Menu Close

Quà cứu trợ

Khi tôi viết những dòng này thì nhận được thông tin cảnh báo: lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng từ Quảng Trị đến Ðà Nẵng. Ngày hôm nay có mưa to và rất to, mực nước sông Thu Bồn tại Câu Lâu trên mức báo động 2 và dao động theo sự điều tiết của hồ thủy điện. Các sông khác ở Quảng Nam nước lên nhanh. Bão số 14 đang suy yếu dần.

Trong 2 tuần có đến 3 trận bão đi qua, để lại không biết bao nhiêu di chứng, hậu quả nặng nề cả về người và của. Tại khu vực miền Trung, bão tiếp bão, lũ chồng lũ. Việt Nam là quốc gia dễ bị tổn thương trước những rủi ro liên quan đến thời tiết và tác động của biến đổi khí hậu. Chỉ một trận áp thấp nhiệt đới mà mưa, bão, lũ đã cướp đi sinh mạng hàng trăm con người, và thiệt hại về tài sản thì cũng thật khủng khiếp. Chỉ riêng Khánh Hòa con số người chết lên đến 106 (chưa tính đến số thuyền nhân mất tích trên biển do đắm tàu không tìm vớt được). Khánh Hòa cũng là nơi tâm bão đi qua, hơn 30,000 ngôi nhà bị sập và tốc mái, tổng thiệt hại lên đến 7,000 tỷ đồng.

Biến đổi khí hậu dẫn đến những hiện tượng thời tiết cực đoan, và diễn biến thì khó lường, khó dự báo hơn. Còn những đau thương, mất mát chất chồng. Trong khi đó thì thiên tai năm sau lại nhiều còn hơn năm trước, khốc liệt hơn.

Nước rút đi để lại cảnh nhà đổ, vườn ngập, rau đậu chết úng, cây cối trong vườn đọng một lớp bùn bị nắng gió làm khô cứng. Mọi người tất bật dọn rửa nhà, nhặt nhạnh những gì còn sót lại. Cây trong vườn bị bùn non phủ kín. Nhưng Trời cũng còn bù lại chút đỉnh, sau cơn bão lũ vài ngày thì thường có mưa, người ta gọi là “mưa đền cây,” hoặc “mưa dội bùn” đó là những trận mưa rào xối xả, nước ào ạt chảy qua. Sau một hai trận mưa như thế, bùn đất đọng trên lá, trên cành theo nước mưa trôi đi. Ðể cây xanh tươi thắm, hồi sinh trở lại. Và hàng cứu trợ đã tới.

Cây lá được mưa rửa sạch, hồi sinh sau lũ đọng. Ảnh của Lê Thu Thùy
Cây lá được mưa rửa sạch, hồi sinh sau lũ đọng.
Ảnh của Lê Thu Thùy

Ngày đầu tiên sau lũ, tôi nhận được thông báo ra Ủy ban Nhân dân xã nhận quà cứu trợ. Hôm đó phần của gia đình tôi là 1 chai nước mắm, 1 gói trà và 1 gói mì chính. Tuần sau tôi lại được vào diện ưu tiên, chỉ những ai nghèo nhất mới được bên Quân đội tặng thêm 1 yến gạo. Cả đoàn xe nhà binh và hàng chục anh lính vác gạo về cứu trợ. Thế nhưng hỡi ôi! Khi mang bao gạo 10kg về nhà, khui bao, thì lũ sâu mọt trong gạo bò lổm nhổm. Cha nhăn nhó vẫn không quên nhắc tôi đừng cười to, ông sợ người ta thấy mình chê gạo xấu lần sau họ cắt khẩu phần, không giúp, và có trời mới biết lần sau lại bão lụt lớn, có còn gì sót lại cho mình không? Lúc đó thì gạo mục, gạo mốc cũng không có mà ăn!

Mấy ngày đầu tuần tôi theo nhóm từ thiện của các bạn trẻ trong đó có 3 chàng trai từng là học sinh cũ trường Duy Xuyên. Các bạn giờ đây đang làm việc ở Ðà Nẵng. Dù đồng lương eo hẹp, mỗi bạn vẫn bớt một phần lương, có bạn dành cả tháng lương ủng hộ đồng bào bão lụt. Huỳnh là một thanh niên xông xáo, đang làm việc tại FPT. Trong suốt tuần đầu sau bão Damrey, anh cùng các thành viên trong nhóm từ thiện Tâm Hạnh Nguyện kêu gọi anh chị em bè bạn trong và ngoài nước làm từ thiện. Nhóm đã vận động được 100 triệu đồng. Chiều 16/11/2017 họ đến thăm bà con vùng rốn lũ từ Ðiện Bàn đến Ðại Lộc, nhiều gia đình nghèo, nhà cửa xiêu vẹo, bị sạt lở, có nhà bị sập, hư hại nặng, cũng có nhà có gác để tránh lũ lụt nhưng vẫn đối diện với nguy cơ bị lũ cuốn trôi, móng nhà đã bị nước đào sâu chỉ còn trơ khung. Khi chúng tôi đến trước ngôi nhà của chị Phạm Thị Xao (thôn 4 xã Ðại An, Ðại Lộc), ngôi nhà sập mới kịp che chắn vài tấm phên, tấm ván, mái tôn rách nát, xiêu vẹo. Phải dỡ tấm phên tre rách mới chui vào được, bên trong xập xệ, tối mù. Có một chị chồng chết trong lũ, đầu đội khăn tang, một mình với 5 đứa con thơ dại, gia cảnh thê lương, có gia đình cùng lúc 2 con nhỏ chết do té nước, có nhà neo đơn cô con gái nhỏ phải lo chôn cất mẹ vừa qua đời trong lúc lũ ngập nhà… tang thương đóng dấu trên khuôn mặt của các cụ già, các em bé, và những phụ nữ xanh xao. Nhìn ai cũng thấy nét thảng thốt, mệt mỏi và lo âu vì những khó khăn chồng chất phía trước.

