Menu Close

Các bạn tôi trong xóm Giếng Bá Lế

Nói Giếng Bá Lễ thì dân Hội An, ai cũng biết. Tôi ở trong xóm Giếng Bá Lễ. Tôi xin kể chuyện về mấy đứa bạn trong xóm tôi cho các bạn nghe chơi. Tôi xin được gọi mấy đứa đó bằng “thằng”, “con”, vì là chuyện lúc còn nhỏ, hơn nữa, ngay cả hiện tại, đứa nào cũng trên sáu, bảy chục tuổi rồi mà gặp nhau vẫn cứ “mầy, tao”. Ấy là vì quen miệng chứ cũng chẳng phải tỏ tình thân ái gì. Gọi bạn thân bằng “anh” thì khó chịu cái lưỡi. Nếu không thân lắm thì gọi bằng “ông” là tạo một khoảng cách để đề phòng mấy ông bạn khó tính, đạo mạo. Lê Hữu Em, dân Quảng Nam, hễ cùng trường thì “mầy tao” tuốt tuột. Riêng đối với các bạn học nữ, tiếng “bà” thông dụng nhất. Bà nào mình có cảm tình thì (sau nầy, gặp nhau) gọi tên, để cứu vớt chút lãng mạn còn sót lại trong quả tim cằn cỗi! Có cảm tình nghĩa là lúc còn đi học, mình đã trồng cây si, chỉ “đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư” chứ chẳng dám tỏ tình, tỏ ý gì. Bây giờ gặp lại, tuổi đã về chiều, có nói ra, thì cũng như chuyện vui thời con nít, hơn nữa đến tuổi nầy, gần đất xa trời, có gì quan trọng nữa đâu ngoài cái quan tài mở nắp chờ mình bước vào nằm xuống (rồi đóng nắp lại)? Tôi còn dám kể với một nữ giáo sư rằng “Ngày xưa, cô đẹp lắm, bọn học trò con trai (trong đó có em) ngồi trong lớp, ngắm cô “đã đời”, nên chẳng biết cô giảng bài gì. Tụi em còn biết thầy nào “mê” cô nữa kia” Cô cười lắc đầu “Cô chẳng biết!” Than ôi, cô ngây thơ quá! Cô đã không để ý mà tự thưởng thức cái hãnh diện và thú vị của một thời con gái được nhiều người trồng cây si mình.

alt


Tranh: Thắm Nguyễn

Trở lại cái xóm giếng Bá Lễ của tôi. Xóm nằm trong hẻm Trần Hưng Đạo, thời xưa có tên là Kiệt Công Quán Cũ. Con hẻm nầy, rộng độ năm mét, dài chưa tới năm trăm mét, chạy từ đường Phan Chu Trinh qua đường Trần Hưng Đạo (thời Pháp thuộc là đường Công Quán, vì có trú sứ của công sứ Pháp). Nếu từ đường Phan Chu Trinh vào thì, bên tay mặt, đầu hẻm là nhà thầy Hoàng Trung, đến miếu Quảng An, đến vườn nhà cô Tống Nữ Bích Hà, đến giếng Bá Lễ trong vườn nhà thầy trợ Quít, đến nhà tôi (trong vườn nhà thờ tộc Lưu), cuối cùng là nhà bà Đốc Dõng và ra đường Trần Hưng Đạo. Phía bên trái là vách tường vườn nhà Vương Tử Hoàng, đến nhà ông Ba Râu rồi vườn nhà Lý Bình (các bạn tôi ở trong vườn nhà nầy). Tiếp theo là một số nhà, thay đổi chủ hoài nên tôi không biết rõ. Sau nhà thờ tộc Lưu, phía đường Trần Hưng Đạo là nhà Đỗ Đình Tân. Lúc còn tiểu học mà Đô Đình Tân đã biểu diễn cho tụi tôi xem hắn lộn mèo trên ba-rờ-phít (xà đơn), tụi tôi thì hít lên đến cây xà còn không nổi. Hắn còn bảo tụi tôi “Cứ đấm vào mặt tao, tao sẽ gạt ra. Cứ đấm, không sao cả” Tụi tôi đấm (tượng trưng thôi, sợ trúng mặt hắn), hắn xuống tấn, dùng hai tay gạt qua, gạt lại ra vẻ “võ thuật” lắm. Hắn còn có biệt tài vẽ vua Quang Trung cỡi ngựa, giống như trong Việt Sử. Vẽ sư tử với cái bờm to. Chẳng thấy sư tử thật bao giờ nhưng vẫn khen “Giống hệt!”.

