Menu Close

Jerusalem giữa hai lằn tranh chấp

Năm 1995, một đạo luật được quốc hội Mỹ thông qua yêu cầu dời Toà đại sứ Hoa Kỳ ở Israel từ Tel Aviv về Jerusalem. Tuy nhiên, trải qua các đời Tổng thống sau đó, từ Bill Clinton đến George W. Bush và Barack Obama, chính phủ Mỹ vẫn tiếp tục ký những sắc lệnh hành pháp để trì hoãn việc dời Toà đại sứ. Một trong những lý do chính là người ta lo ngại bạo động có thể xảy ra đưa đến những bất lợi trong tiến trình đàm phán để đạt được một thoả thuận hoà bình giữa Israel và người Palestine.

jerusalem-giua-hai-lan-tranh-chap
Đền Mái Vòm Đá (Dome of the Rock) tại Jerusalem – nguồn Sky News

Hôm Thứ Tư 6/12, Tổng thống Donald Trump đã quyết định đảo ngược chính sách đó của Hoa Kỳ từ nhiều thập niên nay và công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Quyết định này đã làm cho hầu hết các quốc gia Ả Rập và Hồi giáo trên thế giới nổi giận, đồng thời nhiều quốc gia đồng minh phương tây của Hoa Kỳ cũng đã lên tiếng phản đối, kể cả cá nhân Ðức Giáo hoàng Francis.

Tổng thống của Thẩm quyền Palestine là Mahmoud Abbas lên tiếng cho rằng Hoa Kỳ đã tự ý từ bỏ vai trò trung gian trong nỗ lực mang lại hoà bình cho khu vực. Một số tổ chức và đảng phái của người Hồi giáo đã kêu gọi một cuộc tổng đình công và biểu tình, thậm chí tổ chức Hamas của người Palestine kêu gọi phát động nổi dậy. Nhưng cho đến hôm Thứ Bảy, một ngày sau những buổi cầu nguyện trong ngày Thứ Sáu của tín đồ Hồi giáo, vẫn chưa có một cuộc biểu tình lớn nào xảy ra, tuy đã có một số cuộc biểu tình quy tụ khoảng vài ngàn người, từ Iran cho đến những khu vực xa xôi hơn như Nam Dương và Mã Lai Á, nhưng được cho là không nghiêm trọng. Thậm chí ngay tại Jerusalem tình hình cũng có vẻ yên lặng, và mặc dù trong mấy ngày qua, những đoàn phóng viên quốc tế đã đổ về đây chờ đợi một điều gì đó có thể bùng nổ.

Sau khi tuyên bố độc lập năm 1948, Israel kiểm soát phần phía tây của Jerusalem trong khi Jordan kiểm soát phần phía đông. Tuy nhiên, trong Cuộc chiến Sáu Ngày vào năm 1967, quân đội Israel đã chiếm giữ nhiều phần đất của người Palestine, trong đó có vùng Tây Ngạn (West Bank) và dải Gaza. Israel cũng chiếm luôn phần nửa phía đông của Jerusalem, nơi khu vực thành cổ với những thánh địa như Bức tường Than khóc (Western Wall), Nhà thờ Phục sinh (hay Nhà thờ Mộ Thánh – Church of the Holy Sepulchre) và Ðền thờ Aqsa. Ðây là những thánh địa linh thiêng của các tín đồ Do Thái giáo, Ki Tô giáo và Hồi giáo.

Trong 50 năm kể từ sau Cuộc chiến Sáu Ngày, Israel đã ngày càng củng cố việc chiếm giữ vùng Tây Ngạn và Ðông Jerusalem, xây dựng những khu định cư của người Do Thái trên phần đất họ chiếm được. Năm 1980, quốc hội Knesset của Israel đã đơn phương tuyên bố tất cả khu vực Jerusalem – trong đó có Ðông Jerusalem và nhiều thị trấn của người Palestine sống gần đó – là thủ đô của Israel.

jerusalem-giua-hai-lan-tranh-chap2
TT Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel – nguồn NBC News

Ðể có thể biến lời tuyên bố thành hiện thực, trong suốt thời gian 50 năm qua, chính phủ Israel đã đưa khoảng 208,000 người định cư Do Thái vào khu vực Ðông Jerusalem, trong khi âm thầm tìm cách di chuyển những cư dân Palestine ra ngoài.

