Hàn Quốc bắt đầu tham gia Thế Vận Hội như một quốc gia độc lập vào mùa Đông năm 1948 tại St Moritz (Thuỵ Sĩ) và Hè năm 1948 tại London (Anh Quốc). Sau đây là bài tóm lược sự tham dự của người Hàn trong các giải TVH từ đó đến nay, kể cả thời kỳ đất nước họ bị chia đôi bởi chiến tranh.

Trước hết, cần nói rõ là hai người Hàn đầu tiên thắng huy chương tại TVH là Sohn Kee-Chung (HC Vàng) và Nam Sung-yong (HC Ðồng) môn marathon (chạy đua đường trường) tại TVH mùa Hè ở Berlin (Ðức) năm 1936. Nhưng bởi khi ấy nước Hàn đang bị Nhật chiếm đóng và hai lực sĩ ấy nằm trong đội tuyển Nhật thành thử hai chiếc huy chương đó được tính như của nước Nhật.
Sau khi Nhật đầu hàng Ðồng Minh năm 1945, Ðại Hàn tham dự TVH 1948 lần đầu như một quốc gia độc lập. Năm ấy tuy đất nước chưa chính thức bị chia cắt nhưng phái đoàn Hàn Quốc chỉ đại diện cho Nam Hàn. Thành phần lực sĩ của họ khá đông đảo (50 người) và đã tranh tài trong những bộ môn: Ðua xe đạp; Ðiền kinh; Bóng rổ; Bóng tròn; Cử tạ; Quyền anh; và Ðô vật. Ngay lần ra quân đầu tiên Hàn quốc đã đoạt được HC Ðồng môn Boxing (Han Soo-Ann) và HC Ðồng môn cử tạ (Kim Sung-jip). Lần đó đội đá banh của Nam Hàn hạ Mexico 5-3 ở vòng ngoài, nhưng lại thua Thuỵ Ðiển 12-0 trong trận Tứ kết. Hai lực sĩ xe đạp còn thê thảm hơn vì đã không hoàn tất nổi cuộc đua. Chỉ có đội bóng rổ là tương đối khá, đứng đầu bảng với tỉ số thắng 3 thua 2, nhưng bị Mexico loại ở trận Tứ kết.
Tuy nhiên, so với thành quả của đội tuyển Nam Hàn tại TVH mùa Ðông 1948 vào tháng 2 trước đó thì TVH mùa Hè của Nam Hàn phải được cho là một thành công vượt bực. Nam Hàn chỉ gởi 3 lực sĩ đến St Moritz và tất cả đều về tay không. Nhưng nên nhớ rằng 1948 là lần đầu tiên cả hai Thế Vận Hội được phục hồi sau 12 năm vắng mặt do Ðệ Nhị Thế Chiến. Thành thử rất nhiều quốc gia trên thế giới vẫn còn đang trong giai đoạn kiến thiết, thậm chí nhiều nước thuộc địa cũ như Việt Nam vẫn còn chìm trong chiến tranh.
Bảng 1A bên đây cho ta một cái nhìn tổng quát về sự phát triển của nền Thể Thao của Hàn Quốc từ 1948 cho tới 1984, trước khi Hàn Quốc đứng tổ chức giải TVH Mùa Hè 1988 tại Seoul.

Ðể ý con số lực sĩ tham gia từ 50 người tại TVH 1976 (Montreal) tăng vọt lên 175 người tại TVH 1984 (Los Angeles), mặc dù Nam Hàn tẩy chay TVH 1980 tại Moscow để phản đối Liên Sô xâm chiếm Afghanistan năm 1979. Số liệu này cho ta thấy trong khoảng thời gian 8 năm ấy nhà nước Nam Hàn đã đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống thể thao toàn quốc và đào tạo được rất nhiều thể tháo gia đủ loại. Bằng chứng là tổng số huy chương họ đoạt được đã tăng từ 6 lên 19, và số HC Vàng tăng từ 1 lên 6!
Ðến mùa Hè năm 1988, khi Nam Hàn đứng ra tổ chức TVH đầu tiên trong lịch sử nước nhà thì tổng số huy chương họ đạt được đã tăng lên con số kỷ lục 33 chiếc đủ loại, trong đó có cả thảy 12 chiếc là HC Vàng. (Bảng 1B). Và dĩ nhiên cũng không lấy gì làm lạ với con số lực sĩ tham dự TVH trên sân nhà lên đến hơn 400 mạng.
Sau 1988 Nam Hàn vẫn giữ được một vị trí khá cao trong các giải TVH Mùa Hè kế tiếp, xếp vào hạng Top 12 trên thế giới. Tính đến nay, số huy chương Nam Hàn đạt được đã lên tới 267 chiếc cho TVH mùa Hè, và 70 chiếc cho TVH mùa Ðông. Ngược lại, người anh em Cộng Sản của họ ở phía Bắc làm ăn không khấm khá lắm. Cho đến nay Bắc Hàn mới kiếm được 54 chiếc huy chương cho TVH mùa Hè (16 Vàng, 16 Bạc, 22 Ðồng), và chỉ có 2 huy chương cho TVH mùa Ðông (0 Vàng, 1 Bạc, 1 Ðồng) mặc dù Bắc Hàn là xứ lạnh nhiều băng tuyết.
Nói tới TVH mùa Ðông, dân Nam Hàn đặc biệt giỏi trong bộ môn Short Track Speed Skating (đua băng vòng ngắn). Hiện nay Nam Hàn đang dẫn đầu thế giới về số huy chương TVH trong môn này (xem Bảng 2).

