Menu Close

Câu chuyện báo Xuân

Nhớ lúc còn sinh thời, nhà văn Sơn Nam (1926-2008) từng nói rằng “Báo Xuân chính là sáng kiến lý thú nhất của người Sài Gòn”. Lý do vì hầu như trên khắp thế giới này, không hề có nơi nào báo chí ra số đặc biệt Xuân, trừ Việt Nam ta. Ngay ở Việt Nam, xưa kia cũng chẳng có tờ báo nào “chơi” số đặc biệt như vậy, mà thường chỉ in đôi dòng “Cung chúc” cùng một ít bài vở có liên quan đến chuyện Tết nhất nhân dịp Xuân về. Mãi tới lúc đón Tết Canh Ngọ 1930, tuần báo Phụ Nữ Tân Văn ở Sài Gòn (lúc ấy do bà Nguyễn Ðức Nhuận làm chủ nhiệm và ông Ðào Trinh Nhất làm chủ bút) đã nảy ra sáng kiến thực hiện số báo đặc biệt Xuân, lập tức được độc giả hoan nghênh nhiệt liệt. Khi ấy tờ báo này đã đưa bài thơ có khá nhiều chữ Xuân được in thật đậm ra ngoài trang bìa một:

“Vui xuân vui khắp xa gần

Lòng xuân phơi phới chén xuân tàng tàng.

Ðốt hương nguyện với xuân hoàng;

Sao cho nước cũ ngày càng thêm xuân?

Xuân tới xuân đi, xuân chẳng ở,

Có yêu xuân xin chớ phụ ngày xuân.

Chợ Dinh hoàn đương lúc chen chân

Chúc xuân mới quốc dân mau tiến bộ…”

cau-chuyen-bao-xuan1 Kể từ thời điểm đó trở về sau này, báo chí khắp trong Nam ngoài Bắc lần lượt noi theo, cứ hễ đến dịp gần Tết lại tập trung bài vở cho số Xuân. Thậm chí có tờ đã bắt đầu cho lên khuôn từ tháng 10 âm lịch cả hai số đặc biệt gồm số Tết Dương lịch và số Xuân trước khi in số tất niên! Có thể kể ra một số tờ báo tiêu biểu như Thành Chung, Tiếng Dội, Tin Ðiển, Phụ Nữ Diễn Ðàn, Phụ Nữ Ngày Mai, v.v… tổng cộng vào thời điểm những năm 1930 – 1940 có lúc xuất hiện trên các sạp báo khoảng hai mươi – ba mươi tờ báo Xuân như vậy!

Báo Xuân đúng là đặc biệt về mọi mặt: trình bày ấn loát rành mạch, rực rỡ, có tăng thêm trang, tăng thêm bài và dĩ nhiên cũng tăng thêm… giá bán. Nội dung gồm tổng kết tin tức nổi bật năm cũ, dự đoán tình hình năm mới, sớ Táo quân, thơ Xuân, câu đối, chuyện hoa quả và thực phẩm ngày Tết, tục lệ ăn Tết gần xa, phỏng vấn các vị chức sắc và văn nghệ sĩ, đặc biệt không thể bỏ quên mục “Năm nào chuyện ấy” ví dụ như năm Dậu nói rặt chuyện Gà, năm Ngọ nói rặt chuyện ngựa, năm Mùi nói rặt chuyện dê… Nói tới đây chợt nhớ về câu chuyện trên số báo xuân của năm Mùi phát hành vào thập niên 1930, khi ấy danh tiếng của tay Tổng đốc chuyên nịnh bợ bọn thực dân Tây Nguyễn Hữu Phương (tức Tổng đốc Phương) ảnh hưởng còn khá nặng nhưng một nhà báo đã kể lại một giai thoại độc đáo liên quan tới tay bồi Tây này, có liên quan tới con dê, chuyện như sau: Mùa xuân năm ấy quan Tổng đốc nhà ta vốn có thói quen lòn cúi, xu nịnh quan Tây bèn thuê mướn thợ quay lấy một con dê béo ú để mang đến làm quà đón giao thừa của quan và đích thân ông ta mang quà tới tận nhà dâng quan. Quan Tây nhìn con vật quay vàng nghệ bốc mùi thơm phưng phức nhưng không thể nhận ra đây là con gì nên thắc mắc hỏi. Viên Tổng đốc nịnh Tây khúm núm khi đứng trước quan Tây. Song vốn bản thân lão ta cũng không rành tiếng Tây, tiếng u, chỉ thuộc dạng “ba xí ba tú” nên lúc nghe quan Tây hỏi bèn quýnh quáng lên cũng không biết giới thiệu món quà là gì. Lúc ấy lão ta quên khuấy chữ “bouc” hay là “chèvre” để nhằm chỉ con dê hay con cừu nên lúng túng tả hình dáng của con vật bằng tiếng “Tây bồi”: “Lũy mêm xối xiêm, già na bắp, già na cót” (câu này đọc đúng theo tiếng Pháp là “Lui même chose chien, il y a parpe, il y a corne”) nghĩa là nó vừa giống như con chó nhưng có râu và có sừng. Tuy nhiên quan Tây vẫn hiểu nên tiến lại bắt tay gã Tổng đốc rồi khen lấy khen để. Nhờ vậy lão Tổng đốc chuyên bợ đỡ quan Tây đã được điểm về món quà “cái con giống con chó” ấy! Giai thoại này người viết đưa lên báo có ý mượn con vật cầm tinh của năm Mùi khi Tổng đốc Phương dùng làm quà tặng quan Tây mà ví nó như con chó, chẳng khác nào chửi tên quan Tây và cả tên Việt gian kia đều là chó. Một cách chửi thật cay độc mà có lẽ chỉ dân nhà báo mới biết chửi theo kiểu ấy mà thôi!

