Trân Phương
Mọi năm tôi tham dự hội Tết Về Nguồn với tư cách cá nhân. Năm nay, ông chủ báo nhờ tôi làm đại diện báo TRẺ nên “nhân vật quan trọng” tôi phải ngồi ghế quan trọng cùng những vị chức sắc khác. Đóng bộ lịch sự, tôi rời nhà từ sáng sớm để kịp có mặt vào giờ khai mạc. Sớm cho tôi nhưng không sớm với cư dân Orlando. Bãi đậu xe đã đầy hết 6 hàng. Những người thiện nguyện trong áo xanh đồng phục đang chỉ dẫn từng xe vào các lô khác. Băng qua con đường nhựa, tôi bước vào cổng Hội Tết Về Nguồn.

Hai lá cờ Việt, Mỹ bay phất phới. Bãi đất trống có giăng dây dành riêng đang được chuẩn bị những giây pháo chạy thành vòng tròn quanh cây nêu thật cao. Cao lắm. Tôi nghĩ có thể hơn 30 thước. Cành Tre đung đưa trong gió, lủng lẳng những trái pháo đại cùng dải lụa đỏ “Chúc Mừng Năm Mới” đón chào người đi chợ Tết. Bên ngoài hội chợ là gian nhà dành cho trẻ em có những chiếc máy cho các em thích sử dụng đầu óc. Đi vào sâu hơn là sân chơi ngoài trời cho các em chuộng thể thao, thích vận động tay chân mà phía trước là một sân khấu lộ thiên đang ca hát vang trời, trống đàn rầm rộ của ban nhạc “Tears of a Tyrad” người Mỹ. Gần đấy là chợ hoa gồm một dãy dài. Một người khách Mỹ bước ra với hai chậu hoa Lan trên tay. Những chậu Kim Quất vàng tươi bên cạnh hàng hoa Lan. Hương thơm dịu dàng từ những giò Lan tím treo trên giàn tỏa ra thật nhẹ. Rồi hoa Cúc, hoa Mai… Hàng này nối hàng kia, các loài hoa thi nhau đua hương, khoe sắc rực rỡ như những màu áo của khách du Xuân. Mỗi người mỗi vẻ. Thỉnh thoảng lại thấy những tà áo dài truyền thống Việt Nam bay lượn theo bước chân các bà, các cô. Có vẻ như giới trẻ thích gọn, tiện trong âu phục. Hỏi thăm một gia đình đang cùng trên đường vào, tôi được biết gia đình cô Anong, người Lào. Năm nào cũng đi chợ Tết Về Nguồn vì thức ăn ngon. Người chồng nói thêm là anh muốn hiểu biết những khác biệt văn hoá của các quốc gia bạn.

Bước vào quầy tiếp tân ghi danh xong, tôi cùng vài quan khách chụp chung tấm hình lưu niệm với bà Cát Tường Vân, trưởng ban tổ chức trước khi ngồi vào hàng ghế dành riêng cho quan khách. Ngoài hai linh mục chánh và phó xứ, còn có một số linh mục từ các nơi khác đến. Quan khách tham dự có các vị đại diện tôn giáo, chủ tịch Cộng Đồng VNTTFL, Hội Đồng Đại Diện, các Hội đoàn, Đoàn thể, Truyền thông, Truyền hình, báo chí. 11 giờ, hai người điều khiển chương trình bước ra. Ông Kim Tân trong Âu phục màu hồng bên cạnh cô Thùy Vân tha thướt trong chiếc áo dài hoa. Bắt đầu là Vũ khúc “Khúc Hát Ân Tình” của các em Thiếu Nhi Thánh Thể – Hiệp Nghĩa rất xuất sắc với áo dài múa nón, áo ngắn múa quạt đang làm tôi thắc mắc vì chương trình chưa khai mạc thì hiểu ra khi thấy mọi người đã ngừng ăn uống, kéo vào hôi trường để thưởng thức. Đây là một phương thức gây sự chú ý của người có mặt. Bốn con Lân dạo một vòng qua sân khấu rồi trở ra sân. Ở hai bên sân khấu, hai màn hình (projector) chiếu những hình ảnh nói về ngày Tết của 25 năm qua. Năm 2018, Giòng Thời Gian là chủ đề của Hội Tết Về Nguồn lần thứ 26. Mỗi chủ đề là một nét đặc thù văn hóa của dân tộc Việt. Năm nay lần đầu tiên sân khấu sử dụng màn hình LED. Sắc xảo và rõ nét của kỹ thuật mới.

