“Nhất chạng vạng nhì tảng sáng”, câu thành ngữ phù hợp cho giới tài xế. Đây là thời gian dễ làm buồn ngủ nhất sau nhiều tiếng ngồi sau tay lái. Những câu chuyện lạ lùng trong giấc ngủ hay những câu chuyện có thật khi trạng thái lâng lâng vì mệt mỏi và căng thẳng thường xảy ra với một số bác tài trên khắp các nẻo đường rong ruổi đó đây. Chúng tôi tìm gặp anh Chính, một bác tài có thâm niên 14 năm trong nghề từ California sang Denton, TX giao hàng, để tìm hiểu thêm những câu chuyện thú vị về cuộc đời tài xế.
Kỳ 2
PV Trẻ: Chào anh Chính, xin anh chia sẻ một chút cảm nghĩ của anh về công việc tài xế lái xe tải?
A. Chính: Nghề này không khó làm, lái chiếc xe tải thấy nó nặng nề như vậy chứ rất bình thường. Lái xe riết rồi quen thôi. Có một bài hát do Quang Vũ chế lời từ bài “Duyên phận” nói về nghề tài xế rất vui “Cuộc đời tài xế”, để tôi mở Youtube cho nghe. “Cuộc đời tài xế mang thật nhiều chông gai, đường dài gian nan mà anh vẫn phải mỉm cười. Chỉ vì mưu sinh cuộc sống túng thiếu nên anh chấp nhận đi cày. Vợ thì lo toan dặn dò chồng yêu ơi, anh đừng suy nghĩ đã có em lo việc gia đình. Cứ yên tâm làm ăn cầm chắc tay lái để mẹ con em luôn có anh kề bên…”.

PV Trẻ: Bài nhạc nghe rất cảm động, hàng trăm ngàn người thích (chắc là cánh bác tài) nhưng xem video cảnh lái xe tải ở xứ VN ta thấy rùng rợn quá. Lấn tuyến, vượt làn, quẹo gắt. Tai nạn thảm khốc thì hỏi sao mấy bà vợ nhà lại không lo lắng cho chồng lái xe xa nhà cả tuần có khi cả tháng mới thấy mặt về nhà.
A. Chính: Ở xứ này, tai nạn cũng đâu thua gì. Mặc dầu tuân theo luật lệ, cố gắng lái xe an toàn nhưng tai nạn xảy ra nào có ai biết trước. Rất nhiều tình huống, tai nạn gây ra không phải do tài xế xe tải mà do những chiếc xe lưu thông bên cạnh hay trước mặt, sau lưng. Ông bà mình có câu: “Nhất ra ghe nhì ghé bến”. Ðiều khiển chiếc ghe bầu khẳm hàng, lừ đừ trên mặt nước khi xuất bến rất dễ gây tai nạn. Người tài xế xe tải khi ra đường dẫn nhập vào xa lộ cũng rất nguy hiểm không kém. Tôi quen một bác tài, chắc kinh nghiệm còn thiếu, anh ta ra đường dẫn mà mắt cứ lo nhìn cần sang số, không để ý kính chiếu hậu bên trái. Thế là xảy ra tai nạn. Nhiều khi chạy trên xa lộ, xe từ trong thoát ra lại không nhường đường, đến khi xe tải trườn lên, thắng không kịp, là xong. Gần như mỗi chuyến đi xuyên bang tôi cũng đều thấy tai nạn xảy ra dọc đường.