cau-chuyen-bao-xuan2

Như đã nói, mảnh đất Sài Gòn xưa cũng là nơi xuất hiện tờ báo Việt ngữ đầu tiên (tờ Gia Ðịnh Báo – năm 1865) đồng thời là nơi đi đầu thực hiện tờ báo Xuân, cho đến nay vẫn là trung tâm báo chí khá sôi động của cả nước. Có thể nói nơi đây báo chí đã trở thành một ngành thương mại. Cứ tới lúc năm tàn tháng tận là ngành thương mại này bắt đầu hoạt động với tốc độ và cường độ cực đại. Trước ngày những tờ báo Xuân được ấn hành, đi ra phố, nếu tình cờ nhìn thấy tay nào mặt mũi bơ phờ “đôi con mắt ố mấy lim dim” thì có thể “bói” ra đích thị anh này (hoặc cô này) là nhà báo, cam đoan đúng tới…70%!

Số lượng báo chí ở Sài Gòn vốn đã nhiều, gần Tết lại càng nhiều thêm. Cứ thử tìm tới các nhà in thì biết. Công nhân làm tăng giờ, tăng ca vẫn không xuể. Hàng loạt các tờ báo của những địa phương khác, nếu không thường xuyên thực hiện ở Sài Gòn, thì số đặc biệt Xuân thế nào cũng dồn về đây để in ấn, chí ít là cái trang bìa và mấy chục trang phụ trương quảng cáo, rồi phát hành. Mà thật ra dân Sài Gòn tiêu thụ báo Xuân phải nói là ở mức “có cỡ”. Thường nhật, mỗi người quen mua vài ba tờ báo hợp “gu”, sắp Tết liền chạy đi “vét” về nhà cả lô lốc báo Xuân. Dùng để so sánh, để làm quà hoặc để dùng chưng chơi, dành cho khách đến thăm viếng có cái để xem lúc nhàn rỗi trong phòng khách. Cũng trong dịp cuối năm, cho dù bây giờ là thời đại của công nghệ thông tin, của smartphone, nhưng bạn thử bỏ chút thời gian tìm vào các quán cà phê, tiệm may, tiệm hớt tóc, văn phòng công ty…vẫn có thể nhìn thấy những tờ báo Xuân. Một số gia đình nghèo khó, quanh năm chạy ăn từng bữa, chẳng bao giờ dám sờ tới tờ báo, đến Tết cũng dành dụm chút ít tiền mua một tờ báo Tết. Có người cho rằng Tết nhất mà thiếu vắng tờ báo Xuân cảm thấy dường như bị hụt hẫng điều gì đó. Nhớ đầu năm rồi, tôi ghé chúc Tết nhà một ông anh họ hiện đang làm việc ở một doanh nghiệp chuyên ngành gốm sứ ở Bình Dương, nhác thấy trong phòng khách, bên cạnh chậu mai vàng có bày một án thư cẩn xà cừ trông rất đẹp, trên bày biện toàn báo Xuân, từ báo chí thành phố, báo quận huyện và nhiều loại đặc san, tuyển tập, giai phẩm Xuân. Ðếm thử chắc không dưới… 60 -70 tờ!

cau-chuyen-bao-xuan

NS