Một chiếc tàu thủy có trọng lượng rất nặng, nhất là khi chở hàng hoá và hành khách. Nhưng tàu nổi được vì khi trọng lực kéo nó xuống dưới mặt nước, nó làm đổi chỗ một khối nước bằng với trọng lượng của con tàu, lượng nước bị đổi chỗ này đẩy con tàu lên, và lúc này nó gần như không còn cân nặng trong nước. Đó là nguyên tắc chúng ta đã coi trong số báo trước.
Chúng ta cũng đã biết về phù lực (hoặc sức nổi – bouyancy): Khi một vật nhẹ hơn số nước mà nó làm đổi chỗ, thì nó nổi. Nếu nặng hơn, nó chìm. Ngoài ra, còn có những yếu tố khác liên quan đến tình trạng chìm hay nổi của con tàu:
Trong khi phù lực đẩy tàu lên thì trọng lực kéo tàu xuống. Khi hai lực này cân bằng với nhau, tàu nổi được.

Một chiếc tàu tuy nổi được nhưng có thể bị chìm khi bị nước tràn vào. Để ngăn ngừa tình huống này, tàu có những biện pháp an toàn, chẳng hạn như những vách ngăn, chia những khu vực rộng lớn thành những diện tích nhỏ hơn.
Nếu một ngăn bắt đầu bị nước tràn vào, các vách ngăn bảo vệ cho tàu không bị chìm.

Một con tầu lớn thường có vỏ “kép”, giống như chiếc vỏ xe có thêm ruột xe bên trong, để tàu có thêm được sự bảo vệ khi chẳng may va chạm với đá, với băng sơn (iceberg).

Không khí trong vỏ tàu làm cho tỷ trọng tàu nhỏ hơn nước chung quanh tàu. Nếu tàu đụng nhằm đá bị hổng một lỗ nơi vỏ, nước sẽ tràn vào chiếm chỗ của không khí. Lúc này tỷ trọng tàu lớn hơn và sẽ chìm.