Menu Close

Thành phố người chết

Nhiều người đến New Orleans thường ghé thăm khu phố cổ French Quarter, ngồi ngoài hiên quán Café du Monde nhấm nháp ly cà phê sữa, thưởng thức chiếc bánh beignet như một cách thụ hưởng thế giới cuộc sống. Ngược lại, cách đó không xa vài ba cây số, cũng có người thơ thẩn đi tìm cảm giác tâm linh trong thế giới của người đã chết. Họ đến nghĩa trang xem mộ vì tính hiếu kỳ thích khám phá điều chưa biết trong những bộ phim kinh dị Hollywood. Thậm chí có người còn đặt tour đi xem ban đêm để tăng thêm phần kích thích qua các câu chuyện rùng rợn ma cà rồng nhập xác.

alt

Những ngôi mộ cổ có tuổi trên trăm năm tại nghĩa trang St. Louis

Tôi không phải là người có duyên viết về thế giới người chết. Nhưng không hiểu sao ba lần đi New Orleans thì hết hai lần ma đưa lối quỷ dẫn đường thế nào mà xe tôi lại rẽ vào hướng đến nghĩa trang Saint Louis một cách vô tình. Đây là một trong những nghĩa trang xưa cũ nổi tiếng với những chuyện kinh dị, thu hút nhiều khách du lịch đến viếng tìm hiểu. Cả ngàn nhà mồ lớn nhỏ được xây ngang dọc như một bàn cờ, có đường đi rộng hẹp, hoa viên tượng đá. Hầu hết mái vòm nhà mồ theo kiểu Roman, một số ít mái bằng xây lại mới đây do cơn bão Katrina làm hư hỏng. Nhà mồ của người giàu sang thường làm bằng đá hoa cương, trên nóc trang trí tượng những vị thần có cánh trong các truyền thuyết của đạo Công giáo, chung quanh rào song sắt riêng biệt. Cuối nghĩa trang là vài nhà mồ hai ba tầng cao chừng ba bốn mét được xây theo từng dãy liên kết, giống những ô hộp chồng khép lên nhau. Mỗi ô là một mộ huyệt. Chỉ cần đẩy quan tài vào, xây bít gạch, dựng tấm bia đề tên phía trước là xong. Các phần mộ kiểu này thường dành cho người quá cố trong một gia đình hay một dòng họ. Thật bất tiện khi người ta phải bắt thang leo lên quét dọn hay cúng bái hương hoa cho người thân nằm ở trên cùng.

alt


Nhà mồ có rào sắt riêng biệt nhưng bên trong huyệt không có quan tài

Thế nhưng đi giữa nghĩa trang với lối xây dựng mộ nổi lạ lùng của những người khác chủng tộc, khác ngôn ngữ, tôi chẳng thấy rờn rợn như mỗi khi bước chân vào Bình Hưng Hòa hay nghĩa địa Gò Dưa ở Sài Gòn. Có lẽ hình ảnh ma quỷ phương Tây quá lịch sự kiểu các ông các bà quý tộc và lại biết yêu điên cuồng giống trong các phim Dracula nên tôi chẳng thấy sợ chăng. Lần trước, tình cờ gặp anh bạn trẻ đồng hương đang kể chuyện ma cho nhóm khách du lịch đặt tour đến đây mà cứ tưởng nghe nhạc rap. Nghe chuyện ma bằng tiếng Mỹ thì làm sao kích thích được cảm giác sợ hãi khiến nổi da gà bằng đêm khuya nghe truyện ma của Nguyễn Ngọc Ngạn. Nhớ hồi còn nhỏ, tôi sợ ma lắm nhưng lại khoái xem Chương trình Lúc 0 giờ trên truyền hình do La Thoại Tân và Thẩm Thúy Hằng đóng. Con quỷ ban ngày là một cô gái đẹp, ban đêm khi trăng lên biến thành thây ma đi kiếm kẻ thù giết hại gia đình cô. Tôi đem chuyện này gợi ý cho anh hướng dẫn viên du lịch thêm thắt câu chuyện ma quái khi đi những tour ban đêm kể cho du khách giật mình. Anh gật gù bảo có chứ, nhiều khi phịa ra tình tiết rùng rợn để khách khoái chí tặng tiền bo nhiều nhiều. Té ra anh chàng quỷ sống này còn ma hơn mình tưởng.

alt

Nhà mồ xây hai tầng thường dành cho một dòng họ

Đi lòng vòng các khu mộ, nhìn vào những tấm bia, tôi lại nghĩ vẩn vơ về thế giới tâm linh có hay không tồn tại. Khá nhiều trước những nhà mồ đều có một bó hoa. Có lẽ người thân trong gia đình thường xuyên viếng thăm chứ không như người Việt mình chỉ có Tiết Thanh Minh mới đi tảo mộ. Anh hướng dẫn viên du lịch cho biết, hầu như các ngôi mộ chôn ở đây đều không còn quan tài. Các mộ cổ đã được cải táng sau trận lụt cách nay hơn nửa thế kỷ. Thế nhưng chính quyền thành phố vẫn giữ lại nghĩa trang với ý nghĩa bảo tồn di sản văn hóa cùng khu phố cổ French Quarter hình thành từ gần hai trăm năm trước. Ngoài nghĩa trang Saint Louis I, nơi có phần mộ của nhà đồng cốt Marie Laveau, thành phố New Orleans còn có nghĩa trang Saint Louis II và III. Nhiều nhà chính trị, tài tử và các ngôi sao nhạc Jazz được an nghỉ tại đây. Những bó hoa tôi thấy, đấy là lòng thành của những người hâm mộ dành cho người đã khuất.

