Có không ít bà vợ ca thán rằng đức ông chồng mỗi khi về đến nhà chỉ biết dán mắt vào ti vi, chờ cơm vợ nấu đến tận miệng mà chẳng bao giờ động tay động chân giúp vợ chút việc nhà.
Tại sao các ông chồng lại không muốn giúp vợ việc nhà? Câu hỏi có câu trả lời bắt nguồn từ truyền thống và tập quán lâu đời, đặc biệt với người Á Ðông. “Làm trai rửa bát quét nhà. Vợ gọi thì dạ bẩm bà con đây”. Câu ca dao đã cho thấy quan niệm của người Việt xưa trong việc đàn ông giúp vợ việc nhà là việc không nên làm, và tự hạ thấp bản lĩnh nam nhi. Khi còn nhỏ các cậu con trai đã được mẹ và chị chăm lo, đến khi lớn có vợ, khi về già thì có con.
Nhưng thời thế đã thay đổi. Phụ nữ không còn chỉ quanh quẩn ở nhà nội trợ mà có thể có công việc và sự nghiệp riêng, giúp mang lại nguồn tài chính ổn định cho gia đình, vì thế trở thành gánh nặng trên đôi vai của người phụ nữ, đặc biệt với những người không có được sự đồng cảm, chia sẻ của bạn đời. Làm sao để các ông chồng vốn mang nặng tính gia trưởng chịu thay đổi mà chung tay giúp vợ việc nhà?

Việc chì chiết, mỉa mai hay cằn nhằn của các bà vợ sẽ chẳng giúp ích gì mà còn khiến gia đình thêm lục đục. Thay vào đó, nhiều bà chọn cách nhẹ nhàng tỉ tê nhờ chồng giúp việc này việc kia, các ông chồng vui vẻ nhận lời, còn vợ thì nhẹ bớt đi vài việc.
Khi các ông đã giúp việc cho mình rồi, các bà cũng không quên nói lời cảm ơn, để động viên khích lệ các ông hăng hái giúp thêm lần sau nữa. Các bà cũng đừng quá cầu toàn mà đòi hỏi ở các ông có thể làm việc hoàn hảo như mình vẫn làm. Vì chắc sẽ chẳng có lần rửa chén tiếp theo của ông nhà khi bà nhà lôi ra rửa lại hết vì không được sạch như ý.
Trong lúc các ông đang làm việc, sẽ chẳng dễ chịu chút nào khi các bà đứng kè kè bên cạnh, chỉ bảo như bà giáo khó tính rằng phải làm thế này, thế kia. Các bà cứ tin tưởng để các ông toàn quyền làm việc theo cách riêng, chỉ đưa ra “chỉ dẫn” khi được hỏi mà thôi.
So sánh chồng mình với người khác cũng là một điều cần tránh vì chẳng ông chồng nào muốn nghe hoài bản tình ca “chồng người ta” quanh năm suốt tháng. Các cụ có câu “Nói ngọt lọt đến xương”, ngọt ngào ca ngợi chồng mình chỉ có lợi chứ không hề có hại cho các bà vợ.
SH