Bây giờ, nghi thức khai mạc mới bắt đầu. Lễ chào cờ Việt – Mỹ và Phút Mặc Niệm. Kế đến là nghi thức Tế Tổ. Sau ba hồi chiêng, trống, ban tế lễ dâng hương lên bàn thờ, rồi đọc văn tế. Lễ tế chấm dứt sau 4 lạy. Liền sau đó là phần giới thiệu quan khách hiện diện. Trưởng ban tổ chức, bà Cát Tường Vân ngỏ lời chào mừng và cám ơn quan khách. Tiếp đến là lời phát biểu cảm tưởng của ông Robert Stuart, ủy viên Hội Đồng Thành Phố (Commisioner) Orlando, hạt (District) 3 đã phát biểu cảm tưởng của mình. Linh mục Nguyễn Thanh Châu, chánh xứ Philipphê Phan Văn Minh chúc Tết và khai mạc Hội Tết Về Nguồn với truyền thống Đốt Pháo và Múa Lân ngoài sân trước. Xác pháo tung bay, mùi diêm sinh nồng nàn theo gió tản khói ra chung quanh cũng là lúc kết thúc các nghi thức. Vừa định trở vào trong để “kiếm gì bỏ bụng” vì đã quá trưa thì gặp cô Kyle Fuchs. Phóng viên của đài truyền hình WUCF. Một tay cầm cây que thịt nướng đang ăn gần hết, tay kia ôm “đồ nghề” (máy quay phim, thu hình..) ra về. Cô vui vẻ cho biết mình đang thực hiện một thiên phóng sự nhiều kỳ và những câu chuyện nói về hội chợ Tết. Vừa khi một gia đình đang ngược chiều đi ngang qua, tôi hỏi thăm liền. Cô bé có mẹ Việt, cha Mỹ, khoảng 14 cho biết gia đình mình ở ngay Orlando. Năm nào cũng tham dự chợ Tết vì các món ăn Việt rất ngon. Là một người ăn rau, quả (vegetarian), Cô ao ước sang năm có thêm nhiều món không chứa thịt trong thực đơn của các quán ăn. Mẹ cô góp ý: ngày nay, nhiều người đang ăn theo lối này vì rất tốt cho cơ thể. Cậu trai nhận xét năm nay cách tổ chức chu đáo hơn (more organize), âm nhạc sống động, gần gũi với tuổi trẻ hơn. Đúng như thế, bên trong hội trường, những ban nhạc nhạc trẻ, có Việt, có Mỹ thay nhau trình diễn. Và có cả BreakDance. Tiếng la hét cổ võ của người trẻ, tiếng vỗ tay ủng hộ của khán giả đứng tuổi náo nhiệt cả hội trường. Đông quá là đông. Tìm mãi mới ra một chỗ để ngồi. Tôi ôm theo ly nước Mía Viễn Đông, thức uống quen thuộc mỗi năm đến đây mua của “người muôn năm cũ”, ông “chủ quán” Lê Kìa. Một người âm thầm phục vụ trong quán bán nước miá từ năm đầu tiên có hội chợ Tết Về Nguồn. Tìm đến hàng Bánh Cuốn. Lại một canh tân khác. Không còn những chiếc bánh bột gạo, tráng trên miếng vải được hấp chín bằng hơi nước từ chiếc nồi chứa nước sôi bên dưới. Thay vào đấy là cái máy khá lớn, chạy bằng điện. Đổ bột gạo đã quậy đều vào thùng chứa bên trên. Bột chảy xuống mặt khuôn, hấp chín thành bánh, chạy ra ngoài. Những người phụ trách lấy bánh, bỏ nhân vào, cuốn lại rồi xếp vào từng hộp để sẵn sàng cho khách mua. Hảo, một thiện nguyện viên trẻ tuổi, cho biết em có 9 năm “kinh nghiệm” trong ban ẩm thực. Đã điều hành máy bánh cuốn được 3 năm. Mỗi lần máy chạy, phải cần đến 5 hay 6 người mới cuốn kịp với bánh đưa ra từ máy. Rất nhanh và rất sạch. Hèn chi ai ăn bánh cuốn cũng khen ngon và rẻ.