Ðây là một môn chơi cực kỳ sôi nổi, nhiều rủi ro và đòi hỏi phản ứng nhanh lẹ. Không hiểu vì đâu Nam Hàn lại trở thành một cường quốc môn này, tuy nhiên Trung Quốc cũng không phải tay vừa. Tại Sochi 2014 Trung Quốc đã thắng 6 chiếc huy chương môn này (2 Vàng, 3 Bạc, 1 Ðồng) trong khi Nam Hàn chỉ thắng 5 (2 Vàng, 1 Bạc, 2 Ðồng). Mặc dù năm nay Nam Hàn đứng nhất với 6 HC (3V, 1B, 2Ð), trong khi Trung Quốc chỉ có 3 chiếc (1V, 2B, 0Ð), ta có thể đoán rằng kỳ TVH mùa Ðông tới tại Bắc Kinh những con số này sẽ rất khác, vì đội chủ nhà có lợi thế và hay thắng nhiều hơn bình thường, nhất là trong những bộ môn sở trường của họ.
Trong các TVH từ năm 1948 trở đi, Trung Quốc đã biến từ con số 0 to tướng đến một cường quốc thể thao với tổng cộng 608 HC (237V, 195B, 176Ð). Riêng trong TVH mùa Hè tại Bắc Kinh năm 2008 Trung Quốc đã chiếm được 100 chiếc huy chương, cao nhất trong lịch sử của họ. Tuy con số huy chương TVH mùa Ðông của Trung Quốc xưa nay khá khiêm nhường – 9 HC tại PyeongChang, 9 HC tại Sochi, giới quan sát ai cũng tiên đoán tại Beijing 2022 họ sẽ lập kỷ lục mới.
Còn Việt Nam thì sao? Năm 1952 là lần đầu tiên Việt Nam tham dự TVH với tư cách một nước độc lập mang tên Quốc Gia Việt Nam. Sau khi đất nước bị chia cắt năm 1954 chỉ có miền Nam, tức Việt Nam Cộng Hoà, gởi phái đoàn lực sĩ tham gia TVH mỗi 4 năm mặc dù đang có chiến tranh. Sau năm 1975 việc này cũng chấm dứt luôn. Phải đến 1980 tại Moscow Việt Nam mới có mặt tại Thế Vận Hội dưới một tên khác. Từ đó đến nay Việt Nam chỉ đoạt được tổng cộng 3 HC (1V, 2B, 0Ð), tất cả đều từ TVH mùa Hè. Việt Nam chưa từng tham dự TVH mùa Ðông nào cả.

Nhiều người cho rằng những xứ nóng vùng nhiệt đới làm sao chơi được các môn thể thao mùa Ðông? Xin thưa, thật ra cũng có nhiều đội tuyển từ các vùng quanh năm suốt tháng chẳng có tuyết nhưng vẫn có mặt tại TVH mùa Ðông. Nổi tiếng nhất xưa nay là đội Bobsled đến từ đảo Jamaica. Năm nay tại Bình Xương ai cũng nể phục chàng lực sĩ Pita Taufotofua, người đảo Tonga, dám cởi trần cầm cờ vào sân vận động trong lễ khai mạc. Tuy Pita chỉ về hạng ba (đếm từ dưới lên) trong môn Cross-country Ski (băng rừng), nhưng sự cố gắng của anh đã được tưởng thưởng xứng đáng trong buổi lễ bế mạc khi anh được xuất hiện cùng một vài lực sĩ khác để đại diện cho tinh thần thể thao cao độ và được chủ tịch IOC bắt tay chụp hình chung.
Nhìn cách người Nam Hàn tổ chức Thế Vận Hội mùa Ðông tại PyeongChang, và nhìn lại chặng đường họ đã đi qua, ta không thể không ngậm ngùi khi so sánh ta với họ. Quả thật là một trời một vực. Ta thua xa họ về số huy chương đã đành, ta còn thua họ về cả văn hoá và cách hành xử trên trường thế giới. Nhìn cách người dân họ cổ võ cho đội nhà trong giải bán kết môn Curling giữa Nam Hàn và Nhật (nước ngày xưa từng đô hộ Ðại Hàn), ta thấy những nét văn minh lịch sự mà người mình chưa có. Trong số khán giả hôm ấy có một đoàn người đặc biệt đến từ Seoul để xem trận đấu. Họ là những người Bắc Hàn vượt biên, đa số còn trẻ. Nhiều người trong số đó chỉ mới được trải nghiệm tự do vài năm gần đây thôi, nhưng họ rất khác mấy trăm người cổ động viên được nhà nước Bắc Hàn gởi sang. Sau khi Nam Hàn hạ Nhật Bản 1 điểm bằng cú ném cuối cùng, họ cũng vui mừng và hô to “Nam Hàn! Nam Hàn!” Họ cũng livestream trên Facebook và chụp hình selfie lia lịa, nhưng không thấy ai cởi quần cởi áo gì cả.
Thứ Năm 9/3 tới đây, người Nam Hàn sẽ lập một kỳ tích mới: lần đầu tiên Thế Vận Hội mùa Ðông dành cho người khuyết tật – tiếng Anh gọi là Winter Paralympics, sẽ diễn ra tại Nam Hàn. Ðây là giải thể thao cho những người có ý chí sắt đá, so với các lực sĩ bình thường thì họ còn hơn một bậc. Bà con nhớ đón xem.
BB