Chuyện bà đồng cốt Marie Laveau có một lịch sử và huyền thoại từ rất lâu đời. Bà là người Mỹ gốc Phi Châu sinh trưởng tại New Orleans, hành nghề chiêm tinh và bùa ếm Voodoo đầy tính ma quái huyền bí. Thuật Voodoo vốn xuất phát từ những nước Phi Châu xa xôi được những người da đen mang đến đảo quốc Haiti trong thời kỳ nô lệ. Hồi ấy, thành phố New Orleans bỗng xảy ra những cơn dịch bệnh. Xác chết đem chôn tại các nghĩa trang. Ban đêm những oan hồn đó sống lại, bước ra từ những ngôi mộ. Nhiều người không tin ma quỷ, giữa đêm vào nghĩa địa để rình mò cho thỏa tính hiếu kỳ, đến sáng người ta phát hiện những thi thể nằm chết một cách bí hiểm trên các ngôi mộ lạnh lùng. Bà đồng cốt Marie Laveau dùng máu gà trống ếm bùa chú sai khiến những linh hồn quỷ ám kia không làm hại dân lành. Không chỉ thế, bà còn có thể nắm vận mệnh và số phận của bất kỳ ai bằng cách ếm những hình nhân bằng rơm bó vải. Người dân New Orleans sùng tín bà như một vị Thánh đến nỗi hình ảnh bà trở thành hiện thân của văn hóa tín ngưỡng đi vào cuộc sống qua các thế hệ của cư dân thành phố.

Người ta đến viếng mộ bà Marie Laveau để cầu xin mọi thứ, từ tiền tài cho đến tình yêu. Tôi hỏi anh chàng hướng dẫn viên du lịch về các dấu thập trên mộ có ý nghĩa như thế nào. Nhưng anh chẳng rõ nguồn gốc. Chỉ biết người ta đánh ba dấu thập XXX rồi khấn nguyện điều mình muốn xin. Nếu ai không có dịp đến nghĩa trang thì có thể cầu xin tại nhà bằng cách lên mạng, in hình ngôi mộ của bà rồi dùng viết vẽ lên ba dấu thập. Trân trọng để hình ngôi mộ trước mặt, cúi đầu thành kính và khấn: “Hỡi người đẹp Marie Laveau. Hỡi Nữ chúa Voodoo linh thiêng. Cầu xin bà ban cho con được tình yêu toại nguyện. Người con yêu lại chẳng yêu con. Cầu xin Nữ hoàng sai khiến người con yêu nhìn ngó tới con và yêu con vĩnh viễn”. Sau đó đốt tấm ảnh ngôi mộ hoặc thả xuống sông cho dòng nước cuốn đi.

alt

Mộ bà Marie Laveau, nữ chúa Voodoo

Không chỉ thế, hình tượng của bà còn là đề tài cho các thi sĩ, nhạc sĩ ca ngợi trong những bài dân ca hay nhiều bài nhạc jazz vẫn còn hát đến ngày nay. Thậm chí các nhà văn cũng trải những cảm xúc của mình lên những phép ma thuật huyền hoặc của bùa chú Voodoo để viết nên những câu chuyện kinh dị về thế giới bên kia, về các zombie (quỷ nhập tràng). Những thứ mê tín và ma quái ấy lại được nhồi nặn thành một nét văn hóa xã hội tín ngưỡng sống động xuất hiện qua những lễ hội Voodoo hay Zombie, vượt khỏi ranh giới New Orleans, thâm nhập vào nhiều vùng miền trên nước Mỹ. Chẳng thế mà hầu hết các đoàn làm phim của Hollywood đều chọn “thành phố người chết” và những khu phố đồng cốt, nghèo nàn của những người gốc Haiti ở New Orleans ảm đạm, u ám ẩn hiện trong lớp sương mù làm bối cảnh cho những bộ phim ma kinh dị.

Đâu đó trên những con đường nhỏ ngang dọc trong nghĩa trang còn in bao dấu chân và cả sự sùng bái tâm linh đến lạ lùng của người trăm năm cũ. Hình ảnh ấy phảng phất trên từng dãy mộ, lẫn khuất trong những nhà mồ mái ngói thềm rêu đầy vết hoang phế. Những nét tín ngưỡng ấy đan xen qua từng giai đoạn, cái này chồng lên cái kia làm thành một kho tàng cổ tích đầy chất ma quái mang đậm màu sắc thần bí trong thành phố người chết.

alt

Những nhà mồ cổ rêu phong

NL