Trước nhà tôi, trong xóm nhà Lý Bình, có Lê Trung Bòng, Hồ Ngọc Đa, Huỳnh Chi. Lý Bình người Tàu, biết chữ Việt chút chút vì chỉ học trường Tàu trong chùa Ngũ Bang. Lý Bình lớn tuổi, không chơi với tụi nhóc chúng tôi. Mấy đứa bạn thường vô xóm giếng Bá Lễ chơi có Nguyễn văn Tri, vô tập tạ và Trần Ngọc Đức vô “gò” con Sen. Sen là tên gọi trong nhà, đi học tên là Khánh Dung. Con nhỏ nầy đẹp nhất xóm. Thời đó, chưa có người Bắc di cư nên không có danh hiệu “con sen” để chỉ người giúp việc (mà chỉ gọi là “con ở”). Tên Sen cũng như tên Cúc, Ngọc Lan, Hồng… vậy thôi.

Chiều nào chúng tôi cũng tụ tập nhau để “tập tạ”. Tạ là hai cục xi măng, xỏ cây qua. Lần lượt, mỗi đứa nằm xuống cái ghế dài, đẩy tạ lên xuống một lúc thì buông ra, đứng lên, để tạ trên vai, đứng lên, ngồi xuống, ưỡn ngực, thở phì phò, năm bảy lần gì đó rồi nhường tạ cho đứa khác tập, sau đó dùng tay đo bắp thịt tay, bắp đùi xem lớn lên được chừng nào?

Tôi lười biếng, chỉ giỏi tán phét, đến lượt, tôi không đẩy tạ mà nằm ngửa, đưa hai chân lên xuống, gọi là “tập bụng”. Tập riết, trong khi các bạn tôi, bắp thịt cuồn cuộn, ngực như “hai cái bụ” thì tôi vẫn là con cò ma, ốm nhom, nhưng chỗ bụng có hai dãy bắp thịt, nổi lên đều đặn. Tôi có thể thót bụng, điều khiển hai dãy bắp thịt nầy chạy lên, chạy xuống, trông giống như bao tử trong bụng chuyển động vậy. Bây giờ thì bụng tôi thành thùng nước lèo, như đàn bà chửa! Trần Ngọc Đức nhà trước nhà đèn, lò dò vô xóm giếng Bá Lễ, không để tập tạ mà vì con Khánh Dung (con Sen). Tôi với con Khánh Dung thân nhau, nên Trần Ngọc Đức nhờ tôi chuyển thư tình. Tôi đưa ra hai điều kiện. Tôi phải đọc thư đó trước mới đưa cho con Khánh Dung. Thứ hai, mỗi lần đưa thư phải bày cho tôi một điệu ghi ta. Trần Ngọc Đức đánh đàn rất hay, nó thường tham gia ban nhạc, ra Đà Nẵng, ca hát cho lính Mỹ trong phi trường giải trí. Tôi mua một cây đàn ghi ta cũ, đem về đánh giấy nhám, mua vẹc ni sơn lên, trông như mới. Thư đưa qua lại nhiều nên nó dạy tôi biết gần hết các nhịp điệu ghi ta. Xách xách thùng, xách xách thùng là điệu valse. Xách xách, xách bùm bum, xách xách, xách bùm bum là tango (?)…

