Menu Close

Tạp chí Vấn Đề

Cùng với Sáng Tạo, Văn, Bách Khoa…, Vấn Đề là một tạp chí quan trọng đã đóng góp công lao vào sự hình thành và phát triển của nền văn học miền Nam. Hôm nay, sau hơn 50 năm, thiết tưởng chúng ta cần nhìn lại những di sản của quá khứ để ghi công những người đã đóng góp và học hỏi kinh nhgiệm. Bài viết sau đây là của Trần Hoài Thư trên Thư Quán Bản Thảo. NGUYỄN & BẠN HỮU

Vấn Ðề là tạp chí ra hàng tháng chuyên về chính trị, kinh tế, tài chánh, xã hội, văn học, nghệ thuật. Chủ nhiệm sáng lập: Vũ Công Trực, Chủ biên: Vũ Khắc Khoan, Thư ký tòa soạn: Thanh Tâm Tuyền. Ðến số 7, họa sĩ Duy Thanh thay Thanh Tâm Tuyền, và đến số 11, Mai Thảo thay Duy Thanh.

Trên trang bìa, ta đọc: chủ trương Vũ Khắc Khoan và Mai Thảo.

Số ra mắt phát hành vào tháng 4-1967.

Ðến số 11, Mai Thảo làm thơ ký tòa soạn. Kể từ số này Vấn Ðề có vẻ trở lại một hậu Sáng Tạo, nghiêng nặng về lĩnh vực văn hóa, ít thấy những bài chuyên môn như những số đầu.

Kể từ năm 1970, các tác giả trẻ hầu như chiếm thế thượng phong trên tạp chí Vấn Ðề. Về thơ đăng nhiều nhất là Phạm Cao Hoàng, Mường Mán, Kiệt Tấn, Phạm Thiên Thư… Về văn đăng nhiều nhất là Du Tử Lê, Ngụy Ngữ, Mang Viên Long, Trần Hoài Thư, Trần thị NGH, Từ Kế Tường…vân vân..

tap-chi-van-de

Suốt 56 số, chỉ có số 52 bị tịch thu vì một truyện của Ngụy Ngữ.

Số cuối cùng là số 56, phát hành tháng 3-1972 sau 5 năm hiện diện trên văn đàn miền Nam. Không thấy VÐ nêu lý do tại sao đình bản?!?

Nhìn vào Mục lục Số 1, ta có thể nhận ra những tên tuổi rất quen thuộc từ thời Sáng Tạo và Giao Ðiểm.

Riêng trong mục Ngoài Lề, trong bài: Tạo một không khí mới cho Văn học, Vấn Ðề kêu gọi chánh quyền nên xét lại việc kiểm duyệt văn học:

“Gần đây Thiếu tướng Kỳ đã tuyên bố bỏ kiểm duyệt báo chí trừ những tin tức liên quan đến Quốc phòng và Kinh tế.

Nếu đã bỏ phần nào kiểm duyệt cho báo chí thì tất có thể bỏ kiểm duyệt cho các tác phẩm văn học…Vì so với báo chí, tác phẩm văn học phổ biến giới hạn, ảnh hưởng tác động về chínhtrị trong quần chúng không đáng kể (…) Nhưng trái lại nó có tác động vào một thành phần nhất định nào đó và gây ảnh hưởng ngầm bền bỉ về sau. Cho nên bỏ kiểm duyệt văn học là đường lối chính trị sáng suốt biết lo lắng cho tương lai…”

Ðặc biệt số báo 21 có đăng một truyện ngắn của Hoàng Ngọc Tuấn: Hình Như Là Tình Yêu mà sau này tác giả dùng làm nhan đề cho một tập truyện và đã mang tên tuổi Hoàng Ngọc Tuấn sáng chói trên văn đàn.

Riêng về tác giả cộng tác, vẫn là những tên tuổi quen thuộc từ Văn, Bách Khoa, Khởi Hành, Sáng Tạo. Chỉ có một tên tuổi mới xuất hiện. Ðó là Trần thị NGH. với truyện ngắn Chủ Nhật, như mở đầu cho một ngòi viết nữ sung mãn, và sau này, rất quen thuộc trong văn đàn miền Nam.

Nhìn chung ta thấy Vấn Ðề không thực hiện được những điều mà tạp chí hằng ấp ủ: dùng tư tưởng và ngôn ngữ làm khí giới (giáo đầu số 1). Nó không giống như Bách Khoa, với những mục chính trị, kinh tế, tài chánh, xã hội thường xuyên.

Thỉnh thoảng chỉ có một vài bài biên khảo, hay nhận định thời cuộc, đăng rời rạc, không gây chú ý hay tác động sâu rộng vào quần chúng, xã hội bấy giờ.

Sự thất bại này được xác nhận trong bài “một lá thư một vấn đề” ở số 44, sau khi VÐ nhận 3 lá thư của một người lính đang tham dự cuộc hành quân Lam Sơn tại Hạ Lào.

Trong bài trả lời, nhóm chủ trương cho biết “có thể tất cả cố gắng khám phá sưu tầm của chúng ta sẽ chỉ dẫn đến những điều không tưởng” (một lá thư, một vấn đề, tạp chí Vấn Ðề số 49 tháng 8-1971).

Mặc dù không thực hiện được những điều đã đề ra, nhưng Vấn Ðề đã chứng tỏ là tờ tạp chí có phẩm chất cao về bài vở văn thơ, quy tụ những cây bút khá quen thuộc, mở cửa dung nạp những khuynh hướng dị biệt, nhất là tôn trọng sự tự do trong sáng tác, biết lắng nghe tiếng nói của tuổi trẻ và độc giả (qua mục thư từ bạn đọc)…

THT

Thư Quán Bản Thảo số 63 – năm 2015