PV Trẻ: Ngồi trên xe cao dễ nhìn làn đường “phía trước là tương lai, phía sau là vợ con, thế nên người ơi hãy cố lên. Không uống rượu bia, dễ gây nguy hiểm, thiệt hại to mất chỗ dựa của con” (Cuộc đời tài xế). Ði xe tải thấy dễ lái, khó gây tai nạn nếu không phải do nguyên nhân từ người khác?
A. Chính: Như đã nói, chuyện này khó biết ai gây tai nạn cho ai, có rất nhiều tình huống. Cứ tưởng tượng, với chiếc xe cỡ 400 mã lực chở hàng nặng gấp hai ba chục lần so với xe bốn bánh, chạy tốc độ 75 dặm trên giờ, người lái thấy nó cứ như tà tà so với một chiếc xe con. Nhưng khi xảy ra va chạm thì thật khủng khiếp. Có một tai nạn tôi thấy, đầu xe to như vậy mà còn bẹp dúm, tài xế xe tải bị hất ngược ra sau dù đã cài dây an toàn. Ðể lôi được xác anh ta ra, người ta phải dùng cưa cắt cabin. Rượu bia nếu có chắc dành cho tài xế ở xứ mình, ở xứ này khi tài xế đi chuyến giao hàng tuyệt đối một ngụm bia cũng nói “không”.
PV Trẻ: Thế trước khi làm tài xế, anh làm một nghề gì khác và duyên phận ra sao với nghề lái xe tải mà anh gắn bó đến giờ.
A. Chính: Tôi vượt biên xuất phát từ Cà Mau hồi đâu 4/1988. Ðược định cư sang Mỹ, thời gian sau tôi làm nghề xây dựng. Có chút vốn liếng, thấy anh em quen biết bảo nghề tài xế xe tải kiếm rất khá. Lúc đó, tôi đi học lái xe lấy giấy phép xong, tôi mua chiếc xe tải nhưng không lái vì nghề xây dựng cũng kiếm tiền kha khá đủ lo cho vợ con. Thế là nghe nhiều người bàn, tôi cho thuê xe kiếm chút đỉnh. Mình làm chủ nhưng không biết rõ những hư hỏng xe cộ giống như chủ nhà hàng mà không biết nấu ăn. Xe hư cứ đem đi sửa chữa riết. Thấy không xong, tôi tự làm tài xế luôn.

PV Trẻ: À, anh kể chút chuyện vượt biên nghe chơi.
A. Chính: Quê tôi ở Vĩnh Long, xuống Cà Mau lên ghe gỗ vượt biên. Lênh đênh trên biển nhiều ngày thì được một chiếc tàu nhỏ đến cứu. Bà con trên ghe chừng độ ba chục người mừng như được hưởng ân phép nhiệm màu. Nhưng điều vui sướng hơn khi thấy đó là chiếc tàu ngầm. Lênh đênh trên biển lại được “Hà bá” Indianapolis vớt thì đúng là điều không thể tin được. Anh em được đi tàu ngầm chắc nhớ mãi ngày này. Sau đó có một hai người được định cư tại Canada và Úc, số nhiều còn lại chọn Mỹ làm quê hương. Nhân tiện đây, tôi muốn liên lạc với bà con vượt biển năm xưa được tàu ngầm Indianapolis vớt. Không biết người còn người mất ra sao, xin liên lạc với tôi để ôn lại kỷ niệm xưa. Xin liên lạc số phôn: 909-520-7406.
PV Trẻ: Quay lại chuyện nghề. Anh làm tài xế bằng cách tự làm chủ lấy mình, xe của mình, chạy hợp đồng cho công ty. Xe cộ đường dài, dầu nhớt tốn kém lại còn máy móc, phụ tùng mau hư hỏng, vậy thì làm sao tiết kiệm được chi phí này.
A. Chính: Tôi tự mày mò sửa chữa mọi thứ. Quan trọng cần bảo trì đúng mức. Tôi mua lại chiếc Century Class đời 2000 hồi năm 2004 vẫn chạy tốt đến nay. Số cây số đã lên đến gần 2.2 triệu dặm rồi mà máy móc vẫn còn chạy thêm vài năm nữa. Máy móc xe tải được thiết kế đặc biệt để dùng lâu dài. Bảo hành của hãng tối đa lên đến nửa triệu dặm, thực tế xe có thể chạy hơn triệu dặm vẫn bon bon như thường.