Nhóm từ thiện của Tâm Hạnh
Nhóm từ thiện của Tâm Hạnh

Tôi nhìn nhóm từ thiện của Huỳnh và Tâm Hạnh chia quà cho bà con mà lòng day dứt, của ít lòng nhiều nhưng nạn nhân thì đông mà quà thì có giới hạn: ngoài mỗi phần đóng gói trị giá 500,000đ gồm: Mùng, mền, đèn pin, bóng đèn, ủng lội nước, dầu gió, mắm, muối, các bạn trẻ đã hỗ trợ thêm cho các hộ tiền mặt từ 1.500.000đ – 3.000.000đ tùy theo hoàn cảnh cụ thể. Tôi biết những bạn trẻ này vừa mới ra trường, vài bạn chưa có việc làm, có bạn mua xe máy trả góp còn nợ vậy mà vẫn tình nguyện góp thêm từ vài ba trăm đến 1 triệu gọi là gởi gắm chút lòng nhân ái đến xoa dịu bớt nỗi đau, nỗi khốn khó mà bà con phải đối mặt.

Những quả núi lở đổ ầm xuống vùi lấp nhiều ngôi nhà, khiến hàng chục người bị chôn sống. Các xã miền núi huyện Ðại Lộc, Trà Mi đang đối mặt với tình trạng sạt lở ngày càng nặng nề và bất thường. Thật xót lòng khi nhìn thấy những dáng người liêu xiêu đang loay hoay quanh ruộng quanh vườn, sửa lại mái nhà, bức tường, cào dọn các lớp bùn non. Ðôi chân tôi suốt tuần qua ngâm ngập trong nước bạc, giờ đây tấy đỏ, bong da, nước ăn chân loang lổ, đau ngứa. Cái thứ nước bạc mỗi mùa nước lụt dâng lên ngập xóm ngập làng thì làm sao để bàn chân khỏi lở loét?

 Bà con vùng lũ nhận quà cứu trợ.
Bà con vùng lũ nhận quà cứu trợ.

Khi nước rút đi phơi ra nhiều đoạn đường bị xói lở, nứt toác, hư hỏng, ổ gà, sụt lún, những đám hoa màu xơ xác, gãy đổ, tiêu điều. Ðám bắp nhà tôi chỉ còn trơ trọi gốc, ruộng vườn chỉ thấy đọng màu nâu của bùn.

Chiều nay nước lại tràn qua ngõ, tôi phải lỡ cuộc hẹn tham gia với các bạn trẻ Ðà Nẵng đang tổ chức đi cứu trợ ở vùng miền núi Trà My vào sáng mai Chủ Nhật.Hoàng nhóm trưởng cho biết nhóm quyên góp được gần 50 triệu đồng. Của ít lòng nhiều, các bạn lại xông pha mưa gió đến với những mảnh đời bất hạnh.

Cha tôi giữa đám bắp vườn nhà chỉ còn trơ trọi gốc sau bão lũ. Ảnh của Lê Thu Thùy
Cha tôi giữa đám bắp vườn nhà chỉ còn trơ trọi gốc sau bão lũ. Ảnh của Lê Thu Thùy

Như một quy luật, sau thiên tai bão lụt là cứu trợ, sau cứu trợ là có… tham nhũng, tham ô, ăn chặn. Tiền quà cứu trợ vào nhà cán bộ, ít nhiều theo chức vụ, dân nghèo chỉ nhận được muối, mì ăn liền và gạo mốc. Trường hợp bà kế toán Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Phước Huỳnh Nguyễn Quế Trâm nuốt 6.1 tỷ đồng bằng cách giả mạo chữ ký và lấy danh nghĩa ông Trần Văn Gôm – Chủ tịch MTTQ tỉnh Bình Phước về việc thuận chủ trương chi tiền từ nguồn cứu trợ lũ lụt để ủng hộ các tỉnh bị thiên tai do bão lũ. Ðến bây giờ công an vẫn không điều tra nổi bà Trâm ăn một mình hay còn bạn đồng hành.

Huỳnh Nguyễn Quế Trâm.
Huỳnh Nguyễn Quế Trâm.

Có những tai to mặt lớn chỉ chờ thiên tai bão lụt để kiếm chác.

LTT