Menu Close

Những ngày ‘hăm’… tết

Sau ngày Hăm Ba Tháng Chạp cúng tiễn Táo Quân chầu trời, người Việt bắt đầu tính ngày bằng âm lịch. Hỏi mười người xem đối với họ, Tết thực sự hấp dẫn là khoảng thời gian nào thì cả mười người đều nói từ ‘hăm’ trở đi, đặc biệt từ hăm bảy tới hăm chín Tết, lúc mọi giác quan của họ bị ‘bỏ bùa’ dữ dội nhất. 

nhung-ngay-ham-tet4

Ở Hà Nội, dịp giáp Tết, trời rét cắt thịt, phải mua bán, đi lại trong những con phố không có vỉa hè, xe cộ bát nháo là cả cực hình. Các bà các chị ngồi bán, ai cũng áo bông mũ len, co ro xuýt xoa, than chợ ế, bán chậm, khổ như chó thui rơm. Người đi mua, ghé xe  ghếch chân, xem hàng, nâng lên đặt xuống… Ai cũng lỉnh kỉnh hoa đào, măng miến, đường đỗ, rau thịt, đồ gia dụng. Ai cũng ‘trăm thứ bà dằn’, mệt mỏi chép miệng: ‘Thôi, chỉ dại nốt năm nay. Năm sau dứt khoát thề không tết nhất gì nữa’. Tiếc thay (mà cũng may thay), thề trăm lần, phản bội lời thề đủ trăm!

nhung-ngay-ham-tet3
Hoa trồng ở Sa Đéc được chở lên Sài Gòn

Tại Sài Gòn, thời tiết khá đỏng đảnh. Trưa nóng như thiêu. Buổi sáng và ban đêm hanh khô, lạnh ra trò. Sân bay Tân Sơn Nhất, nơi hàng ngày hơn 140 chuyến bay đáp xuống, dòng người đến- đi đông không còn chỗ chen chân. Hai bến xe Miền Ðông, Miền Tây, cũng kẹt kinh hoàng. Công nhân, sinh viên, người lao động tự do ai cũng tay xách nách mang, ngồi đứng chen chúc khổ sở, chờ mua được tấm vé. Trong tình hình nhân mãn, ‘xe mãn’ như thế, cánh phụ nữ ‘có sáng kiến’ ngồi nhà bấm smart phone đi chợ tết trên các trang web Sendo, Shopee, Lazada, Asanzo…Trước sự bùng nổ của hội chứng hàng tết trên mạng, nhiều tiểu thương bánh mứt, trái cây, bánh chưng giò thủ… chợ Ða kao, Nguyễn Thái Bình, Phạm Văn Hai không giấu được lo âu. Họ thú nhận: ‘Hồi trước rất tự tin, coi thường ‘chợ mạng’, bây giờ, bản thân cũng phải ‘mạng hóa’,  bán hàng giao tận nhà kèm khuyến mãi chậu hoa tết, món ăn tết, giúp bài trí giùm bàn thờ, chưng giùm mâm ngũ quả… Cuộc cạnh tranh giữa ảo và thực, không chỉ dừng ở lãnh vực chợ tết mà lan cả sang lãnh vực taxi. Ðiển hình là vụ tắc xi thật kiện tắc xi ảo đòi bồi thường 42 tỉ đồng.

nhung-ngay-ham-tet2
Ngoài các chợ hoa cố định, các vỉa hè cũng được tận dụng để bày bán hoa tết

Các địa chỉ vui xuân như Ðường hoa Nguyễn Huệ, Ðầm Sen, Hội Hoa Xuân Tao Ðàn, Thảo Cầm Viên, Suối Tiên… mỗi năm đều có chương trình vui xuân. Nhưng Sài Gòn ngoài chuyện vui chơi, cũng còn rất nhiều tấm lòng hào hiệp, lặng thầm đem tết tặng người vùng hẻo lánh, điển hình là nhóm từ thiện Hưởng Ơn Chúa. Ði chung với họ, chở một xe áo ấm, chăn đắp, gạo, dầu ăn, bánh tét, cả bao lì xì tới 40 gia đình nghèo ở tỉnh Ðồng Tháp, kẻ viết bài lặng người trước mức độ ‘sơ khai tiền sử’ của đồng bưng. Lần đầu tiên được tặng mền, một cụ già không còn đi được, đã lết vội ra, ôm riết vào lòng, vuốt ve, hít hà. Cụ nói: ‘Chỉ ôm không đắp, sợ ngủ quên, chúng lấy mất hổng hay’. Một cụ bà khác, chín mươi tư tuổi, thấy nồi thịt kho rệu nước dừa (một ký thịt và năm hột vịt) đã cười phô hàm răng chỉ còn đúng một ‘tiền đạo’. Cụ cho biết, lần cuối cùng được ăn thịt là năm một ngàn chín trăm… hồi đó. Cụ hỏi hồn nhiên: ‘Thơm dữ đa! quất liền giờ được hông mấy chú?’. Nghe chữ ‘quất’ bất ngờ, rặt Nam Bộ, không ai không bật cười, thú vị. Hầu hết các cụ không có khái niệm về tiền, đúng hơn là tiền mệnh giá lớn: 20,000 đồng, 50,000 đồng, 100,000 đồng. Cho cái gì cũng mừng rỡ, đòi thử ngay, mặc ngay, ăn ngay. Nhưng mừng nhất có lẽ là được chai dầu gió nước xanh. Mỗi cụ một chai, bỏ ngay vào túi áo, gài ghim tây (kim băng) mà vẫn không an tâm, chốc chốc lại rờ coi còn hay mất. Ở sâu trong bưng, nhiệt độ giữa trưa khá cao. Không nghe tiếng xe cộ, tiếng trẻ em cười đùa, tiếng chó sủa gà gáy, chỉ có tiếng gió rào rào trên mái tôn và những thân người bệnh tật, héo khô nằm một chỗ, đợi chờ…

nhung-ngay-ham-tet5
Bếp lạnh, hương tàn, Tết đó sao?
nhung-ngay-ham-tet
Chợ Tết ở Hà Nội

Nhân là năm Mậu Tuất, địa chỉ cuối cùng kẻ viết bài ghé coi Tết nhất thế nào, là ‘thế giới mộc tồn’ ở Hố Nai, Gia Kiệm (Ðồng Nai). Nhiều chủ tiệm thành thật ‘khai báo’ không thể sống bằng nghề bán thịt chó bảy món. Các giáo xứ đông người Bắc (Nam Ðịnh, Ninh Bình), người Trung (Nghệ An, Hà Tĩnh), ngày thường quán chó lai rai sống được. Ngày giáp Tết, thịt heo rớt giá, chuối, cam, thanh long bị trái cây Thái Lan cạnh tranh khốc liệt…chủ vườn, chủ trại, người thu mua, người chế biến nông sản đều buồn bã, xụi lơ. Quán chó cũng vì thế mà cùng hoàn cảnh. Hỏi anh Chong Min, người Ðại Hàn về chuyện thịt chó, năm chó, anh Chong Min nói cởi mở: ‘Hàn Quốc cũng có người thích cẩu nhục nhưng không nhiều quán thịt chó. Ngày Tết hầu như không ai ăn’.

nhung-ngay-ham-tet1
Chuẩn bị giao hoa tết tận nhà

Nhịp sống mọi nơi đều hối hả, cận Tết càng hối hả hơn, nên “ba” ngày Tết, dù giàu hay nghèo, mọi công việc được gác lại, chỉ để ăn Tết, mỗi năm chỉ  một lần, không phải không có lý do chánh đáng!

XH