PV Trẻ: Thú thật tôi không tin vào mắt mình khi thấy số cây số khủng khiếp trên con khủng long Century Class của anh. Số dặm dài chừng 10 lần đến Cung Trăng ấy chứ. Không chừng anh được ghi danh vào kỷ lục Guinness của cánh xe tải đường dài. À, anh nói chuyện về nghề, thấy anh luôn là người lạc quan, yêu đời dù tuổi đã 60. Nếu còn ở xứ mình, chưa chắc anh đã chọn nghề này.
A. Chính: Tôi thấy nghề xe tải chỉ cực chút thôi chứ không khổ. Ði xa nhà thường xuyên, vợ còn cằn nhằn thì ông chồng lấy tâm trí đâu mà lái xe an toàn. Nghề này có chút cám dỗ với “ma nữ” nhưng tôi nghĩ là ở xứ mình kia, chứ ở đây, có đủ loại ma không phải đồng hương chẳng thú vị chút nào. Quan trọng là mình biết được mình đang làm gì. Hãy nghe đoạn cuối của lời ca Cuộc đời tài xế: “Họ nào hiểu cho màn đêm buông xuống cánh lái xe vẫn bon trên đường. Cực thì đến thân mà nào được ghi ơn. Mọi điều xấu xa dồn hết cho cái nghề tài. Lái xe thì sao? Người ơi hãy nhớ nghề nào cũng thế không có ai hoàn hảo đâu”.
PV Trẻ: Có chuyến đi dài nào của anh cả tháng xa nhà.
A. Chính: Thường thôi. Có khi lấy hàng chỗ này, rồi chỗ khác cho đầy xe. Ðiểm giao hàng tiểu bang này tiểu bang kia. Lộ trình dài, có người còn rong ruổi lâu đến hai tháng. Ði đường dài, thỉnh thoảng tôi tự tạo niềm vui cho mình. Nhiều khi bắt gặp nai, heo rừng bị xe tông bên đường. Tôi nhặt nhạnh sừng, nanh đem về nhà làm đồ chưng trang trí. Còn ông nào thương vợ nhớ con thì lâu lâu mang cả gia đình theo để cả nhà cùng đi giao hàng cho vui xe vui xế.

PV Trẻ: Ăn uống kiểu cơm đường cháo chợ, tắm rửa giặt giũ đối với cánh tài xế như anh có thấy khó khăn?
A. Chính: Có gì mà khó. Công việc của người tài xế phải chấp nhận như vậy. Ăn uống kiểu cơm đường cháo chợ ngon chứ đâu phải dở. Bữa nào muốn ăn bíp tết thì cứ ghé tiệm ăn. Muốn tắm giặt ghé vào cây xăng quen thuộc trên khắp các tiểu bang. Nhưng với tôi, cơm nhà vợ nấu vẫn ngon hơn. Thức ăn nấu xong, nên bỏ vào ngăn đá thì thức ăn mới giữ được hương vị, khi nào ăn đem ra hâm lại trên cái lò gas mini. Ðây này, cái nhà bếp lưu động của tôi chẳng thiếu thứ gì, nồi niêu đủ cỡ. Muốn nấu cháo vịt cũng còn được. Trong lúc chờ xuống hàng, tôi pha cà phê, trà, nhâm nhi bánh chơi, rồi tôi kể chuyện “ma đường” thứ thiệt chứ không phải “ma nữ bên đường”.
PV Trẻ: Nghe hấp dẫn, anh có thể kể nghe chơi một câu chuyện thật chứ không phải do buồn ngủ nằm mơ mộng mị, để kết thúc câu chuyện nghề.
A. Chính: Có một chuyện này thường xuyên xảy ra ở exit 183 trên xa lộ 40 đi Arkansas. Tại đường dẫn vào ngã tư, bên phải là cây xăng tiệm ăn, còn bên trái là đồng trống. Ban đêm không hiểu sao rất nhiều bác tài cứ hễ vào đây đều rẽ qua trái. Xe chạy bon bon bỗng nghe lụp bụp, lụp bụp, rồi bị sụp hố. Xe không tài nào leo lên dù cái hố bình thường rất thấp đủ vọt lên dễ dàng. Xem lại thì thấy xe càn lên các ngôi mộ thấp lè tè trên mặt đất. Khấn vái người khuất mặt cũng không xong. Thế là sớm mai phải tốn tiền xe kéo. Hỏi bác tài xe kéo chuyện lạ nơi này mới biết, đâu có cánh tài xế người Việt mình gặp chuyện này, cánh tài xế người Mỹ cũng đều gặp chuyện khác thường này.
PV Trẻ: Cám ơn anh Chính và các anh em lái xe cùng anh Tính chủ nhân công ty vận chuyển Cannon Transport đã giúp đỡ Trẻ thực hiện bài “Rong ruổi tài xế đường dài”.

NL