Ðối với Liên Hiệp Quốc, cho đến nay, việc chiếm đóng này vẫn còn bị coi là bất hợp pháp. Và đó là lý do mà không một quốc gia bang giao với Israel có ý định di chuyển toà đại sứ của họ từ Tel Aviv về Jerusalem – cho đến khi Tổng thống Trump tuyên bố ý định này trong tuần qua.

Hiện nay, Tel Aviv vẫn là thủ đô chính thức của Israel, nhưng từ lâu nay chính phủ nước này đã xem Jerusalem như là thủ đô không chính thức của họ với tất cả những sinh hoạt chính trị quan trọng đều tập trung về đây, trong đó có thể kể đến văn phòng của Thủ tướng, Bộ Ngoại giao, Quốc hội và Tối cao Pháp viện đều đặt tại đây. Do đó, điều này cũng có nghĩa là hầu hết các hoạt động ngoại giao của nước Mỹ ở Israel cũng diễn ra tại Jerusalem.

Jerusalem, một trong những thành phố cổ nhất trên thế giới, đã được chính thức chia ra làm hai phần, một nửa thuộc Israel và nửa khác thuộc Palestine trong gần 70 năm qua kể từ khi người Do Thái trở về lập quốc và tuyên bố độc lập năm 1948. Với bề dày lịch sử hơn 5,000 năm, đã có những thời kỳ mảnh đất này đã qua tay đổi chủ nhiều lần.

Cả Israel và Palestine đều nhận chủ quyền trên mảnh đất rộng 125 cây số vuông này và là lý do đưa đến những xung đột, đôi khi đẫm máu, trong suốt mấy chục năm qua. Tuy nhiên, việc nhận chủ quyền cũng liên quan đến tôn giáo của họ, và cả Israel lẫn Palestine đều công nhận Jerusalem là đất Thánh.

Jerusalem giữ một vai trò hết sức đặc biệt về văn hoá với ba tôn giáo lớn là Do Thái giáo, Ki Tô giáo và Hồi giáo, cả ba đều có mối quan hệ sâu đậm đến thành phố cổ này, và trong mấy ngàn năm qua, tín đồ của mỗi tôn giáo trên đã từng có những thời kỳ kiểm soát hoàn toàn hay một phần của thành phố. Khoảng 1,000 năm trước Công nguyên, vua David đã chiếm vùng đất Jerusalem và cho xây dựng thủ đô của vương quốc Israel, và đây cũng là nơi con của David là Solomon cho xây đền thờ đầu tiên. Hai thiên niên kỷ sau đó, Jerusalem đã đổi chủ nhiều lần; đặc biệt là trong thời kỳ thập tự chinh, khi đoàn quân thập tự của người Ki Tô giáo chiếm được những khu vực của người Hồi giáo và hoàn toàn kiểm soát thành phố. Khoảng thời gian từ 1517 đến 1917, đế quốc Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ) với tôn giáo chính là Hồi giáo đã cai trị thành phố này cho đến khi bị người Anh chiếm đóng trong khoảng 30 năm trước khi trao trả lại một phần cho người Do Thái.

Thánh kinh của Do Thái giáo đã nhiều lần nói đến Jerusalem. Theo truyền thuyết của người Do Thái, đây là nơi mà tổ phụ Abraham của họ đã mang người con trai là Isaac đến để hiến tế cho Thượng đế. Theo Sách Ðệ nhị luật (Book of Deuteronomy) của Do Thái giáo, sau này, người cháu nội của Abraham là Jacob được hiển linh rằng Jerusalem là “phần đất mà Thượng đế sẽ chọn trong tất cả các bộ tộc để làm nơi dựng danh Ngài.”

