Có thể đùa mà cũng có thể thật, nhiều người vùng khác cứ hay bảo “Quảng Nam hay cãi”, khi nói về người dân xứ Quảng. Đúng hay sai thì riết rồi nhiều người tin là vậy và câu nói trên trở thành câu cửa miệng của không ít người. Nếu thật vậy, thì đó là đặc thù “thiên phú” số đông của một vùng bản địa hay do những ảnh hưởng từ lịch sử, văn hóa, thổ nhưỡng… xứ này mà tạo ra những con người và tính cách như vậy. Ngày Xuân, mời bạn cùng chúng tôi thử tra tầm và lý giải về điều này, xem “Quảng Nam hay cãi” hay “Quảng Nam cãi hay”?
Người ta bảo rằng chỗ nhóm họp đông người, có ai đó bốc phét hay “phán” bậy mà không người nào lên tiếng thì chắc chắn trong đó không có “thằng cha” nào gốc… Quảng Nam. Hổng biết nhận xét vậy là khen hay chê chứ tôi (rón rén) thưa rằng, đó là nhận xét… hay. Cũng xác đáng. Dân Quảng Nam mà thấy sai không cãi, thấy chướng không nói thì đâu còn là dân Quảng. Hay chỉ là kiểu Quảng… vô Nam hơi (bị) lâu. Như tôi. Cái gốc còn giữ là thích ăn mì Quảng và… có cãi. Nhưng cãi lai rai. Cãi nhẹ nhàng. Cãi không văng… nước bọt. Mất vệ sinh.
Nếu vậy thì thử đặt tình huống giả định như sau: Bàn tiệc bốn người ngày Tết, có đủ ba miền Bắc-Trung-Nam và một tay bốc phét nào đó, tạm gọi là một người gốc… cây chẳng hạn. Gã “Gốc Cây” mà ta gặp nhan nhản mọi nơi “nổ” bậy câu chuyện gì đó. Người gốc Bắc sẽ cười… ruồi, không nói gì mà cầm ly bia lên uống. Dân gốc “ngàn năm văn vật” lịch lãm mà, chấp gì mà đi cãi với thằng bốc phét chẳng biết gì. Chàng người Nam cũng cười, nhưng cười khoái chí rồi cầm bia lên uống và cụng ly với gã “Gốc Cây”. Xuề xòa, dễ tính, “tứ hải giai huynh đệ”, bốn bể là anh em mà. Ai nói sao cũng được, hơn thua làm gì. Chuyện nhỏ, “dzô cái đi”. Nhưng chàng gốc Quảng Nôm của tôi sẽ không cười, không cầm ly bia lên uống (mà có khi đặt xuống bàn nếu đang cầm trên tay). Rồi nhìn thẳng vào gã “Gốc Cây” mà nói, “Mi nói rứa là sai rồi”. Xứ của những người bộc trực, thẳng tính quen rồi, nói bậy là tui… vác gậy mà phang. Rạch ròi, chuyện gì ra chuyện đó. Vậy là trận đấu khai mạc. Cãi hiệp một bắt đầu. Xin mời khán giả ngồi yên mà “thưởng thức”. Hay hào hứng tham gia. Tùy nghi. “Vâng! Tam Lang chuyền bóng sâu cho Cù Sinh. Cù Sinh đưa cho Cù Hòe, Cù Hòe mớm nhẹ cho Tư Lê. Suuuúút! Bóng lọt qua tay thủ thành đội bạn, đi thẳng… ra khán giả. Không vào rồi! Không vào. Thật là tiếc”. (Xin lỗi, Việt Nam ta “ca” đội banh U23 quá nên có làm tôi phân tâm). Trận… cãi xin tiếp tục.

Nhận xét và câu chuyện giả định bên trên nếu có trùng hợp là… trong ý muốn (của tác giả). Ðể minh họa cho câu chuyện “Quảng Nam hay cãi” cùng dăm nhận xét về tính cách vùng miền chung qua kinh nghiệm giao tiếp của riêng mình, chứ không hề phân biệt Bắc-Trung-Nam hay có ý “nhất bên trọng, nhất bên khinh” vùng miền nào. Bởi tính cách trên có thể xáo đổi hay dung nạp ít nhiều, tuỳ theo môi trường và văn hoá mà một người đã sống. Vì có khi cũng gặp anh xứ Quảng điềm đạm, chẳng chấp nê mà anh Bắc lại cãi ôi là cãi. Mà thật ra ai chẳng cãi. Cộng Hòa hay Dân Chủ, mấy ảnh có phải gốc Quảng đâu mà cũng cãi hà rầm.
