Hôm tối Thứ Ba 30/1, Tổng thống Donald Trump đọc bài diễn văn “Tình hình Liên bang” trước lưỡng viện quốc hội. Đầu năm ngoái ôngTrump cũng có đọc một bài diễn văn, nhưng lúc đó mới lên nắm quyền và chưa có thành tích làm việc nên đó chỉ là một bài diễn văn trình bày những mục tiêu và chính sách mà Tổng thống hứa sẽ làm trong năm.
Bình thường, nếu không có một sự kiện quan trọng nào xảy ra, như chiến tranh chẳng hạn, thì đây được xem như bài diễn văn quan trọng nhất trong năm của một Tổng thống Mỹ. Hơn nữa, nó là bài diễn văn “Tình hình Liên bang” đầu tiên của ông Trump nên nhiều người cũng muốn nghe ông nói gì trong bài diễn văn này. Theo hãng Nielsen, có khoảng 45.6 triệu người Mỹ theo dõi bài diễn văn trên truyền hình, là con số khá cao nhưng không phải là cao nhất. Bài diễn văn “Tình hình Liên bang” đầu tiên của cựu Tổng thống Barack Obama đọc năm 2010 được theo dõi bởi 48 triệu người Mỹ; trong khi bài diễn văn của cựu Tổng thống George W. Bush trình bày trước quốc hội trước khi có cuộc chiến Iraq thu hút số người Mỹ theo dõi đông nhất từ trước tới nay: 62 triệu.
Trình bày về tình hình liên bang trước quốc hội là một trong những công việc chính của Tổng thống Mỹ và được ghi trong hiến pháp. Trong Ðiều II, Phần 3 của Hiến pháp Hoa Kỳ ghi rõ “vào lúc thuận tiện và cần thiết, Tổng thống nên trình bày cho quốc hội biết các thông tin về tình hình liên bang, và đưa đề nghị lên quốc hội về những chính sách cần làm.”

Theo tài liệu lưu trữ tại Thư viện Quốc hội, George Washington là Tổng thống đầu tiên đã hoàn thành nhiệm vụ này vào ngày 8 Tháng 1 năm 1790 khi ông trình bày trước tân quốc hội tại Phòng Thượng viện thuộc Sảnh đường Liên bang ở thành phố New York (là thủ đô của nước Mỹ lúc đó). Tuy nhiên, Thomas Jefferson, Tổng thống thứ ba, là người đã chọn chuyển thông điệp hằng năm này tới quốc hội qua hình thức một văn bản chứ không tự thân đi tới toà nhà quốc hội như hai vị Tổng thống trước đó – khởi đầu cho một truyền thống kéo dài suốt gần một thế kỷ sau đó.
Năm 1913, Tổng thống Woodrow Wilson quyết định bỏ truyền thống này. Ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức, ông Wilson đã đến toà nhà quốc hội và đọc một bài diễn văn về thuế khoá, trở thành Tổng thống đầu tiên kể từ thời John Adams (Tổng thống thứ nhì) tiếp nối lại công việc trình bày tình hình liên bang trực tiếp với quốc hội. Tháng 12 năm đó, ông Wilson trở lại và đứng trước quốc hội đọc bài diễn văn “Tình hình Liên bang” đầu tiên của thời hiện đại như chúng ta biết ngày nay, mặc dù tên này phải đến thời của Tổng thống Franklin D. Roosevelt mới được chính thức gọi.
Kể từ thời ông Wilson trở về sau, tất cả các Tổng thống (ngoại trừ Herbert Hoover) đã chọn đến trước quốc hội để gửi đi thông điệp hằng năm này. Với những tiến bộ của kỹ thuật truyền thanh, truyền hình cũng như mạng lưới internet hiện nay, bài diễn văn “Tình hình Liên bang” đã cho các vị Tổng thống một cơ hội rất quan trọng để trực tiếp nói chuyện với người dân Mỹ và qua đó nhắc lại những thành quả đạt được trong một năm trước và đề ra những ưu tiên và chính sách cho nước Mỹ trong tương lai.

