẩm của ông ngoài bản “Dư-Âm”. Và rất tiếc trong hai lần hiếm-hoi để cho một trung-tâm băng nhạc ở hải-ngoại phỏng-vấn, một lần vào năm 1995, một lần vào năm 2007, Nguyễn Văn Tý cũng đã không cho biết ngoài bản “Dư-Âm” được phổ-biến ông còn sáng-tác những bản nào khác. Ông chỉ cho biết hoàn-cảnh sáng-tác bản “Dư-Âm” là có thật.

Nhạc-sĩ Nguyễn Văn Tý thời thanh-xuân
Nhạc-sĩ Nguyễn Văn Tý thời thanh-xuân
Nguyễn Văn Tý cùng vị-hôn-thê Bạch-Lê (1952)
Nguyễn Văn Tý cùng vị-hôn-thê Bạch-Lê (1952)

Ðêm trăng ngày ấy, người đẹp xõa tóc bờ vai ôm đàn gửi tới ông những lời thề nguyền đẹp như muôn ý thơ. Vì thế dưới mắt người yêu nhạc có thể xếp Nguyễn Văn Tý vào hàng-ngũ những nhạc-sĩ chỉ ôm đàn một lần. Chỉ một lần, nhưng tác-phẩm ấy sẽ không bao giờ bị quên lãng.

Bà Bảy, nhân vật chính của bài “Dư-Âm”
Bà Bảy, nhân vật chính của bài “Dư-Âm”

Đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dìu muôn tiếng tơ 

Không gian trầm lắng như âu yếm ru ai trong giấc mơ 

Mái tóc nhẹ rung, trăng vờn làn gió 

Yêu ai anh nắn cung đàn đầy vơi đôi mắt xa vời 

Anh yêu tiếng hát êm như lời nguyền đẹp bao ước mơ 

Anh như lầu vắng em như ánh trăng reo muôn ý thơ 

Muốn nói cùng em đôi lời trìu mến…. 

Tim anh băng giá đang ngại ngùng câu năm tháng mong chờ 

Hẹn em từ muôn kiếp trước 

Nhớ em mấy thuở bạc đầu 

Anh đã âu sầu vì đường tơ vương vấn 

Em để cung đàn đưa anh về đâu? 

Dư âm tiếng hát reo lên trong lòng anh bao nhớ nhung 

Đê mê lòng nhớ đêm qua giấc mơ môi em hé rung 

Anh muốn thành mây nương nhờ làn gió 

Đưa anh tới cõi mơ hồ nào đây muôn kiếp bên nàng.

https://youtu.be/B7JY11Lf2BY

HN