Menu Close

Trinidad & Tobago – Xứ sở rừng mưa – Kỳ 8

Tobago chưa hẹn ngày trở lại – Check-in ở phi trường Port of Spain. Hải quan Trini mặt hình sự, tăm tối như đêm 30. Thiếu ngủ, tôi lừ đừ. Và rồi sực nhớ đến cái backpack bỏ quên trong xe. Tôi hoảng. Mark gấu trấn an rằng đừng lo, D-naturalist chỉ mới rời phi trường thôi, gọi còn kịp. Mark cầm cell gọi Dave, tôi và Andy phóng như bay ra xe.

alt

Chiếc mini bus còn tấp bên lề. Tôi mừng rú. D-naturalist nhìn tôi với cái nhớn mày ngớ ngẩn. Tôi chụp lấy cái backpack nằm bơ vơ dưới chân ghế, và tự rủa thầm mình. Andy đùa, mất passport là chuyện nhỏ, cứ theo Mark gấu vào rừng sống với thổ dân Trini, no sì trét!

Chờ đợi, tôi ngồi tán chuyện với một Trini dáng vẻ dân văn phòng. Ông gợi chuyện về Tobago, bảo rằng ở xứ đảo của “sister of Trinidad”, bạn sẽ cảm giác một phong cách sống rất khác biệt ở đây, thư thả và an bình. Đừng quên đến scuba diving ở đảo san hô nổi tiếng tuyệt đẹp Buccoo Reef. Tôi chịu, đã nói là chuồn chuồn cắn sứt rún còn không bơi được, huống chi lặn.

Lên máy bay, Caribbean Airline. Ngồi chán, tôi tò mò quan sát. Một nữ tiếp viên hàng không Trini, gương mặt đẹp gợi cảm, tương phản với dáng mạo dềnh dàng. Tôi nhìn cái dáng King Kong, đầu gần đụng trần máy bay của nữ flight attendant; không tặc nhìn phải nể cả. Từ ô cửa tò vò, tay Scott lại chĩa ống nhòm tìm chim. Quái, chim làm gì có ở cái sân bay hiu hẩm này. Kẻ tín đồ cầm điểu lắm khi làm tôi phát… cuồng.

Từ Trinidad vèo qua Tobago chỉ 20 phút. Tôi cảm giác như vừa băng qua chuyến phà ngắn. Đến phi trường Tobago, nóng điên. Khí hậu Tobago khô và gió hơn Trinidad. Trên băng ghế sau, tôi uể oải người. Xe không máy lạnh, cửa sổ mở toang vẫn cảm giác ngột ngạt. Giọng rặt ngữ âm Trini của tài xế bản xứ đang giới thiệu info xứ đảo. “Làm ơn off cái microphone đi, nghe đỡ ồ ề hơn đấy”. NAG Arthur Morris gắt giọng. Cái microphone off. Chất giọng Trini vẫn nồm nộp, ồm ồm, tôi nghe được chữ đực chữ cái.

Tobago, chỉ cách Trinidad 25 dặm về phía Đông Bắc, xứ đảo với diện tích 300 cây số vuông và dân số 54,000 người. Gió phù phù, tôi gắng vận dụng cảm quan để thưởng thức ngoại  cảnh. Cái nắng ở xứ đảo Tobago, hanh chói màu phượng, sắc đỏ đến kinh ngạc. Tôi tỉnh giấc, xe lưng chừng vực đèo. Biển đã xanh ngắt trong tầm mắt. Mark gấu thông báo, mọi người chỉ được 30 phút chuẩn bị sau khi đến nhà trọ đấy nhe.

Căn phòng trọ nhìn ra mặt biển, ocean view. Tuyệt! Phụ nữ luôn ấn tượng với hoa. Tôi thú vị nhìn trên chiếc ra giường trắng tinh, rực sắc một cánh hoa nhiệt đới – điểm nhấn lãng mạn mang phong cách Trini. Tôi mở toang cửa, sóng như dội âm vào căn phòng nhỏ. Tôi hít thật chậm, sâu mùi nồng của biển.

