Menu Close

Thế Vận Hội Mùa Đông 2018

Sau một tuần lễ tranh tài tại Bình-Xương (PyeongChang), bốn nước Na-Uy (Norway), Đức (Germany), Hoà-Lan (The Netherlands) và Gia-Nã-Đại (Canada) tiếp tục dẫn đầu bảng về số huy chương. Canada thì dĩ nhiên giỏi về hockey và curling (sẽ nói tới trong một bài khác). So với những nước Âu Châu thì Mỹ chỉ thuộc hàng trung bình trong các bộ môn thể thao mùa đông, nhưng bốn kỳ Thế vận hội (TVH) qua đã đạt được nhiều huy chương trong các môn trượt ván tuyết (snowboard), trượt tuyết (ski), đua trên băng (speed skating). Ngoài ra, đội tuyển hockey của Mỹ, nhất là đội nữ, cũng thuộc hàng tinh nhuệ, gần như lúc nào cũng vào đến tệ nhất là tứ kết hay bán kết.

2018-the-van-hoi-mua-dong5
Chloé Kim không tin nổi mình đã đoạt huy chương vàng Snowboard Halfpipe- nguồn www.teenvogue.com

Ðặc biệt năm nay đội trượt băng nghệ thuật (ice skating) của Mỹ có hai chàng trai trẻ người Mỹ gốc Tàu rất được nhiều người chú ý: Nathan Chen (19 tuổi) và Vincent Zhou (18). Trước khi TVH mở màn, Nathan Chen giữ vị trí số 1 toàn cầu sau khi đoạt huy chương vàng giải Grand Prix of Figure Skating tại Nagano (Nhật) vào tháng 12, 2017. Tại giải U.S. Championship ở Salt Lake City vào tháng 1/2018, Nathan Chen đã làm cho mọi người sửng sốt với năm cú nhảy 4-vòng, tiếng Anh gọi là quad (viết tắt của quadruple) trong một chương trình. Ðây là một kỳ tích trong lịch sử bộ môn này, vì quad là một cú nhảy cực kỳ khó, đòi hỏi kỹ thuật cao và thể lực bền bỉ. Thậm chí có những tay skater thuộc hàng quốc tế – như Adam Rippon trong đội tuyển Mỹ, không nhảy được 1 cái quad nào, đừng nói chi 2 hay 3 cái trong một bài diễn. Bởi vậy giới Ice Skating ai cũng theo dõi sát kỳ TVH này để xem Nathan Chen có đoạt được huy chương vàng hay không và sẽ đạt được thành tích nào.

2018-the-van-hoi-mua-dong4
Hai anh em Alex & Maia Shibutani của đội tuyển Mỹ đoạt huy chương Đồng môn trượt băng Đồng Đội

Trong tuần lễ đầu, Ice Skating có ba giải là Team (Ðồng Ðội), Pair (Ðôi Nam-Nữ) và Men’s Single (Ðơn Nam). Thường thì các tay skater giỏi không tham dự giải Ðồng Ðội, để dành sức để tranh giải đơn. Nhưng lần này cả hai Nathan Chen và Vincent Zhou đều tham gia, hỗ trợ cho Adam Rippon và các thành viên khác trong đội tuyển Mỹ. Mặc dù Chen bị khớp thấy rõ trong lần đầu xuất hiện tại TVH (té lên té xuống mấy bận) nhưng anh cũng trượt tạm khá đủ để kiếm điểm cho đội nhà. Vincent tuy trẻ tuổi hơn nhưng lại trượt tốt hơn, có lẽ nhờ ít bị áp lực tinh thần như Nathan. Còn Adam Rippon (28 tuổi) thì chơi trên cả tuyệt vời vì đối với anh đây là cơ hội chỉ đến một lần duy nhất trong đời, thành thử anh trượt như người chẳng có gì để mất. Trong phần Ðôi Nam-Nữ có hai anh em Alex và Maia Shibutani (gốc Nhật) cũng trượt rất vững và đóng góp nhiều điểm cho đội nhà. Cuối cùng thì đội tuyển Mỹ cũng kiếm được chiếc huy chương đồng.

Canada, với sự tham dự lần cuối cùng của siêu sao Patrick Chan (28 tuổi), đã đoạt huy chương vàng. Còn huy chương bạc thuộc về đội của “Các Lực Sĩ Thế Vận Hội đến từ Nga” (Olympic Atletes from Russia – OAR). Sở dĩ có một cái tên dài ngoằng như vậy là vì kỳ TVH này nước Nga bị cấm cửa bởi lý do nhà nước Putin bị bắt quả tang cho lực sĩ dùng thuốc kích thích (tức doping). Ðể cho công bằng, các lực sĩ Nga nào không bị dính vô vụ doping xì-căng-đan vẫn được tham dự với tính cách cá nhân, trong một nhóm được gọi là “Olympic Athletes from Russia”. Họ mặc đồng phục của Thế Vận Hội, và nếu họ thắng thì cờ và quốc thiều của Olympics sẽ được dùng trong lễ trao giải.