Năng lượng đầy đủ, tôi đi một vòng chợ Tết. Hàng ăn nào đông nghẹt khách chờ mua. Góc đầu tiên có bàn quảng cáo bảo hiểm nhân thọ, sức khỏe của Life – Health – Annuity với đại diện là Cô Diễm và một nhân viên. Một hãng bảo hiểm khác dùng chú Chó tặng bong bóng cho trẻ em. Sát bên là Hollywood Beauty Academy, cô chủ nhân Phương Trang đang chỉ dẫn cho khách hàng cách dùng dụng cụ. Phía bên kia hội trường là nơi quảng cáo những chiếc ghế giúp cơ thể thư giãn. Trung tâm chỉnh hình, gian bán áo dài may sẵn và nhiều hàng khác. Hết một vòng chợ, tôi bước ra ngoài. Trời mát mẻ. Không khí trong lành mang theo chút gió Xuân.Tiếng nhạc vọng ra từ chiếc loa. Xuân muôn nơi, Xuân trong lòng mọi người. Một “nữ nghệ sĩ đường phố” đang nhún nhảy theo điệu nhạc. Một nam nhân nhập cuộc. Khán giả là những người đang trên đường về như tôi, là những người vừa đến. Đứng lại tò mò, xem, mỉm cười, rồi đi. “Nghệ sĩ đường phố” mà tôi nói đùa đây là một họa sĩ thực thụ. Vẽ hoa, lá trên những chiếc Dĩa, trên những hòn đá, trên bất cứ thứ gì bà cảm thấy nó đẹp. Bà Rauni Axelsson, năm nay 78 tuổi đời. Sinh quán ở Phần Lan (Finland), là một người chạy trốn Cộng Sản Nga khi đất nước bà bị chiếm đóng. Tuổi già nhưng tâm hồn không già. Bà nói “Tôi sẽ nhảy múa cho đến khi không thể. Không tin, bạn có thể đến đây sang năm..”

Vâng sang năm. Hẹn nhau khi nắng Xuân về trên muôn hoa. Đến hẹn lại lên. Tôi sẽ có mặt. Còn bạn?























Trân Phương
Đêm văn nghệ DÒNG THỜI GIAN
Cẩm Tú
Cũng như mọi năm, điều làm cho mọi người cảm thấy thoải mái là sự chào đón vui vẻ của các em tại cửa ra vào, hướng dẫn khách tới tận bàn.

Trên một sân khấu rộng mà ca sĩ Trịnh Lam từng nói “làm cho những ca sĩ dù đi trình diễn nhiều vẫn lấy làm bất ngờ và choáng ngợp”, năm nay được khoác lên một màu áo mới, nhiều sắc đỏ tô điểm sắc Xuân về. Có lẽ, lâu rồi, thay thế cho những MC gạo cội như Nam Lộc, Thùy Dương là ba MC trẻ, nhưng chỗ đứng của họ trên sân khấu ca nhạc đã được nhiều người ngưỡng mộ và yêu mến.

Ngoài những ca sĩ tên tuổi đến từ Cali với những nhạc phẩm được chọn lọc kỹ càng, vừa hợp với chất giọng, lối trình diễn cũng như đi sát chủ đề Xuân, một lần nữa các anh chị em trong vũ đoàn giáo xứ Philipphê Phan Văn Minh đã đưa người xem ngược thời gian trở về những chiến công hào hùng của dân tộc qua những hoạt cảnh, bài múa tô đậm “Trang Sử Việt”.

Với sự đầu tư công phu cùng với nguồn tài năng không bao giờ cạn kiệt, chương trình văn nghệ của hội Tết Về Nguồn luôn mang lại cho người xem những tiếc mục mới lạ, thú vị; vừa mang đậm nét Xuân vừa nâng cao tình yêu quê hương và niềm tự hào dân tộc đến cho đồng hương xa xứ mỗi độ Tết về.
















Cẩm Tú