Nhân chuyện đánh đàn, tôi nhớ đến thầy dạy nhạc Huỳnh Nhâm. Thầy giỏi nhạc lý là đương nhiên, đánh đàn cũng hay, nhưng có lần thầy mang cây ghi ta vào lớp để tập hát cho học trò, đàn của thầy có lẽ bị bể hay sao đó mà thầy đánh lên nghe rè rè, rẹt rẹt, lũ đệ tử vừa cười vừa hát vừa nói “Thầy gõ thùng thiếc tụi bây ơi!” Trở lại chuyện Trần Ngọc Đức. Sau nầy, hai đứa nó được gia đình hai bên chấp thuận nên chúng công khai chuyện trò, không cần tôi đưa thư nhưng Trần Ngọc Đức vẫn nhớ ơn tôi nên mỗi khi đưa em đi xi nê về là nó khai hết với tôi, đã làm gì em. Một lần, tôi hỏi mãi mà nó không chịu kể, sau mới nói “Em bị kẹt”. Khi tôi vô Sài Gòn thì hai đứa cưới nhau, sinh một bầy con. Sau nầy, có lần về Việt Nam, thăm vợ chồng nó thì Trần Ngọc Đức bị bị strock, ngơ ngơ, ngác ngác! Về Hồ Ngọc Đa, là nhân vật rất đáng kể ra đây. Hắn có trí nhớ tốt nhưng không biết suy luận.  Quyển toán Đặng Sĩ Hỉ, hắn thuộc lòng, thuộc cả bài giải, biết bài số mấy, đáp số ra sao, nhưng nếu đổi một con số trong một bài toán nào đó thì hắn chịu thua, không cách nào giải ra. Ví dụ. Một tam giác đều, mỗi cạnh 5 mét, nếu ta sửa thành 4 mét 50 là hắn bí, không biết bài đó nằm chỗ nào trong sách, cách giải ra sao?! Hồ Ngọc Đa có cha tên Hồ Ngọc Thể. Thời đó, vô phước cho đứa nào để tên cha mẹ cho đứa khác biết là khi gây lộn, đối phương đem tên cha mẹ bên kia ra chửi. Ngay cả khi không gây lộn, chúng thấy Hồ Ngọc Đa từ xa đã kêu lên “Tổ cha anh Hồ Ngọc Thể!” rồi bỏ chạy, có khi chửi “Tổ cha anh Hồ Ngọc Hành!”. Hồ Ngọc Đa tức lắm mà không biết làm gì vì nó chạy mất tiêu, chỉ rình khi đối phương vô ý, đến nện cho một bạt tai, vậy là đánh nhau, vật nhau. Chúng bạn đứng xem, vừa vui vừa hồi hộp, mong cho “phe ta” thắng. Thường thì hai bên đều “lỗ mũi ăn trầu”, mệt quá thì không đánh nhau nữa, chứ chẳng đứa nào can ra. Hồ Ngọc Đa có tài đánh bóng bàn. Tối lại, hắn qua rủ tôi theo hắn đi đánh bóng bàn ăn tiền. Nhà một ông người Tàu trên đường Nguyễn Thái Học, gần Chùa Cầu có cho thuê bàn bóng bàn. Hắn thường gạ những đứa đánh dở để kiếm tiền, với người đánh hay hơn, hắn nói khích rồi đòi chấp. Hễ kiếm đủ tiền cho hai đứa đi ăn phở Liến là hắn ngưng. Chúng tôi còn rủ mấy cậu học trò ở quê lên trọ học bên xóm bà đốc Dõng đánh cát tê ăn tiền. Trước khi đánh bài, chúng tôi “thông đồng” với nhau cách ra dấu để biết phe ta có những con bài nào lớn. Hễ đối phương đánh bài xuống là tìm cách “vật” rồi đánh con bài phe ta có để chỉ còn hai đứa tôi “chưn, bắt” với nhau, nghĩa là tôi với hắn ăn thua gì cũng là phe ta cả. Khi đủ tiền đi phở Liến là chúng tôi ngưng chơi. Về Lê Trung Bòng thì chúng tôi thân nhau từ nhỏ. Thời còn tiểu học, học trường Ông Voi, tôi có chiếc áo đi mưa bằng vải phủ cao su, của lính Pháp, nặng trịch. Khi trời mưa, hai đứa che chung áo mưa đó. Miền Trung, hễ mưa là có gió, nên khi đến trường hai đứa ướt mem. Tôi còn nhớ, Lê Trung Bòng, thời đó, là đứa duy nhất trong xóm có quần Tết bằng vải Dacron, là sợi hóa chất. Hắn biểu diễn bằng cách vò ống quần cho nhăn rồi vuốt một cái, ống thẳng băng như mới ủi. Tụi tôi thì chỉ được quần ka ki xanh, áo phin trắng, mặc Tết và mặc đi học. Ngày Tết, chúng tôi còn một ước ao nữa là đôi giày. Chúng tôi thường lảng vảng trước tiệm giày Đồng Lợi, ngắm nghía những đôi giày mẫu rồi về xin tiền đi đóng giày mang Tết. Thường là giày quai chéo, đế ca rếp (cao su), sang hơn nữa thì giày “rọ heo” (nhiều quai hơn), đế cuir (da), dưới có đóng đinh, đi nghe cộp, cộp, oai lắm. Trong xóm nhà Lý Bình, góc vườn có nhiều cây dừa rất sai trái mà chủ chẳng hái. Lê Trung Bòng rủ tôi hái trộm. Tối đến hắn leo lên, hái dừa, ném xuống. Trước khi ném dừa, hắn nhổ nước miếng xuống, nghe “tách” một tiếng thì tôi huýt gió, hắn biết an toàn, ném dừa xuống, nếu tôi (núp trong bóng tối) mà làm thinh, hắn biết là có người, yên lặng chờ. Dừa hái được, chúng tôi giấu trong bụi cây. Giờ ra chơi, chúng tôi rủ các bạn, đứa nào muốn ăn dừa thì theo tụi tôi ra văn phòng, lấy sổ ghi tên đi bịnh viện, nhưng đi thẳng về xóm giếng Bá Lễ, chặt dừa ra ăn với nhau. Trường Trần Quí Cáp gần giếng Bá Lễ. Có ham ăn mà vô lớp trễ cũng không sao, cứ thưa với thầy, cô là “Tụi em đi khám bịnh”. Quý bạn, ở Mỹ, đọc đến đây có lẽ ngạc nhiên, dừa, có gì ngon mà rủ nhau đi hái trộm, rủ nhau ăn. Mấy đứa con nhà giàu thì ăn gì chẳng có, chúng tôi con nhà nghèo, các bạn cùng lớp, ở quê lên trọ học, cũng nghèo, tuổi ăn học, đói bụng thường xuyên, ăn gì cũng ngon. Tôi biết, có đứa ở quê lên trọ học, chỉ đem gạo và hũ mắm nêm (mắm cái), ăn hết, về nhà đem tiếp. Khi tụi tôi “nhổ giò” (phát triển), đứa nào cũng làm ra vẻ “ta đây” là người lớn. Tụi tôi kiếm tiền đi uống cà phê nghe Thanh Thúy hát nhạc Trúc Phương và… tập chửi thề. Cà phê thì ít khi có tiền, nhưng chửi thề thì không bỏ được, mở miệng ra thì chửi trước hai tiếng rồi mới nói. Về sau, cũng quen miệng chửi thề với con gái như thế khiến các cô nàng tránh xa. Chúng tôi khuyên nhau không chửi thề nữa. Từ đó, hễ đứa nào mở miệng chửi thề thì đứa kia có quyền tát một bạt tai. Nhờ vậy chúng tôi bỏ được chửi thề.