Trở lại với Nathan Chen của Mỹ, sau cú mở màn không mấy ấn tượng, dân Mỹ nín thở chờ xem chàng trai thần đồng này sẽ phản công ra sao trong giải Ðơn Nam. Giải này gồm có hai phần: phần thứ nhất là một chương trình ngắn khoảng 2-3 phút gọi là “Short Program”, phần thứ nhì là một chương trình dài 5-6 phút gọi là “Freestyle”. Trong phần đầu, Nathan đã gây sửng sốt thêm một lần nữa vì không những không hoàn tất được cú nhảy quad nào mà còn bị té chỏng gọng ba lần. Kết quả sau vòng đầu là Nathan Chen tuột xuống tuốt hạng 17, sau cả đồng đội Vincent Zhou và Adam Rippon và coi như không còn hy vọng gì. Trong khi đó, đương kim vô địch Yuzuru Hanyu của Nhật (huy chương vàng tại Sochi 2014) đứng nhất với cơ hội trở thành người đầu tiên từ năm 1952 để thắng hai huy chương vàng liên tiếp (người trước đó là Dick Button của Mỹ – 1948 & 1952).

2018-the-van-hoi-mua-dong3
Nathan Chen của Mỹ không giữ được thăng bằng, đánh rơi cơ hội đoạt huy chương

Sang ngày thứ nhì, bao nhiêu mong đợi vào Nathan Chen nay đã tan tành theo mây khói. Rõ ràng cậu bé 19 tuổi không chịu nổi áp lực quá lớn của Thế Vận Hội, có lẽ vì sự kỳ vọng của mọi người (và của chính bản thân anh ấy). Tuy vậy, mọi người vẫn muốn được xem Nathan Chen trượt một lần cuối trong kỳ TVH này, vì không có gì bảo đảm 4 năm nữa Chen sẽ có mặt tại Bắc-Kinh 2022, bởi lẽ đây là một môn chơi rất dễ bị chấn thương. Bằng chứng là đương kim vô địch Hanyu năm ngoái đã phải dưỡng sức gần cả năm vì bị gãy xương, những tưởng đã không tham dự được lần này.

Nhưng vì Nathan Chen không còn hy vọng thắng nên anh bèn quyết định “chơi xả láng”, “cùi không sợ lở”. Lần đầu tiên trong lịch sử Ice Skating người ta được chứng kiến không phải 3, 4, hay 5 cú quad mà là 6 cú cả thảy! Sáu cái quad, và Nathan Chen đã hoàn tất 5 cú thật hoàn hảo, chỉ trừ một cú anh hơi bị mất thăng bằng chút đỉnh nên phải chạm tay xuống mặt băng tuy vẫn không té. Thật là một kỳ tích không biết tới khi nào mới xảy ra lần nữa. Ðến nỗi nhà vô địch Dick Button, năm nay đã 88 tuổi, theo dõi trên TV cũng phải thốt lên (qua Twitter) “BEAUTIFUL! BEAUTIFUL!” (Quá đẹp!) ngay sau khi Nathan Chen vừa trượt xong.

Tối hôm ấy màn trình diễn của Nathan Chen được chấm điểm cao nhất; đang từ hạng 17 Chen vọt lên hạng nhất và trụ ở đó cho đến lúc chỉ còn năm người. Bốn trong số người đó đã từ từ đẩy Chen xuống hạng 5, mặc dù điểm của họ trong màn Freestyle yếu hơn. Ðến như Hanyu cũng không qua mặt nổi điểm Freestyle của Chen, nhưng nhờ điểm từ màn Short Program hôm trước của Hanyu quá cao nên tổng số điểm của anh đã đủ để trở thành người thứ nhì sau Dick Button thắng huy chương vàng môn Ice Skating trong hai kỳ TVH lên tiếp. Ngạc nhiên hơn cả là huy chương bạc cũng vào tay một lực sĩ Nhật tên Shoma Uno (18 tuổi), người về nhì sau Nathan Chen tại giải Grand Prix hồi tháng trước. Nối gót  Chen, Hanyu và Uno cũng nhảy 4 cái quad để kiếm điểm, nhờ vậy họ mới qua mặt được Chen, nếu không biết đâu Mỹ sẽ có thêm một huy chương nữa rồi.