Theo đúng nghi thức, Tổng thống không tự động đến và gửi đi thông điệp liên bang mà vị chủ tịch quốc hội sẽ gửi giấy mời để Tổng thống xuất hiện trước lưỡng viện quốc hội. Sau khi được đoàn xe hộ tống từ Toà Bạch Ốc đến điện Capitol, Tổng thống sẽ đi vào phòng họp của hạ viện, nơi đây, các thành viên quốc hội, các thẩm phán Tối cao Pháp viện, các thành viên nội các, các nhà ngoại giao và khách mời đặc biệt đứng chờ Tổng thống.
Sau khi được xướng danh thì Tổng thống bước lên trên bục và bắt đầu gửi đi thông điệp, ngồi phía sau là Phó tổng thống và Chủ tịch quốc hội. Trong khi và sau khi đọc diễn văn, khán giả vẫn hay nhận thấy là các thành viên thuộc đảng chính trị của Tổng thống thường đứng hết dậy và vỗ tay sau mỗi đoạn văn, trong khi thành viên của đảng đối lập thì ngồi yên trên ghế của họ. Hiện tượng này rất bình thường và cũng không là trường hợp ngoại lệ đối với bài diễn văn của Tổng thống Trump.
Trước khi đọc bài diễn văn, có thể nói Tổng thống Trump đã phải đối diện với một thử thách quan trọng. Mặc dù với những thành quả chính trị đạt được trong năm vừa qua – trong đó đã ký ban hành luật cải tổ hệ thống thuế khoá, tiến cử và được phê chuẩn một số khá đông các thẩm phán bảo thủ, tiêu diệt gần như toàn vẹn tổ chức Hồi giáo quá khích ISIS, hủy bỏ phần bắt buộc phải mua bảo hiểm trong luật Obamacare mà đa số người dân Mỹ không ủng hộ, thị trường chứng khoán tăng kỷ lục, kinh tế nước Mỹ phát triển và tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp nhất trong nhiều thập niên nay – nhưng tỷ lệ ủng hộ dành cho Tổng thống chỉ ở mức 38 phần trăm, thấp nhất so với nhiều vị Tổng thống trước đây trong năm đầu làm việc.
Ðứng trước lưỡng viện hôm tối Thứ Ba, ông Trump được cho cơ hội để có thể thay đổi tình trạng này và giành lại sự tín nhiệm bằng cách làm sao có thể thuyết phục được nhiều chục triệu cử tri Mỹ, là những người có thể đồng ý với nhiều chính sách của Tổng thống nhưng không hẳn ủng hộ cá nhân ông Trump.
Không như nhiều vị Tổng thống trước đây, ông Trump không chờ cho đến cuối bài diễn văn mới xướng danh những vị khách mời đặc biệt có mặt tối hôm đó – là những người rất đỗi bình thường nhưng đã làm được những việc phi phàm hay đã trải qua phận đời đớn đau và vươn lên để sống còn bằng nghị lực – mà ông bắt đầu từ ngay đầu bài diễn văn. Ðây là một lựa chọn khôn ngoan. Ông nêu danh Ashlee Leppert, lính tuần tra duyên hải, đã cứu thoát nhiều nạn nhân của bão Harvey, và Dân biểu Steve Scalise, người đã thoát chết trong một vụ mưu sát và đã trở lại làm việc chỉ sau ba tháng rưỡi dưỡng thương. Bắt đầu bằng những câu chuyện cá nhân trên gây được sự đoàn kết và buộc mọi người có mặt tối đó, kể cả những thành viên thuộc đảng Dân chủ, phải đứng dậy và vỗ tay tán thưởng.

Sau đó, ông Trump còn dùng những câu chuyện cá nhân để thuyết phục những người bên đảng Dân chủ khi ông nói: “Tối nay, tôi kêu gọi tất cả chúng ta hãy bỏ qua những dị biệt, đi tìm một sự đồng thuận chung và ngồi lại thành một khối để phục vụ người dân là những cử tri đã bầu chúng ta lên.” Ông cũng tìm cách thuyết phục các thành phần cử tri gốc da đen và châu Mỹ Latinh khi nói đến tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục trong những nhóm thiểu số này.
Kế đó, ông đã “mở rộng vòng tay để làm việc với thành viên của cả hai đảng, Dân chủ và Cộng hoà” để chuẩn bị soạn thảo chính sách được sự ủng hộ của cả hai đảng về việc cải tổ hệ thống di trú. Ông cũng kêu gọi người của đảng Dân chủ hãy cùng đứng chung với ông để đưa ra một dự luật với ngân sách ít nhất $1.5 ngàn tỷ cho những đầu tư mới vào hệ thống hạ tầng cơ sở của nước Mỹ. Ông ủng hộ các chính sách ưu tiên được cả hai đảng chấp nhận như chương trình dạy nghề và huấn nghệ, cũng như chương trình trả lương cho người đi làm khi phải nghỉ việc sau khi sinh con.
Qua suốt bài diễn văn, ông Trump tiếp tục nhắc đến những câu chuyện cá nhân: về hai gia đình có những đứa con bị chết vì bạo động băng đảng; về một cựu chiến binh thuộc binh chủng không quân trở thành nhân viên hải quan và di trú đã điều hành một chiến dịch bắt được hàng trăm thành viên thuộc các băng đảng; về một thượng sĩ thuộc binh chủng bộ binh được gắn huy chương Sao Bạc sau khi can đảm xông vào một toà nhà đầy mìn bẫy ở Syria để cứu một đồng đội bị thương nặng; về gia đình của Otto Warmbier, người sinh viên Mỹ chết bí ẩn trong nhà tù của chế độ Bắc Hàn; và về một thanh niên đã can đảm đào thoát khỏi Bắc Hàn và vượt qua hàng ngàn dặm xuyên qua Trung Quốc và một số quốc gia Ðông Nam Á trên đôi nạng gỗ để đến được bến bờ tự do.
Những câu chuyện trên làm người nghe phải cảm động và bài diễn văn đưa ra được những lời lẽ thuyết phục hợp lý, mang tính cách lưỡng đảng, và có thể nói Tổng thống Trump đã thành công. Một cuộc thăm dò dư luận của CBS News-YouGov ngay tối hôm đó cho thấy 75 phần trăm khán giả ủng hộ bài diễn văn trong khi chỉ có 25 phần trăm là không ủng hộ.
Nói cách khác, ông Trump đã thuyết phục được nhiều người Mỹ qua bài diễn văn “Tình hình Liên bang”.
VH