Đoàn người xuống tàu ra hải đảo Tobago. Frank’s Glass-bottom Boat nhỏ bé, với 3 Trini được giới thiệu là ‘thuyền trưởng, thuyền phó, và một thủy thủ’. Captain Zee (Zelonie) bộc trực ở bản tính hoạt náo. Tôi hỏi xin chụp vài pô hình, anh khoát vội cử chỉ bảo chờ đi. Và Zee giở nón, bằng một động tác hất tóc điệu nghệ, bung xổ một đầu tóc bím. ‘Thuyền phó’ Shane bảo captain Zee là một ‘ngư thủ’ câu cá Kingfish thiện nghệ. Zee chia sẻ kinh nghiệm câu cá Kingfish. Anh câu bằng mồi mực nhỏ. Mùa câu từ tháng 6 đến 9. Câu Kingfish không khó nhọc dậy sớm thức khuya, nhưng phải ra khơi xa. Ban ngày, cá hoạt động tích cực; nên có thể câu giữa sáng hoặc trưa. Tôi hỏi anh có phải là chài dân. Zee cười bảo câu để ăn và thỉnh thoảng bán. Những bữa ăn của Trini đảo không hề thiếu seafood ‘Cá Vua’. Họ sống bằng nghề chở du khách ra ngắm đảo. Chiều cập bến, mấy Trini nhậu rum và nhảy múa thâu đêm.

alt

ĐMH với “thuyền trưởng” Zee.

What kind of dance is it? Tôi hỏi. “Là dance thế này, nè”. Zee bật dậy, ưỡn người lắc lượn một vũ điệu limbo. Cả bọn họ cười rung tàu. Giỡn chán, mấy Trini lại ‘cỏn’ với nhau bằng thổ ngữ. Zee giải thích là những du khách thường tò mò khi ‘nghe lén’ họ dùng thổ ngữ. Trini gọi đó là “ole talk”; khách lạ có thể ngộ nhận cảm giác hiểu được ý nghĩa của ngôn ngữ này, nhưng họ đã không thể, Zee cười khoái chí.

Tôi hiểu hơn, thổ ngữ Trini được hình thành do sự tiếp xúc giữa những nô lệ Châu Phi và các chủ đồn điền Pháp, dưới điều kiện khắc nghiệt của chế độ nô lệ. Zee tranh thủ dạy tôi vài thổ ngữ Trini. Tôi bập bõm với zandoli: kỳđà; zaboca: trái bơ, mauvay lang: gossip. Tôi chợt cảm nhận ở sắc âm Trini-dấu tích âm điệu Creole France của thời thống trị, vẫn lai vãng trong ngôn ngữ thổ âm đầy sắc màu.

Tàu chòng chành sóng. Tôi nhìn biển, cảm giác rợn ngợp giữa vô biên. Những hải đảo cô sầu chợt trở nên cỏn con giữa chia cắt của biển. Từng đợt sóng lớn kiên tâm phổ đá ghềnh bờ. Man mác tiếng kêu của loài chim biển. Tôi nghe trong sâu thẳm, thanh âm dạt dào của sóng; vừa có cái mặn mòi của muối. Là biển và cũng là đời, thấm thía từ trong bản chất.

alt

Cùng với Andy Nguyễn trên bờ biển Tobago

Lên bờ, ‘xỉn’ sóng. Tôi bước chao đảo. Mọi người phàn nàn là ngồi xe ê mông vẫn đỡ hơn là bị say sóng. NAG Susan càm ràm về cái phi trường Tobago, bà bảo ai đó đã ‘chôm’ mất một đôi dép và cái áo jacket xịn giá gần 300 đô, không sale. Tôi nghe tiếc giùm.