Tuy không đạt được huy chương Ðơn Nam nào cả, nhưng Nathan Chen đã làm nên lịch sử với 6 cú quad, đồng thời khởi động một kỷ nguyên mới cho Ice Skating mà các chuyên gia gọi là “The Quad Era”. Hy vọng sau chuyến đi đầy vinh quang trong thất bại này Nathan Chen sẽ rút tỉa được những bài học quý giá. Bản thân Nathan Chen đã thổ lộ rằng anh đã bị áp lực bởi chính mình, đã bị viễn ảnh huy chương vàng chi phối nên anh đã trượt quá cẩn thận, tinh thần không thoải mái đủ để nhảy “hết ga”. Anh có lời khuyên các lực sĩ trẻ khác là “chỉ nên chú tâm vào việc chơi hết mình, đừng nghĩ đến kết quả vì việc đó sẽ tự nó xảy đến.”

2018-the-van-hoi-mua-dong1
Shaun White và khoảnh khắc tai nạn tại Sochi – nguồn snowbrains.com

Ông bà mình hay nói, “Thất bại là mẹ thành công!” Và trong kỳ TVH này câu nói ấy áp dụng cho siêu sao Shaun White (31 tuổi) của Mỹ là hợp nhất. Hai lần thắng huy chương vàng bộ môn Snowboard Halfpipe tại TVH 2006 (Turin, Italy) và 2010 (Vancouver, Canada), Shaun White đã về hạng 4 tại Sochi 2014, không được huy chương nào cả, trong sự thất vọng của bao người. Nhưng thay vì bỏ cuộc, Shaun White bỏ ra bốn năm luyện tập và lọt vào vòng chung kết tại Bình Xương. Ðối thủ của anh nhiều người còn rất trẻ, và sau hai lượt nhảy Ayumu Hirano (19 tuổi) của Nhật (huy chương Bạc TVH 2014) đã vượt qua mặt White để đứng đầu bảng với số điểm cực kỳ cao. Với chỉ một cú nhảy chót và cũng là cuối cùng của sự nghiệp mình, Shaun White đã đạt số điểm gần như tuyệt hảo và đoạt chiếc huy chương vàng thứ ba, một kỷ lục mới cho bộ môn này. Sau khi biết mình đã thắng, Shaun White đã bật khóc nức nở trong vòng tay của cha mẹ và anh chị em.

Về phía Nữ, Chloé Kim (17 tuổi) của Mỹ đã sốc tất cả mọi người với chiếc huy chương vàng cũng trong môn Snowboard Halfpipe. Cha cô là một di dân từ Nam Hàn, đến San Francisco trong thập niên 80 với vỏn vẹn $200 trong túi. Và như bao nhiêu di dân trước đó, ông ta cần mẫn làm việc, lập gia đình và từ từ hoà nhập vào dòng sống tại Hoa Kỳ. Khi phát hiện con gái  mê môn snowboard và tỏ ra có năng khiếu, vợ chồng ông đã hy sinh rất nhiều thì giờ và tiền bạc cho Chloé theo đuổi giấc mơ của mình. Và khi Chloé được vào đội tuyển Mỹ để tham dự TVH tại quê nhà của mình, vợ chồng ông đi theo để cổ võ cho con gái. Sau khi Chloé đoạt giải, ông đã chỉ tay vào mình và nói với phóng viên truyền hình: “American dream!”

2018-the-van-hoi-mua-dong2
Shaun White khóc nức nở sau khi thắng huy chương vàng thứ ba trong bộ môn Snowboard Halfpipe

Vâng, cuộc hành trình của ông và của Chloé đúng là định nghĩa của “Giấc mơ Mỹ”. Ðến như Thượng nghị sĩ Richard Durbin của Illinois cũng đã vinh danh Chloé Kim trong một bài diễn văn tại Thượng-Viện, nhấn mạnh đóng góp của di dân cho sự thành công của nước Mỹ. Và ông nói đúng. Các lực sĩ thế hệ thứ nhì như Chloé Kim, Nathan Chen, Vincent Zhou, hai anh em Shibutani v.v… chính là tương lai của thể thao Mỹ trong các bộ môn TVH Mùa Ðông mà các nước Á Châu như Trung Quốc, Nhật, Ðại Hàn ngày càng áp đảo. Thế Vận Hội Mùa Ðông lần này cho ta thấy khá rõ, rằng mặc dù nhỏ con nhưng dân Á Châu vẫn có thể cạnh tranh với thế giới trong các bộ môn mà nhỏ con là một lợi thế. Như Nathan Chen chẳng hạn, chỉ cao có 5’6. Hay Chloé Kim, 5’2 (rất lùn).

Trông người lại ngẫm đến ta. Về mặt thể lực người Việt cũng đâu đến nỗi, thế mà sau mấy chục năm ở Mỹ, qua đến thế hệ thứ ba rồi mà vẫn chưa thấy xuất hiện thể tháo gia nào tầm cỡ quốc gia, khoan nói đến tầm quốc tế. Có ai biết tại sao không vậy?

2018-the-van-hoi-mua-dong
Jong Jin Kim và con gái Chloé Kim khi cô bé bị gãy tay – nguồn Fabwags.com

Bảy Bụi