Nhưng cãi của dân Quảng là cãi có lớp lang, có… lịch sử. Sử ghi lại rằng đất Quảng Nam từng là đất của Chiêm Thành, tức vương quốc Chăm-pa của người Chàm. Ðầu thế kỷ 14, vua Chế Mân thuộc vương triều thứ 11 đem vàng bạc cùng hai châu, Châu Ô và Châu Lý (Rí) dâng lên vua Trần Anh Tông nước Ðại Việt ta để cầu hôn em gái của vua là Huyền Trân Công Chúa. Người Việt bắt đầu định cư tại vùng đất mới, đẩy lùi người Chàm xuống về phía Nam. Ðến triều nhà Lê, năm 1471 vua Lê Thánh Tôn chinh phạt Chiêm Thành, chiếm luôn kinh đô và một phần đất khác của Chiêm Thành rồi lập ra Thừa Tuyên Quảng Nam, bao gồm ba phủ Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Nhơn, tức Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Ðịnh sau này. Danh xưng Quảng Nam, nghĩa là mở rộng về phía Nam ra đời từ đây. Ðến thời Trịnh-Nguyễn phân tranh, vào đầu thế kỷ 17 thì chúa Nguyễn mở rộng bờ cõi về phương Nam, xuống tận Cà Mau, đánh Chiêm Thành chạy té re, chạy tứ tán sang Chân Lạp và Xiêm La – tức Campuchia và Thái Lan hiện nay, kết thúc một đế chế Chăm-Pa. Nghe biểu con cháu Chế Bồng Nga bây giờ chỉ còn mỗi… Chế Linh lên ngôi vua Nhạc sến. Nhưng giờ chắc đã… thoái vị, nhường ngôi cho người khác.
Như vậy thì từ con sông Gianh và đèo Ngang tại Quảng Bình vào đến đất Quảng Nam từng là ranh giới và vùng binh đao lửa khói giữa Ðại Việt và Chiêm Thành, về sau lại là cứ địa tranh chấp của thời Trịnh-Nguyễn phân tranh. Rồi cuối cùng vô hơn trăm cây số nữa thì đến con sông Bến Hải, lại ngăn đôi đất nước sau này. Con gái có eo thì đẹp mà vùng đất có eo thì nghèo. Ðất cát ven biển chẳng mấy phì nhiêu, thiên tai lũ lụt tơi bời, lại thêm chinh chiến điêu linh, chẳng riêng Quảng Nam mà từ Quảng Bình, Quảng Trị vô tới Thừa Thiên-Huế xuống tới Quảng Nam, người dân miền Trung phải mạnh mẽ, tài ba, đối chọi với đủ thứ mới sống nổi. Lại sống chung và gặp mấy anh Chàm còn căm mình bị mất đất, cứ gặp phe ta thì mách qué, xỏ xiên. Ðánh nhau còn chẳng ngán, sá gì cãi… tay đôi. Thế là cãi thôi. Cãi với dân Chàm riết trở thành “hay cãi”. (Chuyện cãi này là… “bịa sử”, ngày ta ngày Tết tôi đoán chừng ai cũng vui vẻ, dễ bỏ qua nên… lộng ngôn, đùa vui chút thôi. Xin miễn chấp! Miễn chấp).
Nhưng chuyện không bịa là từ việc ý chí mạnh mẽ, con người cần cù hiếu học, thế là đất Quảng lại sinh lắm người tài. Có tài lại bộc trực, khẳng khái nên thấy cái sai là phải lên tiếng, phải cãi. Cái cãi của lý lẽ, cái cãi của dũng lược, không khuất phục uy quyền. Cái cãi vì cái lợi cho người khác chứ không phải cái cãi lấy thắng phần mình. Dân Quảng dâng sớ can ngăn vua, người Quảng lên tiếng với nhà cầm quyền. Sự kiện “Trung Kỳ Dân Biến”, phong trào chống sưu cao thuế nặng mà nhà cầm quyền Pháp đặt lên dân ta vào đầu thế kỷ 20 cũng xuất phát từ Quảng Nam, do các cụ Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng… khởi xướng. Bởi vậy khi viết về địa chí tỉnh Quảng Nam, Quốc Sử Quán của triều Nguyễn nhận xét: “Học trò chăm học hành, quân tử giữ phận mà hổ thẹn việc bôn cạnh” và “núi sông thanh tú cho nên nhiều người có tư chất thông minh dễ học. Sĩ phu có khí tiết cứng cỏi, bạo nói…” (theo Ðại Nam nhất thống chí). Chuyện nhà báo, học giả Phan Khôi xứ Quảng tả xung hữu đột “cãi” nhau – qua những cuộc bút chiến dữ dội về học thuật, tư tưởng, triết học, chính trị… với giới trí thức Bắc Hà vào những năm 30 là sự kiện lớn trên văn đàn và báo chí Việt Nam. Sự “cãi” không ngoài việc cổ súy những manh nha tư tưởng dân chủ và dân quyền, khai mở ý thức của người dân trong chế độ thuộc địa. Chỉ tiếc rằng đôi khi rạch ròi, thẳng thừng quá nên người xứ Quảng có khi cũng dễ làm mất tình hay khó đi xa trên đường quan lộ. Phàm cái gì cương cũng dễ gãy, người Quảng không phù hợp ngành ngoại giao bởi thiếu sự tinh tế, uyển chuyển và cơ biến.
Nhưng tóm lại thì chuyện “Quảng Nam hay cãi” là có thật. Không cần phải… tranh cãi là Quảng Nam có hay cãi hay không. Có điều cái cãi dân Quảng không phải kiểu cãi cối, cãi chày, cãi hơn thua, lấy được theo kiểu người ta thường nghĩ (dù đông người thì thế nào cũng lọt ra vài cha loại này). Mà đó là cái cãi tích cực để loại bỏ cái sai, cái xấu và nhắm đến cái thiện toàn cho mọi người, xã hội. Bởi vậy đổi câu “Quảng Nam hay cãi” thành “Quảng Nam cãi hay” cho nó đúng hơn chăng?
ĐYT