Hải đảo cô độc như mong đợi dấu chân người. Không khí ẩm, những tán lá to rậm, chen chúc vươn lên tìm dưỡng khí. Nóng, tôi mơ về mấy chai nước lọc bỏ quên trong tủ lạnh. Đảo hoang chắc không có restroom, tôi thiệt đúng. 

Lên đến đỉnh, tôi đứng ngây người trước một tuyệt tác thiên nhiên. Vực biển thẳm xanh, sóng dập ghềnh cuồng nộ. Giữa bàng bạc sóng, chao liệng những cánh chim đuôi diều. Chuỗi lông đuôi lượn lờ trong gió đẹp tựa chiếc đuôi diều tí hon. Loài chim Red-billed Tropicbird sống ở vùng biển nhiệt đới, ngoài hải đảo. Đặc điểm của loài chim tuyệt đẹp với cái mỏ đỏ chót, thân trắng và sợi lông đuôi dài gấp đôi kích thước thân.

alt

  Thiên thần biển đuôi diều Red-billed Tropicbird

Dàn photographer xếp hàng ngang, chỉ vài sải bước cách vực biển. Thử thách với tốc độ lướt gió của loài chim biển. Tôi kềm chặt ống kính, gắng focus chính xác. Mấy tay photographer handheld dụng cụ, vẻ mặt đầy căng thẳng. Vài giờ với thiên thần biển, đôi cánh tay mỏi nhừ. Tôi thay ống kính ngắn, đổi mục tiêu đi tìm chụp loài chim râu ‘độc quyền’ của hải đảo Tobago. Tôi bám mình trên vách núi, chụp một tay bằng ống kính 200mm. Con chim râu cù rù, ngủ ngày, le ngoe mấy cọng râu trông già khụ. Tôi hoài khám phá, và chẳng thể tường tận hết cái thế giới phong phú của loài cầm điểu.

alt

Tác nghiệp trên hải đảoTobago

Chiều trên hoang đảo, một cảm giác cô đơn len lỏi cõi hồn. Cái nóng vẫn còn bịn rịn theo tôi ra tận con tàu. Tàu rời đảo, bồng bềnh trên con sóng lớn.

Trên biển đêm, tôi tận hưởng âm thanh đặc thù của tiếng  trống thép khuya. Những nhạc công pannists đang biểu diễn Steelpans- một nhạc cụ đặc thù bằng trống, chảo thép của xứ sở T&T. Jazz Fusion, dễ tiếp cận dù với phong cách âm nhạc khá phức tạp. Âm hưởng Steelpans trên biển đêm, chợt gợi trong tôi sự kỳ bí, hoang dại của nền âm nhạc dân dã.

alt

Đêm cuối, mai chia tay rồi, mọi người thả sức party. Những ngày công tác cùng phái đoàn chuyên gia wildlife kỳ cựu, tôi tìm thấy sự đồng điệu, gắn bó trong công việc. Ở họ, là một thái độ làm việc nghiêm chỉnh, chuyên nghiệp, đầy đam mê. Tôi sẽ nhớ về họ, những nhân vật đầy cá tính sinh động.

Mark gấu khui rum, kêu gọi phe ta xả áp lực với rum. Quyến luyến chia tay, ly cụng lách cách. Tôi không uống nhiều, chỉ ăn. Tôi thử món Kingfish, ngon tuyệt. Đầu bếp Trini bảo món cá tươi Kingfish vừa mới câu lên từ biển.
Vacation hả? Tôi chỉ cảm giác căng thẳng với công việc, và chưa thực thụ hưởng thụ tuyệt đối những ngày nghỉ lý tưởng của riêng mình. Dẫu vậy, với tôi vẫn là một trải nghiệm tuyệt vời.

Còn lắm cảm xúc về xứ sở mưa rừng. Nhưng thôi chẳng ỉ ôi nữa. Có phải là phim Hàn quốc nhiều tập đâu, tôi nghĩ vậy. 

alt

alt

alt

Bức ảnh lưu niệm của đoàn chuyên gia wildlife

ĐMH
Website: www.hanhphoto.com