Theo kinh Quran, vào thế kỷ thứ bảy sau Công nguyên, Jerusalem là nơi cuối cùng tiên tri Muhammad đã viếng thăm trước khi thăng thiên để được gặp Thượng đế. Trong truyền thuyết, tiên tri Muhammad đã được con thú Buraq thần thoại đưa từ Mecca bay về Jerusalem trong một đêm.

jerusalem-giua-hai-lan-tranh-chap1
Khu vực Thành Cổ (Old City) – nguồn BBC.news

Chuyến du hành trong đêm và cuộc đối thoại với Thượng đế là hai sự kiện quan trọng trong đạo Hồi. Trong chuyến du hành đêm, Muhammad đã được thanh tẩy để chuẩn bị cho cuộc hội ngộ cùng Thượng đế. Trong cuộc hội ngộ nơi thiên đàng, Thượng đế đã phán bảo Muhammad hãy học thuộc các câu kinh và phải cầu nguyện 50 lần một ngày. Tuy nhiên, Muhammad đã xin Thượng đế giảm xuống năm lần một ngày, và đó là số lần mà nay các tín đồ Hồi giáo phải cầu nguyện trong ngày.

Muhamad tin rằng công cuộc truyền đạo của ông là sự tiếp nối của Do Thái giáo và Ki Tô giáo của tổ phụ Abraham. Còn một chuyện nữa là trong truyền thuyết của đạo Hồi, người ta được tiên tri rằng Jerusalem sẽ đóng một vai trò quan trọng và là một trong những thành phố mà ngày tận thế sẽ xảy ra.

Ngày tận thế chưa xảy ra ngay lúc này nhưng lời tuyên bố của Tổng thống Trump chắc chắn sẽ tạo thêm căng thẳng đã có sẵn trong khu vực từ nhiều năm qua. Quyết định của TT Trump công nhận Jerusalem lẽ đương nhiên được Thủ tướng Benjamin Netanyahu của Israel ca ngợi, nhưng đã gặp sự phản đối của nhiều nguyên thủ khác trên thế giới. Theo sự nhận định của một số phân tích gia, quyết định trên có thể không có lợi trên mặt ngoại giao quốc tế, nhưng đổi lại, Trump sẽ làm hài lòng những cử tri ủng hộ ông, trong số đó có rất nhiều những cử tri thuộc thành phần tín đồ Ki Tô giáo bảo thủ.

Kết quả một cuộc thăm dò của viện nghiên cứu Pew năm 2014 cho biết có tới 82 phần trăm tín đồ Ki Tô giáo bảo thủ da trắng ở Mỹ tin rằng Thượng đế đã ban phần đất Israel cho người Do Thái, trong khi chỉ có 40 phần trăm người Mỹ gốc Do Thái tin như vậy.

Trong các cuộc đàm phán giữa Israel và Palestine, cả hai bên đều đòi lấy Jerusalem làm thủ đô tương lai của họ và không bên nào chịu lùi bước. Ðó là lý do “giải pháp hai quốc gia” trong nỗ lực mang lại hoà bình cho khu vực đã gặp từ hết thất bại này đến thất bại khác.

Theo nhận định của giáo sư Maha Nassar, một học giả gốc Palestine chuyên nghiên cứu về Trung Ðông, quyết định của Tổng thống Trump đơn giản chỉ là nhìn nhận một thực tế rằng “giải pháp hai quốc gia” mà lâu nay người ta dựa vào làm nền móng cho các cuộc đàm phán đã không mang lại kết quả. Vậy thì tuyên bố của Trump có thể xem như lời cáo chung đối với “giải pháp hai quốc gia” và buộc các bên phải đi tìm một giải pháp hoà bình khác thực sự có thể mang lại sự ổn định cho cuộc sống người dân trong khu vực.

VH