Giếng Bá Lễ nằm trong khuôn viên vườn thầy trợ Quít, là anh hay em gì đó với thầy trợ Cam. Ngày xưa anh chị em trong gia đình thường có tên trái cây như gia đình thầy trợ Cam, như gia đình Lê Trung Bòng, có chị tên Chanh, có cô em tên Bưởi (hiện ở Arizona). Nghe nói nhà thầy trợ Quít có ma, ai thuê ở ít lâu cũng dọn đi. Tôi còn nhớ, trong vườn nầy có nhiều cây ăn trái như vú sữa, ổi… Tôi thích chui rào qua hái ổi trộm. Một lần, tôi trèo lên cây ổi, hái ăn chán chê, khi tụt xuống, vừa đến đất, tôi nghe tiếng hộc của con chó trong nhà xồ ra, tôi chạy quýnh, phóng qua hàng rào kẽm gai, về nhà. Hôm sau, tôi lấy thước đo chiều cao của hàng rào kẽm gai đó, giăng dây nhảy thử, không bao giờ tôi vượt qua!
Lúc tiểu học, tụi tôi học thầy trợ Cam, trường Ông Voi. Nhiều lần thầy bảo tôi lên nhà thầy, phía trên Chùa Cầu, giúp thầy gì đó, rồi được ăn cơm chay (gia đình thầy ăn chay trường). Thầy có cô con gái, tôi hỏi “Chị tên chi (tên gì)?” Chị cười “Chị tên Chi!” tôi hỏi nữa, chị cũng trả lời như vậy. Sau đó mới biết chị tên là Chi. Tôi còn nhớ chị rất xinh và vui. Khoảng năm 1958 thì phải, Việt Minh đánh Hội An. Không biết tên chỉ điểm nào chỉ bậy, nhà thầy bị Việt Minh ném lựu đạn, không ai bị gì nhưng thầy dọn nhà đi ở chỗ khác.

Có thể nói, Hội An được thổ thần, đất đai phù trợ nên con trai Hội An vào quân đội đều an toàn, trừ Khưu Vĩ Hoàng. Sau chiến tranh, chúng tôi tản lạc khắp nơi trên thế giới, thỉnh thoảng về Cali. hoặc tiểu bang nào đó họp mặt Trần Quí Cáp. Gặp lại, đứa nào cũng già ngắt, tóc bạc phơ nhưng cũng có đứa không thay đổi, vẫn trẻ như Trần Văn Căn, Mạc Phi Hoàng… Có đứa lạ hoắc, tướng bậm trợn, nhìn không ra như Nguyễn Hồng Hà, Nguyễn Tấn Hòe. Quý bà thì dung nhan mùa hạ có sút giảm chút ít nhưng vẫn còn đẹp. Không biết có “tân trang” không chứ nhiều bà trông như con gái! (xin quý ông thông cảm, phải khen, quý bà mới cười. Ông nào chê vợ là chơi dại!) Cố thủ ở Hội An, hiện nay còn rất ít, xóm giếng Bá Lễ còn Huỳnh Chi, Khánh Dung. Lê Trung Bòng về quê làm ruộng? Trần Ngọc Đức, Nguyễn văn Tri, Lý Bình bị đứt gân máu. Hồ Ngọc Đa nghe nói sống trên Ban Mê Thuột. Nhiều bạn sống nghèo nhưng sống lâu vì không bị cà rôn (cholesterol) ám hại.

Đọc đến đây tôi biết là bạn đã chán rồi. Tôi xin được lạc đề qua chuyện vườn nhà thầy trợ Quít. Chuyện nầy chỉ có sử gia Trần Gia Phụng xác nhận đúng sai. Có một thời thầy Hồ Đắc Cần ở (thuê) nhà thầy trợ Quít. Có lẽ thầy Hồ Đắc Cần có bà con với cụ thượng thư bộ Học kiêm Cơ Mật Viện Hồ Đắc Trung nên tôi lang thang qua chuyện cụ Cụ Hồ Đắc Trung, chuyện nầy lại liên quan đến hai nhà cách mạng Quảng Nam chống Pháp. Đó là ông Thái Phiên người làng Hòa Phát, Cẩm Lệ, Đà Nẵng và ông Trần Cao Vân người làng Tư Phú, tổng Đa Hòa, huyện Điện Bàn. Hai ông cùng với các nhà cách mạng Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên phát động phong trào chống Pháp…

Ngày 3 tháng 5 năm 1916 ông Trần Cao Vân và ông Thái Phiên rước vua Duy Tân rời kinh đô ra Quảng Trị nhưng đến ngày 4 tháng 5 năm 1916 thì bị Pháp bắt ở chùa Ngũ Phong, thôn An Cựu, Tây Nam Huế. Để bảo toàn chân mệnh Thiên tử, hai ông gửi thư cho quan Thượng thư kiêm Cơ Mật Viện xin kết tội hai ông để nhà vua được bảo toàn. Bức thư đó có đoạn viết.

“Trung là ai? nghĩa là ai? cân đai võng lọng là ai? Thà để cô thần tử biệt. Trời còn đó, đất còn đó, xã tắc sơn hà còn đó. Mong cho Thánh Thượng an toàn”.

Bấy giờ, thực dân Pháp ép Hội Đồng Nhiếp Chính Nam Triều buộc hoàng đế Duy Tân tội “phản bội”. Hội đồng cử ông Hồ Đắc Trung làm chánh án. Ông Hồ Đắc Trung lại tuyên bố nhà vua không có tội vì trẻ tuổi, bị xúi giục. Vua Duy Tân bị Pháp đày sang đảo Reunion. Các ông Thái Phiên, Trần Cao Vân, Tôn Thất Đề, Nguyễn Quang Siêu bị xử chém.

Chuyện kể rằng ngày 17 tháng 5 năm 1916, các vị anh hùng bị xử trảm ở cửa An Hòa, phía bắc (ngoài) thành nội Huế. Lúc ông Thái Phiên bị chém đầu, máu tuôn xối xả thì bà vợ là Nguyễn thị Băng, mặc đồ tang trắng, nhào ra ôm cứng xác chồng, lính lôi ra thì bà dùng mái tóc đẫm vào máu chồng. Từ đó, bà không gội đầu, để máu đóng khô trên tóc. Bà bịnh, không chịu uống thuốc để sớm được gặp chồng ở bên kia thế giới.

Bọn cướp nước nào cũng tàn ác như nhau, chỉ khổ cho những bà mẹ, bà vợ.

PTC